1.Nhại tiếng Tây. Bài hát nói ông phỗng đá của Nguyễn Khuyến có đoạn đầu như sau:
Người đâu tên họ là gì?
Khéo thay chích chích chi chi nực cười.
Giang tay ngảnh mặt lên trời
Hay còn lo tính sự đời chi đây?
Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi
Cớ làm sao len lỏi đến chi đây?
Hay tưởng trông cây cỏ nước non này
Chí cũng rắp giang tay vào hội lạc…
Cái lạ đầu tiên của đoạn thơ là những câu hỏi liên tiếp mà tác giả đưa ra. Có gì mà phải hỏi nếu ông phỗng đá đó đầy rẫy các đền chùa. Người ta đều biết rằng đó là hình tượng tù binh Chiêm Thành đội đèn dâng hương. Dẫu không rõ tính danh nhưng người đâu thì có lạ gì mà phát vấn thế.
Cái lạ thứ hai là ở tư thế và thần sắc bức tượng đá này: Giang tay ngảnh mặt lên trời/ Hay còn lo tính sự đời chi đây. Tượng cổ quả thật không có tư thế như vậy. Tượng phỗng xưa chắp tay và nhẫn nhục, khó đọc ra sự lo tính trên gương mặt. Tượng phỗng xưa thường đặt ở vị trí thấp so với người quan sát chứ không bắt người quan sát phải ngước trông như thế. Đọc đến câu Cớ làm sao len lỏi đến chi đây? thì chúng ta nhận ra đây là phỗng đá lạ lùng chứ quyết không là phỗng đá quen thuộc. Đây là những pho tượng mới nhập ngoại, lạ lùng với vốn văn hóa Nho gia lúc đó, dị ứng với tư tưởng của Nguyễn Khuyến lúc đó. Hai chữ len lỏi chứng tỏ đối với Cụ thì ông phỗng này không chính trực, không phổ biến. Tại sao nhìn một bức tượng, không những tả tư thế, mà Nguyễn Khuyến có tâm trạng đầy hoài nghi về sự xuất hiện không được đàng hoàng của nó: lo tính sự đời chi đây, len lỏi đến chi đây, chí cũng rắp…
Đến đây, chúng ta sẽ hiểu hơn câu thơ Khéo thay chích chích chi chi nực cười. Về câu thơ này, năm 1957, khi làm tập Văn thơ Nguyễn Khuyến các học giả Hoàng Ngọc Phách – Lê Thước – Lê Trí Viễn chú thích là: Chích chích chi chi: làm ra ngây ngô không biết gì việc đời. Chú như vậy có lẽ chưa trúng chăng với một hành vi lo tính, len lỏi, rắp. Tôi cho rằng, nếu Nguyễn Khuyến hỏi tên họ pho tượng mà có người đọc cho bằng tiếng Pháp là lúc đó là dê – duýt – cờ - rít ( Jé sus – Christ ) thì với lỗ tai nhà Nho nghe lạ lùng như chim hót vậy, và họ sẽ bật lên tiếng nhại chích chích chi chi. Bốn chữ này vốn có trong thơ ca phương Đông, nó là cách hình dung tiếng nói những dị tộc của những người tự coi mình là Hoa Hạ. Nguyễn Khuyến cũng vậy chăng khi Cụ vẫn gọi người Pháp xâm lược là bạch quỉ, bạch man.
Tư tưởng chung đúc của Nguyễn Khuyến vẫn là ái quốc ưu dân, thơ văn Cụ thâm trầm tư tưởng đó, nhưng sự lựa chọn của Cụ là tùy ngộ nhi an (trong thời loạn, đành theo ngộ biến mà yên phận – Nguyễn Xuân Hiếu, Trần Mộng Chu: Khảo luận về Nguyễn Khuyến – NXB Nam Sơn 1960). Bất hợp tác với giặc Pháp nhưng Cụ không tham gia các phong trào chống Pháp sôi nổi lúc bấy giờ mà khẩu hiệu thường gặp là Bình Tây sát tả. Sự ảnh hưởng tư tưởng đó là khó tránh vì Cụ chung cục, cũng như Nguyễn Đình Chiểu trước đây quyết không quăng vùa hương, xô bàn độc để theo quân tả đạo.
Quả thật, nửa sau bài ta thấy rõ tư tưởng đó của Cụ dưới ý vị trào lộng:
Thanh Sơn tự tiếu đầu tương hạc
Thương hải thùy tri ngã diệc âu
Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu
Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác
Chén chú chén anh chén tôi chén bác
Cuộc tỉnh say say tỉnh một vài câu
Nên chăng đá cũng gật đầu.
Từ chuyện pho tượng đá, Nguyễn Khuyến quay ra đối diện với lòng mình. Chốn Thanh Sơn ư, ta tự cười tóc đã bạc như đầu hạc (không vui vẻ được nữa). Thương hải biến dời ư, ta như con cò thôi (biết làm sao bây giờ). Không chấp chuyện đâu đâu mà nhọc lòng. Túi vũ trụ này sẽ phó mặc cho đàn sau. Lạ nhỉ? Cái ông phỗng nào mà quan tâm đến vũ trụ?. Nguyễn Khuyến là nhà Nho vốn có lòng tự nhiệm đã đành (Vũ trụ nội giai ngô phận sự - Nguyễn Công Trứ). Ông phỗng đó, pho tượng đá đó phải là một biểu tượng quan trọng, có tầm vóc toàn cầu chứ không phải là cái gì quen thuộc, bình thường. Cũng vì vậy mới hi vọng thỏa hiệp mà tương tồn trong cuộc say điên đảo này: Nên chăng đá cũng gật đầu. Tóm lại, đã gian tay ngửa mặt thì khó lòng mà phỗng ta. Đó là một bức tượng Tây nhìn qua lăng kính Nguyễn Khuyến.
Nguyễn Khuyến là vậy, yêu nước lo dân nhưng bất lực, lui về, bài Tây nhưng tùy ngộ nhi an.
2.Chép tiếng Tây bằng chữ Nôm. Bằng chứng Cụ dùng tiếng Pháp trong thơ nằm ở bốn chữ “gốc sậy” và “la ga” trong bài thơ Về nghỉ nhà:
Tóc bạc lòng son chửa dám già,
Ơn vua nhờ được nghỉ về nhà.
Nước non cây cỏ còn như cũ
Ghế gậy cân đai thế cũng là.
Đất rộng biết thêm đường gốc sậy
Ngày rồi nghe hết chuyện la ga.
Ông trời có nhẽ cho ta nhỉ
Có ý sinh ta phải có ta.
Về bốn chữ trong cặp câu 5,6 có nhiều người băn khoăn. Các học giả làm sách Văn thơ Nguyễn Khuyến (1957) đã nói ở trên viết: Ví dụ: Đất rộng, biết thêm đường gốc sậy/ Ngày rồi nghe kể chuyện la ga. Chúng tôi đã hỏi nhiều người, cả con cháu nhà thơ mà chúng tôi được gặp, nhưng cũng không hiểu đích xác câu thơ nói gì. Trong trường hợp này chúng tôi hoặc “thú nhận là không biết” hoặc đưa ý riêng của mình, nhưng luôn luôn thận trọng. Ở phần chú thích, họ viết về gốc gậy: Tích này trong các bản nôm không chú thích. Có một nhà thơ lão thành cho biết đây là việc quân Pháp đánh Bãi Sậy, căn cứ địa của ông Tán Thuật. Về la ga viết: Tích này cũng không thấy chú thích. Chúng tôi nghe nói hồi đó, chính phủ thực dân, mở đường xe lửa, những gia đình ở vào đất ấy đều phải đuổi đi nơi khác. Nông dân thì phải đi phu… nên lời oán trách truyền khắp thành thị thôn quê. Có người lại nói: chuyện la ga là chuyện góp của các nơi đưa đến. Nhà ga xe lửa là một chỗ người thành thị thôn quê gặp nhau. Không hẹn mà gặp, các tác giả sách Khảo luận về Nguyễn Khuyến (1960) cũng viết: Người Pháp khi làm đường sắt nối liền hai thành phố này có đặt một ga xép tại làng Yên Đổ. Buổi ấy cách chuyên chở bằng hỏa xa thật là mới lạ đối với dân ta. Chắc hẳn nhiều người cũng đã thán phục lối chuyên chở nhanh chóng và thuận lợi ấy. Chưa kể những hành khách đi xe cũng là những người phổ biến tin tức mau lẹ nhất từ nơi này qua nơi khác. Và chỗ nhà ga chính là một trạm đón tin. Trong một bài thơ Nguyễn Khuyến cũng đã nhắc đến “truyện la ga”: Đất rộng biết thêm đường gốc gậy/ Ngày rồi nghe hết truyện la ga.
Rất tiếc là bài thơ Về nghỉ nhà không ghi rõ thời gian sáng tác. Đọc kĩ bài thơ cũng không thể quyết đoán rằng Cụ làm bài này ngay sau khi nghỉ về hay là một thời gian lâu sau đó. Chỉ biết rằng trong đời Nguyễn Khuyến đã chứng kiến hai sự kiện kiến trúc quan trọng, chấn động dư luận, cùng khánh thành vào năm 1902: Cầu Long Biên và Ga Hàng Cỏ. Ga Hàng Cỏ lúc đó được coi là một lâu đài bên bờ sông Hồng, Việt Nam. Theo kí ức người xưa, người Pháp thông minh đã biến móng nền thành các ô vuông đựng nước phục vụ hỏa xa nên sàn mát như thạch, người qua lại thường ghé vào nghỉ trưa tránh nóng nên chuyện trò râm ran. Còn dễ hơn nhà nghèo đi siêu thị máy lạnh ngày nay. Như vậy từ la gare đã được đi vào thơ Nguyễn Khuyến bằng chữ Nôm la ga. Vậy còn hai chữ gốc sậy thì sao?. Sự cẩn trọng của các học giả tiền bối khiến chúng ta khiến chúng ta cũng thận trọng theo. Đó là những từ Việt có nghĩa nhưng khi đặt vào câu thì quá khó hiểu dù các học giả đã cố tìm hiểu người địa phương là con cháu. Nay tôi theo các cụ đưa ý riêng của mình để bạn đọc cùng suy nghĩ. Rõ là không thật bắt buộc, nhưng nếu trong thế đối, hai chữ dưới là tiếng Pháp thì hai chữ trên cùng tiếng Pháp sẽ thú hơn nhiều. Vậy hai chữ đó có thể là corsaire với nghĩa là tàu (tầu) ô, tàu cướp. ăn cướp, cướp biển. Từ tiếng Pháp đó khi đọc sang tiếng Việt bồi sẽ là cộc xẩy, cộc xảy và khi viết Nôm sẽ dùng cốc và sĩ để biểu âm rồi có thể đọc là gốc sậy. Đường + tàu = đường + corsaire thì quá tinh vi và thâm thúy. Có thể vừa hiểu là đường tàu vừa có thể hiểu là đường ăn cướp nước người vì thấy đất rộng hoặc vì để rộng đất. Tiếng các người ư?. Tôi chỉ hiểu hai chữ “ăn cướp”. Chơi chữ Tây mà thật thâm Nho. Chúng ta đã từng thấy Nguyễn Khuyến nhại giọng Tây ngọng ra thơ chữ Hán mà viết Đại nhân ưng tác thỉ nhân hô, khiến ai cũng hiểu là Quan lớn nên kêu là quan lợn, thì việc Cụ chơi đối cả tiếng Pháp cũng là chuyện thường tình.
Nguyễn Khuyến là vậy. Ngày nay dù tư tưởng chúng ta thay đổi bao nhiêu đi nữa thì: Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ (Nguyễn Duy)./.