Những góc nhìn Văn hoá

Tổng thuật những thành tựu nổi bật nhất trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại ở Trung Quốc

Lời giới thiệu: Từ khi Tạp chí Văn học nước ngoài số 3 năm 1996 có đăng bản dịch Văn tâm điêu long của GS.Phan Ngọc và sau đó còn liên tiếp cho đăng và dịch những bài viết về Văn tâm điêu long của GS.Trần Thanh Đạm (số 5 năm 1996), nhà nghiên cứu Khổng Đức (số 6 năm 1996), GS.Nguyễn Khắc Phi (số 2 năm 1997), Sái Tông Tề 蔡宗齊(Zong qi Cai, số 1 năm 2008)[1] thì nghiên cứu, dịch thuật Văn tâm điêu long cơ hồ đã trở thành một mối quan tâm đáng kể của những người làm lí luận và nghiên cứu văn học Trung Quốc ở Việt Nam.

Sau khi được khởi xướng trên Tạp chí Văn học nước ngoài, liên tiếp những công trình của GS.Phương Lựu[2], TS.Dương Ngọc Dũng[3] và gần đây nhất là một bản dịch hoàn chỉnh cho Văn tâm điêu long của GS. Trần Thanh Đạm và Phạm Thị Hảo[4] đã ra đời cho thấy Văn tâm điêu long nhận được sự quan tâm đến thế nào của những nhà nghiên cứu trong nước. Kế thừa thành tựu nghiên cứu của những người đi trước, bản thân chúng tôi cũng đã cố gắng đóng góp một bài viết nhỏ in trên Tạp chí Hán Nôm[5]. Bài viết sau đây của chúng tôi là một bước đi tiếp theo nhằm chuẩn bị cho việc giới thiệu những thành tựu nghiên cứu Văn tâm điêu long mới nhất của thế giới ở Việt Nam.

Một thống kê sẽ làm cho những người có ý định làm lịch sử nghiên cứu hay nhẹ nhàng hơn là làm tổng thuật tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long 文心雕龍ở Trung Quốc đại lụccảm thấy có chút hoang mang được công bố vào năm 1995 trong một bài tựa ngắn gọn của Vương Nguyên Hóa 王元化. Theo nhà nghiên cứu nổi danh này thì nếu lấy năm 1992 làm điểm dừng, lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long đã có: 142 bộ chuyên trứ (Trung Hoa đại lục: 83; Hương Cảng Đài Loan: 42; Nhật Bản: 9; Singapo khoảng 3; chuyên trứ viết bằng tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Italia là 5); 2419 bài nghiên cứu trên các tạp chí (Trung Hoa đại lục: 1846; Hương Cảng Đài Loan: 428; Nhật Bản: 86; Hàn Quốc: 31; Singapo: 4; số bài tạp chí viết bằng Anh văn là 24)[6]. Sau đó 8 năm, tức năm 2000, theo thống kê của Trương Thiếu Khang 张少康, chỉ riêng Trung Hoa đại lục số lượng chuyên trứ đã là 215 bộ, số lượng bài tạp chí khoảng 2900 bài[7]. Số lượng những nghiên cứu ở nước ngoài bấy giờ có lẽ đã ra ngoài khả năng bao quát của những nhà nghiên cứu Trung Quốc và được mở rộng ra nhiều ngôn ngữ như Arabic, Hungarian, German, French, Vietnamese,… Từ năm 2000 đến cuối tháng 6 năm 2008 chưa ai đưa ra một thống kê chính thức[8], song ở Trung Quốc đại lục, chúng tôi sưu tầm được 1045 bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành, 56 luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, 16 chuyên trứ (con số ước đoán là có khoảng 30 chuyên trứ)! Thực tế chắc còn nhiều nghiên cứu chúng tôi chưa được biết đến. Những con số trên thực sự là một thách thức với những nhà nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại trong việc nắm bắt lịch sử nghiên cứu vấn đề. Con số này còn là một thách thức hơn nữa với những người có ý định tổng kết lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long. Tránh khỏi mô tả tiểu tiết, giới thiệu tối đa nhất có thể những nghiên cứu có ảnh hưởng, đi sâu vào hướng đề xuất một lí giải hơn là viết một biên niên sử cho nghiên cứu Văn tâm điêu long; đó những gì chúng tôi nỗ lực làm trong bài viết này.
1.                Sự khai sinh của Long học hiện đại và những thành quả nghiên cứu đã thành kinh điển.
Năm 1914, khi giáo sư Hoàng Quý Cương 黃季剛 (tức Hoàng Khản 黄侃) lần đầu tiên đưa Văn tâm điêu long vào giảng dạy ở Đại học Bắc Kinh và Cao đẳng sư phạm Võ Xương, ông hẳn cũng không ngờ rằng một thời gian sau, những nhà “Văn tâm điêu long học”文心雕龍學(Long học 龍學) đã ghi nhận nỗ lực đó như là báo hiệu khai sinh cho ngành nghiên cứu nay đã thành một “hiển học” 顯學 trong các phân ngành của Hán học. Ngay từ hai bài viết đầu tiên được công bố trên Tân Trung Quốc 新中國Đại công báo 大公報năm 1919 viết về hai thiên của Văn tâm điêu longKhoa sức 夸飾Phụ hội 附會, cho đến khi chính thức xuất bản hoàn chỉnh tác phẩm vào năm 1962 dưới cái tên Văn tâm điêu long trát kí, người ta rất dễ dàng nhận ra những điểm khác biệt giữa những nghiên cứu của Hoàng Khản với những trứ tác trước ở chỗ: những nghiên cứu này tập trung vào khám phá diễn giảng hệ thống lí thuyết của Lưu Hiệp hơn là chú giải huấn hỗ tiểu học, kinh học, hiệu khám, hay bình điểm văn bản. Trong quá khứ, việc lãnh hội lí thuyết của Lưu Hiệp gần như không phải là vấn đề khó khăn đối với những cư dân Trung Quốc, những người có lối diễn đạt và hệ thống khái niệm gần với Lưu Hiệp. Cái khó với những người này chỉ là những vấn đề danh vật, điển tích, vài từ ngữ bị cổ lão bởi quá trình phát triển tự nhiên của Hán ngữ, thế nên những trứ tác kiểu Văn tâm điêu long trát kí thường vắng bóng trong nghiên cứu Văn tâm điêu long cổ điển. Nhu cầu có những lí giải tập trung về tư tưởng của những tác phẩm như Văn tâm điêu long xảy ra khi có những cách quãng nhất định về mặt văn hóa giữa người viết và người đọc, khiến những người như Hoàng Khản xuất hiện với vai trò cầu nối văn hóa. Cống hiến của Hoàng Khản là to lớn. Ông đã vượt thoát ra khỏi môi trường văn hóa cổ với những khái niệm cũ kĩ, hạn chế khả năng biểu đạt những ý tưởng văn hóa mới mẻ, chấp nhận dùng một hệ thống khái niệm của một nền văn hóa khác (cùng với nó là cách tiếp cận khác) để truyền đạt lại quan điểm của ông về Lưu Hiệp.
          Song, đồng thời với sự khai sinh, Hoàng Khản cũng là người khai mở một nguy cơ trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại, nguy cơ này thể hiện ngay trong những trát kí của ông. Ví dụ như khi Hoàng Khản làm trát kí cho thiên Phong cốt 风骨thiên thứ 28 của Văn tâm điêu long, ông viết: “Phong cốt: đó là cách diễn đạt mượn lối so sánh với sự vật cụ thểđể nói, làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu. Văn có “ý” , phải dựa vào “ý để trình bày thành công cái “lítrong “suy nghĩ” của mình, “ý” bao trùm toàn bộ cuốn sách, lấy ví dụ tương đồng ở vạn vật thì chuyện ấy giống như làn gió (phong). Văn có “từ, dựa vào “từ” để viết ra hết những gì mình ôm ấp trong lòng, làm rõ những hệ thống lí luận, lấy ví dụ tương đồng ở vạn vậtthì đó giống như là xương (cốt). Như thế thì chúng ta biết rằng “phong” là (hay thuộc về) “ý” của văn, “cốt” là (hay thuộc về) “từ” của văn, nếu hiểu được điều đó thì sau mới không dẫm phải cái tệ nạn phù phiếm, vô bổ trong làm văn”[9]. Theo chúng tôi, khái niệm “phong” không phải là một khái niệm tương đồng với “ý”. “Phong” trong ý nghĩa của Lưu Hiệp không chỉ bao gồm trong nó nghĩa của khí tinh thần, ý tinh thần nội tại mà còn bao gồm cả những yếu tố của thế giới vật chất như sự giáo hóa của thánh nhân thành hình trong cuộc sống xã hội, những chỉ trích và châm biếm của người dưới với người trên và còn nhiều yếu tố khác nữa. Còn “ý”, với cách hiểu của Hoàng Khản chỉ là khái niệm tồn tại trong thế giới tinh thần. Tự thân nó chỉ là một phần của khái niệm “phong”. Tương tự là những lí luận về sự chênh lệch giữa khái niệm “cốt” và khái niệm “từ”. Khái niệm “cốt” là khái niệm của thế giới tinh thần, đồng thời cũng là khái niệm để chỉ những yếu tố thuộc về thế giới vật chất. Còn “từ”, khái niệm Hoàng Khản gắn cho “cốt”, lại là khái niệm đơn thuần vật chất. Do lúc này trong nhận thức thế giới của Hoàng Khản đã có ảnh hưởng của cái nhìn thế giới phân đôi bằng cặp phạm trù cơ bản vật chất – tinh thần đã ám ảnh triết học phương Tây mấy trăm năm, sự gán ghép không xứng đôi vừa lứa này đánh dấu những thay đổi trong thế giới quan và phương pháp luận của các nhà Long học, đồng thời, nó cũng gây ra những mâu thuẫn giữa truyền thống - hiện đại; giữa phương Đông - phương Tây và gây ra nhiều hiểu nhầm trong nghiên cứu Văn tâm điêu long[10]. Đến một lúc nào đó, sự thái quá sẽ khiến người ta cảm thấy người Trung Quốc đang cố gắng trình bày di sản văn luận 文论của ông cha họ theo mô hình và cách hình dung vềlí luận văn học (literature theory) mà những người châu Âu vẫn thường hình dung.
          Song Hoàng Khản và tác phẩm của Hoàng Khản có một ảnh hưởng rất rộng thời kì sau này. Người ta nói rằng khi tác phẩm của Hoàng Khản ra đời giống như một tiếng sấm làm kinh động toàn bộ văn đàn Trung Quốc[11]. Và người ta hốt hoảng điều chỉnh rất nhiều điều mà trước đây, vì giới hạn của việc đọc Văn tâm điêu long bằng góc nhìn của tu từ học hay kinh học cổ điển, họ chưa thể nhận ra. Hoàng Khản đã kéo theo sau ông một đội ngũ học trò đông đảo. Lúc này tính truyền thừa trong nghiên cứu Văn tâm điêu long mới bắt đầu rõ nét. Bánh xe văn hóa không ngừng lăn từ người thầy sang người trò. Sau khi Hoàng Khản tạ thế, những người học trò do ông đào tạo như Phạm Văn Lan 范文瀾, Lí Viết Cương 李曰剛, Phan Trọng Quy 潘重規đều trở thành những nhà Long học hàng đầu ở Đại lục, Đài Loan, Hương Cảng; những nhận định của ông vẫn còn tiếp tục khơi nguồn cho những tranh luận kéo dài mấy chục năm sau đó về Văn tâm điêu long như cuộc tranh luận về khái niệm Phong cốt[12], tranh luận về khái niệm Đạo.
Sau Văn tâm điêu long trát kí, trứ tác đáng để ý nhất được xuất bản ở Đại lục là của Phạm Văn Lan 范文澜: Văn tâm điêu long chú 文心雕龙注[13], cuốn sách được xuất bản năm 1929 dựa trên nền tảng từ cuốn Văn tâm điêu long giảng sớ 文心雕龙讲疏 của ông (xuất bản năm 1925). Định bản cho tác phẩm đáng nể này được đưa ra vào năm 1958 sau nhiều lần sửa chữa và bổ sung. Nó được coi là tập đại thành cho những nghiên cứu về Văn tâm điêu long giai đoạn đầu thế kỉ XX, là số một trong một thời kì dài trên nhiều khía cạnh: tích lũy tri thức lí giải văn bản, văn bản học, hiệu khám. Về mặt văn bản và hiệu khám, có 297 chú thích liên quan đến việc hiệu khám từ, câu. Đặc biệt, tác phẩm này là tác phẩm đầu tiên có những khảo sát cụ thể và có những chú thích rất rõ ràng, tường tận hơn hẳn những tác phẩm trước đó về việc dùng điển của Văn tâm điêu long. Việc đánh giá giá trị của tác phẩm này đối với lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long là tác nhân cho ra đời một số luận văn in rải rác trên các tạp chí Trung Quốc[14].
Tuy có ảnh hưởng lớn trên phạm vi rộng nhưng Văn tâm điêu long chú cũng như Văn tâm điêu long trát kí của Hoàng Khản đã nhanh chóng trở thành kinh điển và được coi như những cuốn sách nhập môn nghiên cứu. Thành quả nghiên cứu ban đầu của Phạm Văn Lan nhanh chóng được tiếp thu, phê phán trong các trứ tác sau này[15].
Hệ thống những tác phẩm của Dương Minh Chiếu là những trứ tác đó. Dương Minh Chiếu xuất hiện rất sớm trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại[16] và đã có những cống hiến cực to lớn. Năm 1958, ông công bố Văn tâm điêu long hiệu chú 文心雕龍校注 do Cổ điển văn học xuất bản xã 古典文學出版社ấn hành. Sau đó dựa trên nền tảng của Văn tâm điêu long hiệu chú, Dương Minh Chiếu cho ra đời Văn tâm điêu long hiệu chú thập di 文心雕龍校注拾遺 do Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社ấn hành năm 1982. Không dừng lại đó, vào năm 2000, lúc này giáo sư đã gần 90 tuổi, trên cơ sở của hai cuốn sách trước về Văn tâm điêu long, ông cho ra đời cuốn Tăng đính Văn tâm điêu long hiệu chú 增訂文心雕龍校注 do Trung Hoa thư cục 中華書局ấn hành. Một năm sau đó, năm 2001, giáo sư Dương Minh Chiếu lại tiếp tục công bố Văn tâm điêu long hiệu chú thập di bổ chính 文心雕龍校注拾遺補正 do Giang Tô cổ tịch xuất bản xã 江蘇古籍出版社 xuất bản. Ngoài ra, chúng tôi còn biết đến rất nhiều những bài nghiên cứu được ông công bố trên các tạp chí học thuật. Sức làm việc của ông quả thực rất đáng nể phục!
Nhìn chung kết cấu của Văn tâm điêu long hiệu chú và những tác phẩm sau bổ sung cho nó là theo cấu trúc này: chính văn, nguyên văn chú của Hoàng Thúc Lâm 黃叔琳đời Thanh [17], sau đó là phần bổ chú của Lí Tường[18] cuối cùng mới là phần “Dương Minh Chiếu hiệu chú thập di” 楊明照校注拾遺. Bốn bộ chuyên thư nghiên cứu Văn tâm điêu long là cả một nỗ lực phi thường của Dương Minh Chiếu trong việc kế thừa nghiên cứu của tiền nhân, vượt lên giới hạn của chính mình, liên tục học tập và phê phán bản thân. Cống hiến của Dương Minh Chiếu thể hiện qua bốn nghiên cứu này là ở chỗ: ông đã tích lũy tri thức giải thích văn bản mang màu sắc cá nhân ở mức độ sâu sắc nhất chưa từng có, cho đến tận bây giờ vẫn rất khó vượt qua; ông đính chính những chỗ còn khuyết thiếu trong chú giải của tiền nhân đặc biệt của Phạm Văn Lan; cung cấp một khối lượng tư liệu nghiên cứu đồ sộ, đặt ra và giải quyết ở mức tương đối một số vấn đề cơ bản của Long học như: vấn đề tiểu sử lai lịch của Lưu Hiệp[19], vấn đề xu hướng tư tưởng Lưu Hiệp; khảo chứng chân ngụy của phần bổ văn cho thiên Ẩn tú 隱秀.
Cùng xu hướng làm việc với Dương Minh Chiếu không thể không nhắc đến Chiêm Anh 詹鍈 và cuốn sách Văn tâm điêu long nghĩa chứng 文心雕龍義證 do Thượng Hải cổ tịch ấn hành năm 1989. Tác phẩm này rất xuất sắc trên các phương diện: 1) nghiên cứu văn bản học (ông khảo sát hơn 100 cổ bản và kết tập các thành quả hiệu khám văn bản để đưa ra quan điểm của mình); 2) thành tựu chú giải có giá trị như một tập chú cho Văn tâm điêu long; 3) nghiên cứu tư tưởng Lưu Hiệp. Trước Văn tâm điêu long nghĩa chứng, Chiêm Anh còn cho xuất bản chuyên luận của ông về phong cách học của Lưu Hiệp: Phong cách học của Văn tâm điêu long 文心雕龙的风格学 do Nhân dân văn học xuất bản xã 人民文学出版社ấn hành năm 1982, có ảnh hưởng nhất định trong giới Long học cho đến tận bây giờ. Đặc biệt, ông được coi là người mở đường cho xu hướng nghiên cứu phong cách học Văn tâm điêu long,.
Trong xu hướng nghiên cứu văn bản học, đạt thành tựu đáng kể là Văn tâm điêu long hiệu chứng 文心雕龍校證 của Vương Lợi Khí 王利器[20], học trò và cũng là người đảm nhận trọng trách cùng Phạm Văn Lan biên tập cuốn Văn tâm điêu long chú[21]. Hiệu chú của Vương Lợi Khí được hình thành trên cơ sở tằng đính cho Văn tâm điêu long tân thư 文心雕龍新書[22]. Thành quả của Văn tâm điêu long hiệu chứng được thể hiện chủ yếu là ở việc hiệu khám văn bản và kết tập những tư liệu cổ. Tác giả của cuốn sách đã tiến hành hiệu khám văn bản của Văn tâm điêu long dựa trên nền tảng một kiến thức sâu sắc về phương pháp văn bản học và cổ thư Trung Hoa. Văn bản được tác giả hiệu khám là một văn bản có ảnh hưởng rộng trong giới Long học.
Trong nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại, có những nhà nghiên cứu chủ trương phổ cập hóa tri thức Long học. Những tác phẩm của họ thường giản thể hóa nguyên văn, chú thích ngắn gọn dễ hiểu, ít đi vào những chi tiết rắc rối trong tư tưởng Lưu Hiệp. Có thể kể ra đây một số trong những tác phẩm của Mâu Thế Kim[23], Chu Chấn Phủ[24], Trương Quang Niên 张光年[25], Vương Vận Hi 王运熙[26]. Những khám phá có tính đột xuất, những khảo cứu thư tịch kĩ lưỡng rất ít gặp trong những cuốn sách dạng này, song chúng là một phần không thể thiếu khi nói về các xu thế nghiên cứu ở Trung Quốc hiện đại, giá trị của chúng cũng đã kịp trở thành kinh điển.
2.                Những xu thế nghiên cứu Văn tâm điêu long đáng chú ý những năm gần đây.
Trong nghiên cứu Văn tâm điêu long những năm gần đây, có một số xu hướng tiếp nối những thành tựu và đường hướng của các tác phẩm kinh điển nêu trên, song lại là sự tiếp nối ở một quy mô và chất lượng khác. Có thể kể ra đây tác phẩm của giáo sư Ngô Lâm Bá 吴林伯. Vào năm 2002, giáo sư Ngô Lâm Bá đã công bố Văn tâm điêu long nghĩa sớ 文心雕龙义疏, một tác phẩm mà khi được cầm trên tay chúng tôi đã biết ngay là công trình của một nhà nghiên cứu học vấn cực kì uyên thâm[27] (tuy đôi chỗ vẫn có những thiếu sót do việc chú giải dựa trên một trí nhớ tuy rất đáng nể song không phải là không có nhầm lẫn). Nghĩa sớ của giáo sư đã gợi mở nhiều đường hướng lí giải Văn tâm điêu long, từ đó đặt những nhà nghiên cứu Long học đương đại trước những thách thức cần phải vượt qua.
Những xu thế trong nghiên cứu Long học những năm trở lại đây còn tập trung vào tổng kết thành tựu nghiên cứu Long học các thời kì trước trên mọi phương diện. Đây là một nhu cầu tất yếu nảy sinh tự nhiên từ sự phát triển của nghiên cứu. Trên phương diện tổng hợp tất cả những thành tựu bình chú cho Văn tâm điêu long xuất hiện trong giai đoạn trước năm 1911 thì cuốn Văn tâm điêu long hối bình 文心雕龙汇评 của Hoàng Lâm 黄霖[28] là một tác phẩm xuất sắc. Trên khía cạnh văn bản học, năm 2004, người ta đã công bố toàn văn ảnh ấn cổ bản các văn bản Văn tâm điêu long hiếm quý, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, khuyến khích đẩy mạnh chiều sâu khoa học trong nghiên cứu văn bản học[29]. Tri thức về Văn tâm điêu long còn được thể hiện và tập hợp trong những tập san nghiên cứu xuất bản bất định kì[30] và trong hệ thống sách Văn tâm điêu long nghiên cứu 文心雕龙研究[31] do Trung Quốc Văn tâm điêu long học hội biên soạn. Những tập san và hệ thống sách này là những tư liệu quý giá, nơi lưu lại những nghiên cứu của các nhà Long học trong từng thời kì khác nhau. Xu thế tổng kết thành tựu tri thức về Văn tâm điêu long còn thể hiện rõ nét ở việc cho ra đời cuốn Từ điển Văn tâm điêu long 文心雕龙辞典 do Chu Chấn Phủ 周振甫 chủ biên[32]. Cuốn sách này là một cuốn sách công cụ quý giá tổng kết những tri thức về giải thích văn bản, thành tựu văn bản học nói chung và thành tựu hiệu khám Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long 元至正本文心雕龍 nói riêng. Cuốn sách này còn có thể được sử dụng như một bộ thư mục, một bộ lịch sử Văn tâm điêu long sơ lược...
Đỉnh cao nhất cho sự kết tập những thành tựu nghiên cứu Văn tâm điêu long các thời kì là sự ra đời của những cuốn sách, những chuyên luận về lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long. Sự xuất hiện của những công trình có tính kết tập, tổng kết tư liệu dạng này đánh dấu sự trưởng thành của một phân ngành trong Quốc học Trung Hoa, đồng thời báo hiệu sự bùng nổ trong tương lai những nghiên cứu xuất sắc trên lãnh vực này. Phê phán và nhìn nhận lại truyền thống, bao giờ cũng vậy, là để chuẩn bị cho những bước nhảy dài trong một tương lai gần. Những cuốn lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long đã xuất hiện cách đây tương đối lâu như tác phẩm của Mâu Thế Kim: Tổng quan về nghiên cứu Văn tâm điêu long ở Đài Loan 台湾文心雕龙研究鸟瞰, Sơn Đông đại học xuất bản xã 山东大学出版社ấn hành 1985; song phải sang đầu thế kỉ 21 thì những chuyên thư cũng như chuyên luận về lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long mới thực sự nở rộ. Có thể kể ra đây cuốn sách của Trương Thiếu Khang 张少康 chủ biên, Văn tâm điêu long nghiên cứu sử 文心雕龙研究史[33] như một cuốn sách tiêu biểu nhất cho xu hướng này. Cuốn sách đã tổng kết và đánh giá một cách đầy đủ nhất có thể thành tựu nghiên cứu Văn tâm điêu long trong các thời kì của Trung Quốc, Đài Loan, Hương Cảng, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Âu Mĩ và đề ra những con đường mới cho việc phát triển nghiên cứu Văn tâm điêu long trong tương lai. Cuối sách những tác giả còn cung cấp một thư mục công phu toàn bộ những nghiên cứu Văn tâm điêu long (bao gồm các chuyên thư và cả những chuyên luận) đã được xuất bản ở Trung Quốc trong suốt thế kỉ 20. Quả thực, đây là một công trình tầm vóc, phải có rất nhiều học giả trong Trung Quốc Văn tâm điêu long học hội hợp sức lại mới làm được, vai trò quan trọng nhất dĩ nhiên là của Trương Thiếu Khang, hội trưởng của Học hội[34]. Ngoài ra còn có một số chuyên trứ, chuyên luận về vấn đề này cũng rất đáng chú ý như của Trương Văn Huân 张文勋[35], Đồ Quang Xã 涂光社[36], Lí Bình 李平[37], Đảng Thánh Nguyên 党圣元 và Sư Nhã Tuệ 师雅慧[38]…cùng vô số các chuyên luận về lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long trong các giai đoạn, lịch sử những cuộc tranh luận nổ ra xung quanh những vấn đề của Văn tâm điêu long, những chuyên luận bình giá về sự nghiệp của những nhà Long học, hay những chuyên luận tổng thuật tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long ở nước ngoài[39], ở các địa khu.
Một số khuynh hướng nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại khác lại đi vào đào sâu nghiên cứu nội hàm những khái niệm, tìm tòi những lí giải mới cho những vấn đề, luận điểm được đặt ra trong Văn tâm điêu long, nghiên cứu ảnh hưởng của Văn tâm điêu long đối với các trứ tác hậu kì[40] hay nghiên cứu Văn tâm điêu long dưới góc nhìn văn hóa[41] nhằm tái hiện lại môi trường văn hóa mà Lưu Hiệp đã sáng tác nên tác phẩm của mình[42].      
Cuối cùng chúng tôi muốn lưu ý về một xu hướng mới mở ra với Văn tâm điêu long và tỏ ra rất có tiềm năng: đó là hướng nghiên cứu Thi học so sánh (Comparative Poetics). Trong đó, Văn tâm điêu long được xem xét như là một thành tố quan trọng cấu thành nên thi học Đông phương. Ở phương Tây hướng nghiên cứu này đã có nhiều kết quả với tên tuổi của Zong Qi Cai (Sái Tông Tề), Ming Dong Gu, Fu Sheng Wu,.. nhưng ở Trung Quốc, nó vẫn còn tương đối mới mẻ: Uông Hồng Chương 汪洪章cùng cuốn sách Văn tâm điêu long và văn luận Tây phương thế kỉ hai mươi 文心雕龙与二十世纪西方文论[43] là thành tựu đáng kể nhất và gần đây nhất ở hướng đi này mà chúng tôi được biết.
Trên đây là những đánh giá ngắn gọn theo quan điểm cá nhân về Long học ở Trung Quốc hiện đại. Với một phạm vi tư liệu khổng lồ mà sức người thì có hạn, chúng tôi chỉ dám trình bày những gì mà mình quan sát được. Vẫn biết rằng đó là “tọa tỉnh quan thiên”, song những mong đóng góp một cách lí giải của một cá nhân Việt Nam về chuyên ngành nghiên cứu Quốc học rất thú vị này của người Trung Quốc.

 


[1] Tạ Hương Nhi và Tạ Thanh Huyền, “Văn và sự xây dựng hệ thống lý luận trong Văn tâm điêu long”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1 năm 2008, trang 136-171, dịch từ nguyên bản tiếng Anh Zong-qi Cai, “Wen and the Construction of a Critical System in Wenxin Diaolong”, Chinese Literature: Essays, Articles, Reviews, Vol. 22. (Dec., 2000), pp. 1-29.
[2] Phương Lựu, Phương Lựu tuyển tập phần Lí luận văn học cổ điển phương Đông,Nxb Giáo dục, 2005.
[3] Dương Ngọc Dũng, Dẫn nhập tư tưởng văn học Trung Quốc, Nxb Văn học, 1997, tr.57-245
[4] Trần Thanh Đạm, Phạm Thị Hảo dịch, Văn tâm điêu long, Nhà xuất bản Văn học, năm 2007.
[5] Nguyễn Phúc Anh, “Luận giải nhan đề tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp”, in trên Tạp chí Hán Nôm, số 6 năm 2007, tr.65-71.
[6] Xin xem bài tựa của Vương Nguyên Hóa trong cuốn sách do Dương Minh Chiếu 楊明照 chủ biên: Văn tâm điêu long học tổng lãm 文心雕龍學綜覽, Thượng Hải thư điếm xuất bản xã 上海書店出版社, 1995, trang 1.
[7] Trương Thiếu Khang 张少康chủ biên: Văn tâm điêu long nghiên cứu sử 文心雕龙研究史, Bắc Kinh 北京: Bắc Kinh đại học xuất bản xã 北京大学出版社, tháng 9 - 2001, tr.597 – 704.
[8]Đảng Thánh Nguyên 党圣元 và Sư Nhã Tuệ 师雅慧:“Tổng thuật những nghiên cứu Văn tâm điêu long trong thế kỉ mới (phần thượng)”新世纪《文心雕龙》研究综述(上), Lệ Thủy học viện học báo 丽水学院学报 tháng 12 năm 2007, trang 35 cho biết rằng có 12 chuyên trứ, hơn 1000 luận văn về Văn tâm điêu long đã được xuất bản trên các báo chí Trung Quốc, 600 trong số đó là trên các báo chí trọng tâm trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến cuối năm 2006! Độ chính xác của những thống kê này còn chờ được thẩm định. Chúng tôi nghĩ con số luận văn không nhiều đến vậy.
[9] Nguyên văn chữ Hán: 風骨二者皆假於物以為喻. 文之有意, 所以宣達思理, 綱維全篇, 譬之於物, 則猶風也.文之有辭, 所攄寫中懷, 顯明條貫, 譬之於物, 則猶骨也. 必知風即文意, 骨即文辭, 然後不蹈空虛之弊. (Hoàng Khản: Văn tâm điêu long trát kí, sđd, trang 99).
[10] Sau này khi tư duy biện biệt vật chất – tinh thần đã trở thành phổ biến, khi lí luận văn học phương Tây đã ăn sâu thì cặp khái niệm ý – từ được người ta chuyển biến thành cặp khái niệm nội dung – hình thức. Khi phân loại những ý kiến lí giải khác nhau về Phong cốt, nhà nghiên cứu Phù Dục Tĩnh 符欲靜 trong “Thuật lại và bình luận về tình hình luận bàn khái niệm Phong cốt trong Văn tâm điêu long ở thế kỉ hai mươi”20 世纪文心雕龙风骨论研究述评, Hứa Xương học viện học báo 许昌学院学报, quyển 24 kì 4 第24卷第4期, năm 2005, trang 134 – 138 đã không ngần ngại mà gọi những lí giải của Hoàng Khản về Phong cốt là “thuyết giải thích Phong cốt từ góc độ nội dung và hình thức” 内容形式说 (trang 134).
[11] Trương Thiếu Khang: Văn tâm điêu long nghiên cứu, sđd, trang 4.
[12] Xem tổng thuật của Phù Dục Tĩnh: tư liệu đã dẫn.
[13] Phạm Văn Lan: Văn tâm điêu long chú, Nhân dân văn học xuất bản xã, tháng 9 năm 1962; hay một phiên bản khác chúng tôi có trong tay là Phạm Văn Lan: Văn tâm điêu long chú, Đài Loan Khai Minh thư điếm 臺灣開明書店, ấn hành tháng 5, năm Dân Quốc thứ 82.
[14] Ví dụ như của Mâu Thế Kim 牟世金: “Bổ chính những chú giải của Phạm Văn Lan trong Văn tâm điêu long《文心雕龙》的范注补正”, in trên Xã hội khoa học chiến tuyến 社会科学战线, kì 4 năm 1984, tr.233-246; hay Lí Bình 李平: “Lại bàn về tác phẩm Văn tâm điêu long chú, trước tác thời kì đầu của Phạm Văn Lan”也谈范文澜早期著作《文心雕龙注》 in trên tạp chí Học thuật giới 学术界, số 4 năm 2003, trang 101-104; hoặc bài viết của Lưu Dược Tiến 刘跃进: “Cột mốc trong nghiên cứu Văn tâm điêu long – Đọc Văn tâm điêu long chú của Phạm Văn Lan”《文心雕龙》研究的里程碑读范文澜《文心雕龙注》 in trên Giang Tô hành chính học viện học báo 江苏行政学院学报, số 2 năm 2005, trang 109-114…
[15] Sau giai đoạn của Hoàng Khản và Phạm Văn Lan còn xuất hiện nhiều trước tác kinh điển nghiên cứu về Văn tâm điêu long khác mà chúng tôi chỉ xin điểm tên như: Tào Tụ Nhân 曹聚仁: Văn tâm điêu long, Thượng Hải Tân Hoa thư điếm 上海新华书店, xuất bản năm 1929. Diệp Trường Thanh 葉長青: Văn tâm điêu long tạp kí 文心雕龍雜記 do Phúc Châu Chức Trung ấn loát xưởng ấn loát 福州職中印刷廠印刷, tháng 7 năm 1933; tác phẩm của Trang Thích 莊適: Văn tâm điêu long tuyển chú 文心雕龍選注, Thương Vụ ấn thư quán 商務印書館, 1934; Đỗ Thiên Ma 杜天縻: Quảng chú Văn tâm điêu long 廣注文心雕龍, Thế giới thư cục ấn hành 世界書局印行, 1935. Tất cả đều có giá trị lịch sử trong một thời đoạn nhất định.
[16] Năm 1937 với “Phạm Văn Lan Văn tâm điêu long chú cử chính”范文瀾文心雕龍注舉正 in trên Văn học học báo 文學學報 số 3 tháng 5 năm 1937.
[17] Văn bản độc lập của Hoàng Thúc Lâm黃叔琳đời Thanh 清có tên Văn tâm điêu long tập chú  文心雕龍輯注, năm 1957, Trung Hoa thư cục中華書局in phỏng cổ văn bản này.
[18] Ban đầu trứ tác của Lí Tường mang tên Văn tâm điêu long Hoàng chú bổ chính 文心雕龍黃注補正 hoàn thành vào năm 1909 và được đăng lần lượt trên Quốc túy học báo 國粹學報, để rồi vào năm 1916 được thu vào Long Khê Tinh Xá tùng thư 龍溪精舍叢書với cái tên Văn tâm điêu long bổ chú 文心雕龍補注.
[19] Nếu muốn nghiên cứu tường tận về lai lịch và tiểu sử của Lưu Hiệp không thể không đọc Lương thư Lưu Hiệp truyện tiên chú 梁书刘勰传笺注in trong sách Tằng đính Văn tâm điêu long 增訂文心雕龍của Dương Minh Chiếu 楊明照, Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục 北京: 中華書局, quyển thượng, 2000, trang 23.
[20] Vương Lợi Khí 王利器: Văn tâm điêu long hiệu chứng 文心雕龍校證, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, tháng 8 năm 1980.
[21] Ông này đã giúp đỡ thầy mình đính chính 500 chú văn trong Văn tâm điêu long chú mà từ chối đứng tên cùng Phạm Văn Lan khi được thầy đề nghị. Dẫn theo Lí Bình 李平: “Khảo và biện luận về những đính chính bổ sung của Vương Lợi Khí cho những chú thích của Phạm Văn Lan” 王利器 “范注” 订补考辨, in trên Văn hiến 文献, kì 2 tháng 4 năm 2002, trang 276.
[22] Văn tâm điêu long tân thư được xuất bản ở Pháp năm 1951 rất ít được biết đến và lưu truyền chủ yếu trong giới Long học.
[23] Các tác phẩm như: Mâu Thế Kim, Lục Khản Như 陆侃如: Lưu Hiệp và Văn tâm điêu long 刘勰和文心雕龙, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1978; Mâu Thế Kim: Lưu Hiệp niên phổ vựng khảo 刘勰年谱汇考, Ba Thục thư xã, 1988; Mâu Thế Kim: Điêu long hậu tập 雕龙后集, Sơn Đông đại học xuất bản xã, 1993; Mâu Thế Kim, Lục Khản Như: Văn tâm điêu long dịch chú 文心雕龙译注, Tề Lỗ thư xã, 1995; Mâu Thế Kim: Văn tâm điêu long nghiên cứu 文心雕龙研究, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1995.
[24] Các công trình loại này của Chu Chấn Phủ như Văn tâm điêu long tuyển dịch, Trung Hoa thư cục, 1980; Văn tâm điêu long kim dịch – Phụ từ ngữ giản thích 文心雕龙今译 - 附词语简释, Trung Hoa thư cục 中华书局, 1986; Văn tâm điêu long chú thích 文心雕龙注释, Nhân dân văn học xuất bản xã 人民文学出版社ấn hành năm 1981 và tái bản năm 1998; Chu Chấn Phủ chủ biên: Văn tâm điêu long từ điển 文心雕龙辞典, Trung Hoa thư cục 中华书局, 1996.
[25] Tác phẩmTrương Quang Niên 张光年: Văn tâm điêu long bản dịch biền văn 骈体语译文心雕龙, Thượng Hải thư điếm xuất bản xã 上海书店出版社, năm 2001.
[26] Hai trứ tác thường được nhắc đến là: Vương Vận Hi 王运熙, Chu Phong 周锋 : Văn tâm điêu long dịch chú 文心雕龙译注, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, 1998; Vương Vận Hi 王运熙: Văn tâm điêu long thám sách 文心雕龙探索, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, năm 1986.
[27] Xem Ngô Lâm Bá 吴林伯: Văn tâm điêu long nghĩa sớ 文心雕龙义疏, Vũ Hán đại học xuất bản xã 武汉大学出版社, năm 2002.
[28] Xem Hoàng Lâm 黄霖: Văn tâm điêu long hối bình 文心雕龙汇评, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海上海古籍出版社, năm 2005.
[29] Xem Trung Quốc Văn tâm điêu long học hội – Toàn quốc cao hiệu cổ tịch chỉnh lí ủy viên hội 中国文心雕龙学会 - 全国高校古籍整理委员会: Văn tâm điêu long tư liệu tùng thư 文心雕龙资料丛书, gồm hai sách do Học uyển xuất bản xã 学苑出版社xuất bản năm 2004.
[30] Hiện giờ chúng tôi mới có trong tay sáu tập của Văn tâm điêu long học san 文心雕龙学刊 do Tề Lỗ thư xã 齐鲁书社ấn hành vào các năm 1983,1984,1986, 1988, 1992.
[31] Chúng tôi hiện có năm tập Văn tâm điêu long nghiên cứu 文心雕龙研究 do Trung Quốc Văn tâm điêu long học hội biên soạn. Tập 5 do Hà Bắc đại học xuất bản xã 河北大学出版社 xuất bản năm 2002. Bốn tập kia đều do Bắc Kinh đại học xuất bản xã 北京大学出版社 xuất bản vào các năm 1995, 1996,1998, 2000.
[32]Chu Chấn Phủ 周振甫: Văn tâm điêu long từ điển 文心雕龙辞典, Trung Hoa thư cục 中华书局, năm 1996.
[33] Trương Thiếu Khang 张少康chủ biên: Văn tâm điêu long nghiên cứu sử 文心雕龙研究史, Bắc Kinh 北京:Bắc Kinh đại học xuất bản xã 北京大学出版社, tháng 9 năm 2001.
[34] Những trước tác của Trương Thiếu Khang về Văn tâm điêu long đáng kể nhất gồm có: Văn tâm điêu long tân thám 文心雕龙新探 do Sơn Đông 山东: Tề Lỗ thư xã 齊魯书社ấn hành năm 1987; Trương Thiếu Khang chủ biên: Văn tâm điêu long nghiên cứu sử 文心雕龙研究史, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 2001; Trương Thiếu Khang: Văn tâm điêu long nghiên cứu文心雕龙研究, in trong tùng thư Hai mươi thế kỉ Trung quốc học thuật văn tồn 20世纪中国学术文存, Trần Bình Nguyên 陈平原 chủ biên, Hồ Bắc giáo dục xuất bản xã 湖北教育出版社, 2001, Trương Thiếu Khang còn là chủ biên của bộ sách Văn tâm điêu long tư liệu tùng thư mà chúng tôi đã đề cập ở phía trên.
[35] Trương Văn Huân 张文勋: Văn tâm điêu long nghiên cứu sử 文心雕龙研究史, Vân Nam đại học xuất bản xã 云南大学出版社, năm 2001.
[36] Đồ Quang Xã 涂光社: “Tường thuật và bình luận về nghiên cứu Văn tâm điêu long hiện đại” 现代文心雕龙研究述评in trên Văn học bình luận 文学评论, số 1 năm 1997, trang 142-152.
[37] Lý Bình李平: “Nhìn lại và suy nghĩ về nghiên cứu Văn tâm điêu long”文心雕龙研究的回顾与反思, in lần đầu tháng 2 năm 1999 trên An Huy sư phạm đại học học báo 安徽师范大学学报Nhân văn xã hội khoa học bản 人文社会科学版quyển 27 kì 1, tr.69 - 76 và sau được in lại trong tạp chí Phê bình và lí luận văn nghệ 文艺理论与批评, Bắc Kinh 北京 tháng 5 năm 1999, tr.121-131 với cái tên “Nhìn lại và suy nghĩ về nghiên cứu Văn tâm điêu long của Trung Quốc trong thế kỉ hai mươi” 20世纪中国文心雕龙研究的回顾与反思.
[38] Đảng Thánh Nguyên, Sư Nhã Tuệ: tư liệu đã dẫn và Đảng Thánh Nguyên, Sư Nhã Tuệ: “Tổng thuật tình hình nghiên cứu Văn tâm điêu long trong thế kỉ mới (phần hạ)” 新世纪 “文心雕龙” 研究综述 (下),in trên Lệ Thủy học viện học báo 丽水学院学报, tháng 2 kì 1 năm 2008, trang 1-6.
[39] Một ví dụ như luận văn của Lâm Kì Đàm 林其锬: “Hiện trạng và phát triển của lịch sử nghiên cứu Văn tâm điêu long ở nước ngoài” 文心雕龙研究在海外的历史现状与发展, in trên Xã hội khoa học 社会科学, kì 9 năm 1994, tr.70-73.
[40] Một cuốn sách rất đáng học tập về phương pháp trên khía cạnh này là của Uông Xuân Hoằng 汪春泓: Ảnh hưởng và truyền bá Văn tâm điêu long 《文心雕龙》的传播和影响, Học Uyển xuất bản xã 学苑出版社, năm 2002.
[41] Một hình mẫu là Vương Nguyên Hóa 王元化 với cuốn sách Văn tâm điêu long sáng tác luận  文心雕龙创作论 và phiên bản được bổ sung của nó là Văn tâm điêu long giảng sớ 文心雕龙讲疏... Hiện giờ trong tay chúng tôi có bản in lần thứ hai năm 1984 của cuốn Văn tâm điêu long sáng tác luận 文心雕龙创作论, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社xuất bản; bản in đầu vào năm 1992 của cuốn Văn tâm điêu long giảng sớ cũng do Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã ấn hành. Tuy căn cứ về mặt thời gian mà chúng ra đời nên xếp chúng vào dạng kinh điển song cách tiếp cận của chúng, nhìn chung, vẫn còn rất mới mẻ với Long học, cho đến tận bây giờ!
[42] Đa số những chuyên luận trên các báo chí Trung Quốc được viết theo xu hướng này. Bốn tháng đầu năm 2008, trong số 77 chuyên luận mà chúng tôi được biết thì có đến 24 bài được viết theo xu hướng này. Trong đó có những vấn đề đã được bàn luận nhiều trong các giai đoạn trước như các vấn đề Phong cốt 風骨, Nguyên đạo 原道, Thần tứ 神思,… có những vấn đề mới mẻ hơn như việc nghiên cứu bối cảnh văn hóa của văn luận Lưu Hiệp, ý nghĩa hiện đại thực tiễn của Văn tâm điêu long, nghiên cứu loại hình và tác dụng tu từ học trong Văn tâm điêu long,…
[43] Thượng Hải: Phục Đán đại học xuất bản xã 上海: 复旦大学出版社, tháng 5 năm 2005.
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513971

Hôm nay

2141

Hôm qua

2303

Tuần này

21908

Tháng này

220844

Tháng qua

121356

Tất cả

114513971