Một số đồng nghiệp thường nói với tôi là hiện nay rất ngại trả lời báo chí, vì những ý của mình bị “xuyên tạc” khá nhiều. Lí do nhiều phần là do trình độ và sự cẩu thả của người phỏng vấn, tường thuật. Tôi ít khi trả lời phỏng vấn nên cũng không mấy lưu ý đến điều đó, chỉ nghe và biết vậy. Thế nhưng mới rồi khi tham dự cuộc tọa đàm về cuốn Văn chương lâm nguy của Tz. Todorov, buổi tọa đàm này được hai bài báo tường thuật lại và tôi thấy đúng là có vấn đề ấy thật.
Trên báo Văn nghệ số 28, thứ Bảy ngày 9 – 7 vừa rồi có bài tổng thuật của NTBĐ, tôi đọc thấy những lời tường thuật gián tiếp biến lời của tôi thành một phát biểu rất “ngô nghê”, vô nghĩa. Tôi cũng định bỏ qua song có những câu thật không thể. Chẳng hạn: “Là một người làm lí luận phê bình, theo tôi trên thế giới chỉ có Việt Nam coi trọng vấn đề lí luận phê bình, nào là Hội đồng Lí luận Trung ương, Hội đồng Lí luận Hội Nhà văn…”. Thực ra tôi chỉ nói: “Ở Việt Nam ta, dường như có sự coi trọng quá mức lí luận phê bình. Không biết ở nước nào có nhiều Hội đồng lí luận phê bình như ở ta không: Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội đồng Lí luận phê bình Hội Nhà văn…”. Ý tứ bị thuật lại sai hết cả.

Một bài tường thuật nữa trên Sài Gòn giải phóng, ý tứ của tôi cũng bị người viết mô tả lại không thật rõ nên cũng dễ gây hiểu hiểu lầm đối với người không dự trực tiếp. Trong phát biểu của mình tôi có nói rằng: việc phân tích các yếu tố hình thức hiện nay có những biểu hiện cực đoan, tức là không thấy ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận được rằng chủ nghĩa cấu trúc, những nghiên cứu thi pháp hình thức suốt gần một thế kỉ qua có những thành tựu lớn. Chúng ta còn nhớ đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước, chúng ta đã chán ngấy với lối phê bình “tô hồng”, “bôi đen”, chỉ chăm chăm đối chiếu tác phẩm với thực tế xã hội như thế nào. Khi đó những bài viết của GS. Trần Đình Sử về thi pháp văn học xuất hiện, gây được sự say mê hứng thú trong bạn đọc. Từ bấy đến nay đã 30 năm phát triển theo hướng phân tích cấu trúc – hình thức, giờ đã thấy những dấu hiệu cực đoan nhất là ở khu vực học đường… Cái ý như vậy không thể bị hiểu sai. Nhưng bị mô tả lại thành như sau: tình trạng hăm hở với các lí thuyết phương Tây hiện nay là kết quả “tất yếu của cách phê bình hoặc quá tô hồng hoặc quá bôi đen của một thời kì”.
Thuật lại như thế làm người đọc không sao hiểu được. Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm rằng, là một người nghiên cứu giới thiệu chủ nghĩa cấu trúc, song không vì thế mà tôi hoàn toàn đồng tình với các quan điểm của cấu trúc luận và tôi thấy cần phải nói lên ý kiến chưa đồng tình hoặc “nhận thức lại” của mình. Tz. Todorov là một trong những người khởi xướng thi học cấu trúc mà ông còn “từ chối” sự nghiệp của mình, là một người giới thiệu, “ăn theo” tôi không có gì vân vi khi cần phê phán những nhược điểm của nó, nhất là lối phê bình hình thức một cách máy móc.
Nguồn: lyluanvanhoc