Đất Nghệ

Lễ hội đền Cờn, xưa và nay

Nằm ở xã ven biển Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Đền Cờn là một di tích lịch sử nổi tiếng linh thiêng của tỉnh Nghệ An. Theo xếp hạng của nhân dân thì đền Cờn đứng đầu cả về mặt nghệ thuật cũng như về mặt tín ngưỡng. Nơi đây thờ Tứ Vị Thánh Nương, là các nữ thần bảo vệ dân chài, vốn là một tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của các cư dân ven biển Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều nơi khác (1).

Cùng với di tích, từ lâu Lễ hội đền Cờn đã trở thành một lễ hội lớn nhất trong vùng. Trải qua những thăng trầm và biến thiên của lịch sử, di tích và Lễ hội đền Cờn ngày nay đã được phục hồi và trở thành điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của tỉnh Nghệ An. Bài viết này chúng tôi sẽ tập trung phác thảo lại diện mạo của Lễ hội đền Cờn từ truyền thống đến hiện tại để qua đó góp phần tìm hiểu sự vận động và biến đổi của lễ hội này trong đời sống xã hội ngày nay (2).

1. Lễ hội đền Cờn ngày xưa

Theo truyền lại thì trong truyền thống Lễ hội đền Cờn được diễn ra trong một khoảng thời gian dài từ 21 tháng Chạp năm trước đến 22 tháng Giêng năm sau, được xâu chuỗi bởi một hệ thống các lễ hội tiêu biểu sau đây:
Mở đầu cho lễ hội là hội bơi thuyền được tiến hành từ 21 đến 24 tháng Chạp của bốn giáp trong làng. Công việc chuẩn bị được các trai tráng của mỗi giáp tiến hành từ trước đó nửa tháng, bắt đầu từ việc thiết kế, bảo dưỡng đến ngâm ván thuyền, ghép thuyền, nêm chèo, hạ thuyền ngâm nước, v.v... Ngày 21 sau khi cử hành lễ tế tại đền Trong, các giáp cho bơi thử thuyền gọi là bơi trai, mỗi thuyền có 30 mái chèo, mỗi giáp cho thuyền của mình dạo quanh trước cửa đền ra lạch rồi quay về. Ngày 22 tổ chức bơi cướp cọc tiêu ở bờ sông phía tây đối diện với đền chính, tục gọi là “bơi Cọc”. Đây là một cuộc bơi có sự ganh đua quyết liệt giữa các thuyền để cướp cọc tiêu xuân trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội của dân làng. Ngày 23 là ngày tổ chức cuộc bơi dọc từ cửa đền Cờn đến hòn Hỏi Vua có trao giải vàng, tục gọi là “23 bơi Giải Vàng”. Đây cuộc bơi diễn ra sôi nổi nhất nhằm đua tài giật giải của thuyền viên bốn giáp. Ngày 24 có cuộc bơi ngang sông từ cửa đền tới giếng Giá của làng Hữu Lập bên bờ bắc của sông Mai, tục gọi là “24 bơi giếng Giá”. Tuy không treo giải nhưng cuộc bơi này cũng diễn ra không kém phần sôi động. Kết thúc cuộc bơi, nhà đền tổ chức cho các giáp bốc thăm về việc rước kiệu, rước ngai trong ngày chính hội. Theo như quy định, làng Hương Cần xưa có 4 giáp, mỗi giáp sau khi bốc thăm được rước vị thần nào trong Tứ vị thì giáp đó sẽ được thờ cúng riêng vị thần này cho đến mùa hội năm sau. Sau khi bốc thăm, các giáp làm lễ xin rước ngai - tức thần vị của thần về nhà của giáp trưởng để lập bàn thờ tế lễ và tổ chức hát nhà tơ trong bốn đêm liền cho đến ngày 28 tết mới nghỉ ngơi chuẩn bị đón năm mới.
Có thể thấy hội bơi thuyền ở đền Cờn xưa không chỉ là một hoạt động mang tính chất thể thao mà còn mang ý nghĩa tâm linh - ý nghĩa khai hội được diễn ra sôi động trước cửa đền. Tương truyền hội đua thuyền ở đền Cờn xưa đã thu hút rất đông dân chúng quanh vùng đến xem và cổ vũ. Đây cũng là một đặc trưng cho lễ hội của cư dân các làng đánh cá ven biển.
Sang ngày mồng 1 tết, dân làng tổ chức tế lễ trọng thể mừng năm mới và cầu phúc lành tại đền. Tiếp theo lễ tế là lễ hội rước thuyền Ngự du xuân. Để tổ chức lễ rước này, làng chuẩn bị hai chiếc thuyền Ngự được trang hoàng lộng lẫy chờ sẵn dưới bến trước cửa đền. Sau đó người ta rước nhà Vàng và bài vị Đế Bính cùng các vị Thánh nương xuống thuyền Ngự để đi du xuân, theo sau có bốn thuyền nhỏ hộ tống. Cuộc rước thuyền Ngự được xuất phát từ cửa đền Trong tiến đến cồn Mò Cua rồi quay ra cửa Lạch Cờn, vòng ra đền Ngoài, khi trông thấy rõ Hòn Ói mới quay về đền Trong. Ý nghĩa của cuộc rước là diễn lại sự tích gỗ thần trôi đến làng. Theo như vậy thì những nơi thuyền Ngự đi qua chính là nơi gỗ thần trôi vào và dừng lại trước khi về Hòn Ói. Tục rước thuyền Ngự du xuân là thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn của dân làng đối với các vị thần đã phù hộ che chở cho nghề chài lưới của họ.
Mồng 4 tết, dân làng tổ chức lễ tế trầu tại đền chính. Theo quy định mỗi giáp sửa soạn 4 mâm trầu cau, trầu têm cánh phượng, cau bổ 6 miếng, tất cả 16 mâm được bày đặt theo hàng lối. Các cụ cao tuổi trong ban tế lễ mũ áo chỉnh tề dàn đội hình dưới sự chỉ huy của ông chủ tế để tiến hành nghi thức tế lễ. Sau đó các mâm trầu cau được đem ra làm lộc thánh phân phát cho dân làng.
Sang ngày mồng 5, dân làng tập trung chuẩn bị cho lễ tế trâu vào, tục gọi là “tế Tam sinh” vì ngoài trâu ra còn có thêm lợn và gà. Buổi sáng, các giáp đưa trâu và lợn đến sân đền Trong để ban tổ chức chấm điểm, mỗi giáp 1 con, tổng cộng mỗi loại 4 con. Ngoài ra, còn trâu và lợn do 5 cụ già trong làng đóng góp theo quy định hàng năm để làm lễ lên lình. Theo lệ làng, chỉ có làm lễ lên lình xong thì các cụ mới được miễn toàn bộ lễ lạt để an hưởng tuổi già, được dân làng và con cháu trọng vọng. Sau khi chấm điểm (còn gọi “nghiềm”) xong, người ta mang trâu và lợn về giáp mổ, để nguyên cả con để dâng cúng thần. Sáng mồng 6, các giáp mang cỗ tế thần gồm 1 trâu, 1 lợn, 1 gà đến đền. Lễ tế được các cụ tiến hành trọng thể cùng với sự tham gia của dân làng. Tế xong, trâu và cỗ của giáp nào thì giáp đó đem về phân chia cho các vị chức sắc và dân của giáp đó.
Nằm trong các hoạt động tế tự trong dịp tết còn có lễ tế bánh được tổ chức vào ngày mồng 7, là ngày hạ cây nêu, đồng thời theo thần tích thì đó là ngày hóa của các vị thánh. Tục lệ quy định, mỗi giáp chuẩn bị 4 cái bánh dày lớn, mỗi cái được làm từ một đến hai yến gạo nếp cái và rất nhiều bánh dày nhỏ. Các mâm bánh dày nhiều tới hàng ngàn cái được bày trên mâm đồng đặt thành dãy dọc theo 9 bậc thềm cho đến tận cổng đền, hai bên có hai hàng nữ quan đứng trang trọng, uy nghiêm. Sau lễ tế của nhà đền, số bánh này được chia làm hai phần, một phần biếu các vị quan viên, một phần để phân phát cho dân các giáp.
Như vậy, trong khoảng nửa tháng trước và trong lễ Nguyên đán, các hoạt động tế tự luôn diễn ra thường xuyên ở đền Cờn, từ tế trầu đến tế Tam sinh, tế bánh chay. Bên cạnh đó các hoạt động đua thuyền, rước thuyền cũng đã góp phần làm sôi động thêm không khí lễ hội. Sự cẩn trọng, nghiêm túc trong việc chuẩn bị lễ vật cũng như tổ chức tế tự đã thể hiện sự thành kính của người dân nơi đây đối với các vị thần linh.
Lễ hội chính thức của đền Cờn được diễn ra từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Giêng. Ngày 15 chuẩn bị tế thần ở chùa và đình Chợ, là ngày tổng kiểm tra cho việc tế tự. Sáng 16, các giáp tổ chức rước kiệu và ngai lên chùa Cờn để làm lễ tụng kinh niệm Phật. Theo các cụ tục này là để các vị Thánh Nương lên chùa cảm ơn vị sư đã có công giúp mình lúc lâm nạn (!). Sang ngày 17 thì tổ chức rước Thánh ra đình Chợ để tế thành hoàng làng. Tiếp đó trong ba ngày liền 17, 18 và 19 người ta tổ chức hội chợ đầu xuân, diễn trò trình nghề, dân chúng quanh vùng tấp nập kéo về tham dự. Sáng ngày 20 các giáp tổ chức rước kiệu về đền chính để nghỉ ngơi chuẩn bị cho lễ rước gỗ thần vào lúc nửa đêm. Đêm đó, dân đinh và trai tráng các xóm nhộn nhịp chuẩn bị ở khu đền chính, dân chúng náo nức đứng chật đường làng để xem đám rước kiệu. Khoảng 3 giờ sáng ngày 21, hàng trăm dân đinh của 4 giáp nhất loạt khiêng vác bốn ngai và tàn vàng chạy xuống đền Ói, vừa chạy hát, vừa hò một vài câu ca cổ, sau mỗi câu lại hô vang “Dô phe, trời!” rồi thúc nhau chạy tiếp đến nơi tập kết. Đến mờ sáng thì lại rước ngai và tàn về.
Cũng vào lúc mờ sáng ngày 21, từ đền Trong các giáp tổ chức đám rước 4 kiệu thần xuống đón ngai và tàn, đi theo hàng lối đã bốc thăm từ trước. Đi đầu đám rước là cờ quạt, nghi trượng, kiệu, hương án rồi đến 4 trống, 4 chiêng và phường bát âm. Tiếp theo là lần lượt các kiệu: kiệu Thánh Mẫu đi đầu, tiếp theo là kiệu vua Đế Bính rồi mới đến kiệu của hai con gái của Mẫu. Đi sau là các vị chức sắc, các vị bô lão, dân làng và du khách v.v...
Hai đám rước, một từ đền Cờn đi xuống và một từ đền Ói đi lên, cùng gặp nhau ở Cửa Ngâm thì hòa làm một, ngai được đưa lên kiệu theo đúng thần vị. Sau đó các phe, giáp tổ chức ăn cỗ ngay tại bãi rộng ở Cửa Ngâm, cỗ bàn được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ theo lễ bộ. Ăn xong còn tổ chức các trò diễn dân gian như hát vè kiệu, hát trình nghề, diễn các trò liên quan đến nghề chài lưới. Khoảng 3 giờ chiều, các giáp tổ chức rước kiệu về làng theo thứ tự như lúc đi xuống. Lúc này đám rước có phần lộng lẫy hơn bởi có đầy đủ 4 kiệu, 4 ngai, 8 tàn vàng, 16 quạt, 16 tàn nỉ, các đồ khí tự, v.v... Đám rước về đến đình Thánh Ba (1) thì trời cũng sẩm tối. Đoàn rước dừng lại nghỉ tại đây khoảng nửa tiếng, sau đó tiếp tục rước Thánh về đền chính, tổ chức tế lễ, rước ngai yên vị như cũ, kết thúc lễ hội.
Như vậy, Lễ hội đền Cờn xưa được tổ chức kéo dài hơn một tháng với những hoạt động nghi lễ vừa sôi động, hoành tráng vừa nghiêm cẩn. Với tinh thần cộng đồng, đây là dịp huy động nhiều công sức và của cải của dân làng. Lễ hội đền Cờn xưa là một sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái địa phương của các làng ven biển ở Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Trên đây là Lễ hội đền Cờn được tổ chức theo nghi thức cổ truyền trước những năm 1945. Từ sau 1945, làng cũng có tổ chức lễ hội nhưng đã lược bớt một số thủ tục. Năm 1956 Lễ hội đền Cờn được tổ chức lần cuối cùng. Sau đó, trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiếp theo là cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, di tích đền Cờn từng bị hư hại bởi thời gian và sự tàn phá của con người, cùng với nó Lễ hội đền Cờn cũng vắng bóng trong đời sống của người dân. Sau năm 1989, di tích đền Cờn mới bắt đầu được khôi phục lại. Năm 1997 đền được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận là di tích quốc gia, được tái tạo và khôi phục lại khang trang thêm. Mùa xuân năm 1999, sau gần nửa thế kỷ vắng bóng - Lễ hội đền Cờn cũng được phục hồi. Từ đó đến nay trải 20 năm Lễ hội đền Cờn đã trở nên quen thuộc đối với người dân địa phương khi mỗi dịp xuân về. Tuy nhiên so với truyền thống thì Lễ hội đền Cờn ngày nay ít nhiều cũng đã có sự biến đổi.
2. Lễ hội đền Cờn ngày nay
Lấy lễ hội năm 1999 là năm khởi đầu của việc khôi phục Lễ hội đền Cờn cho thấy việc tổ chức lễ hội lần này đã có nhiều giản lược hơn so với cổ truyền. Thời điểm này do chưa có điều kiện chuẩn bị đầy đủ nên lãnh đạo các cấp ở đây đều nhất trí chỉ khôi phục đám rước kiệu thần trong ngày chính hội 21 tháng Giêng, thời gian tổ chức lễ hội gói gọn trong hai ngày 20 và 21 tháng Giêng. Tuy nhiên trước lễ hội 1 tháng các tiểu ban được thành lập dưới sự chỉ đạo của cán bộ lãnh đạo xã như: tiểu ban tổ chức, tiểu ban an ninh, tiểu ban lễ tân, tiểu ban vận động. Phần kinh phí tổ chức do huyện và xã cùng đóng góp. Ban tế lễ do các cụ đảm nhiệm, trai tráng tham gia rước kiệu được lấy từ 11 thôn xếp thành 4 đội tương ứng với 4 cỗ kiệu của 4 giáp cũ. Do các kiệu ở đền Cờn không còn nên ban tổ chức phải mượn 4 cỗ kiệu bát cống của các xã bạn.
Trong dịp tết cổ truyền, đền Cờn mở cửa liên tục để người dân và du khách đến thăm viếng. Các đội rước kiệu được tập dượt theo đội hình. Ngày 20 tháng Giêng tổ chức tổng duyệt, đám rước kiệu thần gồm đầy đủ lễ bộ bắt đầu tiến từ cổng đền đi vòng quanh làng làm khuấy động không khí ngày hội. Sau đó đám rước quay về tập kết tại bãi rộng cạnh đình để nghỉ ngơi chuẩn bị cho đám rước chính thức vào hôm sau.
Sáng sớm ngày 21, ngày hội chính thức bắt đầu bằng lễ dâng hương của đoàn đại biểu tỉnh, huyện dưới sự dẫn đầu của vị chủ lễ. Tiếp theo, đám rước kiệu trong trang phục mặc theo lối cổ dàn đội hình xuất phát từ đền Cờn. Đi đầu là tốp cờ quạt, nghi trượng, sau đó là đội chiêng trống, phường bát âm rồi đến 4 cỗ kiệu thần: Đi trước là kiệu Thánh Mẫu, tiếp theo là kiệu hai vị Thánh Nương, cuối cùng là kiệu vua Đế Bính. Mỗi cỗ kiệu do 16 người khiêng và 16 người đi bộ hộ tống. Sau tốp kiệu thần là đội phù giá gồm 20 cô gái trẻ đẹp mặc áo dài đi theo hàng dọc, tiếp theo là các cụ phụ lão, các vị chức sắc cùng khách thập phương. Cùng lúc đó đoàn thuyền gồm 6 chiếc được trang hoàng lộng lẫy cũng xuất phát chạy dọc theo ra cửa Lạch Cờn. Khi đám rước kiệu đến chân đền Ngoài thì dừng lại để các vị đại biểu, các cụ phụ lão do chủ lễ dẫn đầu lên đền làm lễ dâng hương. Kết thúc lễ dâng hương, đám rước lại quay về đền Trong theo chiều ngược lại. Lúc đó đoàn thuyền rồng cũng từ biển tiến vào cửa đền, diễn lại tích thuyền rồng vua ngự viếng thăm đền. Khi đám rước kiệu trở về tề tựu ở sân đền Trong thì ban tổ chức làm lễ khai mạc “Lễ hội đền Cờn mùa xuân năm Kỷ Mão (1999)”. Mở đầu là lời phát biểu khai mạc ngắn gọn của ông trưởng ban tổ chức lễ hội, nêu rõ ý nghĩa khôi phục lễ hội, cảm ơn sự đóng góp công sức của nhân dân địa phương cho việc tổ chức lễ hội, cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, các ban ngành. Tiếp theo, đại diện tỉnh, huyện và các đoàn thể lên phát biểu cảm tưởng về sự khôi phục lễ hội.
Kết thúc lễ khai mạc, các kiệu rước ngai và thần vị vào đền làm lễ yên vị. Buổi chiều tổ chức đại tế tại đền do ông chủ tế và ông chủ lễ chủ trì theo lối cổ truyền, có dâng hương, dâng rượu, đọc chúc văn theo lời cổ, đọc xong lại dâng hương, dâng rượu 3 lần. Sau đó chủ tế, chủ lễ lên hưởng lộc rồi phát lộc cho các vị tham gia vào ban tế lễ, các chân kiệu, chân cờ,... Tiếp theo, đến lượt các cụ bô lão cùng dân làng và khách thập phương vào đền tế lễ. Chiều tối tổ chức lễ tạ và cầu yên cho dân làng rồi đóng hội.
Trên đây là trình tự cơ bản của Lễ hội đền Cờn lần đầu tiên được khôi phục lại vào năm 1999. Rõ ràng là so với lễ hội cổ truyền kéo dài hơn một tháng với những thủ tục nghi lễ hoành tráng xưa kia thì lễ hội này đã được giản lược và có nhiều sự thay đổi về cách thức tổ chức. Tuy nhiên, có thể coi đây là cái mốc quan trọng đánh dấu sự phục hồi lễ hội này sau nhiều năm vắng bóng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương, đồng thời là khởi đầu cho sự hồi phục Lễ hội đền Cờn trong cuộc sống đương đại.
Cho đến nay về cơ bản Lễ hội đền Cờn theo một phương thức tổ chức mới đã được định hình và dần trở nên quen thuộc trong đời sống người dân ở đây. Qua khảo sát Lễ hội đền Cờn đầu xuân năm 2009 cho thấy lễ hội này đã có sự hoàn thiện hơn nhiều về quy mô so với lễ hội khôi phục lần đầu năm 1999.
Nhìn chung, từ sau lễ hội năm 1999 thì các Lễ hội đền Cờn về sau này đều được tổ chức gói gọn trong 2 ngày là 20 và 21 tháng Giêng, chiều 20 tổ chức lễ cáo yết, ngày 21 tổ chức rước kiệu và tế lễ. Về cơ bản thành phần tham gia, việc thành lập các tiểu ban, lực lượng tham gia, v.v... cũng tương tự như cách thức tổ chức của lễ hội năm 1999. Điều khác là do đời sống kinh tế của người dân ngày một được cải thiện, lễ hội được tổ chức tươm tất hơn, trang phục cho lực lượng tham gia được trang bị mới, nhà đền cũng đã có thêm 4 chiếc kiệu dùng cho đám rước do doanh nghiệp Phương Mai cung tiến từ năm 2002. Dưới đây là trình tự cơ bản của Lễ hội đền Cờn đầu năm 2009:
Tuy chưa phải là chính hội nhưng từ ngày 20 người dân và du khách khắp nơi đã tấp nập kéo về đền Cờn, các cỗ kiệu được tập kết sẵn sàng ở bãi rộng bên sân đình. Trong đêm 20, tiếng trống hội thì thùng suốt đêm. Sáng ngày 21 đám rước kiệu bắt đầu xuất phát từ đền Trong. Đi đầu đám rước là 3 thanh niên ăn mặc giả trang đeo mặt nạ Chư Bát Giới vừa đi vừa múa sênh tiền, theo sau là phường bát âm, cờ đại, trống cái do 2 người khiêng. Tiếp theo nữa là đội nữ quan trong trang phục áo dài trắng, vác gươm đao rồi đến trống, chiêng, hương án, bản văn,... theo sau là các bô lão trong trang phục áo dài khăn xếp. Nhóm thứ hai là lực lượng quần chúng khá hùng hậu được sắp xếp theo đội hình: Đi đầu là các cháu thiếu nhi trong trang phục học sinh áo trắng, quần xanh, đầu đội mũ ca-lô, lần lượt phía sau có Hội người cao tuổi trang phục quần áo và mũ màu trắng; Hội thanh niên trang phục áo xanh; Hội cựu chiến binh trang phục quân đội; Hội nông dân do các phụ nữ mặc áo dài trên tay bê các lễ vật như hoa quả, bánh trái, v.v...
Nhóm kiệu đi tiếp theo sau gồm có ban nhạc gồm có các tay chiêng và chũm chọe khua vang đường. Các kiệu lần lượt đi theo sau được phân biệt theo màu trang phục của các chân kiệu: Đi đầu là nhóm rước kiệu Thánh Mẫu trong trang phục áo màu xanh lá cây; tiếp theo là nhóm kiệu cả các vị Thánh Nương với trang phục áo đỏ, áo trắng; nhóm kiệu vua Đế Bính áo đỏ đi sau cùng. Đi phía trước mỗi kiệu đều bố trí một vài thanh niên ăn mặc giả trang để pha trò gây cười. Đi trước tốp kiệu đầu là một người bán sơn gánh hai thùng sơn lủng lẳng, quần áo mặt mũi lem luốc, vừa chạy vừa dẹo dọ pha trò; đi trước tốp kiệu thứ hai là một gia đình ăn mày, vừa lốc nhốc kéo nhau đi hát nghêu ngao “Ba yêu con vì con giống mẹ...”; trước tốp kiệu thứ ba và thứ tư đều là một người bán rượu do nam giới mặc giả nữ vừa đi vừa ưỡn ẹo làm trò, theo sau là vài ba người ăn mặc rách rưới nhún nhảy múa...
Các kiệu vừa đi vừa chạy, cứ được một đoạn thì dừng lại tung kiệu, vừa hát vừa hô hò khoan rồi nâng kiệu chạy, sau đó đi tiếp, được một đoạn lại tung hô và chạy.
Trong lúc đám rước kiệu kéo ra bãi biển thì một đoàn thuyền trang hoàng rực rỡ cũng xuất phát từ đền chính để bơi ra biển theo tích đoàn thuyền rồng vua Ngự.
Đoàn rước kiệu đi dọc đường tiến dần về bãi Ói. Tại đây đã bày sẵn lễ vật tế lễ do doanh nghiệp Phương Mai cống tiến gồm: bánh chưng, bánh nếp, hoa quả, thủ lợn, v.v... Đến nơi đoàn rước kiệu dừng lại tập kết, bày hương án chuẩn bị cho việc tế lễ. Quanh bãi đông nghịt quần chúng đến tham dự. Ban dâng hương gồm các thành phần là các bô lão trong bộ lễ phục cổ truyền và đại diện ngành văn hóa, đại diện huyện, tỉnh tề tựu tề chỉnh trước hương án. Tiếp theo, trong tiếng nhạc tấu từ băng ghi âm, buổi tế lễ được thực hiện trang trọng theo phương thức cổ truyền, có soát lễ vật, bái thần và đại diện lãnh đạo các ban ngành dâng hương, rước và đọc chúc văn. Sau các nghi thức trang trọng này là mục tung lộc. Tất cả các lễ vật dâng cúng như bánh trái, hoa quả đều được các chân kiệu tung ném ra xung quanh kéo theo trò cướp lộc diễn ra náo loạn trên bãi biển. Từ trẻ con đến người lớn ai ai cũng đua nhau tranh cướp lộc để lấy may, thật đúng là cảnh “tả tơi như đi hội”...
Sau một hồi náo loạn, lộc đã phát xong, đoàn kiệu lại chấn chỉnh đội hình quay ngược trở về. Các chân kiệu lại vừa đi vừa chạy, vừa tung hô, vừa hát hò khoan,... Các vai hề vừa đi vừa nhún nhảy diễn trò và xin tiền. Đến chân đền Ngoài thì đoàn rước dừng lại để rước hương án lên đền Ngoài làm lễ tế. Tại đây ban tế lễ lại lần lượt thực hiện các nghi thức tế lễ cổ truyền trang trọng, có dâng hương, rượu và đọc chúc văn với sự tham gia của các đại diện ban ngành. Lúc này các chân kiệu tranh thủ nghỉ ngơi, uống nước do ban tổ chức tiếp tế. Sau lễ tế ở đền Ngoài, đoàn rước kiệu tiếp tục trở về đền an vị các ngai thờ. Tiếp theo là lễ khai hội trọng thể được tổ chức ở sân đình, kết thúc bằng lễ dâng hương của các vị đại biểu. Buổi chiều khoảng 2 giờ thì làm đại tế tại đền.
Sau lễ khai hội, trên lạch sông trước cửa đền bắt đầu diễn ra các cuộc đua thuyền giữa các đội, các xóm, tiếng hò reo cổ vũ vang dội cả một vùng sông nước.
Như vậy, từ lễ hội năm 1999 đến lễ hội năm 2009, Lễ hội đền Cờn đã có phần hoàn thiện hơn về kịch bản, sinh động và ấn tượng hơn về nội dung và bài bản hơn về các thủ tục nghi lễ.
Dưới đây là một số nhận xét chính của chúng tôi về sự biến đổi của Lễ hội đền Cờn ngày nay so với lễ hội cổ truyền xưa:
a) Sự biến đổi dễ nhận biết nhất là việc rút ngắn về thời gian và lược bỏ các hình thức tế lễ. Đó là việc giản lược thời gian tổ chức lễ hội từ hơn một tháng để quy tụ lại trong hai ngày chính hội cuối cùng và lược bỏ một số lễ tế như tế trầu, tế Tam sinh, tế bánh. Đây là việc làm cần thiết phù hợp với nhu cầu tiết kiệm thời gian để tập trung lao động sản xuất của người dân.
b) Tuy đám rước kiệu vẫn được tổ chức vào ngày chính hội như trước đây nhưng về trình tự và nội dung cũng đã có sự thay đổi. Cụ thể là thay vì tổ chức hai đám rước (đám lên và đám xuống) thì ngày nay đã gộp lại thành một đám rước. Việc tổ chức ăn uống trên bãi biển cũng lược bỏ. Cùng với nó thì thời gian tiến hành đám rước cũng được rút ngắn lại. Nếu trước đây đám rước kéo dài từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều thì nay thời lượng rút xuống một nửa và gói gọn trong một buổi sáng.
c) Về quy mô và tính chất của lễ hội cũng có sự thay đổi. Nếu lễ hội ngày xưa chỉ bó hẹp trong phạm vi làng, do cộng đồng các giáp đóng góp thì lễ hội ngày nay chủ yếu lại là do chính quyền tài trợ và chỉ đạo tổ chức, được sự quan tâm của các cấp, các ban ngành từ huyện đến tỉnh. Tuy yếu tố cộng đồng có phần phai nhạt so với trước đây nhưng qua đó cho thấy đã có sự quan tâm của nhà nước đối với việc bảo tồn phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
d) Một biến đổi đáng chú ý nữa là tính chất “tân cổ giao duyên” thể hiện trong lễ hội. Đó là sự xuất hiện các yếu tố mới trong các nghi thức cổ truyền. Chẳng hạn, các chân kiệu tuy ăn mặc theo lối cổ nhưng khi chạy kiệu lại hát các bài hát của thời hiện đại, kiểu như: “Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to...”; đám ăn mày nhếch nhác tuy ăn mặc nâu sồng nhưng lại hát bài mẫu giáo “Bé lên ba bé đi mẫu giáo...”. Điều này có vẻ đối nghịch lại với các thủ tục tế lễ có phần nghiêm ngặt theo lối cổ và tạo nên sắc thái riêng cho lễ hội hiện đại.
đ) Trong lễ hội ngày nay còn xuất hiện thêm những yếu tố mới thể hiện qua sự quy củ và hoành tráng của lực lượng quần chúng tham gia đám rước. Sự có mặt của các thành phần xã hội với những bộ trang phục đặc trưng đã làm cho đám rước mang dáng vẻ của một cuộc diễu hành biểu dương lực lượng trong các ngày lễ trọng của nhà nước. Ngoài ra nó còn thể hiện ở hệ thống tăng âm, loa đài phục vụ lễ hội. Bên cạnh đó là sự mất dần các trò chơi cổ truyền để thay vào đó là các trò chơi hiện đại kiểu như quay số trúng thưởng. Tất cả nói lên dấu ấn thời hiện đại xen trong Lễ hội đền Cờn ngày nay.
3. Kết luận và kiến nghị
Tuy Lễ hội đền Cờn ngày nay đã có những biến đổi nhiều so với truyền thống, đặc biệt là việc rút ngắn về thời gian tổ chức lễ hội nhưng theo chúng tôi về cơ bản nó vẫn quy tụ và lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của lễ hội cổ truyền xưa. Đó là sự có mặt của đoàn thuyền ngự mang dáng dấp các con thuyền xưa đưa các vị thánh đi du xuân vào dịp mồng 1 tết xưa kia. Đó là các cuộc đua thuyền tranh giải với tinh thần thể thao thượng võ mà trước đây được tổ chức trong 3 ngày khai hội từ 21 đến 24 tháng Chạp. Đặc biệt đám rước kiệu vốn được coi là linh hồn của lễ hội xưa ngày nay đã được tổ chức quy củ và hoành tráng hơn, tuy có rút ngắn thời gian nhưng vẫn giữ được nét riêng độc đáo của nó với tục “chạy Ói”. Thêm vào đó là sự tham gia của các nhóm hề tạo cho không khí ngày hội càng thêm vui tươi, sinh động, phù hợp với khung cảnh đền Cờn ngày nay vẫn tái hiện lại được những nét cơ bản của lễ hội cổ truyền xưa. Chính vì thế nó đã thu hút được đông đảo người dân và du khách gần xa đến tham dự và chiêm ngưỡng.
Tuy nhiên, trên tinh thần giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống và để Lễ hội đền Cờn ngày một hoàn thiện, đáp ứng với nhu cầu của cuộc sống hiện đại thì việc tổ chức Lễ hội đền Cờn ngày nay vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung. Đây cũng là một cách để qua đó đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của các du khách gần xa. Dưới đây là một số kiến nghị ban đầu của chúng tôi về vấn đề này.
a) Làng Phương Cần (hay Kẻ Cờn xưa) vốn là một làng cổ ven biển mà những dấu tích dày đặc về quần thể di tích cổ nơi đây đã nói lên điều đó. Vì vậy việc phục hồi và tạo dựng lại Lễ hội đền Cờn cũng không nằm ngoài việc phục hồi và tái tạo lại các quần thể di tích cổ đó. Chẳng hạn, theo cổ truyền thì các đám rước kiệu xưa đều có liên quan đến các di tích khác trong làng như chùa Cờn, đình Chợ và đình Thánh Ba, nay phần lớn đã thành phế tích. Vì vậy, việc phục hồi và tái tạo các di tích cổ ở Phương Cần theo chúng tôi là một công việc mang tính chiến lược lâu dài nhằm qua đó bảo tồn, lưu giữ và giới thiệu một làng văn hóa cổ cho xứng tầm với bề dày lịch sử của nó, trong đó bao gồm cả di tích và Lễ hội đền Cờn.
b) Về cụ thể, để việc tổ chức lễ hội thêm hấp dẫn và đặc sắc hơn thì việc tái tạo lại các trò chơi dân gian mang sắc thái văn hóa biển trong lễ hội này cũng là một việc làm cần thiết. Đó là các trò “đẩy ruốc”, “bủa lưới”, “quăng chài” hoặc trò trình nghề “ngư tiều canh mục, sĩ nông công thương” xưa kia từng được các nghệ nhân dân gian trình diễn trên bãi biển Cửa Ngăm mà ký ức những người già ở đây vẫn còn ghi nhớ được.
c) Ngoài ra, để giữ gìn thuần phong mỹ tục thì một số tục lệ trong lễ hội cũng cần có sự xem xét và điều chỉnh lại. Chẳng hạn tục tung lộc và cướp lộc sau lễ tế trên bãi biển tuy có góp phần làm náo động không khí lễ hội nhưng mặt trái của nó là do một số người thiếu ý thức cố tình chen lấn, xô đẩy, tranh cướp nên thường là “lộc” thì tan nát lẫn vụn với cát còn người thì sái chân, què tay! Hoặc như tục bốc quẻ xem vận hạn cũng diễn ra khá sôi động ở khu vực cửa đền trong ngày lễ hội. Đành rằng thẻ đền Cờn xưa nay vốn nổi tiếng linh nghiệm thu hút sự tò mò của nhiều người nhưng có lẽ cũng không nên vì vậy mà các bô lão đoán quẻ trong bộ trang phục thầy đồ nho nhã ở đây lại cứ cò kè thêm bớt thậm chí gắt gỏng với du khách làm mất đi sự ấm áp, vô tư của ngày hội!
Đền Cờn - Hà Nội, tháng 6 năm 2009
N.T.Y
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511346

Hôm nay

29

Hôm qua

2336

Tuần này

21720

Tháng này

218219

Tháng qua

121356

Tất cả

114511346