Cái làm cho người dân bức bối và hoang mang là ở chỗ: Trong khi lãnh đạo cao cấp nói “phấn đấu” sao cho lạm phát chỉ ở mức 17% là khó thì báo chí khắp nơi đều nói Việt Nam lạm phát cao nhất châu Á, thứ hai thế giới và không thể dưới mức 22%! Vậy, “phấn đấu” cái nỗi gì trong khi thực tế đau lòng đã vượt xa cái mức đó từ lẩu từ lâu? Cần nhớ rằng mức lạm phát 22,16% là mức chung của tổng mặt bằng giá, còn đối với người nghèo – hàng triệu gia đình phải chi đến 60% thu nhập để mua lương thực thực phẩm thì lạm phát các mặt hàng trên không thể dưới 40% (chỉ tính riêng thịt lợn – heo, đã lạm phát 100% so với cùng kỳ năm ngoái).
Người tiêu dùng cả nước không hiểu các cụm từ như “lạm phát đã có dấu hiệu giảm” hay “Chính phủ nhiệm kỳ trước đã hoàn thành nhiệm vụ về cơ bản”... Cái mà các bà nội trợ cần là phải làm sao để cái giỏ đi chợ không phải vật vã, nghiến răng với toàn bộ sự ít ỏi của số thực phẩm mà nó mang về! Làm sao có thể có cuộc sống ổn định, yên lành nếu ngày nào cũng phải “nói lắp” câu cửa miệng “lại tăng nữa à”? Làm sao người nghèo hết khổ khi cả xã hội cứ thi nhau đuổi bắt “cái thằng trượt giá”? Buồn cười hơn nữa là không ít vị có trách nhiệm vẫn cứ điềm nhiên hỉ hả về thành tích xóa đói, giảm nghèo(!)?
Quốc hội vừa bầu ra Chính phủ mới. Người dân mong mỏi sao Chính phủ nhiệm kỳ này nói ít, làm nhiều và, phải làm hiệu quả. Cái cách chống lạm phát luẩn quẩn như hiện nay đang tỏ ra thừa thãi những nỗi buồn. Nếu không đẩy lùi được tham nhũng, không chặn đứng được “lòng tham” của chi tiêu công, không giảm bớt được những người làm quan ăn lương bất tài, kém đức, không có những chính sách và sự điều tiết kinh tế ở tầm vĩ mô đúng đắn; thì, xem ra, ước mơ mong giá đừng lên nữa cũng đã và đang bị biến thành hàng xa xỉ phẩm mất rồi!