Bộ Công an vừa có kết luận về vụ án bà Ba Sương. Theo đó, báo chí và dư luận đã sai nhiều khi cơ quan điều tra cho rằng “có dấu hiệu tội phạm chứ không oan”? Nếu đúng thế thì hàng triệu con người đã không đúng khi để tình cảm lấn át lý trí, có nghĩa là đã “thiên vị” để đến nỗi luật pháp phải khó xử? Thì ra, trên cuộc đời này cái đúng, sự sai chỉ cách nhau có nửa bước chân? Dù sao, tôi vẫn tin rằng năm 2010 sắp tới sẽ là năm của ngọa hổ, tàng long – năm của những đổi thay mạnh mẽ và điều mong ước lớn nhất là tất cả mọi lẽ đúng sai đều được minh định rõ ràng.
Sáng sớm ngày 30.12.2009, đọc “Hình phạt” trên mục Chào Buổi sáng của Nguyễn Thế Thịnh, chợt giật mình về Nghị định của Chính phủ trong việc chống bạo lực gia đình. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nạn bạo hành gia đình đang gia tăng phản ánh một trong những mặt rất đáng trân trọng của chế độ ta. Thế nhưng, nếu quy định rằng một khi chồng cưỡng bức vợ quan hệ tình dục mà bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, thì có thỏa đáng hay không? Nạn bạo hành thường xảy ra ở những gia đình nghèo, ít học. Một triệu đồng là một nửa hay cả tháng lương. Phạt như thế có người vợ, người mẹ nào đang tâm bớt thức ăn, bánh mỳ của con ra để đòi hỏi sự khác đi của tính chịu đựng muôn đời? Chắc hẳn đa phần là không. Nếu thiếu tính khả thi thì các chế tài luật pháp sinh ra để làm gì? Chẳng lẽ không có cách nào để có những chế tài hợp lý hơn, mang lại hiệu quả nhiều hơn hay sao?
Ngành giáo dục trong năm qua đổi mới thì ít, tai tiếng thì nhiều. Chuyện động trời như Đại học Phan Thiết đến bây giờ cũng còn đang kiểm điểm, nghiên cứu… Thế nhưng, chỉ vì bắt phạt học sinh quá đáng ngay trong lần vi phạm đầu tiên mà một thầy giáo đã bị buộc phải thôi việc thì có thật thỏa đáng hay không? Nghề thầy giáo có nhiều bức xúc lắm. Đôi khi, chỉ vì thiếu tiền ăn sáng cũng có thể thiếu kiềm chế trước những tệ nạn xã hội, trước những sai lầm của học sinh. Các chuyên gia đầu ngành của môn tâm lý học và quản lý nhân sự có hiểu điều đó hay không? So với bao nhiêu tiêu cực khác trong xã hội; chẳng hạn một ông giám đốc sở, lái xe đâm chết 2 người rồi bỏ chạy, chối tội, bị xử phạt 36 tháng tù treo thì lỗi của thầy Bình chỉ là con tép khô! Sự công bằng và chuẩn mực của chân lý ở đâu khi mèo tha mỡ thì bị đánh còn cọp tha bò thì cứ chạy nhâng nhâng?
Giáo viên, công nhân mong mỏi lương tháng 13 dài cả cổ họng (riêng giáo viên thì chưa có bao giờ). Trong khi đó, mới nhất là ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền yêu cầu thanh tra chuyên ngành vào việc vụ SCIC. Việc TT Chính phủ làm đã rõ như ban ngày sao không xử lý mà lại còn câu giờ chờ những cuộc thanh tra khác? Để lâu như thế cái gì sẽ hóa thành bùn? Không lẽ chuyện loanh quanh ta lại đổ cho trâu? Sự khuất tất về tiền bạc (tham nhũng) chứng tỏ chuyện cày, bừa của họ nhà trâu vẫn còn tấp nập lắm. Mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký thêm 100 chiếc xe hơi và dư luận hốt hoảng rằng 3 năm nữa sẽ không có chỗ đậu xe và đường sá thì kẹt cứng. Tất nhiên nếu giải quyết tốt chuyện kẹt xe của nhà giàu song song với việc kẹt tiền của người nghèo thì cuộc sống sẽ khá hơn nhiều.
Lên mạng, ngắm rồi so sánh bức ảnh của ông Obama trước và một năm sau khi ở trong Nhà Trắng thấy tóc ông ta bạc đi nhanh quá. Trong đời, cái chữ bạc tình, bạc nghĩa nó thê thảm lắm nhưng bạc tóc bao giờ cũng có dấu ấn của sự đáng trân trọng. Phải chăng vì sống trong Nhà Trắng nên tóc phải bạc nhanh hơn những người sống trong nhà đỏ, nhà xanh? Chỉ biết rằng không ít lãnh đạo khác càng lãnh đạo thì tóc lại càng… đen(!)? Đây là điều khó hiểu vì nếu tận tâm vì cơ quan, vì dân, vì nước thì tóc không bạc mới đúng là chuyện lạ. Cũng rất phải chăng là sự điều độ, vừa phải là tốc độ tư duy, tốc độ phục vụ phổ biến trong các cơ quan công quyền của ta? Nếu đúng thế, nên phổ biến kinh nghiệm này cho toàn thế giới.
Chuyện ngày cuối năm bao giờ cũng lắm những bộn bề: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm so với năm 2008; khách du lịch nước ngoài giảm, nhập siêu đáng báo động, hàng ngàn trang tài liệu từ PCI sắp sửa được “đọc”… Nhưng có lẽ, chúng ta hãy gắng để gạt những câu chuyện thử thách của lòng kiên nhẫn sang một bên để cố nở một nụ cười đón chào năm 2010 – năm của thật nhiều ước mong và chờ đợi.
1.000 năm Thăng Long đòi hỏi “bổn phận bay lên” của Đất Mẹ Tiên Rồng. Muốn thế, phải nhìn thẳng vào sự thật. Chừng nào còn lảng tránh nó, chừng đó, những bất cập và trăn trở vẫn còn nhiều day dứt. Những bước đi đủng đỉnh của trâu Kỷ Sửu chính là sự chậm chạp của thay đổi mà chúng ta nhất thiết phải quên. Đấy là cách duy nhất để chào đón tâm thế rồng cuộn, hổ nội lực sinh thành…