Đi tìm nguyên nhân các vụ li hôn
Cặp vợ chồng NVT là LTH ở khối 3, phường Bến Thuỷ kết hôn đã 3 năm, sau một thời gian “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do kinh tế khó khăn, T. sa vào rượu chè, thường xuyên đánh đập vợ. Chịu đựng không nổi, chị H. làm đơn li hôn. Sau mấy lần hòa giải không thành, hai người đem nhau ra Toà. Cuộc hôn nhân kết thúc, đường ai nấy đi, đứa bé 2 tuổi về ở với mẹ.
Mấy năm gần đây, số vụ án li hôn ngày càng tăng. Năm 2010, TAND các cấp ở Nghệ An đã thụ lí 1.961 vụ án li hôn, tăng 282 vụ so với năm 2009, đã xử 1.882 vụ. 6 tháng đầu năm 2011, cả tỉnh có 1.292 vụ án li hôn.
Nguyên nhân các vụ án li hôn, theo thống kê của TAND tỉnh, trong 1.292 vụ án li hôn ba tháng đầu năm 2011, có 150 vụ do chồng đánh đập, ngược đãi vợ, 500 vụ do mâu thuẫn gia đình, còn lại là các nguyên nhân khác như ngoại tình, kinh tế khó khăn, nghiện ngập…Một số cặp đôi li hôn vì chồng/vợ đi xuất khẩu lao động, người ở nhà đã ngoại tình, dẫn đến tan vỡ.
Thẩm phán Trần Anh Sáng, Phó Chánh án TAND TP Vinh cho biết: “Trung bình mỗi năm, TAND TP Vinh thụ lý khoảng 500 vụ án li hôn, qua quá trình hoà giải gắn kết lại được khoảng 1/3 số cặp, còn khoảng 2/3 số vụ buộc phải xử li hôn. Mấy năm gần đây số vụ li hôn có xu hướng tăng do nhiều nguyên nhân, từ bạo lực gia đình, nợ nần, mâu thuẫn, ma tuý…Một nguyên nhân ít được để ý là do các bạn trẻ kết hôn nhưng còn nông nổi, bồng bột, không đủ bản lĩnh đối phó với những sóng gió để bảo vệ gia đình. Có nhiều cặp vợ chồng tuổi còn rất trẻ, mới kết hôn đã lục đục đòi li hôn. Có những trường hợp đã li hôn một thời gian rồi quay lại sống với nhau, đăng kí kết hôn lại, rồi sau một thời gian phát sinh mâu thuẫn lại kéo nhau ra Toà…”.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ li hôn là bạo lực gia đình. Năm 2010, Nghệ An có hơn 1.700 gia đình còn tình trạng bạo lực Đây là những con số thống kê những gia đình thường xuyên có bạo lực, còn trong thực tế bạo lực gia đình còn phổ biến hơn nữa. Một số địa phương có nhiều gia đình có bạo lực như Kỳ Sơn (263), Quỳ Hợp (195), Nghĩa Đàn (180), Nghi Lộc (143), Con Cuông (98), Đô Lương (97), Tân Kỳ (95), Yên Thành (90)… Tồn tại dưới nhiều dạng thức, mức độ khác nhau, bạo lực gia đình luôn là “kẻ thù số 1” của hạnh phúc gia đình. Hoặc từ các mâu thuẫn khác nhau cũng dẫn đến bạo lực gia đình.
Theo số liệu tại TAND TP Vinh, tỷ lệ các cặp vợ chồng kết hôn dưới 5 năm li dị chiếm tỷ lệ 51%, đa số là các cặp vợ chồng lao động tự do. Sáu tháng đầu năm 2011, TAND huyện Quỳnh Lưu thụ lý 91 vụ án li hôn, trong đó, 45 vụ là gia đình trẻ dưới 30. Dường như lối sống hiện đại khiến không ít các bạn trẻ kết hôn dễ dàng hơn, và cũng không quá khó khăn khi đi đến quyết định li hôn. Vai trò, sự tác động của bố mẹ, gia đình đối với đời sống tình yêu, hôn nhân của các bạn trẻ ngày càng đóng vai trò thứ yếu. Điểm yếu nổi bật nhất của các cặp vợ chồng trẻ là thiếu khả năng kiềm chế, thiếu sự khéo léo, uyển chuyển khi ứng xử những tình huống bất đồng, mâu thuẫn. Cặp vợ chồng M-H ở phường Vinh Tân mới kết hôn được 2 năm, chưa có con. Trong một lần về nhà vợ sum họp gia đình, H. lỡ lời xúc phạm, M nổi đoá tát vợ ngay trong bữa ăn gồm đông đủ các thành viên trong gia đình. Thế là hai bên giận nhau, rồi kéo nhau ra toà. Hoà giải không được, toà đành phải để cho họ đường ai nấy đi.
Chị Lê Thị Thanh Thuỷ, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Lê Lợi cho biết: “Mỗi năm ở phường có khoảng 15 cặp vợ chồng làm đơn xin li dị. Qua công tác hoà giải, chúng tôi thấy ngoài những nguyên nhân như ma tuý, bạo lực gia đình…còn có những trường hợp do chồng hoặc vợ mải mê chơi thể thao, rượu chè… ít quan tâm đến gia đình nên dẫn tới mâu thuẫn và li hôn. Cũng có trường hợp con cái hư hỏng, bố mẹ đổ lỗi cho nhau rồi dẫn đến tan vỡ”.
Và những hậu quả
Gia đình bền vững, hạnh phúc luôn là mong ước của mọi người, của cộng đồng. Gia đình tan vỡ, thiệt thòi bao giờ cũng nghiêng về phụ nữ và trẻ em và gây ra nhiều hệ luỵ khác. Đằng sau mỗi vụ án li hôn là những bi kịch gia đình. Chị Thắng, cán bộ TAND TP Vinh cho biết: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ án li hôn rất xót lòng. Có cặp vợ chồng có hai con, bố mẹ bỏ nhau, Toà phán quyết một đứa ở với bố, một đứa ở với mẹ. Nhưng hai đứa trẻ nước mắt chứa chan, kiên quyết không chịu sống xa nhau. Lại có những vụ án li hôn mà cả vợ và chồng không ai chịu nuôi con. Nhiều cảnh ngộ xót xa khiến tôi không cầm lòng được, và cứ ám ảnh, day dứt mãi”. Thực tiễn cho thấy những đứa trẻ mà bố mẹ li hôn thường bị thiệt thòi về tình cảm, nhiều em bị chấn thương tâm lí và dễ sa vào tệ nạn xã hội. Ly hôn là một cú sốc đối với cả hai bên. Một số trường hợp sau khi li hôn đã kết hôn với người khác, nhưng những cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại” này thường ít có hạnh phúc, dễ đổ vỡ.
Không chỉ những người trong gia đình li hôn chịu bất hạnh, mà những người thân như bố mẹ, anh em cũng bị ảnh hưởng. Chị T ở thị trấn Quỳ Hợp sau khi li hôn với người chồng nghiện ngập, đem con nhỏ về với gia đình. Bố mẹ chị vừa phải chịu lời ra tiếng vào của hàng xóm, vừa vất vả chăm cháu ngoại cho con gái đi làm. Mẹ chị than thở: “Từ ngày cái T bỏ chồng, gia đình tôi không mấy khi được vui vẻ”.
Hiện tượng li hôn đang ngày càng gia tăng đã đặt ra vấn đề cần có những giải pháp tổng thể để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Cần làm gì để bảo vệ hạnh phúc gia đình?
Hiện nay, cùng với cả nước, Nghệ An rất quan tâm phòng chống bạo lực gia đình. Toàn tỉnh đã thành lập được hàng trăm CLB phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức các hoạt động như Hội thi tìm hiểu Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tư vấn…Qua đó, nhận thức của người dân về bạo lực gia đình, bình đẳng giới đã từng bước được nâng cao. Vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội phụ nữ ngày càng được phát huy. Từ năm 2008 đến năm 2011, các cấp hội phụ nữ huyện Nghi Lộc đã hoà giải 726 vụ bạo lực gia đình và tư vấn cho 757 người bị bạo hành.
Chị Lê Thị Hoài Giang, Chủ tịch Hội LHPN phường Đông Vĩnh (TP Vinh) chia sẻ: Để nâng cao tính bền vững cho các gia đình, theo tôi cần có những giải pháp để giáo dục cho thanh niên về văn hoá gia đình, về những kĩ năng ứng xử trong hôn nhân trước khi kết hôn. Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ hôn nhân xuất phát từ tình yêu nhất định sẽ đem lại hạnh phúc, cứ nhìn đời bằng ánh mắt màu hồng, chưa được chuẩn bị kĩ lưỡng để đối phó với những khó khăn, mâu thuẫn phát sinh từ cuộc sống gia đình. Một số bạn trẻ lại có cái Tôi quá lớn, và không biết điều chỉnh để cái Tôi ấy trở thành một “chướng ngại vật” của cuộc sống chung”. Nhiều cán bộ khác cũng nêu quan điểm cần có những giải pháp để giáo dục cho các bạn trẻ những kiến thức và kĩ năng ứng xử sau khi kết hôn, nhất là ứng xử trước những tình huống khó khăn, mâu thuẫn và ứng xử với các mối quan hệ gia đình, họ hàng…Chị Vi Thị Sơn, Bí thư chi bộ bản Lau, xã Thạch Giám (Tương Dương) tâm sự: “Lối sống hiện đại khiến không ít bạn trẻ ngày càng tỏ ra xa lạ với những cách ứng xử tốt đẹp truyền thống trong gia đình của cha ông. Nhiều bạn cho những lời khuyên “Vợ chồng kính trọng nhau như khách” hay “Một điều nhịn, chín điều lành”.. là lạc hậu, cổ hủ… mà không biết rằng đó chính là những nguyên tắc vàng để bảo vệ gia đình khỏi những mất mát, đổ vỡ không đáng có”. Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, CLB gia đình trẻ được thành lập ở nhiều nơi và hoạt động khá hiệu quả, còn các CLB tiền hôn nhân thì chưa có nhiều. Thiết nghĩ, đây là loại hình CLB mà các tổ chức Đoàn cần xây dựng nhằm trang bị cho giới trẻ những kiến thức cần thiết khi bước vào cuộc sống hôn nhân, tránh những đổ vỡ không đáng có.