Diễn đàn

Mùa Thu năm ấy và bài học không cũ bao giờ...

Cách đây 66 năm, ngày 19.8.1945, cả dân tộc Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng phi thường, lật nhào ách thống trị của phát xít – thực dân – phong kiến, giành lại độc lập tự do, mở ra một kỷ nguyên mới cho giang sơn, xã tắc, giống nòi...

Thành công của Cách mạng tháng Tám (CMT8) là kết quả của rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, là tổng hòa của sự hợp kết kỳ diệu từ truyền thống, lịch sử; sức mạnh toàn dân và thiên tài mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt là cho dù thời gian cứ trôi đi, những bài học mà CMT8 để lại vẫn không bao giờ cũ, không hề mất đi tính thiết thực, sâu sắc cũng như giá trị thời đại, thực tiễn lớn lao...

Bối cảnh chung của 46 nước châu Á (không kể Nhật Bản và Thái Lan) là đều bị chủ nghĩa fascio Nhật nô dịch từ di sản thống trị thực dân của các đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan... Điều đó có nghĩa rằng hàng chục nước châu Á đều có cơ hội như nhau trong việc tiến hành cách mạng để thay đổi số phận. Thế nhưng, điều kỳ lạ (!) là chỉ có một nước duy nhất là Việt Nam đã tiến hành thành công cuộc cách mạng ấy. Không thể kể đến những cuộc cách mạng chưa đầy đủ đã diễn ra ở Indonesia, Lào vì nó không hội tập được sức mạnh của đại đa số nhân dân, không tạo nên một cao trào quyết định, một thời điểm quyết định, một bước ngoặt quyết định – những yếu tố không thể không có khi minh định về một cuộc cách mạng. Bài học ở đây là sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng và cách nắm bắt thời cơ.

Sự chuẩn bị về lực lượng của Việt nam Độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) do Hồ Chủ tịch sáng lập ngày 19.5.1941 đã được mạnh mẽ hóa, toàn diện hóa từ đầu năm 1944. Cần chú ý là từ cuối năm 1944, hợp tác giữa lực lượng quân đội đồng minh Hoa Kỳ và Việt Minh đã được chính thức bắt đầu sau khi trung úy phi công Shaw được Việt Minh giải cứu và trao trả cho phía Mỹ. Mối quan hệ Việt – Mỹ đặc biệt hiệu quả sau cuộc tiếp xúc trực tiếp, thẳng thắn giữa Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, tướng Claire L. Chennault vào ngày 29.3.1945 (Xem: OSS và Hồ Chí Minh, nxb Thế giới, H. 2007, tr. 243). Mỹ đã giúp cho Việt Minh nhiều vũ khí, điện đài, giúp huấn luyện quân sự và đã thành lập lực lượng hỗn hợp có tên là đơn vị Con Nai (Deer) – lực lượng cùng tham gia giải phóng Thái Nguyên, mở đầu cho CMT8...

Khi nói về thời cơ của CMT8, ngoài quyết định dứt khoát, mau lẹ của Hồ Chủ tịch và Ban lãnh đạo Đảng CSĐD, không thể không nói đến tầm quan trọng của các điện đài do Mỹ trang bị: Nếu không có mạng lưới điện đài rộng khắp, sẽ khó có thể có “luồng điện tháng Tám” nhanh và chuẩn xác đến như thế! Chính nhờ có thông tin kịp thời nên CMT8 đã diễn ra trong có hai tuần, trên một địa bàn rộng lớn từ Cao Bằng tới tận đảo Phú Quốc.

Từ bài học về thời cơ và chuẩn bị lực lượng trên đây, chúng ta sẽ hiểu biết một cách đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của lực lượng đồng minh trong CMT8. Trước hết, việc Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (từ 10-19.5.1941) quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh là một sự sáng suốt tuyệt vời. Hai chữ ‘đồng minh’ cho chúng ta mọi cơ hội để tranh thủ lực lượng quốc tế cũng như bảo đảm rằng sau khi CMT8 thành công, không một thế lực phản động nào có thể công khai lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bởi vì đó chính là Chính phủ của những người đã giúp đỡ quân đội Mỹ rất nhiều trong những năm 1944-1945. Đây là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao 20 vạn quân Tưởng, một vạn quân Anh, 5 vạn tù binh Pháp vừa được Nhật thả ra đã không thể làm gì trước Đoàn quân Vệ Quốc chỉ có mấy ngàn người trang bị hết sức thô sơ! Đoàn quân đó vẫn đủ khả năng bảo vệ Chính phủ và bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Nếu chúng ta liên hệ xa hơn thì sẽ thấy rằng trước tháng 10.1949, sự giúp đỡ của Mỹ cho Pháp để Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai là rất ít ỏi – chỉ giúp có lệ vì mối quan hệ chặt chẽ mà người Mỹ đã thiết lập với Việt Minh trong những năm trước đó.

Nếu đọc lại Hồ Chí Minh Toàn tập, chúng ta sẽ thấy một điều khá thú vị: Từ tháng Giêng đến trước ngày 2.9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ viết có 7 văn bản, bao gồm bản dịch Binh pháp Tôn Tử, Thư Kêu gọi Tổng khởi nghĩa và 5 bức thư gửi các sĩ quan Mỹ. Số lượng các bức thư gửi các sĩ quan Mỹ chiếm chiếm hơn 3/4 các văn bản nói lên mối quan tâm đặc biệt của Bác Hồ trong việc duy trì – củng cố mối quan hệ Việt – Mỹ: “Tôi mong muốn các bạn chúng tôi sẽ học được được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác... Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ...” (HCM, TT, T. 3; nxb Chính trị Quốc gia, H. 2002, tr. 547-550).

Lịch sử đương đại còn có không ít điều chưa được nói hết – nhất là về cuộc cách mạng được tiến hành trong ánh sáng chạng vạng (twilight) của buổi giao thời khi chiến tranh thế giới chưa chính thức chấm dứt. Tuy nhiên, những bài học về chuẩn bị lực lượng, về thời cơ – cách thức để tận dụng thời cơ ấy cũng như việc tranh thủ đồng minh của Hồ Chủ tịch trong thời điểm quyết định ấy sẽ mãi còn có nhiều giá trị cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Thành công của CMT8 đã chỉ ra rằng, chọn đúng đồng minh để hợp tác, biết chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, sáng suốt và kịp thời trong việc lựa chọn “khoảnh khắc” cần thiết là những nhân tố làm nên thắng lợi. Vấn đề đồng minh không những có ý nghĩa với thành công của cách mạng mà còn đảm bảo cho sức sống, thành quả bền vững, là điều mà các chính trị gia không được phép quên!

Năm 2011 đang đến với đất nước ta bằng không ít khó khăn, thử thách. Nền độc lập của Tổ quốc đang bị những mưu đồ tham lam thử thách; thậm chí bị đe dọa hết sức nghiêm trọng. Chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông và các quần đảo đang phải chịu rất nhiều áp lực. Đây là lúc chúng ta cần ôn lại những bài học từ CMT8 năm 1945 để hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về những bài học không bao giờ cũ của nó – những bài học mà một dân tộc như Việt nam luôn luôn cần đến vì, Đất nước luôn ngập chìm dâu bể/ Ba ngàn năm chưa hết giặc trước hiên nhà....

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511566

Hôm nay

2229

Hôm qua

2336

Tuần này

21940

Tháng này

218439

Tháng qua

121356

Tất cả

114511566