Chuyện hợp lý hay không hợp lý, hợp tình hay không hợp tình, chuyện đúng hay sai... đều chưa được xác định rõ ràng, nếu không nói là rất khó mà xác định để đi đến đồng thuận cao. Người thì nói thế này, kẻ thì nói thế khác, chẳng khác mấy một trận đồ bát quái nếu muốn tìm ra cái sự thật và cái có lý nhất, có tình nhất.
Hàng năm, kể từ khi thông tin đại chúng phát triển, lại một vài lần ồn ào, thậm chí đến mức ầm ĩ về chuyện giải thưởng của giới làm văn học nghệ thuật, không ở tỉnh này thì tỉnh khác, không cấp này thì cấp nọ. Chuyện bà con lao động bất bình về lương thưởng không công bằng đã là đau cho xã hội, còn tỵ nạnh, kiện cáo về giải thưởng văn học nghệ thuật thì còn đau hơn nhiều, đau đến xấu hổ vì nó thuộc về phần “hồn” của xã hội, của cả cộng đồng chứ không phải là một nắm xôi, dù là ở đình làng.
Có lẽ ít người nghĩ rằng mình sáng tạo là để nhận giải thưởng. Cái may mắn hơn người của văn nghệ sỹ là ở chỗ có khả năng sáng tạo ra các giá trị để đem lại năng lượng tinh thần và phẩm chất văn hóa cho cộng đồng. Đó cũng là thiên chức của các văn nghệ sỹ. Các bậc tiền nhân đến như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... và Hồ Xuân Hương chắc hẳn cũng chưa bao giờ nghĩ đến giải thưởng, và chưa bao giờ nhận giải thưởng của bất cứ cấp nào, bất cứ ai ban/trao tặng. Thế mà văn chương của các cụ vẫn sống mãi với non sông, với nhân gian. Lại nói văn chương của tầng lớp bình dân đã trở thành hò - vè - ví - giặm, trở thành di sản folklore nào có in ấn, nào có tên tuổi, càng không bao giờ có giải thưởng, thì vẫn trường tồn với dân tộc. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng thiết nghĩ cái phẩm giá và tinh thần nhân văn của văn nhân là một hằng số và vì vậy có thể ở một mức độ nào đó có thể so sánh được để chúng ta cùng nghĩ về hiện tượng này. Rất có lý để mọi người trân trọng ý kiến của nhạc sỹ Phạm Tuyên khi ông trao đổi về trường hợp xét Giải thưởng Hồ Chí Minh của ông hay cách xử sự của các nhà văn Nguyên Ngọc và Sơn Tùng khi đề nghị rút khỏi danh sách đề cử các giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Thiết nghĩ, chúng ta có thể tự đặt câu hỏi tại sao lại có hiện tượng tranh luận, tỵ nạnh, thậm chí là kiện cáo về giải thưởng như vậy?
Chúng tôi cho là có nhiều nguyên nhân, xin được mạo muội bày tỏ mấy ý ngắn rằng:
Thứ nhất, vì một số ít văn nhân vẫn bị chi phối và nặng nề bởi tâm lý làng xã cố hữu hồi xưa khi quan niệm “một miếng giữa làng bằng một sàng dưới bếp”. Cái sĩ diện làng xã/tiểu nông nó vẫn thúc giục một số văn nhân lên tiếng dù rằng được “trình bày” bởi rất nhiều lý do, nguyên nhân khác nhau.
Thứ hai, có liên quan đến ý đầu, có thể là do một số ít người chưa vượt thoát lên được về tầm vóc tài năng và quan trọng nhất là còn ngộ nhận về tài năng và giá trị sáng tạo của chính mình nên “vào cuộc” phân chia giải thưởng. Có thể có người chưa ngộ ra rằng đã là văn nhân đích thực thì giá trị của tác phẩm mới là quan trọng, là trên hết, các giải thưởng không phải là tất cả.
Thứ ba, là do cách tổ chức chấm, xét giải, và cách ứng xử, điều hành của các ban tổ chức, ban giám khảo các giải thưởng. Hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa dự thi vừa chấm thi là có thật, như ở giải thưởng Hồ Xuân Hương chẳng hạn. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hầu như quy chế của giải nào cũng có những sơ hở, bất cập và cách thực hiện, áp dụng, vận dụng thì vẫn không thiếu nơi tùy tiện, cẩu thả gây nên bất bình của một số người.
Chắc hẳn còn nhiều nguyên nhân khác mà chúng tôi hoặc chưa thấu rõ, hoặc chưa biết. Ý cuối cùng chúng tôi muốn mạnh dạn trình bày là nên chăng chúng ta nên bớt hành chính hóa giải thưởng mà nên tăng cường, đẩy mạnh việc xã hội hóa giải thưởng. Có nghĩa là Nhà nước chỉ trao một vài giải thưởng quan trọng thôi, như Giải thưởng Hồ chí Minh, Giải thưởng Nhà nước chẳng hạn, còn lại nên để cho các tổ chức, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp... họ trao. Ví dụ như các nhà xuất bản, hiệp hội các nhà xuất bản trao giải cho các tác phẩm văn học nghệ thuật chẳng hạn. Hoặc thậm chí một công ty phát hành sách, một tổ chức phi chính phủ... họ trao giải cũng được và tốt, chẳng sao. Mỗi khi làm như vậy thì họ sẽ có tiêu chí giải thưởng và ngân quỹ cho giải thưởng. Và do đó sẽ tránh được các tỵ nạnh không đáng có vì không phải lấy thưởng từ bầu sữa ngân sách nhà nước mà lâu nay ai cũng nghĩ là của chùa, ai cũng có quyền được hưởng. Tất nhiên, nếu làm vậy thì phải tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan công quyền.
Chuyện giải thưởng tưởng là đơn giản nhưng không phải thế. Nó đụng chạm đến, liên quan đến tình cảm, nhận thức, cách ứng xử của các văn nhân, các bậc trí thức. Đó là chưa nói đến tập tính sĩ diện, chuộng danh của người Việt ta. Và vì thế mà nó không giản đơn tý nào.