Diễn đàn

Đừng lấy “xã hội hóa” để lừa dân!

Đó là ý kiến của đại tá cựu chiến binh Lê Xuân Thảo, khối Yên Bình khi trao đổi về việc UBND phường Hưng Phúc giao sân vận động công cộng cho doanh nghiệp kinh doanh nhưng lại nấp dưới chiêu bài “xã hội hóa” mà theo họ là nhằm mục đích rất cao cả là “để phục vụ nhân dân tốt hơn”.

“Xã hội hóa” - gạt dân nghèo ra rìa       
Báo Lao động Nghệ An ngày 1/9/2011 có đăng bài “Làm thế nào để nâng cao hiệu quả các sân vận động phường, xã?” của tác giả Bùi Nam Hậu. Bài báo cho rằng việc UBND phường Hưng Phúc giao sân cho tư nhân kinh doanh khi chưa hỏi ý kiến dân là “xã hội hoá mạnh mẽ”, “ưu điểm”… Sau khi đọc bài báo, chúng tôi đã trở lại phường Hưng Phúc để tìm hiểu. Một số cựu chiến binh đang đánh bóng bàn trong nhà văn hóa khối đều cho biết: “Bây giờ mỗi buổi chiều xe ô tô của các đại gia đậu thành dãy, người giàu các nơi bỏ tiền thuê sân đá bóng, còn trẻ con của phường thì chỉ còn cách bám vào bờ rào mà coi. Diện tích còn lại của sân vận động chỉ được một tý, không làm gì được”. Khi chúng tôi nêu nội dung bài báo viết có bà con sẵn sàng bỏ ra 20 nghìn thuê sân cho con em chơi trong một tiếng (giá thuê sân 250-300 nghìn đồng/giờ), ông Đậu Đức Hiển, Khối trưởng khối Yên Bình phản ứng: “Đó là họ nói chuyện ở đâu chứ dân của phường này thì lấy đâu ra tiền mà thuê sân chơi”. Điều ông Hiển nói là đúng sự thật, giả sử một gia đình có hai con ở tuổi thiếu niên, mỗi em mỗi ngày chỉ chơi bóng 1 tiếng, thì mỗi tháng đã cần đến số tiền 1,2 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn so với thu nhập của một gia đình công nhân viên chức nhà nước. 
                   Để được vào chơi ở đây một giờ, tối thiểu bạn phải có 20.000 đồng
Chúng tôi hỏi bà con có được bàn bạc về việc cho doanh nghiệp thuê SVĐ không, đại tá Lê Xuân Thảo khẳng định: “Dân không hề được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra. Trong Nghị quyết Đảng bộ cũng không có. Như vậy là vi phạm về nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Chúng tôi bức xúc vô cùng. Nếu hỏi ý kiến thì toàn dân không ai đồng ý”. Một cựu chiến binh khác thẳng thắn: “Đây là việc một số cá nhân lợi dụng đất công để cho tư nhân thuê, một kiểu đóng cổ phần để kinh doanh”. Ông tính toán: “Nhà bạn tôi có mảnh đất khoảng 100 m2, cho thuê rửa xe mỗi tháng cũng được 5 triệu, còn ở đây cho thuê một mảnh đất 4.000 m2 giữa trung tâm thành phố mà tháng cũng chỉ được 5 triệu bạc”. Khi biết SVĐ phường được cho thuê với giá quá bèo bọt như vậy, ông Phạm Bá Cự, cán bộ Mặt trận khối An Vinh rất bất bình: “Nếu phường thiếu tiền hoạt động, dân khối tôi có thể đóng góp mỗi tháng 5 triệu cho phường. Còn giao sân cho tư nhân thì chúng tôi không đồng ý”.          
Về hiện tượng một số SVĐ bị xuống cấp, để cỏ mọc… nhiều cựu chiến binh cho rằng: “Đó là do chính quyền vô trách nhiệm. Như phường Hưng Phúc có 11 khối, tại sao không huy động các lực lượng đoàn thanh niên và bà con dọn dẹp, làm vệ sinh, mỗi khối một tháng?”. Trong nội dung bài báo có đề cập việc phường Hưng Phúc còn một sân vận động 2.000 m2 ở khối Tân Phúc nhưng hầu như không có người vào chơi, chúng tôi đã đến tìm hiểu. Lúc chúng tôi đến, trời đã xế chiều, có một nhóm trẻ em đang chơi bóng đá trong sân. Một số bà con đang đánh bóng bàn trong nhà dân cạnh đó cho hay: “Ở đây, ngày nào cũng có khoảng 10-15 người đến chơi bóng đá. Trước đây có lưới chơi bóng chuyền thì có nhiều người đến chơi hơn, nhưng sau đó lưới bị mất nên có ít người đến. Do sân không được quan tâm bảo vệ nên bị kẻ gian đánh cắp thiết bị, dỡ sắt thép ở hàng rào”. Một số người dân khi biết việc SVĐ chính của phường đã bị tư nhân hóa, bất bình: “Việc tập luyện thể dục thể thao vốn miễn phí, bây giờ phải bỏ tiền ra thì nhiều người không có điều kiện, nhất là trong thời buổi lạm phát này”. Bà con cũng cho biết SVĐ ở đây quá nhỏ, không thể đáp ứng nhu cầu luyện tập, vui chơi cho dân cả phường.                        
Một việc làm với mục đích theo những người thực hiện là rất tốt đẹp, “từ lòng đam mê với bóng đá” mà lại được thực hiện theo kiểu “đánh úp”, và bị nhân dân phản ứng quyết liệt thì quả là chuyện ngược đời chỉ có ở phường Hưng Phúc.             
Phường không có thẩm quyền cho thuê đất
Ông Lê Quốc Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phường Hưng Phúc cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân, tôi đã điện thoại cho lãnh đạo phường xem xét lại trước khi tiến hành. Bởi vì theo quy định, mọi hoạt động xây dựng, kiến thiết tại các công trình công cộng chỉ được phép tiến hành sau khi có bản vẽ thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, việc giao đất, cho thuê đất các công trình công cộng là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Theo quy định hiện hành, UBND TP cũng không có thẩm quyền giao đất, cho doanh nghiệp thuê đất”. Giả sử phường Hưng Phúc trình UBND tỉnh về việc cho doanh nghiệp thuê đất đầu tư xây dựng SVĐ để kinh doanh thì chắc UBND tỉnh cũng không đồng ý - ông Hồng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Trung Châu, Phó Chủ tịch UBND Tp Vinh thì khẳng định: việc huy động nguồn vốn XHH để nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì nẩy sinh một bất cập là doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư thường muốn được thuê đất trong thời gian dài, lên tới 50 năm, và tìm cách để lấy lại vốn đầu tư và có lãi. Vì vậy, ảnh hưởng đến quyền được hưởng các phúc lợi xã hội của nhân dân. Cũng theo ông Châu, UBND TP đã có văn bản đình chỉ việc xây dựng SVĐ phường Hưng Phúc. Nhiều “dự án” tương tự vừa mới xúc tiến cũng đã bị TP đình chỉ.
Như vậy, hiện tượng doanh nghiệp đặt vấn đề với một số phường, xã để thuê đất đầu tư xây dựng SVĐ, công trình thể thao không chỉ có ở phường Hưng Phúc. Nếu công trình SVĐ ở phường Hưng Phúc không được UBND Tp Vinh và UBND tỉnh giải quyết dứt điểm thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và trong tương lai có thể người dân sẽ thiếu chỗ vui chơi, luyện tập TDTT miễn phí.                 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển TDTT ở xã phường, thị trấn đến năm 2010 (tại Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10/5/2005), theo đó: “Phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ tiêu diện tích đất dành cho tập luyện thể dục, thể thao từ 2-3 m2 đất/1 đầu người”. Với kiểu “xã hội hóa” hiện nay, phường Hưng Phúc chỉ còn khoảng 2.000 m2 sân vận động cho 8.000 dân, tỷ lệ 0,25 m2 đất/1 người (bằng 1/10 mục tiêu của Quyết định 100).      
Tuy nhiên, điều đáng nói là quyết định đình chỉ của UBND TP Vinh ban ra có phần muộn màng. Hiện SVĐ phường Hưng Phúc cơ bản đã hoàn thiện, và chủ đầu tư đã tiến hành thu phí đối với người vào sân. Vì vậy, người dân phường Hưng Phúc vẫn thiếu sân vận động công cộng miễn phí và doanh nghiệp vẫn kinh doanh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511660

Hôm nay

2323

Hôm qua

2336

Tuần này

22034

Tháng này

218533

Tháng qua

121356

Tất cả

114511660