Các địa chỉ văn hóa là ngôi nhà chung, là diện mạo văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi địa phương. Các thành viên cộng đồng tự hào về các địa chỉ văn hóa của mình và thường xuyên quan tâm chăm sóc làm cho nó đẹp hơn, phong phú hơn. Trong nhiều thập kỷ vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời với xây dựng các thiết chế văn hóa mới. Bởi vậy, ngay trên địa bàn Nghệ An nói chung và TP Vinh nói riêng, nhiều công trình văn hóa mới đã ra đời. Bên cạnh các thiết chế văn hóa tâm linh cổ truyền như đền chùa, miếu mạo, các công trình văn hóa mới như nhà văn hóa, nhà hát, bảo tàng được xây dựng mới hoặc tôn tạo, nâng cấp… Nhờ đó, không gian văn hóa cộng đồng được rộng mở hơn, điều kiện sinh hoạt văn hóa của người dân thuận tiện và phong phú hơn; Nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân cũng được đáp ứng ở mức độ cao hơn.
Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều năm gần đây người dân vẫn quan tâm nhiều hơn đến văn hóa tâm linh, họ đi lễ các chùa chiền, miếu mạo nhiều hơn tham gia các hình thức sinh hoạt văn hóa mới như ca nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, văn chương… Các nhà hát, các rạp chiếu bóng, các bảo tàng thường vắng khách. Các thư viện cũng không đông và chủ yếu phục vụ cho học sinh, sinh viên học tập. Và du khách đến Nghệ An, đến TP Vinh cũng ít người chú tâm đến tham quan hoặc tham gia sinh hoạt văn hóa ở các nhà hát, các bảo tàng… mặc dù chúng ta rất quan tâm đến loại hình du lịch văn hóa, thậm chí xác định đây là sản phẩm du lịch chính của tỉnh nhà.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bên cạnh xu thế phát triển nhu cầu văn hóa tâm linh, sự trỗi dậy của văn hóa cổ truyền, sự phát triển của truyền thông đa phương tiện hiện đại… còn có nguyên nhân bởi sự kém hấp dẫn của các địa chỉ, thiết chế, hình thức sinh hoạt văn hóa mới. Các nhà hát, các rạp chiếu phim thường đóng cửa tắt đèn vì không có người xem. Người xem không đến đó vì không được xem những vở diễn, những chương trình ca nhạc, những bộ phim mới và hay. Các bảo tàng nghèo nàn về hiện vật, hiện vật không độc đáo; Nội dung trưng bày không phong phú, hấp dẫn, ít được bổ sung, đổi mới, thông điệp cứng nhắc lại chưa có bảo tàng về nhân học, văn hóa; Hình thức trình bày lạc hậu. Các nhà văn hóa, các câu lạc bộ không có các hoạt động thường xuyên, nội dung, hình thức hoạt động xơ cứng. Khách du lịch muốn thưởng thức hoặc tìm hiểu một vài làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cũng khó tìm được địa chỉ…
Để cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng, quảng bá hình ảnh và thu hút sự quan tâm của du khách đến với Nghệ An, thiết nghĩ việc cải thiện, nâng cao sức hấp dẫn của các địa chỉ văn hóa là điều rất cần thiết./.