Khách mời văn hóa

Kính trọng người già là biểu hiện của lễ nghĩa và nhân ái

VHNA: Ông Hoan Châu (tên thật là Phạm Đức Thớc) năm nay đã 87 tuổi. Ông từng là giáo viên, rồi hiệu trưởng của nhiều trường học trong tỉnh. Nghỉ hưu từ năm 1989, ông vẫn tham gia dịch sách, tài liệu tiếng Pháp, viết báo cho đến nay. Hiện nay, ông là cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10, phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông về vai trò, vị trí của người cao tuổi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò, vị thế của người cao tuổi trong đời sống gia đình? Và ngoài xã hội?

Ông Hoan Châu: Xưa nay chúng ta có truyền thống kính trọng người già, xem đấy là biểu hiện của lễ nghĩa và nhân ái. Tôi nghĩ rằng, truyền thống ấy có được bởi người già có vai trò rất lớn trong việc giữ cân bằng và bền vững xã hội. Người cao tuổi đã hoạt động đến cuối đời cho gia đình và cho xã hội. Chả thế mà Lê Quý Đôn đã xếp vào hàng đầu các nguyên nhân mất nước: Trẻ không kính già, trò không kính thầy. Nhưng quan niệm xưa không đánh giá cao sự đóng góp của người cao tuổi, cho rằng: “Lão giả an chi, lão la tài tận”.
Ngày nay, thế giới đã ngộ ra rằng, người cao tuổi vẫn là một lực lượng hùng hậu đóng góp cho cuộc sống xã hội bằng cả tinh thần và sức lực còn lại. Do mức sống được cải thiện nhiều, giao lưu mở rộng nên sức khỏe tốt hơn, năng lực dồi dào hơn, người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm sống, sản xuất và đấu tranh. Lao động của người cao tuổi được đánh giá cao và được ưu tiên sử dụng trong một số doanh nghiệp ở Nhật, Ca-na-đa, Anh, Thụy Sỹ, v.v… Nhiều chủ xí nghiệp còn cho rằng, sự hợp tác giữa người cao tuổi với đám trẻ rất có lợi ở chỗ họ truyền kinh nghiệm với phong cách chín chắn cho đám hậu sinh và đồng thời tìm lại niềm vui của tuổi trẻ ngày xưa của mình.
PV: Nhìn rộng ra thì như vậy. Còn trong xây dựng văn hóa gia đình, theo ông, người cao tuổi có vai trò như thế nào?
Ông Hoan Châu: Người cao tuổi tham gia vào mọi mặt của đời sống văn hóa gia đình. Trước hết đó là việc giáo dục con cháu. Các bậc cha mẹ, ông bà luôn dạy con: “học ăn, học nói, học gói, học mở” - biết cách ứng xử để hòa nhập với xã hội. Mỗi gia đình, mỗi làng có những tập quán, nét văn hóa riêng trong cách chào hỏi, cách mời khách, cách xưng hô… Chính những điều đó hình thành nên cách sống của gia đình, hình thành nên “gia phong”. Chúng ta không thể xem nhẹ ảnh hưởng của cụ Nguyễn Sinh Sắc đến tinh thần tìm đường cứu nước của cậu Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành. Cụ Hoàng Thông người Thừa Thiên làm cách mạng bị giam ở nhà lao Thừa Phủ. Cậu con trai cùng với cậu Nguyễn Sinh Cung đến thăm, thấy cha tiều tụy quá, chảy nước mắt khóc, cụ mắng rằng: “Khóc gì mà khóc, không biết tự hào có một người cha như thế này à? Hãy dành nước mắt cho dân, cho nước”. Rõ ràng, thái độ quật cường này của một bậc cao tuổi đã có ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần đấu tranh cách mạng của hai cậu thanh niên. Người cao tuổi giáo dục con, cháu ba vấn đề: Thứ nhất là giáo dục đạo đức trong đó gồm cả các giá trị văn hóa mới: lòng nhân ái, tình đoàn kết, chăm lao động. Thứ hai là giáo dục nhận thức, tinh thần học tập, làm giàu tri thức. Thứ ba là giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề. Việc truyền nghề đối với những gia đình có nghề gia truyền rất có ích cho kinh tế đất nước. Chính tài nghệ và các bí quyết đã được các ông cha tích lũy và truyền lại cho con cháu bằng việc dạy theo gương của mình chứ không phải chỉ bằng lời truyền đạt.
Trong sinh hoạt văn hóa của gia đình, ai mà không lớn lên từ lời ru của mẹ, của bà. Cũng thông qua việc hát ru con, ru cháu mà những làn điệu dân ca, lời ru được người cao tuổi vừa sáng tạo vừa truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hóa gia đình còn chứa đựng cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, và người cao tuổi là cột trụ hướng dẫn, uốn nắn cho các thành viên trong gia đình hành động theo nền nếp đã được hình thành.
Cách làm kinh tế trong gia đình cũng có sắc thái văn hóa riêng. Hàng hóa sản xuất từ các gia đình khác nhau cũng mang theo các hình dáng khác nhau. Tất cả những việc đó có sự sáng tạo riêng của các thành viên trong gia đình. Cách buôn bán, kinh doanh của nhà hàng này khác nhà hàng kia về giá cả, cách tiếp thị ... Tất cả cái đó đã được ông cha truyền dạy. Các cụ ta xưa đã dạy: “Phi thương bất phú”, đến nay, vẫn hoàn toàn đúng.
Cách chăm sóc sức khoẻ cũng thể hiện nhiều nét văn hóa đặc thù của gia đình, chữa bệnh và phòng bệnh, đều có những bài thuốc và cách chữa, cách kiêng kỵ đặc thù. Tất cả những điều ấy có công không nhỏ của người cao tuổi.
Như vậy, người cao tuổi có vai trò rất lớn trong việc hình thành những giá trị văn hóa gia đình, người chọn lọc và phát triển và cuối cùng là người truyền lại những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy cho các thế hệ.
Hiện nay, con cháu có xu hướng ít quan tâm tới cuộc sống của cha mẹ. Các bậc cha mẹ không hề “dạy” con phải có hiếu với mình, đấy là một ưu điểm nhưng đồng thời là một sai lầm nghiêm trọng. Vì như thế từ bé, con cái đã tiếp xúc với một sự bất công xã hội: con cái được hoàn toàn bao cấp trong lúc cha mẹ phải cật lực lao động, thậm chí còn chịu nhiều thiếu thốn. Chính vai trò của ông bà cao tuổi là nhắc nhở cho đám cháu chắt về công ơn to lớn của cha mẹ, hiếu là đứng đầu mọi đức tính: “nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”. Ngày nay, các gia đình đang nhằm mục tiêu: “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, hai vế này có tính song song, nhưng suy ra thì còn có tính nhân quả nữa.
PV: Hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình, đặt mỗi gia đình trước những thử thách, sóng gió. Cuộc sống của xã hội hiện đại - ở một góc độ nào đó - đã phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Hoan Châu: Người ta thường đổ lỗi cho cơ chế thị trường đã làm lung lay nền móng của tổ chức gia đình truyền thống Việt Nam. Thực ra, cơ chế thị trường không có lỗi, có lỗi chăng là tại quan niệm lệch lạc về nó và tính thực dụng quá mức dẫn đến thương mại hóa cả những giá trị truyền thống cao quý ngày xưa. Thêm vào đó là sự lan tràn lối sống thực dụng và chạy theo bản năng của phương Tây mê hoặc đám trẻ, kéo chúng vào con đường hư hỏng. Ở đây có sự xung khắc ngầm giữa 2 nền văn hóa: “phương Tây là vật chất, phương Đông là tinh thần”. May sao đã có sự học tập lẫn nhau, dung hòa được. Do đó, phương Đông đã có những con hổ, con rồng về kinh tế và kỹ thuật, còn phương Tây quan tâm nhiều đến học tập tư tưởng, học thuyết phương Đông, cả các phương pháp rèn luyện thân thể và tinh thần (yoga, thiền, Phật học, v.v…). Người cao tuổi dị ứng với lối sống buông thả, phóng túng của phương Tây nên tìm cách dạy cho con cháu biết tự kìm chế. Tuy nhiên, phải công nhận sức hấp dẫn của chúng là cực mạnh, nhất là dựa vào những phương tiện thông tin nhanh chóng và rộng khắp khó quản lý được.
PV: Như trên đã nói, giá trị truyền thống trong mỗi gia đình đang dần bị phá vỡ; xu hướng sống độc thân cũng ngày một nhiều hơn...Trong hoàn cảnh đó, theo ông, công tác chăm sóc người cao tuổi đã được gia đình và toàn xã hội quan tâm đúng mức chưa?
Ông Hoan Châu: Do chạy theo hưởng thụ, học lối sống buông thả của phương Tây, nên thanh niên không biết tự kìm chế theo triết lý phương Đông để gìn giữ tính hài hòa, trật tự trong tự nhiên, xã hội và bản thân mình. Bởi thế để tận hưởng, số người độc thân có xu hướng gia tăng và gia tăng theo là sự sút kém tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và ngay cả đối với bản thân. Đã thế thì việc chăm lo cho ông bà, cha mẹ già bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều gia đình túng thiếu neo người gặp khó đã đành mà các gia đình giàu có, có chức quyền cao và các doanh nhân lại có chiêu “thuê người báo hiếu”, cung cách này có vẻ hợp lí nhưng bất cập về đạo lí. Có vẻ hợp lí ở chỗ một ngày hoạt động của doanh nhân có thể thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thì bỏ đi sao mà chẳng tiếc được. Ấy vậy nên đạo lí đành phải nhường bước, tiếc thay!
Cũng vì tính thực dụng như vậy nên người cao tuổi gần kề lúc về hưu ở các cơ quan thực chất chưa được tôn trọng đối với vị thế của họ. Có những “xếp” đã liên tục đề nghị cơ quan chủ quản sớm cho nghỉ hưu các cán bộ nhân viên còn dăm ba tháng mới đến hạn. Mục đích là cho ra ngoài những người lắm vốn kinh nghiệm, nhiều hiểu biết nhất là về tính cách và nhân cách của “xếp” nên khó sai khiến. Hơn nữa sẽ có chỗ trống, cho đám trẻ thay vào, dễ bảo theo ý mình và nhất là có “hậu tạ”. Một hiện tượng khác ở cơ quan y tế của ta, cụ thể là Ban BVSK cán bộ Tỉnh ủy, năm kia các cán bộ có sổ khám bệnh tại đó được khám định kì hàng tháng, trừ các cán bộ về hưu. Trong lúc các cán bộ về hưu là những người cao tuổi lại cần khám định kì hơn các cán bộ đương chức còn ít tuổi và sung sức hơn.
PV: “Tuổi cao - gương sáng” - Điều đó đã được người cao tuổi ở Nghệ An thể hiện như thế nào thưa ông?
Ông Hoan Châu: “Tuổi cao gương sáng” là điều thấy rõ từ khi người cao tuổi có tổ chức đoàn thể từ TƯ đến địa phương. Rất nhiều vị ở tuổi 60, 70 đã không bỏ phí thời gian còn lại của đời mình để hoạt động xã hội và sản xuất ra của cải cho xã hội. Nhiều vị làm kinh tế, làm trang trại nông nghiệp rất giỏi. Thật đáng phấn khởi.
Ngoài ra, người cao tuổi còn nêu gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình hiếu học, khuyến học, khuyến tài, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Người cao tuổi cũng là những người luôn đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhất là việc thực hiện hương ước, xây dựng tình làng nghĩa xóm và tham gia chống tham nhũng rất có hiệu quả. Chính người cao tuổi là những nhân tố tích cực xây dựng và cổ vũ mọi phong trào tại địa phương.
PV: Cuối cùng, xin phép được hỏi ông một vài điều mang tính cá nhân. Nghỉ hưu ông thích làm gì nhất? Ra đường ông sợ gì nhất? Điều gì ở lớp trẻ làm ông hài lòng nhất và điều gì làm ông phiền lòng nhất?
Ông Hoan Châu: Về hưu tôi thích nhất là đọc sách và dịch các tài liệu có ích cho văn hóa nước nhà. Ngoài ra tôi cũng thích đi thăm thú các thắng cảnh của quê hương, đất nước. Nhưng khi ra đường, tôi sợ nhất đám thanh niên đi xe máy lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu nên không dám đi lại nhiều.
Tôi thích nhất ở lớp trẻ hiện nay là tính năng động của họ và khả năng tiếp thu nhanh kỹ thuật mới. Nhưng lớp già chúng tôi rất phiền lòng về thị hiếu của một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ nhằm vào những điều phù phiếm và không lành mạnh, thích tiêu tiền, thích ngồi quán tán chuyện vô bổ mà không chăm lo tích lũy kiến thức và trau dồi tư duy. 
PV:Xin cảm ơn ông! Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi, xin kính chúc ông mạnh khỏe, trường thọ!
                                                                                                       PV (thực hiện)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511100

Hôm nay

299

Hôm qua

2359

Tuần này

21474

Tháng này

217973

Tháng qua

121356

Tất cả

114511100