Thế nhưng, trong xã hội ta hiện nay, tuy ít, nhưng vẫn có những nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ chưa đúng nghĩa, quan niệm giải thưởng là lẽ sống của họ, là nguồn sống cho các tác phẩm nghệ thuật của họ và vì thế tìm mọi cách để có giải thưởng. Họ không biết rằng như vậy là giết chết cái Đẹp, như thế là tự đánh đắm chính mình, như thế là đã mắc chứng vĩ cuồng trong văn học - nghệ thuật.
Thiên hướng của một nghệ sĩ là tạo ra tác phẩm nghệ thuật, tạo ra cái Đẹp. Cái Đẹp ở đây phải là cái Đẹp thẩm mỹ nhưng đồng thời phải là cái Đẹp, cái Cao cả của tâm hồn. Lịch sử chứng minh rằng những nhà văn, nhạc sĩ hay họa sĩ có thể đứng vững với thời gian là những bậc quân tử thực sự. Nguyễn Công Trứ mặc dù quan niệm: “Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” nhưng vẫn luôn thể hiện khí phách của người quân tử: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo.” Hay thi sĩ Tản Đà là người không phải không khát khao được ghi danh sử sách: “Sông Đà núi Tản đúc nên ai, Trần thế xưa nay được mấy người” nhưng không phải vì thế mà không: “Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc, Thanh cao phô trắng một nhành mai.” Rồi học giả, nhà văn Nguyễn Hiến Lê cũng đã từ chối những giải thưởng văn chương lên đến hàng trăm cây vàng. Ở nước ngoài, đã có những nhà văn từ chối giải thưởng văn chương danh giá vì lòng tự trọng và không màng danh lợi. Năm 1951, Julien Gracq đã từ chối giải thưởng Goncourt cho tác phẩm “Bờ biển Syrtes” vì hội đồng giải thưởng đã không quan tâm đến “thái độ” của ông. 12 năm sau, Jean-Paul Sartre đã thẳng thừng từ chối giải Nobel văn chương và cho rằng nhà văn phải “biết từ chối biến mình thành thiết chế ngay cả khi điều này xảy ra dưới những hình thức vinh quang nhất.”
Mới đây, trong các phương tiện thông tin đại chúng đã dấy lên rất nhiều tranh luận liên quan đến các giải thưởng văn học - nghệ thuật. Người ta tranh cãi với nhau là người này xứng đáng, người kia không xứng đáng, người này đủ điều kiện, người kia không đủ điều kiện. Rồi những chuyện kiện tụng xảy ra. Một số ít “văn nghệ sĩ” thiếu thực tài mà lại cố bám riết vào các giải thưởng. Đó hẳn là những người mắc chứng vĩ cuồng trong nghệ thuật. Họ hoang tưởng, ngộ nhận về tài nghệ của mình, họ khao khát được vinh danh một cách vô độ. Họ những tưởng là với các giải thưởng, công chúng độc giả sẽ đến với họ, tác phẩm của họ sẽ trường tồn, xã hội sẽ tung hô họ, đồng nghiệp sẽ nể nang họ. Họ không nhận thức được rằng họ đang tự lừa dối chính mình, lường gạt xã hội, rằng họ đang “Mập mờ đánh lận con đen”, tạo ra sự thật giả lẫn lộn trong văn học - nghệ thuật.
Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong một thời kỳ mà thói háo danh và chủ nghĩa hình thức đang khá phổ biến trong xã hội ta. Đây đó vẫn đang có nhiều người chú ý nhiều hơn đến các danh hiệu, bằng cấp mà quên đi cái thực chất. Đây đó vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị đánh giá danh hiệu thi đua một cách hời hợt, qua chuyện. Vẫn còn những người lợi dụng danh hiệu, giải thưởng để thăng quan, tiến chức hay trục lợi.
Một tác phẩm nghệ thuật thực sự xuất sắc sớm hay muộn rồi cũng được công chúng độc giả đón nhận, một nghệ sĩ thực sự tài ba sớm hay muộn rồi cũng sẽ được xã hội tôn vinh bằng cách này hay cách khác. Những tác phẩm của Van Gogh, Monet, Cézanne hay của Picasso chưa hẳn là đã được công nhận ngay từ đầu nhưng với thời gian, những giá trị nghệ thuật đích thực của chúng đã được khẳng định. Người nghệ sĩ thực thụ phải là một người không màng danh hão, phải tìm thấy giá trị của mình trong chính tác phẩm nghệ thuật chứ không phải đâu xa khác. Một chiếc áo cà sa chẳng làm nên thầy tu, một giải thưởng không làm nên một người nghệ sĩ chân chính.