Sự kiện cáo trong giải thưởng lần này xem ra còn quyết liệt hơn các lần trước. Sau khi ban chung khảo công bố kết quả, có 30 lá đơn khiếu kiện được gửi đi khắp nơi. Việc khiếu kiện trong các giải thưởng văn học nghệ thuật xưa nay được xem là chuyện bình thường. Nhưng khiếu kiện như các văn nghệ sĩ xứ Nghệ thì đến Bao Công sống lại cũng không xử được.
Căn nguyên sâu xa của hội chứng khiếu kiện này là bệnh hám danh hám lợi của một số văn nghệ sĩ. Thế mới có chuyện nực cười là một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở trong ban sơ khảo, vừa chấm điểm vừa xin điểm cho tác phẩm của vợ con mình, xin điểm không được thì quay ra kiện cáo. Có nhà thơ từng một thời nổi tiếng, cứ cho rằng tài năng của mình là nhất thiên hạ, bởi vậy tác phẩm của mình dự giải phải xếp hạng cao nhất. Có nhạc sĩ viết đơn đề nghị nâng giải chỉ vì tác phẩm của mình được Hội nhạc sĩ Việt Nam xếp hạng cao hơn. Có những tác giả đòi phúc khảo tác phẩm nghệ thuật như phúc khảo bài thi của các em học sinh phổ thông. Người ta nói không sai "văn mình vợ người". Bởi vậy, các văn nghệ sĩ đều yêu tác phẩm của mình đến mức chỉ muốn phủ nhận tác phẩm của người khác. Kẽ hở trong quy chế chấm giải đã biến các vị giám khảo thành người vừa đá bóng vừa thổi còi. Thậm chí có vị giám khảo chấm giải theo kiểu "nể nhau, cho nhau, vì nhau" chứ không vì chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Cách đánh giá tác phẩm văn chương nghệ thuật theo kiểu nửa tình nửa lý cộng với đầu óc vụ lợi cá nhân đã làm cho giải thưởng Hồ Xuân Hương lâm vào tình trạng kiện cáo tùm lum. Kiện không được thì quay ra nói xấu bới móc nhau, thậm chí thóa mạ nhau như ngoài đường ngoài chợ.
Dĩ nhiên, không phải tất cả văn nghệ sĩ đều mắc chứng "vĩ cuồng" vì giải thưởng. Có tác giả khiếu nại chính đáng vì tác phẩm của mình không được đánh giá đúng mức. Có tác giả không gửi tác phẩm dự giải chỉ vì sợ vạ lây chuyện kiện cáo. Thậm chí có tác giả đạt giải mà chỉ thấy buồn không muốn nhận. Điều đáng lo ngại nhất là những văn nghệ sĩ có tài năng, biết tự trọng ngày càng thờ ơ với giải thưởng danh giá mang tên Hồ Xuân Hương. Tỉnh đầu tư một khoản tiền lớn cốt để nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Nhưng điều đáng buồn là mục đích tốt đẹp đó đã không đạt được.
Với số tiền lớn bỏ ra, chỉ làm được một việc là nghiệm thu nhân cách văn nghệ sĩ.