Diễn đàn

Cần xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá việc tổ chức các giải thưởng văn học, nghệ thuật

Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, các văn nghệ sỹ, những người sáng tạo nên các tác phẩm để tôn vinh Chân, Thiện, Mỹ rất cần được sự đánh giá, ghi nhận của xã hội. Các giải thưởng là sự khích lệ, động viên các văn nghệ sỹ trên con đường sáng tạo của mình. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta, các địa phương, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội đã có nhiều giải thưởng để tôn vinh các tác giả và những thành tựu sáng tạo của họ. Các giải thưởng đã có tác dụng thúc đẩy nền văn học nghệ thuật nước nhà phát triển.

Mục tiêu của các giải thưởng là cao cả và tốt đẹp, và hiệu quả nhìn chung là thiết thực. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức xét, trao tặng ở một số giải, ở trung ương cũng như các địa phương, còn có nhiều lúng túng, bất cập, thậm chí lộn xộn, làm giảm ý nghĩa nhân văn, văn hoá của giải.
Tuỳ ở từng giải khác nhau mà có những nguyên nhân cụ thể khác nhau dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên có thể thấy có một số nguyên nhân phổ biến, đó là cơ cấu hệ thống các giải còn có chỗ chưa hợp lý, và, tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức giải chưa cao, nhất là ở các địa phương.
Các giải thưởng văn học nghệ thuật của chúng ta vẫn đang cơ bản là của Nhà nước, hoặc cấp này hay cấp nọ. Thậm chí là giải của hội nghề nghiệp nhưng kinh phí vẫn cơ bản là do ngân sách nhà nước cung cấp, tài trợ. Do vậy việc tổ chức, điều hành giải vẫn là theo nề nếp hành chính, mọi sự vận hành theo quán tính bao cấp của “bầu sữa” ngân sách nhà nước. Bầu sữa ngân sách nhà nước là “của chùa” nên ai cũng muốn dự phần, do vậy việc ứng giải và chấm giải, dù muốn hay không vẫn chịu ảnh hưởng của truyền thống tâm lý “một miếng giữa làng”...
Tổ chức, điều hành ở một số giải, ở cả trung ương và địa phương, còn thiếu chuyên nghiệp là do kỷ năng tổ chức yếu kém và cái gốc là do tình trạng “muối chấm muối”, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thiếu những người cầm cân nẩy mực có tài, công tâm, và có vị thế khách quan. Tâm lý “văn mình, vợ người”, ít tiếp xúc với những quan niệm và thông lệ tổ chức giải thưởng của quốc tế và một số ít văn nghệ sỹ không tự bảo vệ và đề cao nhân cách nghệ sỹ là những nguyên nhân chính dẫn đến việc các văn nghệ sỹ không chấp nhận lẫn nhau, thậm chí khiếu nại, khiếu kiện, xúc phạm lẫn nhau.
Để có thể khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu và đề xuất theo hướng tăng cường xã hội hoá đồng thời với chuyên nghiệp hoá việc tổ chức các giải thưởng thuộc lĩnh vực sáng tạo nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng. Có thể có nhiều giải thưởng nhưng cần chuyên môn hoá để nâng cao chất lượng, tầm vóc và ý nghĩa văn hoá của các giải thưởng và đồng thời hạn chế dần các giải thưởng do các cơ quan nhà nước tổ chức bằng ngân sách nhà nước.
                                                                       

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511661

Hôm nay

2324

Hôm qua

2336

Tuần này

22035

Tháng này

218534

Tháng qua

121356

Tất cả

114511661