Lớp chọn, lớp mũi nhọn
Trao đổi với chúng tôi, thầy hiệu trưởng một trường THPT lớn trên địa bàn TP Vinh bộc bạch: “Trước đây, trường tôi thường tổ chức mỗi khối một lớp chọn, năm học này đang tổ chức mỗi khối 2 lớp.
Đây là lớp mũi nhọn, một mặt tạo điều kiện cho các em được học tập tốt hơn, mặt khác cũng là cơ sở để đem về các thành tích mũi nhọn cho nhà trường. Kết quả thi học sinh giỏi các cấp, rồi kết quả thi đại học là “bộ mặt” của nhà trường. Thành tích mũi nhọn mà kém thì “khó ăn khó nói” lắm. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại thi đua của nhà trường”. Thầy Hiệu trưởng cũng thẳng thắn: “Tiêu chuẩn duy nhất để vào lớp chọn trường này là năng lực, không có bất cứ ai, có mối quan hệ nào có thể “tác động” cho con em vào được. Những lớp này có sĩ số ít hơn lớp thường, và hàng năm có sự sàng lọc. Những em nào kết quả học tập kém sẽ bị chuyển sang lớp thường, những em nào ở lớp thường phấn đấu tốt sẽ được bổ sung. Vì vậy, vào lớp chọn là một động lực để các em cố gắng học tập”. Thầy H, một giáo viên dạy lâu năm ở Trường THPT Diễn Châu 2 cho biết thêm: Ở lớp chọn, trình độ học sinh khá đồng đều, giáo viên dễ đầu tư dạy nâng cao hơn, đặc biệt giữa học sinh luôn có sự cạnh tranh tích cực trong học tập. Từ đó, kết quả học tập của lớp chọn bao giờ cũng rất cao.
Đó cũng là lý do chính để hình thành các lớp chọn ở các trường phổ thông, từ tiểu học đến THPT. Nhiều trường “lách luật” bằng cách, không gọi lớp chọn mà gọi là lớp “chất lượng cao”. Qua tìm hiểu, được biết một số trường tổ chức thi tuyển vào lớp chọn, một số trường THCS trên địa bàn TP Vinh thì dựa vào kết quả thi tuyển vào trường THCS Đặng Thai Mai để làm căn cứ xếp lớp chọn. Các trường THPT thì căn cứ điểm đầu vào để hình thành các lớp chọn. Các lớp chọn được bố trí những giáo viên giỏi nhất, chương trình các môn học, bài tập cũng được tăng cường so với lớp thường. Phong trào học của các lớp chọn cũng tốt hơn. Vì vậy, nhiều em học ở lớp chọn đã đạt được những thành tích xuất sắc. Lớp chọn của các trường THPT Quỳnh Lưu 1, THPT Diễn Châu 2, THPT Diễn Châu 3…tỷ lệ đậu ĐH nguyện vọng một (vào các trường ĐH tốp đầu) thường đạt trên 90%. Đặc biệt, kỳ thi ĐH vừa rồi, lớp 12A Trường THPT Thanh Chương I đậu đại học 100%.
Những mặt trái của lớp chọn
Không chỉ ở TP Vinh mà hầu hết các huyện, thị trong tỉnh đều có các lớp chọn trong các trường học. Phần lớn phụ huynh ai cũng muốn con em mình được vào lớp chọn, trường điểm, xem việc con học ở lớp chọn là niềm tự hào và ai cũng tin rằng nếu được vào lớp chọn, trường điểm con em sẽ học hành thành đạt. Vì vậy, mới nẩy sinh hiện tượng “chạy” cho con em được vào các lớp chọn, trường điểm. Cũng vì vậy mà các lớp chọn thường có sỹ số cao hơn so với lớp thường. Một số trường TH, THCS, chênh lệch sỹ số giữa lớp chọn và lớp “không chọn” lên tới hàng chục em. Có trường tiểu học sỹ số một vài lớp lên tới 45 em/lớp, trong khi quy định của ngành giáo dục không vượt quá 35 em/lớp. Vậy là lớp thì thừa chỗ ngồi, lớp thì học sinh chen chúc. Cô Ngô Thị Nguyệt, Phó Phòng GD&ĐT TP Vinh cho rằng: “Giáo viên dạy lớp quá đông rất vất vả mà cũng không thể quan tâm sâu sát tình hình học tập của từng em được. Cho nên chưa chắc học sinh học lớp chọn đã tốt hơn học ở các lớp thường”. Chị Ngọc Bích, có con học ở Trường Tiểu học HHT (TP Vinh) chia sẻ: Lớp của con tôi (lớp 2) có tới 49 em, việc ăn, ngủ trưa tại trường thật chật chội và bất tiện. Cô giáo có vận động phụ huynh đón các cháu về bớt vào buổi trưa nhưng chắc cũng vì quá bận rộn nên chẳng ai đón con về. Lớp đông như thế, cô giáo làm sao mà sâu sát được học sinh, chất lượng học tập của các cháu cũng khó mà đảm bảo”. Hiện tượng lớp “chọn” ở bậc Tiểu học là bất thường. Nguyên nhân của tình trạng này, theo một cán bộ Phòng GD&ĐT Quỳ Hợp cho biết trước hết là do tâm lý nôn nóng, lo lắng quá mức của phụ huynh, thứ hai là do sự buông lỏng quản lý, tiêu cực của một số cán bộ quản lý, giáo viên. Trước khi gửi con em vào học, phụ huynh đã tìm hiểu cô giáo nào giỏi nhất, quan tâm học sinh nhất và tìm cách tiếp cận, quan hệ để xin con vào học lớp của cô giáo đó. Lớp được tổ chức theo hình thức này được gọi là lớp “chọn cô”. Vì vậy, vô hình trung đã tạo ra sự phân biệt đối xử và áp lực cho con em ngay từ những lớp đầu tiên của bậc phổ thông.
Ở một số trường, mỗi khối không chỉ có một lớp chọn mà có đến 2-3 lớp, gọi là “chọn 1”, “chọn 2”, “chọn 3”…, có trường thì thẳng thừng gọi là lớp “ngoại giao”. Có những phụ huynh thừa nhận đã phải chi cả chục triệu đồng để xin cho con được vào những lớp “chọn” như vậy. Dĩ nhiên, những học sinh nghèo, không có vai vế gì, học hành không có gì xuất sắc thì cứ yên vị ở những lớp đại trà, với những giáo viên chất lượng cũng “đại trà”. Kết quả là những em giỏi, xuất sắc thì càng giỏi hơn, những em trung bình và yếu kém càng ít có cơ hội để cải thiện thành tích học tập. Đây là một xu hướng trái ngược với tính nhân văn, thân thiện của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.
Từ đó, thiết nghĩ ngành Giáo dục cần có sự quan tâm đến hiện tượng này, có những giải pháp để bồi dưỡng học sinh giỏi, đồng thời không coi nhẹ việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.