Cuộc sống quanh ta

Người tận lực cho thơ

                                                                   Vẽ tôi con Lợn cầm tinh

                                                              Con Gà cầm tháng con Tình cầm tay

                                                                                  (Nguyễn Trọng Tạo)

 

Mùa đông 1978 buốt lạnh và triền miên những bữa cơm ăn hạt bo bo. Những tranh chấp biên giới Tây – Nam đã đến độ căng thẳng. Những người lính tình nguyện Việt Nam lại một lần nữa dấn thân gúp bạn Campuchia để nhằm xóa sạch nạn diệt chủng Pôn Pốt.

Những giai điệu ngợi ca họ lại vang lên nóng bỏng. Lúc ấy tôi đang chuẩn bị viết một chùm ca khúc để trả bài cho lớp sáng tác thì bỗng thấy bài thơ “Hát ru em bé Campuchia” của Nguyễn Trọng Tạo trên báo Văn Nghệ. Bài thơ đầy nhạc tính. Thế là tôi dựa vào một nét dân ca Campuchia, phổ nhạc bài thơ này. Ca khúc “Hát ru em bé Cămpuchia” hoàn thành, được thầy Vũ Trọng Hối khen, rồi được thu thanh mở đầu cho băng ca nhạc “Campuchia chiến đấu và hy vọng”. Lúc ấy tôi chưa hề gặp Nguyễn Trọng Tạo mà chỉ biết hắn cũng làm thơ làm nhạc như mình.

Vào một sáng mùa đông năm đó, Nguyễn Đình Chính đưa tôi đến Trại sáng tác Quân đội ở làng Khương Hạ. Ở đấy, tôi đã gặp Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Hoa. Không cần rào trước đón sau, chúng tôi đọc thơ và hát cho nhau nghe trong men nồng “quốc lủi”. Và từ ngày ấy, chúng tôi thành “Ba anh em họ Nguyễn” như nghĩa cử Lương Sơn Bạc cho đến tận hôm nay.

Nguyễn Trọng Tạo quê Diễn Châu, Nghệ An. Đấy là vùng đất Hoan Diễn của xứ Âu Lạc xưa, nơi có đền Công thờ Thục An Dương Vương với huyền sử vua cha chém Ái nữ Mỵ Châu rồi tuẫn tiết trên đèo Mụ Dạ, nơi có Lèn Hai Vai như vị tướng bị chặt đầu và sông Bùng như dòng nước mắt của bà tướng khóc chồng tuôn trào ra biển. Nguyễn Trọng Tạo sinh ra ở đấy vào ngày 25-8-1947, trùng với ngày sinh và ẩn tuổi Hợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không biết có phải do trời tạo, đất sinh mà từ miền quê huyền sử ấy đã hun đúc nên một chàng nghệ sĩ đa tài “cầm-kỳ-thi-họa” cho thời hiện đại này. Đa tài sau Văn Cao và Nguyễn Đình Thi.

Tôi có ý nghĩ như vậy, bởi khi tôi gặp Tạo, hắn đã có thơ in thành tập, đã đoạt liền ba giải thưởng thơ hay trong năm của ba tờ báo lớn, đã từng vẽ tranh bán ở chợ Vinh thuở thiếu thời, và vừa viết xong bài hát “Làng Quan Họ quê tôi” phỏng lời thơ của Nguyễn Phan Hách. Bài hát đã được Thanh Hoa cùng tốp nữ Đài Tiếng Nói Việt Nam thu thanh, để rồi nổi tiếng mãi đến bây giờ và chắc còn vang mãi mai sau. Nghe nói hồi nhỏ Tạo đã tự làm một chiếc đàn violon khá đẹp và đã có lần diễn tấu cho toàn trường cấp 3 Diễn Châu nghe, nhưng từ khi gặp Tạo, tôi chưa hề thấy hắn chơi một loại nhạc cụ nào, mà xướng âm thì khá vững. Còn vốn hòa âm, khúc thức… Tạo thụ hưởng từ thầy Ngô Trí Thậm và qua vài lớp sáng tác âm nhạc trong quân đội cũng đã đủ để viết ra một tổ khúc hợp xướng “Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ” khá hoành tráng thời chống Mỹ cứu nước. Vậy nên, đó cũng là tạng của một nhạc sĩ dị biệt. Về thơ, cũng ngay từ dạo ấy, Tạo đã có những đột phá mang khát vọng cách tân như không nhiều nhà thơ khác thời đầu thanh bình. Tạo khởi xướng ra “Thơ đời thường” nhằm đối trọng với thơ tụng ca nhan nhản lúc bấy giờ, để rồi phóng ra một “Tản mạn thời tôi sống” giữa năm 1981 làm chấn động thi đàn. Với thơ, Tạo vô cùng khó tính. Tôi có bài thơ “Những giọt mưa” làm lại đến lần thứ ba rồi mà Tạo đề nghị tôi “giỡ ra làm lại, không thì tiếc quá”, và tôi đã làm theo đề nghị của hắn, để có được bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” đoạt giải báo Văn Nghệ sau đó. Chúng tôi chơi với nhau như vậy, bươn trải hết biên giới Tây – Nam lại biên giới Bắc. Rồi cả “Ba anh em họ Nguyễn” đều cùng về học Trường Viết Văn Nguyễn Du khóa đầu tiên.

Đấy là những ngày tụ quần ấm áp không bao giờ quên. Ấm áp và trong trẻo. Lúc đó Trại sáng tác Quân đội đã chuyển về Vân Hồ. Tạo và Nguyễn Hoa ở chung một phòng. Hành trình hai chiều Vân Hồ với nhà tôi 60 Hàng Bông là hành trình đi về trong thương mến của “Ba chàng họ Nguyễn” chúng tôi. Khi thì tôi tới Vân Hồ, khi thì Tạo và Nguyễn Hoa lên Hàng Bông. Ở không gian nào thì cũng vẫn là rượu, thơ và nhạc. Đấy là thời kỳ tích điện và bắt đầu phóng ra vài luồng điện lạ vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Một trong những luồng điện lạ đó của Tạo là bài thơ dài “Tản mạn thời tôi sống”. Bài thơ nhức nhói bao nhiêu câu hỏi đòi phải được trả lời, đòi phải có sự chuyển đổi. Đó là thơ “Đổi mới trước Đổi mới” như có nhà phê bình nhận xét: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời… thật không dễ dàng chi”. Bài thơ được công chúng hào hứng đón nhận, nhưng cũng chính bài thơ đó đã dội ngược về Tạo bao nhiêu áp lực của những thế lực bảo thủ đương nhiệm. Những khát vọng cách tân của chúng tôi “đi tìm ngọn lửa nào mới mẻ cho thơ” đã vấp phải những lực cản mạnh mẽ. Và Tạo là người đầu tiên phải trả giá cho khát vọng này. Anh buộc phải dở dang khóa học ở Trường Nguyễn Du, nhận lệnh của quân đội “Đi nhận nhiệm vụ mới”, nhưng thực ra là về lại đơn vị cũ ở Quân Khu Bốn, nơi anh đã gắn bó suốt cả thời chiến tranh. Song ở đời, bao giờ “cùng” cũng “tắc biến”. Khi con người đã mang trong mình khát vọng, thì ở đâu, khát vọng đó cũng có thể biến thành hiện thực. Khát vọng đó đã được Tạo viết trong tập thơ “Thư trên máy chữ” gửi gắm tới bạn bè quan niệm nghệ thuật của mình ngay sau những ngày đầu rời xa Hà Nội: “Rồi một ngày thành phố sẽ nổ tung/ Bởi những hạt Sự Thật”.  Đêm lột xác ấy có gì vừa tan vỡ vừa đau đớn. Đấy là đêm tiễn Tạo về lại Khu Bốn, chúng tôi thức uống cùng nhau trắng khuya. Vừa chớm sáng thì Tạo lên đường. Còn tôi và Nguyễn Hoa thì ở lại với ý chí “chai rượu vỡ vụn/ chứng tỏ là thủy tinh” của Tạo đang vương vãi muôn mảnh xung quanh.

Những năm tháng “họa vô đơn chí” đã ập đến nặng nề như muốn đánh gục Tạo. Giấc mơ sau chiến tranh về Hà Nội làm văn chương tan vỡ. Vợ chồng thì ly hôn. Cô em gái ruột dạy học tận Đăc Lắc bị nhiễm độc máu. Tạo phải bám bệnh viện để chăm sóc người em chỉ còn 1% hy vọng sống. Nhờ đức độ của giám đốc Nhà Văn Hóa Quân Khu Bốn – nhà văn Đậu Kỷ Luật, Tạo được phép công tác trong “cơ chế thoáng” để có thể tháng này Đắc Lắc, tháng sau Đà Nẵng, tháng sau nữa Hà Nội… theo cùng em gái. Vừa chăm sóc em, Tạo vừa viết báo vừa đi nói chuyện thơ và làm đủ mọi việc để có tiền cho em chữa bệnh. Chính sự tận tình nuôi em của Tạo đã làm lay động con tim bao bác sĩ và bạn bè. Mọi người đều sắn tay vào cuộc với Tạo. Và sau 6 tháng trời ròng rã ở bệnh viện với 3 lần thay máu, 1 lần phẫu thuật, cô em ruột đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, trở về quê tiếp tục nghề dạy học. Thật là một kỳ tích ngoài nghệ thuật. Một kỳ tích nhân bản sau bài thơ “Làng có một ngày như thế” và bài hát “Làng Quan Họ quê tôi”.

Sau khi hoàn thiện kỳ tích trên, Tạo rảnh rang thời gian giành cho nghệ thuật. Tạo viết liên tiếp hai cuốn văn xuôi cho thiếu nhi là “Miền quê thơ ấu” và “Ca sĩ mùa hè”, sau này được tái bản nhiều lần và được giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố Đô; cho xuất bản tập truyện ngắn “Khoảnh khắc thời bình” trong đó có truyện được dịch ra nhiều thứ tiếng. Hàng loạt bài thơ mới và trường ca “Tình ca Người lính” ra đời. Năm nào Tạo cũng ra Hà Nội “cho đỡ nhớ”, và mỗi lần chia tay, Tạo lại đề nghị đến Thủy Tạ uống bia hơi để “nhắm một miếng Hồ Gươm”. Thỉnh thoảng chúng tôi lại thu xếp cùng nhau một chuyến song hành xuyên Việt. Vừa đi vừa tích điện, vừa phóng điện. Những cuộc rượu bật sáng. Những sẻ chia ngất ngưởng với Thanh Thảo, Trần Hinh. Những dào dạt nồng men với Trịnh Công Sơn, Đinh Cường… “Ba chàng họ Nguyễn” chúng tôi quyết định ấn hành một tập thơ chung tại nhà xuất bản Hà Nội để làm kỷ niệm - tập “Sóng nhà Đêm biếc Tôi yêu” năm 1986. Đấy cũng là năm bắt đầu của thời kỳ Đổi mới.

Qua nửa thập niên phiêu bạt giang hồ lãng tử, Tạo lập gia đình và định cư tại Huế. Những năm tháng “sông Hương hóa rượu ta đến uống/ ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say” cùng bạn bè Huế, nói như Tạo: “Sông Hương và Huế đã ném vào thơ tôi một vốc sương mù”. “Người ham chơi” Nguyễn Trọng Tạo đã cho ra hàng loạt tác phẩm thơ “Sóng Thủy tinh”, “Gửi người không quen”, “Thư trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống”, và đặc biệt nhất là “Đồng dao cho người lớn” tung ra cái nhịp chẵn trì tục như một cách tân phương Đông làm ngỡ ngàng những người làm thơ, đọc thơ vốn quen nếp cũ. Tập thơ xứng đáng được trao giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam, nhưng tiếc thay khi vào chung khảo nó đã bị “Thư mùa đông” của Hữu Thỉnh đánh gục, khiến bao người yêu thơ buồn tiếc. Tạo hơi bị đau một chút, nhưng hắn lại gượng dậy đưa ra một tiết tấu pop Nghệ cho ca khúc “Đôi mắt đò ngang” tình tứ đến quyết liệt, khiến tác giả “Xa khơi” Nguyễn Tài Tuệ thán phục như một bước tiến trong khai thác âm hưởng ví dặm. Rồi hắn lại lãng đãng với một “Con dế buồn” đồng cảm cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường qua giọng hát Mỹ Linh quyến rũ đến mê hồn…

“Người ham chơi” Nguyễn Trọng Tạo vẫn chưa chịu dừng lại. Lãng du 15 năm như nàng Kiều ở miền Trung, hắn lại quay về Hà Nội “nương thân” tít trên tầng sáu của nhà tập thể Phương Mai thực hiện giấc mơ xưa. Cứ tưởng ra Hà Nội để làm báo Thơ lại rơi về làm tạp chí Âm Nhạc cùng tôi sau khi đã cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập khởi ra tạp chí Cửa Việt nổi đình đám, và đã vẽ măng-sét mới, dựng “phom” mới cho tạp chí Sông Hương. Vẫn một quyết liệt cách tân thơ theo kiểu riêng hắn. Vẫn một lối uống rượu có khi xuyên đêm không cần ngủ. Vẫn một tụ quần bè bạn đầy thương mến để rồi lại trào ra một “Khúc hát sông quê” đồng điệu qua thơ Lê Huy Mậu da diết đến tận gan ruột người xa xứ, bởi giọng nhấn nhá như lên đồng của Anh Thơ. Bên cạnh tạp chí Âm Nhạc, Tạo thuyết phục Hữu Thỉnh ra báo Thơ, và chính hai tay hắn đã dựng lên tờ báo Thơ (cũng như vẽ cờ Thơ cho Ngày Hội Thơ) để trang trải khát vọng về thơ Việt của mình. Hình như một mình hắn cặm cụi trong lặng lẽ vừa thu gom bài vở, vừa biên tập tỉ mỉ, vừa trình bày rất “moder” giống như đã từng trình bày Cửa Việt và làm biết bao bìa sách khá tân kỳ đã từng đoạt giải thưởng. Báo Thơ do Tạo “tự nấu nướng” đã tồn tại được hai năm với biết bao lời tán thưởng.

Song hình như từ khi sang thế kỷ mới, với một tâm niệm không chịu “lưu ban thế kỷ cũ”, muốn tự mình làm những gì mình tâm huyết và thích thú, mùa thu 2005 “Người ham chơi” Nguyễn Trọng Tạo tự gò mình vào công việc mới kết hợp cùng bạn bè ở Sài Gòn lập ra công ty VVT mà hắn thường gọi đùa là “Vừa vừa thôi”, “Vừa và to”, “Vui và thú”, “Vớ vẩn thế”… Nhưng thực ra VVT là chữ viết tắt của Văn hóa và Truyền thông, với những chức năng làm văn hóa nghệ thuật vốn là sở trường của Tạo. VVT đã làm sách văn học, trong đó Tạo rất tâm đắc với tập sách “Những nhà thơ giải thưởng Nobel” dày chẵn nghìn trang khổ lớn, và vừa qua đã kết hợp với tạp chí Sân Khấu ra phụ san hàng tháng mang tên Sao Việt với ý tưởng là “ngôi nhà chung của hiền tài” mà hắn và cộng sự đã nung nấu từ lâu. Đúng là một cuốn tạp chí “đẹp để đọc” chứ không phải “đẹp để nhìn” như nhiều tạp chí màu mè lòe loẹt hiện nay.

Đã gần qua tuổi tri thiên mệnh, xem ra “Người ham chơi” con Hợi cầm tinh vẫn chưa chịu ngồi chiếu lão làng. Tập thơ mới  “Thế giới không còn trăng” gồm 60 bài của Tạo lại đĩnh đạc trình làng sau 7 năm tận lực cho thơ. Hình như hắn vẫn cứ “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” cho thỏa chí làm trai tang bồng cùng trời đất. Vâng, nếu không thế thì hắn không còn là Tạo nữa.

 

Hà Nội, ngày chớm đông 2006

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513586

Hôm nay

259

Hôm qua

2313

Tuần này

21523

Tháng này

220459

Tháng qua

121356

Tất cả

114513586