Xứ Nghệ ngày nay
Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích LSVH trên địa bàn Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là một địa bàn tụ cư của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước với huyền thoại "Cố đô ngàn Hống" và những chứng tích khoa học mà các nhà khảo cổ đã khẳng định với nhiều di chỉ có niên đại trên 4 ngàn năm như Phôi Phối – Bãi Cọi, Thạch Lạc... Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn có một bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá với những làng xã, dòng họ, nhân vật, sự kiện nổi tiếng khắp cả nước...
“Cơ địa” đó đã tạo nên trên mảnh đất này một tài nguyên vô giá - hệ thống các di tích lịch sử văn hoá với nhiều loại hình, phân bổ ở hầu khắp các địa phương.
Là một tỉnh có quy mô trung bình về diện tích và dân số so với các tỉnh trong cả nước, về phát triển kinh tế đang còn là một tỉnh nghèo, nhưng về "gia sản văn hoá" mà cha ông để lại thì Hà Tĩnh lại được xếp trong tốp 15 tỉnh dẫn đầu. Những so sánh đó khẳng định thêm một điều là trong quá khứ, các thế hệ cha ông người Hà Tĩnh đã hoàn toàn không hổ thẹn với các thế hệ cùng thời ở những địa phương văn vật khác để chúng ta tự tin khai thác nguồn lực quý giá này trong hiện tại và tương lai.
Trải qua sự tàn phá khốc liệt của thời gian, thiên tai, địch họa, dù bị mất mát nhiều nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn còn trên 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 72 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 260 di tích cấp tỉnh với đủ loại hình đặc trưng. Di tích danh thắng có Chùa Hương Tích, Chùa và Hồ Thiên Tượng...; Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến có Ngã Ba Nghèn, Ngã Ba Đồng Lộc, Làng K130, Chỉ huy Sở 559...; Di tích danh nhân văn hoá có Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Di tích danh nhân cách mạng có Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập... Về di tích kiến trúc nghệ thuật cổ tuy chưa nổi tiếng như một số vùng đồng bằng sông Hồng nhưng nhiều di tích ở Hà Tĩnh cũng mang những đặc trưng kiến trúc, lịch sử khá tiêu biểu của từng triều đại và vùng miền như Đình Hội Thống, Đền Cả tổng Du Đồng, Chùa Am, Đền Bạch Vân... Điều đặc biệt là Hà Tĩnh có khá nhiều di tích gắn với các danh lam, thắng cảnh tạo nên những hạt nhân chính thu hút du khách như: Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu, Chùa Hương Tích, Chùa Chân Tiên, Đền Chiêu Trưng, Hoành Sơn Quan, Khu mộ Trần Phú…
Một đặc điểm cũng dễ nhận thấy của hệ thống di tích lịch sử văn hóa Hà Tĩnh là vừa phân bổ ở hầu khắp các địa phương, vừa tập trung vào một số vùng trọng điểm. Những cái nôi văn hoá lớn là nơi tập trung nhiều di tích như Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân... Đặc biệt một số xã ở các địa phương này có mật độ di tích dày đặc: Tùng Ảnh (Đức Thọ) có đến 06 di tích quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh; Trường Lộc (Can Lộc) có 03 di tích cấp quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh; Cổ Đạm (Nghi Xuân) có 01 di tích quốc gia và 06 di tích cấp tỉnh. Các xã Ích Hậu (Lộc Hà), Tùng Lộc (Can Lộc), Tiên Điền (Nghi Xuân) có từ 2 - 3 di tích cấp quốc gia ... Đây là lợi thế quan trọng cho công tác quy hoạch thành tua, tuyến để phát triển du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn.
Tuy nhiên, hệ thống di tích ở Hà Tĩnh hiện đang phải đối mặt với sự xuống cấp, thậm chí nhiều di tích đã đổ nát thành phế tích, nhiều di tích chỉ còn tồn tại trong các thư tịch, tài liệu... Trong đợt kiểm kê gần đây của ngành văn hóa thì Hà Tĩnh chỉ còn hơn 500 di tích, còn lại hàng trăm đình, chùa, đền thờ... từng nức tiếng trong sử sách xưa thì nay đã thành ký ức ...
Thực trạng này do nhiều nguyên nhân. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Hà Tĩnh một thời kỳ dài là vùng đất "phiên trấn", "phên dậu", hầu như ở địa phương nào cũng còn dấu vết của những trận giao tranh ác liệt hoặc với kẻ thù xâm lược, hoặc là "đàng trong - đàng ngoài"... Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tuy là vùng đất "hậu phương" nhưng Hà Tĩnh lại trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, thậm chí được coi là "chảo lửa - túi bom" trong chiến tranh phá hoại. Cùng với "địch họa" thì khí hậu, thời tiết nghiệt ngã, thất thường cũng là "kẻ thù lớn" góp phần tàn phá biết bao di tích, thắng cảnh...
Đồng hành với "thiên tai, địch họa", con người cũng là một tác nhân quan trọng trên cả hai tư cách: vừa là chủ nhân vừa là chủ thể hưởng lợi của di sản văn hoá. Do nhận thức máy móc, sai lệch nên đã một thời kỳ dài nhiều địa phương, dòng họ, cá nhân hoặc đã đập phá hoặc thờ ơ với các di sản tâm linh mà bao thế hệ trước đã xây đắp, gìn giữ. Nhiều đình, chùa bị biến thành nhà kho hoặc trụ sở hợp tác xã; nhiều nhà thờ danh nhân bị mua đi bán lại chỉ dùng để làm công trình phụ... Nhà thờ Phan Đình Phùng ở Tùng Ảnh lưu tán mãi qua nhiều nơi, cuối cùng xuống tận xã Đức Nhân, đến năm 2004 mới được Sở Văn hóa Thông tin cùng dòng họ chuộc về dựng lại. Đền Phúc Giang thư viện một thời lừng lẫy là thế nhưng đến nay chỉ còn lại một số ít cột gỗ, vì kèo thất tán quanh vùng Trường Lưu... Nhiều ngôi đền lớn toạ lạc trên diện tích hàng mấy héc-ta đến nay chỉ còn trơ lại một vài cột nanh hoặc một ít tường đá đổ nát... Đến khi "ngộ" được ra, do mong muốn chuộc lỗi cứu vớt và khôi phục nhanh những di tích đã xuống cấp nên không ít nơi lại đua nhau ồ ạt "tôn tạo"; và do thiếu hiểu biết hoặc thái độ vô tâm, nên thêm một lần nữa nhiều di tích lại bị biến dạng, từ cổ chuyển thành kim, thành “mô-đéc”...
Trước thực trạng đó, từ sau ngày tái lập tỉnh, ngành văn hóa đã tập trung cao độ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống di tích. Cùng với việc khảo sát, thống kê, điều tra hiện trạng, ngành đã phối hợp với các địa phương, dòng họ lập hồ sơ trình xếp hạng để có căn cứ pháp lý bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong số 72 di tích được xếp hạng quốc gia, ngoại trừ di tích "Lăng mộ và miếu thờ Nguyễn Du" được xếp hạng từ năm 1962 (năm 1992 được Bộ VHTT cấp đổi lại bằng), số còn lại đều được xếp hạng trong những năm qua. Đặc biệt, sau khi Luật Di sản Văn hoá ra đời (2001), công tác lập hồ sơ xếp hạng đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, số lượng di tích được xếp hạng cả quốc gia và cấp tỉnh không ngừng tăng lên. Trong 8 năm (2003 - 2011), ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng được 260 di tích cấp tỉnh... Sau khi được xếp hạng, hầu hết các địa phương, dòng họ đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng di tích và hoạt động này trong những năm qua đã thực sự trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá, ngày hội tôn vinh công trạng của cha ông để giáo dục truyền thống và bản sắc văn hoá cho các thế hệ... Mặt khác, việc xếp hạng di tích đã tạo nên một hành lang quan trọng cho việc vận động các nguồn lực theo phương thức xã hội hóa để tôn tạo, tu bổ di tích.
Đến nay, hầu hết di tích quốc gia đều đã được đầu tư chống xuống cấp bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và các nguồn vốn huy động khác; trong đó một số di tích được đầu tư tập trung với quy mô lớn như Khu Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu lưu niệm Cố TBT Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngã ba Nghèn, Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Khu mộ và lưu niệm Đại danh y Lê Hữu Trác, Đền thờ và mộ danh nhân Nguyễn Công Trứ... Cùng với nguồn ngân sách, nhiều địa phương, dòng họ cũng đã huy động thêm các nguồn lực khác để đầu tư tôn tạo, nâng cấp di tích (ước tính trong vòng 10 năm (2001 - 2010) đã huy động nguồn xã hội hoá gần 200 tỷ đồng).
Công tác quản lý, khai thác hệ thống di tích cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Một số di tích trọng điểm đã có Ban quản lý (BQL) chuyên trách như Khu di tích Nguyễn Du, Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngã Ba Đồng Lộc, Chùa Hương... Một số địa phương đã chủ động thành lập BQL như ở di tích Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh), Đền thờ và mộ Lê Khôi (Thạch Hà), Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn)... Nhiều địa phương và BQL di tích đã gắn hoạt động di tích với khôi phục, tổ chức các lễ hội truyền thống để thu hút du khách đến tham quan và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng như: lễ hội Chùa Hương Tích, lễ hội đền Bà Hải, lễ hội Đền Chiêu Trưng, lễ hội Đền Đô Đài (đền thờ Bùi Cầm Hổ), lễ hội Chùa Chân Tiên... Ngoài các di tích có BQL chuyên trách, có hướng dẫn viên và nhiều ấn phẩm văn hoá phục vụ du khách đến tham quan (Nguyễn Du, Trần Phú, Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương), một số địa phương đã chủ động phối hợp xuất bản ấn phẩm văn hoá giới thiệu về lịch sử di tích và truyền thống văn hoá của địa phương mình như ở Đền Chiêu Trưng, đền Nguyễn Thị Bích Châu, Đền Củi...
Công tác quản lý nhà nước về di tích cũng được tăng cường. Hầu hết việc tổ chức lễ hội ở các di tích đều được ngành văn hóa cấp phép và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức theo Quy chế do Bộ ban hành. Ngành cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, hướng dẫn hoạt động tại các di tích, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, lệch lạc, nhất là trong việc trùng tu, tôn tạo, trong quản lý thu và sử dụng tiền công đức, hoạt động các dịch vụ...
Nhìn chung, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng được chú trọng, đóng một vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho cán bộ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và đang trở thành kho tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá theo tinh thần Kết luận của Hội nghị TW 10 (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì công tác quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập và yếu kém. Khá nhiều di tích được tôn tạo trong thời gian qua mới chỉ đảm bảo được việc chống xuống cấp vì kinh phí quá ít. Thiếu quy hoạch tổng thể, chưa đầu tư đúng mức nên nhiều di tích chưa trở thành những sản phẩm văn hoá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Một số di tích gắn với lễ hội, tín ngưỡng đang có xu thế bị thương mại hoá hoặc nặng về hoạt động mê tín dị đoan. Tình trạng đất đai bị lấn chiếm, xây dựng tuỳ tiện các hạng mục vẫn chưa được hạn chế. Mô hình quản lý di tích còn thiếu thống nhất, có nơi còn khoán trắng cho tư nhân, nguồn thu từ di tích bị sử dụng sai mục đích, không đầu tư trở lại để bảo tồn, phát triển...
Những yếu kém này có nhiều nguyên nhân. Trước hết, do nguồn ngân sách của tỉnh và các địa phương còn hạn hẹp nên chưa đủ nguồn lực đầu tư, chủ yếu đang dựa vào nguồn kinh phí ít ỏi hàng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia và đóng góp của nhân dân. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá, còn coi đây là công việc riêng của ngành văn hoá. Đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này, cả về bảo tồn di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Trong lĩnh vực bảo tồn di tích, các đơn vị tư vấn trong tỉnh chưa có kiến trúc sư chuyên ngành nên chủ yếu phải dựa vào các đơn vị tư vấn ở Hà Nội, vừa xa vừa thiếu thực tế, chủ yếu chỉ nhận làm những công trình lớn trong khi đó các dự án tôn tạo và chống xuống cấp di tích hầu hết nhỏ lẻ, rải rác ở nhiều địa bàn nhưng yêu cầu về kiến trúc tu bổ, trùng tu lại rất nghiêm ngặt; thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật cũng hết sức phức tạp. Bên cạnh thiếu cán bộ chuyên ngành về kiến trúc, xây dựng là việc thiếu cả đội ngũ cán bộ nghiên cứu văn hoá dân gian, Hán Nôm... Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Hà Tỉnh chưa đào tạo thêm cán bộ về lĩnh vực này, nên chủ yếu vẫn phải dựa vào đội ngũ nòng cốt là nhóm địa phương học; các cụ tuổi ngày một cao, sức ngày một yếu, lại không cập nhật được những phương pháp nghiên cứu mới và các công nghệ hỗ trợ... Một số cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu trong ngành cũng rơi rụng dần do về hưu, chuyển công tác...
Ngoài việc khắc phục những hạn chế kể trên, những năm tới Hà Tĩnh sẽ phải tiến hành một số công việc trọng tâm để bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích.
Đầu tiên là xây dựng quy hoạch bảo tồn hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch hệ thống di tích được xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và các địa phương, đặc biệt phải gắn chặt với quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Để làm được quy hoạch này, ngành văn hóa cần được sự giúp đỡ, phối hợp của các địa phương để điều tra, khảo sát lại hiện trạng, đánh giá đúng lịch sử, ý nghĩa và thực trạng của từng di tích, tiến hành phân loại, phân nhóm, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư...
Tuy nhiên trong khi chưa có quy hoạch tổng thể, vẫn phải chủ động xây dựng quy hoạch các quần thể, khu di tích, nhất là những di tích trọng điểm, di tích gắn với danh thắng. Hiện nay, đã có quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Thiên Cầm. Chùa Hương Tích, Khu di tích lưu niệm TBT Trần Phú, Chùa Chân Tiên, Thiên Tượng, di tích Ngã Ba Đồng Lộc, Ngã Ba Nghèn...; ngành và các địa phương cũng đang tập trung hoàn thành một số quy hoạch trọng điểm khác như quy hoạch tổng thể Khu văn hoá du lịch Nguyễn Du – Tiên Điền, quần thể di tích – danh thắng Chiêu Trưng - Quỳnh Viên...
Mặt khác, quy hoạch tổng thể hệ thống di tích cần được xây dựng đồng thời với quy hoạch tổng thể di sản văn hoá phi vật thể, vì thực ra sự phân biệt này nhiều lúc cũng chỉ mang tính tương đối. Hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn bó với nhau hết sức mật thiết, cái này là bệ đỡ cho cái kia và ngược lại. Ví dự như Ca Trù (trong đó có Ca Trù Cổ Đạm) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp nhưng hiện nay trên địa bàn xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) đã không còn tồn tại một “không gian” hát Ca Trù nào…
Thứ hai, là xây dựng và huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo di tích. Bên cạnh chương trình mục tiêu quốc gia, phải vận động tốt các nguồn lực đặc biệt là nguồn xã hội hóa để bảo tồn di tích. Cùng với định hướng quy hoạch và trên cơ sở hệ thống di tích đã và sẽ xếp hạng, tập trung xây dựng kế hoạch dài hạn, xếp thứ tự ưu tiên các di tích cần được chống xuống cấp, nâng cấp hoặc tôn tạo. Phân loại các di tích cần được đầu tư theo mức độ xuống cấp và bằng nguồn vốn nào và chọn lựa xây dựng một số dự án đầu tư lớn cho một số quần thể di tích trọng điểm để nhanh chóng phát huy cả về ý nghĩa lịch sử văn hoá, cả về khai thác du lịch, dịch vụ.
Đối với một số vùng tập trung nhiều di tích cũng cần có những dự án tổng thể để bảo tồn, phát huy quần thể di tích gắn với bảo tồn các làng xã, dòng họ văn hoá tiêu biểu như vùng Tùng Ảnh (Đức Thọ), Trường Lưu (Can Lộc)… Chỉ riêng ở làng Trường Lưu, ngoài 20 nhà thờ của dòng họ Nguyễn Huy (trong đó có 5 nhà thờ đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh), còn có "Trường Lưu bát cảnh" (8 cảnh đẹp ở Trường Lưu) và rất nhiều di tích LSVH có ý nghĩa khác, có hơn 1.000 trang bản in sao từ các bản in khắc gỗ của Phúc Giang thư viện, hơn 10.000 trang tư liệu về dòng họ Nguyễn Huy, 8 đầu sách về dòng họ Nguyễn Huy đã và đang được xuất bản; đây cũng là vùng đất phong phú về di sản văn hoá phi vật thể như hát Phường vải, lễ hội các dòng họ và lễ hội làng. Trường Lưu lại có quan hệ giao lưu văn hoá rất mật thiết với các vùng xung quanh và đặc biệt là với vùng văn hoá Tiên Điền, có thể phục dựng lại bằng sa bàn "Hồng sơn văn phái"...
Thứ ba, là tư liệu hóa để xếp hạng di tích - một công việc hết sức bức thiết nhưng đòi hỏi sự công phu, cẩn trọng. Từ khi Luật Di sản Văn hoá ra đời, việc phân cấp xếp hạng di tích đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Tĩnh có thêm nhiều di tích được xếp hạng, tránh được sự lãng quên của cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn khá nhiều di tích rất có giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc nhưng chưa được xếp hạng được. Tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, vẫn còn nhiều di tích gắn với các sự kiện lịch sử lớn hoặc có giá trị về truyền thống văn hoá như Văn miếu, Thành Sen, Nhà lao Hà Tĩnh… nhưng vẫn chưa có đất đai để phục dựng và xây dựng hồ sơ. Công tác xếp hạng di tích vừa đòi hỏi tính khẩn trương, kịp thời nhưng lại phải tuân thủ các điều kiện khá khắt khe về tiêu chí, các thủ tục phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành để chứng nhận, giải quyết thủ tục đất đai, ranh giới, giải tỏa, đền bù…. Vì vậy việc tư liệu hóa, thậm chí số hóa tư liệu về di tích sẽ giúp cho việc xếp hạng di tích được chính xác, khoa học và nhanh chóng hơn.
Thứ tư, đánh thức được tiềm năng và lợi thế của hệ thống di tích, khai thác tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch. Đây là một mối quan hệ tương hỗ, tỷ lệ thuận với nhau. Thực tế cho thấy giá trị văn hóa lịch sử của di tích càng lớn thì khách du lịch đến tham quan càng đông và ngược lại - khách du lịch càng đông thì sự lan tỏa về giá trị của di tích càng lớn. Nếu làm tốt thì một phần nguồn thu từ hoạt động khai thác du lịch của di tích sẽ góp phần quan trọng trong việc trùng tu, tôn tạo lại di tích. Trước mắt, khai thác tốt giá trị các di tích trọng điểm như Khu lưu niệm Trần Phú, Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Du, Hà Huy Tập, Lê Hữu Trác, Nguyễn Công Trứ, Chùa Hương… Đồng thời, xây dựng các tour, tuyến du lịch di tích – danh thắng mà trong đó khai thác tối đa số lượng các di tích và đặc biệt là hoàn thành dự án Khu văn hoá du lịch Nguyễn Du – Tiên Điền vào năm 2015, đưa khu vực này thành một trọng điểm du lịch văn hoá quốc gia, nhất là trong tuyến "Hành trình di sản miền Trung" hiện đang được các công ty du lịch trong và ngoài nước tập trung khai thác. Đánh thức được tiềm năng và lợi thế của hệ thống di tích, Du lịch Hà Tĩnh sẽ góp phần tạo nên nguồn lực đưa Hà Tĩnh sớm trở thành một tỉnh có công nghiệp, dịch vụ phát triển, phấn đấu đến năm 2015 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của miền Trung.
Thứ năm, tăng cường và đổi mới công tác quản lý di tích. Để bảo tồn và thực sự phát huy được giá trị, ý nghĩa của hệ thống di tích, ngoài công tác tu bổ, tôn tạo còn nhiều nhiệm vụ quan trọng khác phải được thực hiện đồng bộ liên quan đến hoạt động quản lý di tích như nghiên cứu lịch sử, ý nghĩa, tuyên truyền, quảng bá, thuyết minh, hướng dẫn… Gần đây, đã có thêm khái niệm về “tiếp thị di sản văn hoá”. Tăng cường và đổi mới quan hệ phối hợp giữa công tác quản lý, tu bổ và khai thác di tích của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền các địa phương; xây dựng quy định cụ thể về chế độ thu vé và quản lý các nguồn thu từ di tích. Tăng cường và đổi mới công tác quản lý thực chất là làm giàu thêm cho di tích để hệ thống di tích luôn luôn sống, tự biết nói lên những thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và tương lai.
Hệ thống di sản văn hoá nói chung và các di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng, kiến trúc nghệ thuật nói riêng thực sự là một nguồn tài nguyên vô giá mà các thế hệ trước đã để lại cho chúng ta. Nhà thơ Nga Gam-da-tốp từng nói: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác; cũng có người nói vui: tại sao Hà Tĩnh không biết làm giàu từ Nguyễn Du? Làm thế nào để bảo vệ và phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này phục vụ cho đời sống văn hóa hiện tại và tương lai - thiết nghĩ đó không chỉ thuần tuý là trách nhiệm mà cao hơn, còn là lương tâm, tình cảm của mỗi người và mọi tổ chức, cộng đồng, xã hội./.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511420
Hôm nay
283
Hôm qua
2336
Tuần này
21794
Tháng này
218293
Tháng qua
121356
Tất cả
114511420