Hồi ở Nghệ, Đầu xứ San từng nghe tiếng Nguyễn Thượng Hiền, một vị Hoàng giáp trẻ tuổi, có chí lớn, đã có lần tỏ ý bất hợp tác với chính quyền thống trị nay muốn được tiếp xúc với ông ta. Phan lại có bạn đồng hương là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn và là bạn đồng liêu của Nguyễn Thượng Hiền ở trường Quốc tử giám do cụ Khiếu Năng Tĩnh làm Tế tửu, cũng là nơi Phan muốn tới lui để học hỏi. Trường này là nơi tập trung nhiều nho sĩ trí thức danh vọng. Phan Văn San ngồi dạy học ở nhà ông thân sinh Võ Bá Hạp (và sau là đồng chí, hoạt động tích cực trong Duy tân hội của Phan Bội Châu) ở An Hòa, thường hay có các văn nhân, quan lại ở Kinh đô Huế lui tới đàm đạo văn chương thế sự. Nhân đó, Phan có dịp tiếp xúc với nhiều đấng bậc thức giả, cao quan. Đúng như trong tập tự truyện Phan Bội Châu niên biểu đã ghi lại: "Lúc dạy học trò có rỗi thời lấy văn chương kết giao với các danh nhân. Quốc tử giám Tế tửu là cụ Khiếu Năng Tĩnh rất khí trọng tôi. Thai Sơn Đặng Nguyên Cẩn tiên sinh đang ở sử quán cũng mãi đến lúc bấy giờ mới kết nghĩa vàng đá"(1).
Một hôm, trường Quốc tử giám ra cho học sinh một bài phú đầu đề là "Bái thạch vi huynh" (Lạy đá làm anh) với hạn 7 vần "Thạch bất năng ngôn tín khả nhân". Phan không phải là cử nhân "tọa giám", nhưng cũng làm bài và nhờ người bạn đồng hương là Đặng Nguyên Cẩn nạp cho Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh chấm.
Bài phú này của Đầu xứ San có thể nói là một áng văn chương tuyệt tác, lại có một nội dung tư tưởng sâu sắc, nên đã gây chấn động rất lớn trong đám khoa bảng ở kinh đô và có tác dụng tập hợp nhiều nhà nho yêu nước để hoạt động cho sự nghiệp cứu nước.
Đề bài Bái thạch vi huynh là dựa vào điển tích có trong sách cổ của Trung Quốc Lương Khê man chí nói về Mễ Phái tức Mễ Nguyên Chương khi làm Thái thú châu Nhu Tu nghe thấy có quái thạch ở đất Hà Nhu, sai lính khiêng về nhà làm vật "yến ngoạn". Nhưng sau nhìn đã thấy kinh hãi, bèn sai mở tiệc, lạy đá nói: "Ta được nghe thấy Thạch huynh đã 20 năm nay, bây giờ xin gọi Thạch huynh là anh ruột". Đề bài phú lại hạn vần bảy chữ "Thạch bất năng ngôn tín khả nhân" là lấy tích trong Tả truyện - Chiêu bát niên, rằng: "Nước Tần có đá biết nói ở đất Ngụy Du - Tần hầu hỏi Sư Khoáng vì cớ gì đá lại biết nói? Sư Khoáng thưa: Đá vốn không biết nói, song làm một ông vua hoang dâm vô độ, xa xỉ cùng cực, làm khổ nhân dân thì đá cũng phải lên tiếng!".
Nội dung đề bài thật điển hình cho văn chương cử tử là thứ văn chương nặng mùi Đạo học, chẳng liên quan gì đến vấn đề tư tưởng cao xa, càng rất khó tìm thấy ý nghĩa tiến bộ thực tiễn gì trong đấy. Cũng như các thể loại văn chương trường thi khác, người làm bài chỉ cần thuộc nhiều điển tích, câu từ của thơ văn cổ, tìm cách khuôn vào cho đúng vần, đúng luật là được coi như đạt yêu cầu. Như ở đề tài "lạy hòn đá" này, người ta có thể ghép những ý như: đá đi với khe suối là nơi vắng vẻ, thích hợp với cảnh trí yên tĩnh nhàn tản; đá đi với cây tùng là thứ cây rắn rỏi, biểu tượng của khí tiết; đá là vật vô tình, hình tượng quen thuộc của những đạo sĩ xuất thế, v.v... Nhưng khi làm bài này, Phan Văn San lại có dụng ý chọn một hướng khác. Nhân đá mà nói đến điển cố là Nữ Oa luyện đá vá trời, nàng Tinh Vệ ngậm đá lấp biển, để báo thù, để lập sự nghiệp vĩ đại. Để đạt dụng ý đó, Phan phải mô tả hòn đá theo một tính cách khác khiến cho sự kiện Mễ Nguyên Chương tôn thờ đá làm anh có liên quan đến chí và trời lấp biển là điều vốn không có trong ý thức của họ Mễ. ở đây, Phan đã dùng được rất nhiều chữ nghĩa, điển cố thật đắt. Phan bám chặt từng chữ "bái", "thạch", "huynh" để nói lên tính chất siêu phàm của đá: cảnh đi chơi gặp đá, cảnh cúi lạy đá, nỗi vui mừng quấn quít anh em, sự tương đắc giữa đôi bạn "tri kỷ" hết sức sinh động. Phan đã viết bằng lời văn mỹ lệ, bằng bút pháp khoa trương, bằng âm điệu hùng tráng đặc biệt của thể phú. Theo tiêu chuẩn văn chương trường ốc, nó thỏa mãn mọi mặt để Phan Văn San xứng đáng là "người hay chữ nhất cả nước" mà dư luận thời bấy giờ ca ngợi.
Nhưng đó chỉ là một mặt. Mặt chính yếu làm cho Phan nổi tiếng hơn lại là ở chỗ nội dung tư tưởng và tâm sự của tác giả bài phú. Văn tức là người, "văn dĩ tải đạo" chính là trong trường hợp này. Khi mô tả hòn đá để cho nó trở thành Người (khả nhân), Phan viết:
Cũng vì đá nguyên khối nặng; hình vút tầng không.
Kẻ trượng phu đâu khuất chí, bậc thái thượng chẳng nao lòng!
Cột chống lưng trời, nêu cương thường muôn thuở.
Tiếng vang mặt đất, dậy văn bút hai vùng!
Đây là một nhân vật cứng rắn hiên ngang, bất khuất vào cỡ người ở "bậc thái thượng", "bậc trượng phu". Con người phi thường nên cũng phải dùng những đơn vị đo đếm phi thường (kỷ, hội, nguyên) để hình dung:
Quê đâu Bá Thị, cách đây mấy kỷ nửa nghìn năm
Tuổi đấy Trường Xuân, có phải một nguyên mười hai hội?
Đây cũng chính là hình ảnh "người anh hùng thời đại" mà tâm lý chung lúc đó đang mong đợi. Trước thực tế của đất nước khi người dân hoang mang đang sống tủi nhục trước cải cảnh áp bức tàn bạo của kẻ thù, sự thất bại của các phong trào chống Pháp vừa qua làm cho con người có cái mặc cảm tự ti, cho nên đang cần có những con người kiên cường bất khuất như Phan Văn San mô tả ở trong bài phú. Đó là hình ảnh con người "đã bao năm không uốn gối", "rõ ràng cốt cách hiên ngang", quả là đáp ứng được yêu cầu của thời đại, của lịch sử.
Tuy vậy, ở thời điểm này có một điểm khác thể hiện ở con người mà Phan Văn San nêu trong Bái thạch vi huynh vẫn có "cốt cách hiên ngang", "phong tư kỳ lạ", nhưng "há khom lưng không hay biết". Con người này tỏ ra biết người biết ta. Đó cũng là điều mà ai nấy đều mong đợi. Thực tế chứng tỏ, không những con người văn nhược yếu hèn như vua tôi Tự Đức trước đây và cả đến những văn thân sĩ phu thời Cần vương vừa rồi cũng không làm được gì! Vậy con người anh hùng đáp ứng được yêu cầu của lịch sử lúc này phải là người anh hùng thư kiếm, biết cương biết nhu, vừa dũng cảm vừa có trí. Bái thạch vi huynh của Đầu xứ San đưa ra được mẫu người như vậy. Đó chính là giải đáp cho tâm sự "Tướng môn những thẹn với anh hùng" của Phan Đình Phùng trước khi hy sinh, cũng là tâm sự của những người trung nghĩa biết vì nước vì dân, vì đại nghĩa của dân tộc mà dấn thân hành động.
Bài phú chỉ ra một cái gì lớn lao đẹp đẽ, lý tưởng đáng mơ ước, cần thực hiện, có sức động viên, cổ vũ, lôi cuốn, có sức lay động lòng người. Người ta cảm thấy an tâm, tin tưởng, phấn chấn, muốn sống một cuộc sống xứng đáng.
Bài phú viết ra có mục đích tự giới thiệu, mà cũng có mục đích thăm hỏi, tìm kiếm thêm bạn đồng tâm đồng chí ở ngay trong đám quan trường. Tác giả viết:
Nay có kẻ xông pha gió bụi, ngang dọc ngất trời.
Nước nặng mở lòng. Vân Mộng tám chín phần bát ngát...
Chòi cao nương bóng tùng quân muôn nghìn lớp chơi vơi.
và kết luận:
Một thân đội đá vá trời, thiết tha nhờ bác,
Ba kiếp dời non lấp biển, may mắn gặp người.
Em xin kính chấp hai tay làm lễ bái
Cầu mong bốn bể sắp xuân hồi!
(không chép vần nhân = người)
Bài phú đã bỏ vần Nhân không gieo. Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh rất tán thưởng bái phú, bội phục tác giả (và chắc cũng đồng cảm với tâm tư chí khí "phục thù cứu quốc" của anh đồ xứ Nghệ này) lấy làm đắc ý và phê ngay một câu: "Tích Trạng nguyên hữu vô tâm chi phú, kim quân hầu diệc mục hạ vô Nhân dả!" (Xưa có vị Trạng nguyên làm bài phủ bỏ vần Tâm để chỉ trích vua cai trị vô nhân đạo, nay ông bỏ vần Nhân dễ thường cho thiên hạ không có ai là người cả hay sao?!). Cụ Khiếu và nhiều người khác đọc đến đây sẽ ngầm bảo:"Còn có tôi đây chứ!".
Bài phú đặc sắc này được chuyền tay đến nhiều danh sĩ. Đầu xứ San cũng nhờ Đặng Nguyên Cẩn đưa bài phú cho Nguyễn Thượng Hiền. Đọc xong, Nguyễn đã trả lời Phan bằng một bài thơ, trong đó có những câu:
Bài phú ai tiếng dậy lừng không,
Khâm hoài lỗi lạc cũng như ông.
Dời non dốc biển chí bình nhật,
Ngòi bút tuôn ra như cầu vồng.
Trời nghiêng đất ngã dạ không đổi,
Ai cùng ông anh nằm trong núi?
Khí tiết cao thượng có thể vịn.
Duy cái ngoan si không học nổi,
Ngậm mây chứa mù nhuận tám châu.
Ngọc ở trong đá ai biết đâu?...
Nguyễn Thượng Hiền còn có nói với Đặng Nguyên Cẩn:
"- Bác đồ này không phải là người tầm thường, sức học của bác ta không kém bọn mình... cái khí lỗi lạc lộ rõ ra ở câu văn. Chúng mình cũng nên tôn bác ta làm anh. Tôi muốn gặp bác ta, nhờ ngài giới thiệu cho".
Tiếng đồn "Phan Bội Châu hay chữ nhất cả nước", những trước tác trước đó như Song Thất lục nói về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của các ông Tú Tấn và Bang Mai được loan truyền, nay lại có thêm bài phú Bái thạch huynh này nữa, chí khí văn tài của Phan Văn San càng nổi bật, và rồi đã không ít chính khách văn nhân trong triều, ngoài dã biết đến và "liên tài" Phan Văn San. Những vị danh sĩ này đứng đầu là Khiếu Năng Tĩnh đã can thiệp với triều đình và vua Thành Thái đã ban chiếu dụ xóa án "hoài hiệp văn tự" để cho Phan được đi thi lại. Thế là Phan Văn San xếp mình sau người vái lạy đá, Nguyễn Thượng Hiền xếp mình sau Phan và nhiều nhà nho yêu nước khác lại xếp hàng sau Nguyễn. Họ sẽ cùng nhau đi vào con đường cứu nước, bắt đầu tư "cái duyên văn tự" của bài phú nổi tiếng này.
2. Đến kỳ thi Hương khoa Canh Tý (1900)
Được xóa vụ án oan trái "hoài hiệp văn tự, chung thân bất đắc ứng thí", Phan Văn San từ Huế về Nghệ kịp dự kỳ thi Hương năm Canh Tý, Phan Văn San lấy tên mới là Phan Bội Châu.
ở kỳ thi Hương, thí sinh phải qua bốn đợt thi gọi là "Trường": trường Nhất, trường Nhì, trường Ba và trường Tư. Mỗi trường có những môn thi khác nhau:
Vào trường Nhất, thi môn Kinh nghĩa, Phan Bội Châu làm luôn cả bảy đề thi, tức gọi là "kiêm trị" và được phê đạt loại "Ưu" cả bảy bài sau khi các quan chấm sơ khảo và chánh, phó chủ khảo chấm đi duyệt lại nhiều lần. Theo quy định thì trong bảy đề ấy, thí sinh chỉ phải chọn làm hai đề (một Kinh, một Truyện) là được. Thế mà Phan Bội Châu vẫn đủ thì giờ làm tất cả, mà lại đều đạt điểm Ưu là cao nhất. Đó là số điểm mà trong lịch sử thi cử hiếm có người đạt đến cái vinh dự ấy.
Trường thi Nhì, thi Thơ và Phú, Phan làm được nửa chừng thì bị đau bụng, nôn mửa, tháo dạ... đã toan bỏ cuộc. Nhờ có mấy ông quan trường và nhất là Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh mến người tài cao học rộng mới cho phép Phan vào nhà Thập đạo (tức là nhà họp của Hội đồng giám khảo) nghỉ ngơi để dùng thuốc, một hồi lâu mới trở lại tiếp tục làm bài. Vậy mà hai bài của Phan vẫn có bài đạt điểm Bình.
ở trường Ba, đề thi hỏi về Văn sách. Bài của Phan cũng được phê mấy "Ưu" lớn.
Đến hôm vào trường Tư phúc hạch, tức là thi lại các môn ở ba trường trước, bắt buộc thí sinh phải làm đủ các bài Kinh nghĩa, Thi phú và Văn sách. Kỳ này, mấy bài làm của Phan Bội Châu đều được phê "Ưu" và "Bình" lớn cả.
Kết quả sau bốn "trường" thi, Phan Bội Châu được phê duyệt những 20 điểm "Ưu" và "Bình" (trong khi đó, người được nhiều điểm, đứng thứ hai chỉ được 4 "Ưu" và "Bình"). Đây cũng là một kết quả hiếm thấy ở các kỳ thi trong lịch sử thi cử ở nước ta. Bởi vậy Ban Giám khảo gồm Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh và Phó chủ khảo là Mai Khắc Đôn đề nghị với Tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn đặc biệt vinh danh vị thủ khoa bằng cách yết riêng một bảng đề 5 chữ lớn: Giải nguyên Phan Bội Châu, còn lại là số 29 cử nhân khác đậu cùng khoa hti ở trường Nghệ này, yết riêng một bảng. Vì vậy mà sau này cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có câu ca ngợi Phan Bội Châu rằng:
Bảng một tên lừng lấy tiếng làng văn.
và có người đã làm câu đối mừng Phan:
Song tải tam nguyên thiên hạ hữu;
Độc danh nhất bảng thế gian vô.
(Trong hai năm, ba lần đỗ đầu thì trong thiên hạ đã có người như vậy,
Nhưng đứng riêng một tên trên bảng yết thì trên thế gian chưa hề có ai cả)
Đỗ Giải nguyên do tài học, nhưng với Phan Bội Châu nếu không có cái ơn tế độ của vị Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh cứu cho qua cơn bệnh giữa kỳ thi, thì chắc gì cuộc thi của Phan đã thành. Rõ là Khiếu Năng Tĩnh có tấm lòng tri ngộ, có con mắt ân tình đối với Phan Bội Châu vậy. Trong cuộc đời hoạt động và giúp đời, riêng đối với Khiếu Năng Tĩnh, Phan Bội Châu cũng từng coi là một người góp phần "tác thành" cho Phan Bội Châu như một bậc thầy là vị "ân sư khả kính".
Thi đỗ Giải nguyên, từ đó như Phan Bội Châu nói: "Đã có cái hư danh để che mắt đời. Phan Chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng "một lòng vì nước vì dân" cho đến ngày từ giả cõi đời tại ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự (Huế) vào ngày 29-10-1940.
(1) Phan Bội Châu Toàn tập - Tập 6. Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - 2000, tr. 116.