Báo động về những góc khuất trong đời sống xã hội
Theo số liệu của Công an TP Vinh, từ tháng 1 đến tháng 11/2011, toàn TP xẩy ra 382 vụ phạm pháp hình sự làm chết 6 người, bị thương 38 người, mất 89 xe máy, trị giá tài sản khác lên tới hơn 6 tỷ đồng. Các hành vi phạm pháp gồm giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ, hiếp dâm, giả mạo cấp bậc, chức vụ, buôn người, mại dâm, cờ bạc…Tội phạm ma tuý còn diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Trên địa bàn còn có 3 tụ điểm, 16 vùng phức tạp về ma tuý, 91 đối tượng hoạt động bán lẻ, 23 đối tượng nghi vấn hoạt động trong các đường dây ma tuý lớn. Trong năm, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 277 vụ, 304 đối tượng tội phạm ma tuý, triệt phá 3 đường dây và 76 tụ điểm bán lẻ ma tuý, tổ chức cai nghiện cho 357 đối tượng. Xuất hiện loại hình tội phạm buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc (đối tượng Lương Thị Ngọc ở Thạch Giám, Tương Dương). Các loại hình dịch vụ như quán bar, vũ trường, karaoke, massage thường là tụ điểm ăn chơi thác loạn, nơi tập trung của tệ nạn xã hội và các thành phần bất hảo. Hiện tượng một số kẻ đầu gấu có vũ khí nóng đang là mối nguy hại lớn. Các tội phạm mại dâm, cờ bạc đều tăng so với năm 2010 (tăng 1 đối tượng môi giới mại dâm, 90 vụ cờ bạc).
Trên địa bàn TP hiện có 7 ổ nhóm, 87 đối tượng tội phạm nguy hiểm do 5 đối tượng cầm đầu chuyên đòi nợ thuê, bảo kê sòng bạc, buôn bán ma tuý, cố ý gây thương tích. Bọn này có vũ khí nguy hiểm, hoạt động có tổ chức và hết sức manh động.
Tình trạng thanh thiếu niên đi xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng gây mất trật tự an ninh còn nhiều. Trong năm 2011 có 315 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý (tăng 48 trường hợp so với năm 2010). Trên địa bàn TP có 27 em bỏ học, 25 trẻ em lang thang cơ nhỡ, đánh giày, bán báo. Số lượng người sống bằng nghề ăn xin hiện chưa thống kê được.
Những số liệu nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi vì các cơ quan chức năng không thể phát hiện và xử lý hết những hành vi phạm pháp trong cộng đồng. Điều đáng nói là xu hướng trẻ hoá của giới tội phạm, xuất hiện trong cả đội ngũ học sinh, sinh viên. Trung tá Nguyễn Văn Thân, đội tham mưu tổng hợp công an TP cho biết: “Tính đến tháng 11/2011, trên địa bàn TP có 20 đối tượng phạm pháp hình sự là thanh thiếu niên, học sinh sinh viên trong 15 vụ bị phát hiện. Trong đó có 3 đối tượng cưỡng đoạt, cướp tài sản, 7 đối tượng trộm cắp, 1 đối tượng cướp giật, 4 đối tượng lừa đảo, 2 đối tượng cố ý gây thương tích, 1 đối tượng buôn bán ma tuý”. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ đứa cháu bất nhân Hồ Văn Dũng (19 tuổi, xóm 2 Nghi Phú) trong cơn thèm ma tuý không được đáp ứng đã dùng chày gỗ đập chết bà nội 82 tuổi vào đêm 3/11.
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo thượng tá Trần Sỹ Phàng, Phó trưởng công an TP Vinh là do ảnh hưởng của tình trạng khó khăn về kinh tế, lạm phát cao, tình trạng thất nghiệp gia tăng cộng với những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường tác động xấu đến xã hội. Do đó, mặc dù lực lượng công an đã có nhiều cố gắng, song tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, không thể không nói tới sự phân hoá giàu nghèo ngày một sâu sắc trong xã hội. Một bộ phận trong xã hội giàu lên một cách nhanh chóng, bằng nhiều cách khác nhau, kể cả những cách không chính đáng. Bộ phận này có mức sống, mức hưởng thụ rất cao so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư đang đi vào con đường bần cùng, không có việc làm ổn định, tập trung về thành thị kiếm sống bằng đủ mọi cách, kể cả bất hợp pháp.
Đã có nhiều ý kiến báo động về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Sức mạnh của đồng tiền, của quan niệm sống hiện sinh, hưởng thụ đã làm đảo lộn các giá trị của xã hội. Các giá trị chân chính của đạo đức như lòng trung thực, nhân ái, tinh thần lao động, ý thức trách nhiệm với cộng đồng đã phần nào bị phai mờ. Tình trạng lừa đảo, gian lận trong các hoạt động xã hội, kinh tế, trong mối quan hệ giữa con người với con người đang ngày càng gia tăng. Không ít kẻ coi lừa đảo như một “nghề” để kiếm sống: bán hàng đa cấp, lừa đảo cướp đoạt tài sản, thôi miên để cướp, giả danh tôn giáo, lợi dụng tâm lí mê tín của người dân để trục lợi, quảng cáo gian dối… Một bộ phận giới trẻ bị mất phương hướng trong cuộc sống, quay ra sa đà theo các giá trị ảo, những “thần tượng” phù phiếm, say mê những hình thức giải trí lại căng, có hại.
Dư luận cũng rất băn khoăn trước hiện tượng những hành vi tội phạm, tệ nạn xã hội, tràn lan như mại dâm ở các khách sạn, nhà nghỉ song vẫn để tồn tại trong thời gian dài, thậm chí có chiều hướng phát triển. Vì vậy, thiết nghĩ cần xem xét lại, đánh giá lại khả năng, tinh thần trách nhiệm của một số cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc hành lang pháp lý, chế tài đối với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội đó.
Đành rằng trong xã hội, nhất là trong thời kỳ phát triển, mở cửa hiện nay, tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội là điều không thể tránh được. Tuy nhiên, hiện tượng những “mảng tối” đang có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng, trong đó có một số lượng không nhỏ thanh thiếu niên là điều không thể coi thường, cần có sự đánh giá một cách sâu sắc về nhiều phương diện để tìm ra giải pháp. Làm gì để ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội, trả lại sự trong sạch cho môi trường xã hội ở TP Vinh đang là một bài toán nan giải. Thiết nghĩ, cần có một tư duy mới về vấn đề, để từ đó đề ra những giải pháp mang tính chiến lược, có hiệu quả, trước hết bắt đầu từ các tổ chức công quyền. Bao giờ còn giữ lối suy nghĩ đổ lỗi cho cơ chế thị trường, cho ý thức của người dân thì tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội sẽ không giải quyết được./.