Cuộc sống quanh ta

Tết xưa quê cũ

Sau một tháng Giáp Tuất, tôi được đón Tết Ất Hợi đầu đời. Tết Ất Hợi vào khoảng mồng 5 tháng 2 năm 1935. Một tháng tuổi biết chi là Tết. Khi lớn lên qua dăm bảy tết thường nghe mẹ tôi mỗi lần trò chuyện với bạn lại nói tôi thiệt thòi từ khi lọt lòng. Được một tháng phải nhận cả năm. Ấy là một tháng Giáp Tuất mà chịu một tuổi. Thiệt bên âm mà lợi bên dương. Mồng Một tháng Chạp bên này là mồng Năm tháng Giêng bên kia. Tây khuynh hơn Đông khuynh là vậy. Mới đó mà đã qua bảy mươi bảy Tết rồi. 

 Cha tôi là con thứ bảy của ông bà nội tôi. Tôi sinh sau đẻ muộn so với các anh, các chị con bác, con o. “Lép vế” là chuyện thường tình trong một gia đình đông con lắm cháu. Nhưng tôi lại là con trai đầu lòng của cha mẹ tôi, là cháu ngoại đầu tiên của ông bà ngoại tôi. Tôi có bốn cậu hai dì chuyền tay nhau bồng bế. “Thiên ngoại” như là bẩm sinh từ lẽ đó. Nhà nội bên xóm Đông. Nhà ngoại bên xóm Đoài. Nội ngoại cách nhau một dong ruộng cựa hẹp. Dăm bảy tuổi tôi là con thoi giữa hai nửa nội ngoại. Ông nội Mai Đình Hòe, một thời là đầu mối của phong trào Đông Du sang đầu những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi vẫn hào hứng say sưa với những cái bóng dĩ vãng. Ông ngoại Nguyễn Trực là thầy lang kiêm thầy đồ ở buổi cuối mùa khi Nho học đã lỗi thời vài ba chục năm sau ngày triều đình bỏ thi Hương thi Hội, cố chèo kéo giữ trọn nếp nhà “lương y từ mẫu”.
Tôi có mười tám Tết đầu đời giữa hai xóm Đông, Đoài như thế. Nhưng qua một Nguyên nên từng ấy cái Tết đã chập lại cô thành một “Tết xưa quê cũ” không biệt ra từng năm.
Từ sau ngày hai mươi ba tháng Chạp, lễ tiễn ông Táo về trời đã tất, tuổi trẻ mỗi nhà theo bà ngoại hoặc mẹ, o, dì, chị... đi chợ Tết. Đỉnh Lữ không có chợ nhưng lại nằm giữa Phù Lưu Thượng, phía Tây-Bắc và Vĩnh Hòa, phía Đông-Nam. Phù Lưu Thượng có chợ Lù họp vào ngày chẵn. Vĩnh Hòa có chợ Huyện Thị họp vào ngày lẻ. Chợ Lù mạnh về nông lâm sản. Chợ Huyện Thị trội hơn là thủy hải sản. Đương nhiên, chợ nào cũng còn vô số tạp hóa, nhu yếu phẩm phục vụ dân sinh. Nói nông lâm sản, thủy hải sản là nói lên tính trội điển hình của mỗi chợ.
Đi chợ Lù phải qua cầu Trọt. Cầu Trọt vắt ngang lạch nước núi từ bàu Vành, bàu Nẫy trên Hồng Lĩnh chảy xuống cầu Cựa Thờ trước đình Cương Quốc công Nguyễn Xí. Đình sầm uất bởi cây cổ thụ, bởi rộn rã tiếng chim và rất đỗi linh thiêng bởi sự tôn kính vị nhân thần xả thân cứu nước. Ngày nay điều đó đã xưa rồi.
Dải ruộng từ cầu Trọt xuống cầu Cựa Thờ thuộc loại nhất đẳng điền là ruộng học. Giáp Tết, lúa vào thì con gái xanh mướt thành vạt dài mềm mại làm nền cho sóng lượn. Sóng lúa và sóng lòng đi chợ Tết lâng lâng.
Đi chợ Huyện Thị phải qua cầu Ngạo. Cầu Ngạo vắt ngang lạch nước đầu nguồn sông Ên tên chữ là Yến Giang. Cầu Ngạo có hai cặp trụ như hai chữ H chia thành ba nhịp. Mỗi nhịp có ba tấm gỗ lim lát sít vào nhau. Ba tấm giữa nằm ngang cao hơn ba tấm mỗi bên. Đứng giữa cầu Ngạo nhìn rộng một vùng quê ven biển từ Hàm Anh, Yên Tập, Chi Nê, Kim Trì, Yên Điềm, Yên Định, Lộc Nguyên, Vĩnh Hòa, Thanh Lương, Ngọc Mỹ, Hạ Yến, Đại Lữ, Đỉnh Lữ, Phù Lưu Thượng, sao mà ngoạn mục thế. Chợ Tết là sắp sang Xuân. Lúa sang thì con gái sóng lượn giữa bao la. Chim én từng đàn dày đặc như mài mình trên thảm xanh mút mắt. Hàng trăm, hàng ngàn con cò, con vạc sải cánh phân vân tìm chỗ đáp. Chim, cá và màu xanh khoai lúa làm nên thái hòa ở một làng quê thuần nông êm đềm bình dị.
Đi chợ Tết đã tung tăng, đã vui, đã phấn chấn, càng đến gần, tiếng chợ rào rào, râm ran, xôn xao càng làm cho cái tung tăng thêm náo nức. Vào chợ, người lớn mua sắm Tết, anh em tôi thì mua mỗi đứa một cái trống lung tung cầm tay, một con ngựa bột có ông Phù Đổng Thiên Vương đang phi ngược lên núi Sóc Sơn và sắm gậy ông Vải bằng hai cây mía Ba Xã. Ba Xã nay là Hậu Lộc.
Chợ Tết nên đông ơi là đông. Trăm người bán vạn người mua xôn xao hồ hởi lắm. Anh em tôi sắm được gậy ông vải là ra cửa chợ chờ người lớn để về.
Đỉnh Lữ nghèo chia thành hai thôn. Thôn Thượng và thôn Hạ. Mỗi thôn có hai xóm. Xóm Đông và xóm Đoài. Mỗi xóm có một vòng đai tre xanh vây các vườn tre thành rừng, thành lũy kín là “sào huyệt” của chim. Thế giới chim trên đầu người xóm tôi quanh năm suốt tháng. Giữa xóm có một cây đa già nghe nói được trồng bởi vị khai canh từ thuở mới lập làng. Chúng tôi lớn lên năm, sáu đứa giang tay vòng quanh gốc đa vừa sít. Chim réo rắt trên cành. Chúng tôi ồn ào dưới đất. Chắt sứ, đánh đáo, chơi khăng, chạy lò cò, nhảy dây, cờ gánh, cờ nhảy... sao mà rộn ràng vô tư thế. Trẻ con lấy gốc đa làm “câu lạc bộ”. Người lớn mỗi phe, giáp mổ lợn hông xôi. Vui nhất là chia phần thịt. Những tàu lá chuối trải thành dải dài trên đó bày từng mớ thịt. Con lợn có bao nhiêu bộ phận thì mỗi mớ có đủ từng đó thứ (trừ phân và lông). Một trong số bọn trẻ chúng tôi được người lớn bất chợt chỉ định việc bỏ thăm. Thăm là mẫu que, cái vẹm, cành lá, vỏ ngao, mảnh giấy, quả cau, ngọn trầu... Thế mới biết tuổi trẻ vô tư chưa vị kỷ như người lớn. Một hai lần tôi cũng đã được giao việc bỏ những thứ thăm đó lên các mớ thịt bày trên lá chuối. Thăm ai trúng mớ nào thì mớ đó là phần của người ấy. Hơn thiệt mỗi phần không là bao. Bởi khi chia người ta đều đã cân nhắc. Vui nhất là mỗi thăm được thả vào mớ thịt nào lại rộ lên một tiếng cười reo sao mà náo nức thế. Xôi thì vắt tròn như quả bòng nên khỏi phải bốc thăm.
Phe lợp nhà, phe làm cươi, phe cấy gặt... chung lưng đấu cật với nhau theo mùa vụ quanh năm đến ngày giáp Tết lại chung nhau mổ lợn, hông xôi làm nên ấm xóm, vui làng.
Sáng mồng Một Tết người lớn ở nhà tiếp khách. Trẻ con chúng tôi diện quần áo mới hai tay bưng khay gỗ sơn thếp trong đó có một quả cam Xã Đoài vàng hươm, một lá trầu, ba quả cau, một đĩa bánh khảo, một búp ruợu mừng tuổi ông bà nội. Khay thứ hai như thế mừng tuổi ông bà ngoại. Xong hai nơi đó là đến các bác, các o trên tuổi cha và các cậu, các dì trên tuổi mẹ. Lễ vật trong khay cũng giảm. Có khi chỉ là lá trầu quả cau. Lời chào cao hơn mâm cỗ mà.
Mừng tuổi là lễ nghĩa cho lớp trẻ chúng tôi biết tôn ty và sự gắn bó đại gia đình. Mừng tuổi còn được ăn bánh chưng chấm mật mía, được tiền mở hàng mua pháo, mua sách vở giấy bút... Cũng có khi được quà.
Xong nghĩa vụ mừng tuổi, cả làng ùa ra các bãi chơi đu đưa, đu ngô, đi cầu kiều hái lộc, đánh cờ tướng, dồi cù, đấu vật, trọi gà cùng các trò dân gian khác. Tết là Xuân là vui là hồ hởi. Cái nghèo ngày trước sao mà đẫm tình người đến vậy.
“Tết xưa quê cũ” mười tám năm đầu đời của tôi cô lại trong niềm hiếu hỷ vô bờ, ít thấy ấm ức, hận thù, không xẩy ra đao búa.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ngày xưa có thế thật.
Địa bàn làng tôi nguyên là vùng biển. Biển lùi. Đất cát phù du Hồng Lĩnh tràn xuống lấp nên cồn nên bãi. Với chủ trương “ngụ binh ư nông” thời Hậu Lê, người tứ xứ kéo về rửa chua thau mặn khai hoang lập làng. Nhiều nhất có lẽ là miền Tây Thanh, Nghệ.
 “Đông Thành là mẹ là cha.
Đói cơm rách áo thì ra Đông Thành”.
Hàng trăm năm chung lưng đấu cật gây dựng đã làm nên tình làng nghĩa xóm trên quê hương mới vẫn không quên cội nguồn.  
 Chiến tranh chống ngoại xâm giữ nước, chúng tôi lớn lên giữa tiếng súng, giữa tiếng hô hào người người lớp lớp ra trận, giữa cuộc cách mạng dân chủ lẫy lừng khắp năm châu bốn biển. Xong trận mạc, làm nhân viên, công chức đúng vào thời quá độ. Tết được 1kg nếp thay vào tiêu chuẩn 1 kg gạo tẻ, được thêm phiếu 2 lạng thịt và tem nửa kg đường. Tem phiếu nếp và thịt nạp cho nhà bếp tập thể để được nhận một cặp bánh chưng.
Mong Tết đến để được bữa ăn tươi liên hoan tổng kết do cơ quan tổ chức cũng háo hức như thuở nào chờ đi chợ Tết. Điều ấy lâu ngày mà cũng thành khát vọng.
Hai mươi sáu cái Tết như thế đi qua giữa “đất thánh” Hà Nội, số phận run rủi tôi chuồi vào Huế. Những cái Tết Hà Nội lại tràn theo vào các cơ quan công quyền. Nhưng, Tết xưa của Huế thì vẫn đậm đà trong mỗi gia đình Phú Xuân. Tôi lửng lơ đi thèm Tết dọc đường phố Huế. Chúc Tết thành lệ vay trả hết nhà nọ đến nhà kia. Không đi e bất nhã. Không đến e mất lòng. Đi, đến với nhau thành một thứ hình thức xã giao muôn thuở. Ai cũng cảm thấy nhàm chán. Nhưng không có ai tự dưng bỏ đến nhà nhau trong ba ngày Tết. Cái bề ngoài rất đẹp ấy đã thành mãn tính trong quan hệ xã hội ngày nay.
 Cây đa khai canh làng tôi đã chết. Lũy tre xanh làng tôi đã tàn. Chim cá làng tôi đã kiệt. Những gì của quá khứ cô lại làm dĩ vãng xanh.
 “Tết xưa quê cũ” dù đã thành cao cũng chỉ còn lại trong ký ức tuổi già. Tết mới quê xưa không như “Tết xưa quê cũ”.
Xuân Rồng sắp đến chúc tất cả hóa Rồng.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513757

Hôm nay

2230

Hôm qua

2313

Tuần này

21694

Tháng này

220630

Tháng qua

121356

Tất cả

114513757