Cuộc sống quanh ta
Văn hóa trách nhiệm
Trách nhiệm hay bổn phận thuộc phạm trù văn hóa. Người ta hay nói đến văn hóa bổn phận. Nhưng bổn phận thường nghiêng về phần mình phải gánh vác. Còn trách nhiệm thì vừa là nhiệm vụ phải gánh vác, vừa phải chịu kết quả về công việc của mình trước người khác
1. Văn hóa trách nhiệm Hồ Chí Minh
Với thân phận của một người dân nô lệ, Hồ Chí Minh đã thể hiện trách nhiệm của một người dân mất nước, quyết tâm tìm đường cứu nước, giải phóng đồng bào. Trách nhiệm đó thấm sâu vào từng suy nghĩ và hành động của Người, khi một mình ra biển lớn vẫn không hề nao núng. Hơn mười năm trời, Người đã có mặt và khảo sát các nước tư bản phát triển, các nước thuộc địa. Người làm nhiều nghề để có thể kiếm được tiền nuôi sống bản thân và hoạt động cách mạng. Người thể hiện văn hóa trách nhiệm cao trong học tập và lao động để khám phá thế giới, tìm xem những gì ẩn đằng sau các khái niệm “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” rồi trở về giúp đồng bào. Không lo cho bản thân mình, Hồ Chí Minh sẵn sàng tranh luận, trao đổi các vấn đề lớn liên quan tới vận mệnh của nhân dân Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa. Bản lĩnh và trách nhiệm của một chiến sĩ cách mạng dần dần hé lộ trong tư duy và hành động của Hồ Chí Minh. Trăn trở và suy nghĩ lớn nhất của Hồ Chí Minh là làm sao tìm được vũ khí giúp giải phóng đồng bào. Vì vậy, không sợ hy sinh gian khổ, Người đi tới nhiều nơi, tham gia các câu lạc bộ ở Pháp, có mặt ở các diễn đàn quốc tế, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, trình bày quan điểm của mình và thẳng thắn chỉ ra rằng “nếu không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa thì các đồng chí làm cái cách mạng gì?”. Một sự mạnh bạo có trách nhiệm, có bản lĩnh không dễ gì có được với các thanh niên khác ở tuổi Hồ Chí Minh lúc bấy giờ và cả sau này.
Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, tức là đứng ở đỉnh cao của quyền lực, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện rõ trách nhiệm của một người dân nước Việt, trách nhiệm của một người đứng ở vị trí cao nhất. Hồ Chí Minh không hành xử như một người có quyền. Người đã làm tròn bổn phận, trách nhiệm của cả hai con người trong một con người với tư cách con người của nhân dân, từ nhân dân, vì nhân dân, đứng trong đội ngũ nhân dân và người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Hồ Chí Minh bất chấp hiểm nguy, vào tù ra tội, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi mỏm đá ngầm. Nói chuyện cùng đồng bào trước khi sang Pháp đàm phán, ngày 31 tháng 5 năm 1946, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng, cũng vì mục đích đó. Ngày nay vâng lời Chính phủ, theo ý quốc dân, tôi phải xa xôi ngàn dặm, tạm biệt đồng bào, cùng với đoàn đại biểu qua Pháp cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, là làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: tôi cùng anh em đại biểu sẽ cố gắng, làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân”(1). Ngay ngày hôm sau, được biết nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào Nam bộ “bâng khuâng, bâng khuâng là vì chưa biết tương lai của Nam bộ sẽ thế nào?”, Hồ Chí Minh lại có Thư gửi đồng bào Nam bộ, nói rõ: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”(2). Văn hóa trách nhiệm Hồ Chí Minh là đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Trong cương vị phụ trách Chính phủ, Hồ Chí Minh đã thể hiện hết trách nhiệm của người đứng đầu. Tại phiên họp ngày 31-10-1946 của Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên bố trước Quốc hội: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam. Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết. Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”(3).
Cần nhấn mạnh lại rằng, trong trường hợp nói về trách nhiệm trước Tổ quốc, Hồ Chí Minh khẳng định mình “không phải là người bán nước”. Trong trường hợp nói về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, Người khẳng định mình “không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”.
Những dẫn chứng trên đây là văn hóa trách nhiệm Hồ Chí Minh, suốt đời, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đến trước lúc đi xa về cõi vĩnh hằng, Người vẫn canh cánh một điều: “Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?” (Di chúc). Một câu hỏi với mọi người nhưng cũng để nói với lòng mình. Bởi vì: “Về việc riêng - suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Chỉ một câu trả lời các nhà báo nước ngoài, cũng là công bố cho đồng bào cả nước, chúng ta thấu hiểu và thấu cảm vì sao lãnh tụ của chúng ta lại luôn luôn nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải thật sự xứng đáng “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(4).
Hồ Chí Minh không tách rời trách nhiệm phục vụ Đảng và Chính phủ với phục vụ nhân dân, hơn nữa Người còn đặt trách nhiệm phục vụ nhân dân lên trên hết, trước hết, nhiều hơn hết. Người nói: “Có người nói rằng: mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì nhân dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ”(5). Người cũng không tách rời trách nhiệm của người lãnh đạo, người cán bộ chủ chốt với trách nhiệm của một người dân; người cán bộ với người đày tớ. Bởi vì tất cả đều phải phục vụ thật tốt nhân dân: “Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt... Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(6).
Văn hóa trách nhiệm của Hồ Chí Minh thể hiện từ việc lớn tới việc nhỏ, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Người chỉ rõ, “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Sau khi tranh được tự do, độc lập rồi thì mục đích cuối cùng là hạnh phúc cho dân, vì dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Vì vậy, chúng ta phải thực hiện ngay:
“1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân có học hành”...
Muốn làm tròn bổn phận, chúng ta nên lợi dụng mấy khẩu hiệu của người Trung Hoa: “1. Khổ cán (làm việc hết sức mình). 2. Hạnh cán (làm việc chất lượng). 3. Thực cán (làm việc có hiệu quả, có năng suất)”(7).
Như vậy, theo quan điểm Hồ Chí Minh, trong cấu trúc của văn hóa trách nhiệm có ba bộ phận quan trọng gắn bó chặt chẽ với nhau: (1) Ai phải có trách nhiệm? - Tất cả mọi người, chủ yếu là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, chủ chốt. (2) Trách nhiệm với ai? – Với Tổ quốc, với nhân dân, nhưng trực tiếp và bản chất là trách nhiệm với dân. (3) Trách nhiệm như thế nào? - Hết lòng, hết sức.
Phải coi trách nhiệm với dân là quan trọng nhất vì dân có vị trí, vai trò quan trọng. Lực lượng, quyền hành, trí tuệ và sức mạnh niềm tin đều ở dân. Dân nuôi ta (cơm ăn, áo mặc, lương tháng...) nên ta phải có bổn phận với dân.
Trách nhiệm với dân là phải đi đúng đường lối quần chúng với các nội dung: Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo”.
Văn hóa trách nhiệm Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự ràng buộc, bảo đảm đúng đắn đối với lời nói và hành vi của mình. Hồ Chí Minh là người nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và trong nhiều trường hợp, việc làm của người không cần nói, nhưng bao giờ cũng ẩn chứa những tư tưởng lớn về trách nhiệm trước dân, phụ trách trước dân. Đồng thời phải luôn luôn tự phê bình và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Những khi Đảng, Chính phủ có khuyết điểm, Hồ Chí Minh sẵn sàng nhận khuyết điểm, tự phê bình trước toàn thể đồng bào. Trong bài Tự phê bình (28-1-1946), Hồ Chí Minh bộc bạch: “Trước hoàn cảnh khó khăn đó, đồng bào đã cố gắng, người giúp sức, kẻ giúp tiền. Còn tôi thì lo lắng đêm ngày để làm tròn nhiệm vụ của mình, sao cho khỏi phụ lòng đồng bào toàn quốc. Chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”(8).
2. Văn hóa trách nhiệm của chúng ta hôm nay
Theo lẽ thường, hai chữ “trách nhiệm” hay “bổn phận” không phải là cái gì xa lạ trong điều kiện đất nước một Đảng cầm quyền duy nhất lãnh đạo cách mạng; một Nhà nước của dân, do dân, vì dân; một Chính phủ là công bộc của dân. Bởi vì thành quả lớn nhất của cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo là giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và nền Dân chủ Cộng hòa. Điều hiển nhiên đó thấm sâu vào lớp cán bộ tiền bối; lớp lớp cán bộ, đảng viên, thanh niên thời chống Pháp và chống Mỹ. Hàng triệu người hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhưng không ai coi đó là “hiện tượng” vì đó là lẽ thường tình.
Hôm nay, đây đó, bắt đầu xuất hiện một số người có văn hóa trách nhiệm. Báo chí coi đó là “hiện tượng”. Cách gọi đó để ghi nhận, tôn vinh văn hóa quản lý, văn hóa lãnh đạo, văn hóa trách nhiệm trong thời buổi văn hóa trách nhiệm như “lá mùa thu” cũng là một cách tuyên truyền tốt. Nhưng nếu coi đó là sự đột phá, là cái mới thì cần phải hết sức bình tĩnh, hết sức kiềm chế. Bởi vì, một bộ phận không nhỏ cán bộ đã quá lâu quên đi trách nhiệm đương nhiên của mình với nhân dân, nên giờ đây có ai đó khơi dậy ngọn lửa văn hóa đó thì được coi là “hiện tượng”. Cách nghĩ đó mới được gọi là “hiện tượng kỳ lạ”.
Sự thật, trong thời kỳ đổi mới, văn hóa trách nhiệm quá thiếu vắng. Chúng ta không phủ nhận đất nước có thêm nhiều con đường, nhiều đại lộ, nhiều cây cầu hiện đại, nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật, nhiều nhà cao tầng... Nhưng đó mới chỉ là những con số, đúng ra mới chỉ nửa con số. Bởi vì xét đến cùng thì những người được giao nhiệm vụ, chưa làm tròn phần việc được giao. Thật kỳ lạ những năm gần đây, người ta hay lấy chiều dài, độ lớn, chiều cao, bề rộng để ghi nhận thành tích, để coi đó là làm tròn bổn phận. Người ta cố tình quên đi một điều rất quan trọng của văn hóa trách nhiệm là chất lượng công trình, nếu kết quả không tốt thì phải chịu hậu quả.
Cầu vừa làm xong nhưng hỏng, không ai chịu trách nhiệm. Đường vừa làm xong nhưng hỏng, không ai chịu trách nhiệm. Hè đường vừa lát xong nhưng hỏng, không ai chịu trách nhiệm. Đường phố bụi nhất, bẩn nhất khu vực, không ai chịu trách nhiệm. Hàng nhái, hàng rởm tràn lan trên thị trường, không ai chịu trách nhiệm. Thực phẩm bẩn, không ai chịu trách nhiệm. Sự xuống cấp về giáo dục, tai nạn giao thông, không ai chịu trách nhiệm. Những công trình văn hóa nghệ thuật vừa khánh thành đã hỏng, không ai chịu trách nhiệm. v.v...
Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, nhưng đã có bao nhiêu cán bộ chủ chốt, người đứng đầu nhận trách nhiệm về mình và phải chịu trách nhiệm khi đơn vị, cơ quan, bộ, ngành mình có những tiêu cực, khuyết điểm hoặc gây ra hậu quả xấu. Người ta tự hào khi cả một nhiệm kỳ không xử lý kỷ luật một cán bộ dưới cấp nào, mặc dù nhiều vụ bê bối xảy ra.
Một biểu hiện khác của thiếu văn hóa trách nhiệm, đó là cán bộ Chính phủ trả lời vòng vo trước diễn đàn Quốc hội. Đó là một cách lẩn tránh trách nhiệm trước dân; không dám ràng buộc lời nói (lời hứa) với hành vi của mình.
Tóm lại, một bộ phận không nhỏ cán bộ của ta, trong đó có cả cán bộ chủ chốt, đứng đầu còn nhiều biểu hiện không có, thiếu hoặc dưới văn hóa trách nhiệm như thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của nhân dân. Đùn đẩy trách nhiệm. Làm việc cẩu thả, qua loa. Dễ làm khó bỏ. Đánh trống bỏ dùi. Không dám chịu trách nhiệm về hậu quả sai trái. Không dám có một lời hứa, một lời xin lỗi thành thật với dân. Không dám tự phê bình trước nhân dân và tạo cơ chế, điều kiện, hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Có sai lầm, gây hậu quả, không dám quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và hậu quả. Có khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan, cấp dưới. Không dám đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ cái tốt...
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cuộc vận động mang ý nghĩa văn hóa sâu rộng. Nhưng kêu gọi mà không làm; làm mà không tròn bổn phận; kết quả không tốt mà không chịu hậu quả; không ràng buộc lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn thì không những không mang chở văn hóa mà lại phản văn hóa. Kết quả hỏng việc. Sâu xa hơn, thiếu văn hóa trách nhiệm là mầm mống, khi có cơ hội hoặc điều kiện, sẽ là xung lực phá hoại thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân. Chúng ta không thể xem thường, coi nhẹ những hành vi thiếu văn hóa trách nhiệm.
-----------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.240.
(2) Hồ Chí Minh; Toàn tập, Sđd, t.4, tr.246.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.427.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.161.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.249.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.222 và 555.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.152- 153.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.165.
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao
Một nước Nhật quá xa xôi!
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Lenk
Thống kê truy cập
114513784
Hôm nay
2257
Hôm qua
2313
Tuần này
21721
Tháng này
220657
Tháng qua
121356
Tất cả
114513784