Cuộc sống quanh ta
Kinh tế toàn cầu năm Thìn 2012 (quẻ bói đầu năm)
NGƯỜI viết xin đưa ra vài dự đoán về nền kinh tế toàn cầu trong năm 2012:
Không biết khu vực đồng Euro sẽ đổ hay không(!)
Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm dưới 2.5%, hay suy giảm nếu đồng Euro sụp.
Âu châu có nhiều khả năng bị suy thoái.
Trung Quốc tuy không rơi vào khủng hoảng nhưng tiến chậm lại dưới 9%.
***
Mọi người sẽ thấy ngay rằng đoán kiểu này chẳng khác gì ông thầy bói miệt vườn nói nước đôi “Vợ anh đang mang bầu năm tới không sanh trai cũng có con gái”. Nhận xét như thế cũng đúng vì lãnh đạo của cả ba khối kinh tế lớn đều có vấn đề nội bộ nên sẽ không đưa ra được chính sách nào cơ bản trong năm 2012 mà chỉ có các biện pháp vá víu: các nước Âu châu khó lòng tìm ra một đồng thuận cần thiết; nền chính trị Mỹ bị phân hóa; Trung Quốc lúng túng giải quyết những mâu thuẫn xã hội.
Nói gần thì Hoa Kỳ năm 2012 sẽ bầu cử tổng thống nên đảng Cộng Hòa đang nắm Quốc Hội chỉ có mục tiêu duy nhất là cản trở để Obama không tái đắc cử, trong lúc Dân Chủ trong thế thiểu số không thể nào thông qua các chính sách kinh tế hữu hiệu. Về phần Trung Quốc sắp thay đổi lãnh đạo năm tới đây, Tập Cận Bình dù phải chi 1000 tỷ USD (không phải tiền riêng của ông ta) để ngăn bong bóng địa ốc và ngân hàng không nổ lớn cũng vẫn phải bỏ ra! Sang đến châu Âu mãi đến giờ này Tổng thống Sarkozy (Pháp) và Thủ tướng Merkel (Đức) cũng không biết đưa ra biện pháp nào đủ để trấn an thị trường trong lúc dân chúng mỗi nước vừa lo sợ vừa mệt mỏi nên chống đối cứ tăng dần.
Nhưng các hiện tượng này đều bắt đầu từ những khuyết điểm có tính chất cơ cấu. Trong nền dân chủ Tây Phương thì thủ đoạn của các chính trị gia là tránh né những biện pháp đụng chạm đến các khối lợi ích để vừa xin được tiền tranh cử lại không bị mất lá phiếu, nên cái gì không bắt buộc phải cắt xén ngay hôm nay thì cứ dời lại cho lớp người sau giải quyết! Còn nơi toàn trị Trung Quốc thì nhà nước không thể nào giải quyết mâu thuẫn xã hội khi chính giới cầm quyền lại là khối lợi ích nắm quyền lực cao nhất. Nói theo kiểu bình dân cho vui thì một bên dân chúng đừng có lo hãy để nhà nước lo, còn bên kia thì hôm nay đừng lo vì ngày mai sẽ có người khác phải lo.
Nếu dựa trên con số trong 10 năm qua Trung Quốc được quản lý tốt hơn nhiều so với Âu - Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4 lần, nhảy vọt lên hạng nhì thế giới và có thể qua mặt Hoa Kỳ trong vòng 15 năm nữa. Chính Nhật cũng phải nhìn nhận rằng đây là những thành tựu chưa từng thấy, hơn hẳn những ngày vàng son nhất trên nước hoa anh đào. Trong khi đó ở Mỹ lợi tức đầu người trong 10 năm không hề tăng mà tài sản của mỗi gia đình còn giảm 10-30% theo đà xuống của thị trường địa ốc và chứng khoán. Còn tại châu Âu, nước Đức là nền kinh tế hùng mạnh nhất nhưng trung bình chỉ tăng trưởng khoảng 1.5% nên khó gọi là đầu tàu phát triển. Dù Trung Quốc phải trả giá rất đắt cho phát triển nhưng hiện họ có túi bạc 3500 tỷ USD có thể dùng cải thiện môi trường và nâng cao mức sống dân chúng (liệu họ có muốn làm hay không lại là chuyện khác), trong khi Âu - Mỹ nợ nần chồng chất, dân tình chia rẽ nên khả năng xoay xở ngày càng hạn hẹp.
Người ta thường nhắc đến lời tuyên bố của Winston Churchill “Dân chủ là một tổ chức nhà nước tồi tệ nhất, chỉ khác một điều các cơ chế khác đã được áp dụng và đều thất bại”. Nhưng ngược lại có một câu vỡ lòng của thị trường Wall Street “Các thành tựu của quá khứ không bảo đảm cho kết quả trong tương lai”. Nói cách khác nhận xét của Churchill chưa chắc đúng mãi, và Tây Phương nếu không nhanh chóng thay đổi thì rất có thể bị Trung Quốc qua mặt. Nhìn cách khác, nền dân chủ Âu-Mỹ cứ sẽ mãi mãi cà-rịch-cà-tang như vậy, Trung Quốc liệu có tiến lên hàng đầu hay không là do nơi họ có tự giải quyết được những tranh chấp xã hội, hay sẽ bị chính các mâu thuẫn nội tại đè sụp như trường hợp Liên bang Xô Viết 20 năm trước đây.
Như vậy chúng ta đang dần đến trọng tâm của vấn đề: tổ chức dân chủ không là mô hình hoàn hảo - vì không có sự toàn thiện trong thế giới con người. Trái lại đây chỉ là cái khung để các quyền lợi mâu thuẫn trong xã hội được công khai bộc lộ nhằm mở cánh cửa thay đổi cho thích ứng với hoàn cảnh mới. Cho dù Tây Phương có dân chủ nhưng nếu không đủ năng lực sinh động để thay đổi - khi mỗi thành phần chỉ còn biết khăng khăng ôm lấy quyền lợi an sinh của mình - thì xã hội ắt phải trì trệ.
Trái lại trong một cơ chế toàn trị các tranh chấp không được bộc phát nên nhà cầm quyền có thể huy động năng lực của toàn xã hội cho những mục tiêu chung. Các nước này tiến nhanh trên một vài phương diện nhưng bù lại không tạo được quân bình - chẳng hạn Liên Xô đứng hàng nhất nhì về kỷ thuật quốc phòng và không gian cho dù kinh tế suy sụp, hay Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục trong lúc chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu đậm - tình trạng cũng giống như chiếc ghế lung lay không biết ngã lúc nào. Đó là sự khác biệt khiến các cuộc biểu tình ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp gồm hàng trăm ngàn người tham dự khiến nhiều chính quyền bị lật đổ nhưng lại không bị xem là mối đe dọa cho an ninh quốc gia; trong lúc ở Hoa Lục Miến Điện chỉ một vài chục người phản đối lẻ loi cũng đủ làm nhà cầm quyền hốt hoảng.
Nhưng nếu may gặp đấng minh quân - và Trung Quốc rất may mắn từ thời Đặng Tiểu Bình - thì lãnh đạo hữu hiệu, quyết định nhanh chóng và thành quả rất cao. Còn rủi nhằm giới cầm quyền kém, hoặc tha hóa thành bè phái, tư lợi thì đất nước trì trệ mà không có lối thoát. Có ai muốn đặt vận nước vào may rủi?
Một cách nhìn nữa là sự khác biệt giữa triết học Tây Phương “động”, đặt tiến bộ trên căn bản giải quyết mâu thuẫn - cho dù là giữa Thiện Ác, lịch sử quan Mác Xít hay tổ chức kinh tế thị trường; trong khi Đông Phương “tĩnh”, dựa vào sự hài hòa trong xã hội như năm cung bậc Khổng Giáo, hoặc âm dương vận hành chuyển hóa mà không đối kháng. Làm thế nào có được mô hình cạnh tranh hơn thua ráo riết mà vẫn giữ được sự hài hòa trong nền kinh tế thị trường, xã hội tư hữu và phân biệt giàu nghèo - người viết không có câu trả lời. Hay có phải hài hòa chỉ là tấm bình phong ngăn cấm thay đổi chỉ để duy trì độc tôn quyền lực? (Cho nên chính dân Tàu cũng không tin thực tâm của Bắc Kinh phục hồi Khổng Giáo!) .
***
Hai trào lưu thương mại và thông tin toàn cầu đã khai phóng từ cuối thế kỷ 20 các năng lực tiềm tàng mà nhân loại chưa thấu hiểu. Những làn sóng này mang đến nhiều thay đổi với nhịp độ gấp rút đến chóng mặt, lại cộng thêm ảnh hưởng sâu rộng đến ý thức và cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ con người trên thế giới.
Tiền của chuyền tay ở mức độ chưa từng có từ Tây Phương - nhất là Hoa Kỳ - sang những quốc gia đang phát triển, một mặt để đầu tư phần còn lại nhằm mua nhiên liệu và hàng hóa tiêu thụ với giá thành rẻ. Lượng thương mại khổng lồ này mang hơn 1 tỷ người ra khỏi ngưỡng cửa nghèo khó trong thời gian kỷ lục, nhưng đồng thời tạo ra bất quân bình trên hai phương diện: một bên tại những nước đang mở mang cơ chế giám sát và quản lý không theo kịp với nhịp độ tăng trưởng khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng; giai cấp ưu đãi tập trung quyền lực nên xã hội thêm bất công; cuối cùng tiền của phân phối không đều nên tích tụ thành một cái bọng lớn tìm chỗ đậu an toàn, nhưng lăn đến đâu tạo khủng hoảng nơi đó. Mặt khác các nước Tây Phương như tiến vào giai đoạn hậu công nghiệp, họ tưởng rằng có theo duy trì sự giàu có cho dù công ăn việc làm trong ngành sản xuất mất ra nước ngoài nhưng Âu - Mỹ vẫn nắm chốt điều hành và quản lý vốn trên toàn thế giới dựa vào các định chế tài chính và giám sát đáng tin cậy lâu đời.
Kết quả là tiền bạc quá nhiều làm mờ mắt cả hai bên. Nhiều ngân hàng và công ty đầu tư Tây Phương gây dựng uy tín hàng trăm năm chỉ vì tham lợi trở thành cẩu thả, bơm lên bong bóng địa ốc đến khi phát nổ lây lan suýt làm đổ cả thị trường tài chính toàn cầu - trước ở Hoa Kỳ năm 2007-2009, tiếp theo là khối Euro kể từ đầu năm 2010. Theo nhận xét của người viết thì nền kinh tế của hai khối này sẽ không thể phục hồi cho đến khi khu vực sản xuất tìm lại tính cạnh tranh để tạo công ăn việc làm mới bù đắp vào các mất mát do bong bóng địa ốc, tài chính và cắt giảm chi tiêu nhà nước gây ra.
Trong khi đó nhận thức quần chúng của các nước đang mở mang tăng nhanh theo nhịp độ thông tin toàn cầu giúp họ thấy ra quyền lợi của mình bị thiệt thòi hay tước đoạt. Phong trào Mùa Xuân Ả Rập là sự đối kháng của giới trẻ không tìm thấy hy vọng vào tương lai, không còn tin vào chiêu bài ổn định xã hội hay an ninh quốc gia trong khi giai cấp đặc quyền đặc lợi ngày càng xa rời đám đông. Trái lại từ nhiều năm nay tại những quốc gia Trung Quốc, Nga khôn khéo hơn đã lập một khế ước không thành văn, là người dân chấp nhận im lặng chính trị và cam chiụ một mức độ bất công nào đó khi kinh tế còn phát triển và mức sống được cải thiện. Nhưng bài học cuộc Cách Mạng Hoa Lài khiến giới cầm quyền cảm thấy vô cùng bất an vì với những phương tiện truyền thông hiện tại ý thức quần chúng đã tiềm tàng thay đổi. Không ai biết được khi nào một nhóm lửa nhỏ sẽ nổ bùng thành phong trào chống đối mãnh liệt - nhất là từ thế hệ thứ hai của giai cấp trung lưu vốn có trình độ giáo dục và tiếng nói mạnh dạn hơn lớp người đi trước. Điển hình là chính người hùng tay sắt Putin cũng bị bất ngờ vì những cuộc biểu tình của giới trẻ ở Mạc Tư Khoa phản đối gian lận bầu cử trong tháng 12 tại nước Nga.
***
Trở lại bốc quẻ kinh tế, việc xa dễ thấy hơn chuyện gần. Người viết có thể phác họa vài nét chính như sau:
Âu-Mỹ sẽ phải cắt chi tiêu để giảm nợ công và đầu tư vào lãnh vực sản xuất để tạo công ăn việc làm mới.
Sự kiện này sẽ tạo ra hai áp lực song đôi khi thị trường tiêu thụ trên thế giới giảm khi sức mua giảm trong lúc số người bán tăng.
Giải pháp tốt nhất là Trung Quốc nâng cao mức sống của dân chúng trong nước qua các chương trình an sinh xã hội (hưu bổng, giáo dục, y tế) và tăng trị giá đồng Nhân Dân Tệ. Cả hai biện pháp này đều khai mở một thị trường tiêu thụ khổng lồ bù đắp cho lỗ hổng của Âu-Mỹ. Nhưng liệu Bắc Kinh có làm được hay không còn tùy thuộc nơi quyết tâm của giới lãnh đạo để thay đổi 180 độ guồng máy chính trị trong nước.
Các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Bangladesh, v.v… sẽ chịu áp lực nhiều mặt: đầu tư và tiêu thụ từ Âu - Mỹ giảm do khủng hoảng kinh tế tạo cơ hội để Trung Quốc tăng cường hiện diện qua những khoản vay ưu đãi. Việc này tự nó không xấu, nhưng trở ngại chính do nơi hệ thống chính trị và giám sát của các quốc gia đang mở mang còn lỏng lẻo dễ bị khuynh đảo. Hậu quả xảy đến nhiều mặt: lạm phát và thất nghiệp cao; các ngành công nghiệp không phát triển nhằm nâng mức trị giá gia tăng, trái lại tăng trưởng lệ thuộc vào khai thác tài nguyên và nguồn nhân công rẻ.
Tìm thêm một đơn vị tiền tệ quốc tế để thế giới không lệ thuộc vào đồng đô-la. Tuy nhiên đồng Euro dù không sụp cũng sẽ yếu kém trong vài ba năm tới đây cho đến khi các nước châu Âu tìm ra một quy chế chính trị chung. Trong khi đó Bắc Kinh đang cố gắng phát huy vai trò của đồng Nhân Dân Tệ, thí dụ qua hai thỏa thuận với Nhật Bản và Thái Lan trong tháng 12/2011 để mua bán hàng hóa mà không cần phải chuyển qua một đơn vị tiền tệ thứ ba như đô-la. Đây là những việc làm hợp lý khi thương mại với Hoa Lục ngày càng tăng, chỉ có điều là những nước nhỏ như Việt - Miên - Lào cần thận trọng để không bị ràng buộc thành sân chơi độc quyền của Trung Quốc.
Câu chuyện sẽ được quan tâm nhiều nhất trong 15-20 năm tới là cuộc chạy đua Mỹ - Hoa nơi đó kết quả tùy thuộc phần lớn vào kinh tế. Theo nhận xét của người viết, Trung Quốc có nhiều tiềm năng nhưng liệu có phát huy được hay không tùy thuộc vào quyết tâm nơi lãnh đạo có dám thay đổi cơ chế cho thuận chiều, hay sẽ tiếp tục che đậy các mâu thuẫn xã hội cho đến khi nổ bùng thành cản lực. Với số vốn 3200 tỷ USD để xoay xở ngay trong tình huống khó khăn nhất Bắc Kinh sẽ có một khoảng thời gian từ 3-5 năm để quyết định cho tương lai của chính mình.
Do đó mới gọi là “ý Trời khó biết”!
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao
Một nước Nhật quá xa xôi!
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Lenk
Thống kê truy cập
114513781
Hôm nay
2254
Hôm qua
2313
Tuần này
21718
Tháng này
220654
Tháng qua
121356
Tất cả
114513781