Cuộc sống quanh ta

Áng văn ngày ấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

NHIỀU bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như “Bên tấm bản đồ quân sự”, “Một quyết định lịch sử”, “Vị tướng huyền thoại” v.v… mang nội dung chuyên đề. Riêng tôi, có những kỷ niệm thật khó quên.

Trong những năm công tác ở Nghệ An, tôi được gặp Đại tướng nhiều lần. Hồi đó, anh Nguyễn Kỳ Cẩm và kế tiếp là anh Nguyễn Bá làm Bí thư Tỉnh ủy. Các anh làm việc, đón tiếp Đại tướng thân tình và chu đáo, khi sự đời không phải không có những ánh mắt này nọ. Tôi thường được nhận “bàn giao” dẫn đường, từ ngoài vào ở khe Nước Lạnh, từ trong ra ở cầu Bến Thủy. Được trực tiếp làm việc với ông hai lần, một lần ở Quỳnh Lưu, một lần ở Cửa Lò.

Quỳnh Lưu năm 1991.

Đại tướng muốn nghe từng anh em lãnh đạo huyện báo cáo công tác cụ thể của họ. Mọi người rất chú ý khi thấy ông ghi chép cẩn thận và hỏi han cặn kẽ mọi điều đến nơi đến chốn, tuy sức khỏe ông không tốt lắm và thần sắc luôn đượm vẻ suy tư. Có một chi tiết đáng nhớ là ông thường nhắc nhở mọi người đừng dùng hai chữ “nói chung” (nói chung tình hình thế này…, nói chung kết quả thế nọ…). Chúng tôi hơi bị “choáng” một tí, song thấy ngay đó là một chút phê bình nhẹ nhàng cần thiết. Tôi nói vui với ông: “Anh Nguyễn Hữu Đợi, Bí thư huyện này trước đây, cứ khi nào nghe cán bộ dưới quyền phát biểu “chúng ta” (chúng ta phải bàn việc này… chúng ta cần làm thế nọ…) thì anh ấy nói: “Đồng chí ơi, chúng ta cái gì? Chúng ta chỉ là một tá chung chung!”. Mọi người cùng cười.

Ngồi trên xe về thăm xã Quỳnh Xuân, xã có Nghĩa trang liệt sỹ của huyện, ông hỏi tôi: “Này cậu Phục, nếu tóm tắt vài câu thật ngắn gọn tình hình nhiệm vụ hiện nay, thì là gì”? Tôi nặng nề đáp: “Dạ, gói lại cái mênh mông này, khó quá!...”. Ông nói ngay: “Thế này được không: Làm tốt kinh tế, lo cho thanh niên toàn diện”. Nhiều năm công tác sau này và ngay cả bây giờ nữa, câu nói mười chữ đó vẫn luôn ám ảnh tôi. Ngẫm nghĩ về việc M.Tôrê chủ trương giành cho thanh niên ba quyền tuyệt đối, đó là quyền được học, được chơi và được làm việc, thì dễ thấy các tư tưởng lớn đều gặp nhau.

Cửa Lò năm 1997.

Thị xã du lịch đã hình thành. Sáng sáng khi sương mù tan, lại một ngày mới nắng vàng tràn ngập trên đại lộ Bình Minh. Đại tướng khen cái tên đường phố đẹp… Và vẫn với tác phong làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, ông có vẻ khỏe và vui. Họp xong, ông nói: “Vừa rồi đi Bắc Kinh, tôi có gặp anh Hoan, anh Hoan nhờ tôi gửi lời thăm tốt lành đến bà con, bạn bè ở nhà. Nhờ Phục tiếp chuyển hộ tình cảm lâu ngày của anh ấy”. Rồi, cùng với mọi người chụp ảnh, khác với lần làm việc ở Quỳnh Lưu, những tấm ảnh trên bãi biển Cửa Lò đã thấy ở ông nụ cười.

Nhân câu chuyện nói về ông Hoan, tôi biết đối với người đã khuất, ông còn nặng lòng hơn. Việc dựng lại ngôi nhà lưu niệm Đặng Thai Mai, một ngôi nhà gỗ giản dị, cái quý là nhiều thế hệ hoạt động yêu nước đã đi vào sử sách như Đặng Thai Giai, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Quỳnh Anh…, từng sống ở đây. Với số tiền đóng góp của con cháu, ông thường xuyên theo dõi động viên làm cho tốt. Vào tuổi quá 90, khi làm nhà thờ họ Võ ở quê Quảng Bình, ông rất đồng tình với ý kiến của kỹ sư Đinh Nho Thìn, người thiết kế và thi công, dứt khoát chỉ dùng gỗ mít vườn nhà mua ở Hà Tĩnh về, quả là hành xử hoàn toàn như một người dân gương mẫu.

Cuối năm 1975, khi đất nước đã thống nhất, tôi ra Hà Nội thăm gia đình cô bác tôi là ông bà Đặng Thai Mai - Hồ Thị Toan mà tôi đã sống trong nhà từ thuở lên 10 cho tới ngày trưởng thành. Chị Đặng Bích Hà, con gái đầu ông bà là phu nhân của Đại tướng. Dịp đó, trong một bữa cơm đạm bạc, bác Mai đau dạ dày, vẫn chỉ ăn một bát nhỏ cơm nếp, và tôi lại được “phụ trách” phần cháy thơm ngon như ngày nào của những bữa ăn hồi còn đi học. Mỗi lần gặp, bác Mai hay hỏi thăm kỹ lưỡng chuyện quê hương làng xã, nhưng lần này bác chợt nói một câu ngắn gọn: “Anh Văn đã hoàn thành xuất sắc Việc lớn, bác nghĩ đã đến lúc nên chuyển sang nghiên cứu, trao trọng trách lại cho lớp trẻ hơn”…

Làm việc lớn.

Những năm chống Pháp 1951, 1952 khi từ Thanh Hóa ra Việt Bắc tôi cùng gia đình trong một đêm trăng, đi bộ, qua Hòa Bình, đã được gặp Đại tướng ngồi xe dép mui trần trên con đường ra trận bom đạn cày nát. Những người thân chỉ có thể vẫy tay gọi chào nhau giữa đoàn quân đi trùng trùng điệp điệp… Ở Tuyên Quang, nơi phố Quặng thuộc huyện Chiêm Hóa, ông ghé thăm nhanh gia đình sau một chiến dịch. Một ngày, buổi sáng, sau khi thăm gia đình Luật sư Phan Anh và gia đình Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông tự chèo bè sang sông thăm gia đình các Giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng; buổi chiều, một người dân Tày chuyện trò và cắt tóc cho ông bên nhà lán, khi xong, ông nói nhỏ bằng tiếng dân tộc: “Giữ bí mật hộ nhé!”. Người đàn ông ấy cúi đầu chào rất lễ phép: “Xin Đại tướng yên tâm!”.

Rồi Điện Biên Phủ…

Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Trên con đường Việc lớn đó, chắc chắn còn có bao nhiêu là Việc nhỏ như vậy? Những việc quý giá, là lạ, và đầy thân thiết…

Tôi tiếp tục ngược thời gian. Năm 1946, từ làng Quỳnh, tôi được theo bà nội và bà Cu Ơn (thân mẫu ông Hoàng Ngọc Ân) ra Hà Nội. Một bà đi thăm gia đình con rể, một bà đi thăm gia đình con trai. Chiếc xe hàng chạy hơi ga phía đuôi mang nặng một lò than cháy đỏ, đó là lần đầu tiên tôi biết đường nhựa và xe ô tô. Rồi biết phố xá, nhà tầng.

Ngôi nhà 32 Lý Thường Kiệt nơi bác Mai ở, chỉ thấy toàn sách (các chị họ tôi đã viết về ngôi nhà này) mà tôi thì 8 tuổi, trẻ con vừa “thoát nạn mù chữ” nên hễ cứ thấy chữ quốc ngữ là đọc mê mệt. Một hôm, bất ngờ trên bàn học của chị Hà, tôi đọc một mạch hai trang thư viết tay. Áng văn bắt gặp ngẫu nhiên ngày ấy sao mà lạ thế! Đến bây giờ, vài đoạn tôi vẫn còn nhớ rất tự tin: “…Công việc của anh với họ căng thẳng, một vài người cùng đi khác ý… Nhưng thiên nhiên ở đây nên thơ quá. Rừng thông, hồ, thác nước… Biệt thự Tây rải rác theo những con đường trữ tình chìm trong sương mù đến mãi gần trưa. Đà Lạt muôn hoa, có những trận mưa cứ đúng giờ thì rơi xuống… Vậy mà, bao nhiêu cái hay, cái đẹp của Đà Lạt đều tiêu tan trong lòng anh, vì Đà Lạt hiện ở trong tay người Pháp…”. Tôi không rõ văn bản này có còn không. Tất nhiên giờ đây ai viết thì đã rõ, và viết lúc nào thì cũng đã rõ: đó chính là thời gian họp Hội nghị Đà Lạt mà Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đảm đương (Hội nghị này là hội nghị trù bị cho Hội nghị Phôngtennơblô ở Pháp) có Nguyễn Tường Tam tham dự.

Sau thời gian ở Việt Bắc, tôi còn giữ được một bức ảnh của Đại tướng hai tay nâng cuốn sách. Ông đứng bên nhà sàn mờ khói bếp và bên một thân cây mùa đông trụi lá. Lời đề sau ảnh hiện đã bị phai mờ: “Ở Bắc Sơn, sau một cuộc hội nghị cán bộ để tiến công đường số 4, tôi cố tìm thì giờ nghỉ, đọc sách và chụp tấm ảnh romantique này”. Romantic (lãng mạn), đúng là các danh tướng thường có phong thái ung dung và tâm hồn nghệ sĩ. Đại tướng Vatutin, Nguyên soái Vôrôsilôp đều cho tìm sách của L.Tônstôi khi đang trên đường hành quân… Thiếu tướng Nguyễn An mê Kiều ngay trên đỉnh Trường Sờn thời chiến.

Lại nhớ, sau một cuộc hội thảo về tư tưởng Hồ Chí Minh ở cố đô, anh Vũ Thắng và anh Nguyễn Khoa Điềm mời Đại tướng xem múa cung đình và nghe ca Huế trên sông Hương; Nhà thơ Vũ Đình Liên, Giáo sư Mạch Quang Thắng và tôi có được dự. Đại tướng cảm động bắt tay các ca sĩ và nói: “Hay quá, văn nghệ là tinh hoa của văn hóa”… Khách và chủ vui vẻ thả đèn hoa bồng bềnh trôi trong đêm, chập chờn màu sắc nhấp nhánh…

Trung tướng Hồng Cư, nhà báo Hàm Châu, nhà văn Chu Trọng Huyến đã viết về tuổi thanh niên của Đại tướng. Thời trẻ, trên ghế nhà trường, trí tuệ của ông đã xuất sắc ngang ngửa với Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào là những nhà khoa học lớn sau này. Tôi có đọc những mẩu chuyện đâu đó về một vài vĩ nhân: Napôlêông từng xăn quần, cầm roi chỉ huy tụi bạn trẻ con đuổi bắt cầu vồng, A.Anhstanh khi lên 5 tuổi nhìn cái kim la bàn nhúc nhích và nói: “Chắc chắn là có một trường liên quan ở đây”. Tin rằng, những chuyện thời trẻ hơn nữa của ông sẽ được tìm kiếm nhiều.

Một con người góp phần làm nên Việc lớn võ công văn trị động trời. Một con người có bao nhiêu là Việc nhỏ tử tế, năng động, hàng giờ, hàng ngày tuôn chảy như suối nguồn làm cho Việc lớn vững vàng bất diệt.

Bây giờ, Đại tướng đã ngoài trăm tuổi. Áng văn ngày ấy cũng đã 65 năm. Áng văn không chỉ của tình cảm riêng tư mà còn rực sáng ý thức chủ quyền mãnh liệt đi suốt cả một Cuộc đời, một Sự nghiệp vẻ vang.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513814

Hôm nay

2287

Hôm qua

2313

Tuần này

21751

Tháng này

220687

Tháng qua

121356

Tất cả

114513814