Cuộc sống quanh ta
Môn chữ "Lộc" hay là tột đỉnh của làm tiền
Trong số tàng thư mà cụ Giáo Đản (ông thầy dạy chữ Hán cuối cùng ở làng Kinh) để lại, một hôm tôi lục thấy một tập sách đã ố vàng. Phủi lớp bụi dày bám bên ngoài, thì ra là một bộ sách chữ Nôm, ngoài bìa đề năm chữ: “Quốc Văn Tây Du Dị Bản”. Tò mò giở ra xem. Té ra là sáng tác của một tác giả khuyết danh (không biết có phải cụ Giáo không?).
Sách kể về chuyện một gã đi cầu tài, lại phóng tác theo lối viết truyện Tây Du Kí của ông Ngô Thừa Ân bên Tàu. Câu chuyện vừa lạ lại vừa quen. Sau đây xin trích phần đầu của bộ sách đó:
Có thơ rằng:
“Thuở trời đất dọc ngang, ngang dọc
Lưu manh nào chỉ độc mình ta
Thiếu gì những kiếp xa hoa
Sống là kẻ cướp, chết là... người sang...”
Ở một nhà kia, ông bố trước khi chết trăng trối lại cho con trai:
- Con ơi, người sắp chết nói lời nói thật, chẳng lẽ còn che đậy nỗi gì. Đời cha tạo được cơ nghiệp như ngày hôm nay, thực là đã lừa được cả quỉ thần, cướp được công Tạo hoá... Không ngờ đến đời con lại chỉ biết ăn hại. Cơ nghiệp này rồi cũng hết sạch vào tay con mất thôi. Khi nào túng quẫn, con hãy đi sang phía Đông, nơi đó có ông thầy dạy cách kiếm tiền. Con hãy cố mà học cho được lấy một cách làm giàu. Tiếc rằng cha không còn cơ hội chỉ cho con được nữa.
Ông bố chết. Quả nhiên vài năm sau thằng con phá tán hết cơ nghiệp, trở thành kẻ trắng tay. Nhớ lời dặn của bố, nó đi về phía Đông tìm ông thầy dạy làm giàu. Nó vừa đi vừa hỏi thăm, bụng nghĩ ông thầy này chắc phải giầu lắm, có thế mới dạy được thiên hạ cách kiếm tiền. Song suốt dọc đường, nó chỉ gặp toàn dân đen xơ xác, nhà cửa hoang tàn. Lạ một điều là phần lớn ai cũng chỉ có mỗi cái khố đóng trên người. Hỏi thăm tìm ông thầy dạy làm giàu, những kẻ đóng khố ấy bảo:
- Cứ xem trong số chúng ta, ai đóng cái khố rách nhất thì người đó chính là thầy.
Thằng con nghĩ dân xứ này chắc toàn người thích đùa. Kẻ đến cái khố cũng chẳng lành thì làm sao có thể dạy người khác làm giầu được. Bèn cứ nhắm tìm đến những bậc trưởng giả, xe ngựa rộn ràng, tiền hô hậu ủng thỉnh thoảng gặp trên đường. Những người này khi nghe yêu cầu của nó thì cứ nhất loạt lắc đầu, có khi còn sai đầy tớ đuổi nó đi mà không thèm tiếp. Bí quá, thằng con đành phải nghe theo lời khuyên, hỏi thăm tìm kẻ khố rách nhất.
Một hôm nó đứng trước một ngôi nhà làm bằng trúc trống huếch trống hoác, tường vách xiêu vẹo chẳng ra cái hồn nhà. Đang lưỡng lự, bất ngờ có một con chó ghẻ toàn thân, gầy đến mức chỉ còn da bọc xương dúm dó từ phía trong chạy ra. Con chó không sủa, mà cứ quấn lấy chân nó ra vẻ mừng rỡ, tựa như chủ nó sai ra đón khách vậy. Thằng con liền bước vào trong nhà. Nó che mắt nhìn mãi. Bỗng phát hiện trong một xó tối tăm, quả có một lão già cũng trơ xương hệt như con chó, trên mình đóng một cái khố rách te tua, tưởng như không còn rách thêm được nữa. Chỉ có đôi mắt lão thì vẫn sáng quắc, tựa như hai viên ngọc long lanh vậy. Lão chiếu thẳng tia mắt vào thằng con mà hỏi:
- Con đi tìm thầy dạy làm giàu phải không? Tại sao bây giờ mới tới?
Thằng con kinh ngạc không hiểu sao lão già này lại biết trước như vậy. Thế thì chắc phải là một bậc kì nhân. Sự bái phục làm nó xua tan hết nghi ngờ, liền mạnh dạn tiến đến gần lễ phép thưa:
- Đúng là con lặn lội tới đây, xin thầy dạy cho cách làm giàu. Con sẽ không bao giờ quên ơn.
Lão già (từ đây gọi là ông thầy) “hừ!” một tiếng rồi bảo:
- Xưa nay những kẻ giàu có mà không quên ơn thì là điều ta chưa từng nghe nói bao giờ. Mà nếu quả thực có trả ơn thì cũng tựa như bố thí mà thôi. Ngoài mặt thì nói lời tri ân, nhưng trong bụng thì khoái trá ngầm. Trả ơn như thế thì có khác gì một cách... trả thù, trả thù cho cái thời phải đi nhờ vả, trả thù kẻ đã bắt mình phải chịu ơn... Nhưng thôi, con đã muốn làm giàu thì cứ xin học làm giàu. Cần gì phải rào đón trước.
Thằng con nói:
- Thầy không cần phải trả ơn thì thôi vậy. Nhưng chẳng hay thầy có thể dạy con cách kiếm tiền?
Ông thầy bảo:
- Kiếm tiền có ba trăm sáu mươi cách khác nhau. Cách nào cũng ra tiền cả. Chẳng hay con muốn học cách nào?
Thằng con nói:
- Tuỳ thầy dạy bảo. Hễ cứ có mùi tiền là con xin học.
Ông thầy nói:
- Ta dạy con cách kiếm tiền trong môn chữ “cần” có được không?
Thằng con hỏi:
- Kiếm tiền trong môn chữ “cần” là như thế nào?
Ông thầy nói:
- Là cần cù chịu khó, chí thú làm ăn, không ngại gian khổ, chi li tằn tiện, tích góp từng đồng một. Làm thì quên cả thân mình, ăn thì luôn nghĩ đến kẻ khác. Đáng ăn mười chỉ dám ăn ba bốn. Còn lại phải để dành cho ngày hôm sau...
Thằng con hỏi:
- Như thế có làm giàu được không?
Ông thầy bảo:
- Thời nào khác thì có thể làm giầu. Chứ thời này thì không bao giờ.
Thằng con nói:
- Thế thì con không học.
Ông thầy lại nói:
- Vậy ta dạy con cách kiếm tiền trong môn chữ “chính” có được không?
Thằng con hỏi:
- Môn chữ “chính” là như thế nào?
Ông thầy nói:
- Kiếm tiền trong môn chữ “chính” làm ra đồng tiền một cách chính đáng, làm tiền bằng khả năng, công sức của mình. Không gian dối, tranh cạnh với ai, không vi phạm đạo lý trên đời. Biết kính trên nhường dưới, thân thiện với mọi người. Cái gì gây thiệt hại cho người khác thì không làm, cái gì không quang minh, chính đại thì không ăn...
Thằng con hỏi:
- Như thế có làm giàu được không?
Ông thầy bảo:
- Kiếm tiền như thế mà đòi làm giàu thì chẳng khác nào nằm mơ thấy núi.
Thằng con lại hỏi:
- Con là người thực thà, không hiểu lối nói xa xôi. Nằm mơ thấy núi là như thế nào?
Ông thầy bảo:
- Nằm ngủ, mơ thấy mình ôm một trái núi trong lòng. Tưởng rằng to lớn, vĩ đại lắm. Đến lúc tỉnh dậy chẳng thấy núi đâu. Rốt cuộc vẫn chẳng có gì.
Thằng con nói:
- Như thế tức là không bao giờ giàu được. Thế thì con không học.
Ông thầy lại nói:
- Thôi thì ta dạy con cách kiếm tiền trong môn chữ “cái” vậy?
Thằng con hỏi:
- Kiếm tiền trong môn chữ “cái” là như thế nào?
Ông thầy nói:
- Môn chữ “cái” là kiếm tiền bằng cách ngửa tay xin thiên hạ bố thí. Bằng mọi cách khiến người ta mủi lòng mà quẳng tiền lẻ hay cơm thừa, canh cặn cho mình. Đang khỏe mạnh cũng phải giả làm như đau yếu, hết hơi. Sức dài vai rộng hễ thấy việc là run rẩy, hễ thấy tiền là hớn hở. Hễ ăn thì thùng bất chi thình, hễ làm thì chân tay lóng ngóng...
Thằng con lại hỏi:
- Như thế có làm giàu được không?
Ông thầy bảo:
- Ngửa tay xin của bố thí mà cũng đòi làm giàu, thì chẳng khác gì Trời Đất đổi chỗ cho nhau.
Thằng con nói:
- Thầy lại xa xôi con không hiểu. Trời Đất đổi chỗ cho nhau là như thế nào?
Ông thầy bảo:
- Đó là quẻ “Thái” trong kinh Dịch. Chỉ cái thời thiên hạ thái bình, con người biết yêu thương nhau, kẻ trên đùm bọc kẻ dưới, kẻ dưới tin phục kẻ trên... tất cả quy về một mối, không còn tranh giành, đấu đá, cãi lộn... Lúc ấy Trời ở trên lộn xuống dưới, Đất ở dưới trèo lên trên. Rốt cuộc chỉ là bịa tạc, hư ảo, chẳng bao giờ xảy ra.
Thằng con nói:
- Như thế tức là cũng không bao giờ giàu. Thế thì con cũng không học.
Ông thầy lại nói:
- Thế dạy ngươi cách kiếm tiền trong môn chữ “đạo” có được không?
Thằng con hỏi:
- Kiếm tiền trong môn chữ “đạo” là như thế nào?
Ông thầy nói:
- Môn chữ “đạo” là kiếm tiền bằng cách hoặc đào tường khoét ngạch, hoặc bẻ khóa chui vào nhà người ta, tuỳ sức tuỳ lòng, muốn lấy gì thì lấy, muốn khuân gì thì khuân. Cũng có khi giữa chợ đông người thò tay móc túi, hoặc chỗ nọ chỗ kia dùng dao bén rạch đồ... Trăm phương ngàn cách, mặt dạn mày dày, thần thái tỉnh bơ. Miễn sao chuyển được những gì trong túi thiên hạ sang túi mình thì thôi.
Thằng con hỏi:
- Như thế có làm giàu được không?
Ông thầy bảo:
- Nếu mà nói đến làm giàu theo cách này thì chẳng khác gì lên núi mò cua, xuống sông bắt cóc.
Thằng con nói:
- Thầy lại xa xôi con không hiểu. Thế nào là lên núi mò cua, xuống sông bắt cóc?
Ông thầy bảo:
- Lên núi mò cua thì dễ gặp hổ. Xuống sông bắt cóc thì dễ gặp thuồng luồng. Cua cóc đâu chẳng thấy, lại đi đêm lắm tất có ngày gặp ma. Rốt cuộc thế nào cũng gặp tay cao thủ, trước sau thân còn không giữ được, nói gì đến làm giầu.
Thằng con nói:
- Như thế tức là không an toàn. Thế thì con cũng không học.
Ông thầy bảo:
- Nếu vậy ta dạy ngươi cách làm tiền trong môn chữ “tín” có được không?
Thằng con hỏi:
- Môn chữ “tín” là như thế nào?
Ông thầy bảo:
- Làm tiền trong môn chữ “tín” là dựa vào lòng tin của mọi người mà lừa đảo. Dựa vào lòng tham của thiên hạ mà dử mồi. Khéo ăn khéo nói, miệng lưỡi trơn tru. Lừa bất kể kẻ ấy là người thân hay người dưng nước lã. Cái gọi là tín nghĩa là một thứ có thể đem ra tiêu xài vung vít, chẳng cần giữ làm gì. Miễn sao người khác dù vô tình hay cố ý, cứ tự giác đem tiền của dốc hết vào túi mình là được.
Thằng con hỏi:
- Như thế có làm giàu được không?
Ông thầy bảo:
- Có thể làm giàu được. Nhưng cũng chẳng khác gì vá lành tổ đỉa.
Thằng con nói:
- Thầy cứ cái lối nói xa xôi con càng không hiểu. Thế nào là vá lành tổ đỉa?
Ông thầy nói:
- Tổ đỉa thì vá đến bao giờ cho lành nổi. Vá chỗ nọ nó bục chỗ kia. Lòng tham của kẻ đi lừa đảo cũng ví như cái tổ đỉa ấy. Huống chi đã gọi là tham, thì lừa được một lần rồi lại ham lừa tiếp, lừa mãi không ngừng. Trước sau cũng gặp kẻ cao tay, có khi nó lừa lại mình, có khi nó bắt mình đem trình quan. Thế là lừa được bao nhiêu lại chạy vào túi quan hết. Có thế may ra mới tránh khỏi tai vạ... Cuối cùng mình xôi hỏng bỏng không, chẳng còn lại tí nào.
Thằng con nói:
- Như thế tức là cũng chẳng được ích lợi gì. Thế thì con không học.
Ông thầy lại nói:
- Hay là ngươi muốn học cách kiếm tiền trong môn chữ “huệ”?
Thằng con hỏi:
- Môn chữ “huệ” là như thế nào?
Ông thầy nói:
- Kiếm tiền trong môn chữ “huệ” là nịnh trên nạt dưới, hại ngầm kẻ ngang hàng. Bằng mọi cách lấy lòng kẻ có quyền thế để mong hưởng chút ân huệ. Tối mắt vì ân huệ, bất chấp lương tâm, không màng đạo lý, xỏ lá ba que... Chân đạp lên đầu bất kỳ ai có thể đạp. Đầu đội dưới đít bất cứ ai có thể ban ân huệ cho mình...
Thằng con hỏi:
- Cách ấy có làm giàu được không?
Ông thầy bảo:
- Có thể làm giàu nhưng cũng chẳng khác gì tặng vật của hồ ly.
Thằng con nói:
- Thầy đừng nói xa xôi nữa có được không. Thế nào là tặng vật của hồ ly?
Ông thầy bảo:
- Giống hồ ly lúc thích ai thì khuân về tặng cho đủ thứ, kể cả nhà cửa, đồ vật... Nhưng nó biên chép đầy đủ, chẳng sót thứ gì. Đến lúc hơi bị phật lòng là nó lập tức khuân đi cho bằng hết. Nhắm mắt lại, mở mắt ra là đã thấy chẳng còn lại tý gì. Cũng như gặp thời thế đổi thay, lòng người biến hoá, của thiên lại trả địa, bao nhiêu ân huệ phút chốc tan thành mây khói. Rốt cuộc chẳng được cái gì.
Thằng con nói:
- Như thế tức là không được lâu bền. Thế thì con cũng không học.
Ông thầy lại nói:
- Thế ta dạy mi cách kiếm tiền trong môn chữ “khấu” nhé?
Thằng con hỏi:
- Kiếm tiền trong môn chữ “khấu” là như thế nào?
Ông thầy nói:
- Môn chữ “khấu” là chặn đường ăn cướp, xông vào nhà người ta mà cướp. Tuỳ theo thời thế, có lúc một mình, có lúc kết thành băng đảng... Cướp của người khác, cướp lẫn của nhau. Miễn sao luyện đến mức lòng tham ngùn ngụt, cứ thấy tiền là sát khí nổi lên, chân tay ngứa ngáy, mắt mũi tối sầm. Bảo không nghe thì đè cổ dí dao, quyết giành cho bằng được. Cái mình cần đoạt mới là quan trọng, mạng người chẳng nghĩa lý gì...
Thằng con bắt đầu cảm thấy hứng thú. Bèn hỏi:
- Như thế có làm giàu được không?
Ông thầy bảo:
- Có thể làm giàu trong chốc lát. Nhưng cũng chẳng khác gì tậu quỷ về nuôi.
Thằng con thấy ông thầy cứ dùng mãi cái lối nói xa xôi. Bèn sốt ruột ngắt lời:
- Thế nào là tậu quỷ về nuôi?
Ông thầy bảo:
- Quỷ là cái giống có thể bắt linh hồn mình đem đày xuống địa ngục bất cứ lúc nào. Vậy mà đem nó về nuôi ở trong nhà thì khác gì rước họa vào thân. Huống chi cướp của người ta, giết hại người ta thì dẫu lúc sống, người ta có thể chưa biết. Nhưng việc đâu còn đó, chứng cớ rõ ràng. Lúc chết, người ta tất hoá thành quỷ để báo thù, báo thù đời này không được, lại truyền sang đời sau... báo đến bao giờ kì được mới thôi. Vậy thì có giàu mấy cũng không yên ổn được.
Thằng con nghe nói mà rùng mình rợn xương sống. Bèn hỏi:
- Thế có cách nào ăn cướp mà không để lại chứng cớ rõ ràng không?
Ông thầy nói:
- Có. Cách ấy gọi là làm tiền trong môn chữ “lộc”.
Thằng con vội vàng hỏi:
- Làm tiền trong môn chữ “lộc” là như thế nào?
Ông thầy nói:
- Làm tiền trong môn chữ “lộc” là dối trá để được leo cao, bợ đỡ để được thăng chức. Thăng rồi lại thăng nữa, thăng mãi không ngừng. Muốn thế phải kết bè kết cánh, lừa dưới lừa trên, lừa cả quỉ thần, thiên hạ lưu manh thu về một mối. Bề ngoài thì nhũn nhặn như đầy tớ. Bên trong thì quyền to như ông chủ... Cho tới khi nhất hô bá ứng, triết lý sẵn sàng... là có thể tranh cướp bổng lộc, giành giật địa bàn, bạ đâu “ăn” đấy... Phải phấn đấu không biết mệt mỏi để đạt đến cảnh giới tối thượng. Ấy là tự cho mình cái quyền đặt ra luật lệ, biến hoá tuỳ thời, quyền ăn, quyền nói, quyền trói, quyền cởi... nhất nhất đều ở trong tay mình. Bấy giờ thì có thể “ăn” bất cứ cái gì, của bất cứ ai. Từ việc hớt “lộc” của đám quan chức dưới quyền, đến việc nẫng váy của lũ thứ dân... tất cả đều là những việc thường ngày, đơn giản, không để lại chứng cớ gì. Kinh điển gọi cái đó là: “lộc lai tuỳ tâm” (lộc đến tuỳ theo lòng (tham) của mình).
Thằng con nghe quả thấy hấp dẫn mê ly. Bèn nói:
- Vậy muôn vạn lần xin thầy dạy cho con cách kiếm tiền trong môn chữ “lộc” ấy. Con không muốn học theo cách nào khác.
Ông thầy trầm ngâm một lát rồi bảo:
- Cách này ta không dạy được.
Thằng con hỏi:
- Tại sao lại không dạy được?
Ông thầy bảo:
- Môn chữ “lộc” này là một môn làm tiền thượng đẳng cao siêu, đến quỉ thần cũng không sao lường được, huống hồ là con người. Nó là thứ độc quyền trong tay một nhóm những kẻ lưu manh ưu tú, có tài thản nhiên dối trá, biến trắng thành đen. Họ tự đẻ ra luật pháp, ngồi xổm trên luật pháp, nhất cử nhất động đều nhân danh “nhân dân” để ăn cướp của chính nhân dân. Ta không đủ trình độ dạy ngươi. Nhưng ta biết trên đời này, khối kẻ có thừa cái trình độ ấy. Ngươi tới xứ này, có thấy gì lạ không? Thấy dân chúng toàn đóng khố phải không? Thì ngay đến cả ta nay cũng chỉ còn mỗi manh khố rách, huống hồ là lũ dân ngu. Chính vì bị những kẻ làm tiền trong môn chữ “lộc” kia nó lột sạch cho nên mới ra nông nỗi ấy đấy. Những người khố rách chúng ta biết mọi cách kiếm tiền. Chỉ duy có cái môn chữ “lộc” ấy là không được phép biết đến mà thôi...
Thằng con bấy giờ mới hiểu, rằng tại sao dân đen xứ này toàn phải đóng khố. Lại có ông thầy giỏi lý luận về các cách kiếm tiền như thế mà cũng chỉ còn độc manh khố rách trên người. Lại cứ tưởng lầm xứ này hoặc không biết dệt vải, hoặc đóng khố là tập quán xưa nay... Té ra chỉ tại những kẻ làm tiền trong môn chữ “lộc” kia gây ra cả. Thế thì trong ba trăm sáu mươi cách làm tiền, đúng là chỉ có cái môn chữ “lộc” kia mới quả thật đã đạt đến chỗ kinh người...
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao
Những đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Minh Khai cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114513838
Hôm nay
28
Hôm qua
2303
Tuần này
21775
Tháng này
220711
Tháng qua
121356
Tất cả
114513838