Nhìn ra thế giới

Người Hoa tại Mỹ

1. Sơ lược về lịch sử.

Người Hoa đến nước Mỹ chậm hơn người một số nước khác. Trong khi người Anh di dân đến từ thế kỷ 17, người Irish từ Scottland đến từ thế kỷ 18, người Ireland đến từ chiến tranh Nam, Bắc… thì mãi tới cuối những năm 40 của thế kỷ 19, dân Trung Quốc mới tới Mỹ.

Đó chủ yếu là vì, năm 1849 miền Tây nước Mỹ phát hiện ra nhiều mỏ vàng cần nhân công đến khai thác, tiếp đó Mỹ xây dựng tuyến đường sắt chiến lược Trung ương Thái Bình Dương tại miền Tây, cần thêm nhiều nhân công, nên chỉ trong mấy năm người Hoa (chủ yếu là từ Quảng Đông, Phúc Kiến) kéo sang Mỹ khá nhiều (đến năm 1870-1880 đã lên tới 10 vạn Hoa kiều), gây ra những cạnh tranh, chống đối, xung đột với dân và chính quyền địa phương, khiến chính quyền Mỹ bắt đầu phải cử quan chức chuyên quản di dân và ban bố chính sách với di dân.

Chính sách của chính quyền Mỹ đối với người Hoa nhập cư có thể chia làm 4 thời kỳ dưới đây:

1. Thời kỳ tự do - Trước năm 1882.

Cuối đời Thanh, nhân dân Trung Quốc bị chính quyền phong kiến hủ bại đàn áp bóc lột thậm tệ. Do sau chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840) Trung Quốc buộc phải mở cửa nên một bộ phận dân chúng nghèo khổ (nhất là ở mấy tỉnh ven biển miền Nam) bắt đầu tìm cách ra nước ngoài mưu sinh. Tuy vậy do cách xa về vị trí địa lý nên người Trung Quốc đến Mỹ tương đối chậm. Chỉ khi bang California Mỹ phát hiện ra mỏ vàng, rồi Mỹ xây dựng đường sắt chiến lược Trung ương Thái Bình Dương tại miền Tây, cần gấp một lượng lớn nhân công, người Hoa mới ồ ạt kéo đến Mỹ (năm 1853 số nhân công người Hoa tại Mỹ chỉ có 42 người, nhưng năm 1854 đã tăng lên 13.000 người) cạnh tranh gay gắt trong việc tìm kiếm việc làm với dân bản địa, tình trạng bài xích công nhân Trung Quốc xuất hiện và ngày càng mạnh. Trước tình hình trên, năm 1868 Mỹ ban bố đạo luật Anson Buringame. Anson Buringame vốn là Công sứ của Mỹ tại Bắc Kinh, được chính quyền nhà Thanh rất coi trọng vì đã có những hành động và lời nói tôn trọng lãnh thổ Trung Quốc hoàn chỉnh. Năm 1868, ông này từ chức về nước. Ngay sau đó vào tháng 7/1868, ông ta được chính quyền nhà Thanh cử làm trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tới Mỹ ký một điều ước bổ sung cho “Hiệp ước Thiên Tân Trung Mỹ” (năm 1858) chính thức đặt vấn đề di dân giữa hai nước, khiến phong trào người Hoa nhập cư tuy vẫn bị bài xich nhưng không bị hạn chế được kéo dài tới năm 1882 khi “Luật bài Hoa” ra đời, lúc này tổng số người Hoa tới Trung Quốc đã đạt 39.579 người.

2. Thời kỳ cấm hẳn (từ năm 1882 đến năm 1943):

Ý kiến hạn chế công nhân người Hoa hầu như xuất hiện cùng một lúc khi có người Hoa tới Mỹ. Tuy vậy để trở thành một đạo luật bài xích công nhân người Hoa, nội bộ nước Mỹ đã phải trải qua nhiều cuộc tranh luận phức tạp kéo dài.

Trong các năm 1850-1860, bang California đặt ra nhiều tạp thuế hà khắc cho công nhân người Hoa nhằm hạn chế người Hoa nhập cư. Một ví dụ năm 1852, bang này thu thuế đầu người mỗi công nhân người Hoa là 3 USD, năm 1853 đã tăng lên 4 USD khiến khá nhiều công nhân người Hoa phải tìm cách chuyển nghề hoặc trở về nước. Năm 1862, bang này đặt ra “Thuế cảnh sát” qui định mỗi người Hoa trên 18 tuổi mà chưa đóng thuế đầu người và chưa có công ăn việc làm mỗi tháng phải đóng 2 USD thuế, rồi còn đặt ra nhiều loại thuế khác với những tên gọi kỳ lạ như “thuế đánh cá” , “thuế đòn gánh”... May mà sau một thời gian thi hành, các loại thuế đó bị tòa án Bang và Liên bang can thiệp, phải hủy bỏ.

Về mặt Liên bang, năm 1862, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật do nghị sĩ Elliott đề xuất cấm không được mua bán “người khổ sai” Trung Quốc trên các tàu thuyền. Luật này cho rằng những “người khổ sai” đến Mỹ không phải là di dân tự do mà là sự mua bán nô lệ biến tướng, là một hành vi mậu dịch không hợp pháp. Đạo luật này không trực tiếp hạn chế công nhân người Hoa tới Mỹ nhưng đã gây cho họ rất nhiều bất tiện. Đạo luật tỏ ra hiểu được những khổ nạn của người Hoa nhưng lại không biểu thị đồng tình. Thực ra tình trạng người Hoa đến Mỹ lúc này không khác những “công nhân theo hợp đồng” (indentured labor) đến châu Âu từ thế kỷ 17, nhưng có khác biệt với những công nhân nô lệ.

Phong trào bài Hoa từ bang California là trung tâm, từ từ lan đi các nơi khác, thanh thế ngày một lớn. Trước tình hình đó, năm 1876, Quốc hội Mỹ cử một đoàn tới California điều tra, và rút ra kết luận: “Người Trung Quốc không cầu tiến bộ, có thói quen xấu, tiêu chuẩn đạo đức thấp hơn người châu Âu, đối xử với người bệnh tàn bạo, thường đẩy họ ra đường bỏ mặc cho đến chết. Tóm lại họ không bao giờ có thể đồng hoá với người da trắng”.

Năm 1880, dân số thành phố Sanfrancisco là 292.874 người thì người Hoa đã chiếm tới một phần tư, tức 71.328 người, đông hơn hẳn người Irland, người Anh, người Đức, người Pháp, người Tây Ban Nha, người Italia tại Mỹ lúc đó. Vì thế báo cáo điều tra còn cho rằng người da trắng ở California sẽ lâm vào nguy cơ bị người Hoa áp đảo, đề nghị chính phủ phải sửa lại điều ước di dân với Trung Quốc, hạn chế người châu Á nhập cư (chủ yếu là người Hoa). Báo cáo này có ảnh hưởng tới 20 năm sau đó.

Năm 1877-1878, dưới sự kích động của Denní Kearney, bang California thành lập đảng Sand-lots, thi hành điên cuồng bài Hoa. Năm 1879, để hạn chế người Hoa, các nghị sĩ tại các bang ở bờ Thái Bình Dương đề nghị quốc hội thông qua một dự luật hạn chế số lượng người Hoa nhập khẩu trên mỗi chiếc tầu đến không được vượt quá 15 người, nhưng Tổng thống Hayes cho rằng dự luật này trái với mục tự do di dân trong điều ước Anson Buringame nên đã từ chối ký.

Hành động này không có nghĩa là chính phủ Liên bang Mỹ thực sự phản đối tâm tư bài Hoa của nhân dân các bang ở bờ Tây, tuy vậy sau đó họ đã cử một đoàn đại biểu do Angell làm trưởng đoàn tới Trung Quốc thương thảo về điều ước Anson Buringame vào năm 1880 và đã ký với đoàn đại biểu toàn quyền nhà Thanh do Lý Hồng Chương đứng đầu một phụ kiện bổ sung trong đó qui định các điểm cốt yếu sau: “Phàm là những người truyền giáo, đi học, đi buôn, du lịch v.v... vẫn được qua lại tự do, những công nhân người Hoa đã ở Mỹ vẫn được bảo hộ; nhưng những người mới tới phải có giới hạn về số lượng và số tuổi, không được xỉ nhục”. Thế nhưng trong nguyên bản tiếng Anh đã sử dụng một số từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa: nhằm hạn chế hoặc ngừng cho công nhân người Hoa nhập cư, ý đồ lật bỏ điều ước Anson Buringame, đặt cơ sở cho luật chống di dân người Hoa.

Với những qui định trên có thể nói những ràng buộc tự do di dân hầu như không còn nữa. Năm 1882, quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật mà nhân dân các bang miền Tây mong mỏi đã lâu là ngừng không nhập khẩu công nhân người Hoa trong 20 năm, nhưng Tổng thống Arthur từ chối ký vì cho rằng thời gian quá dài hơn nữa lại vô lý. Mấy tuần lễ sau thời hạn được sửa thành 10 năm, trước tình hình đó Tổng thống đành phải ký. Đó là đạo luật có ý nghĩa thời đại trong lịch sử di dân thế giới. Nội dung chủ yếu của đạo luật bài Hoa này (Chinese Exclusion Act of 1882) như sau “(1) Ngừng cho công nhân người Hoa vào Mỹ 10 năm. (2) Những công nhân người Hoa đã cư trú tại Mỹ và đã nhận được văn kiện chứng minh của hải quan trước ngày 17 tháng 11 năm 1880 thì khi tạm thời xuất cảnh vẫn cho phép trở lại nước Mỹ. (3) Những người có văn bản đăng ký bằng tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc chứng minh là những người Hoa (không phải là công nhân Hoa) có quyền vào Mỹ theo điều ước, được phép vào Mỹ. (4) Những người Hoa không được phép vào Mỹ nhưng đã vào, thì sau khi đạo luật này được thông qua sẽ căn cứ vào phán quyết của tòa án Mỹ mà bị trục xuất khỏi Mỹ. (5) Sau đó, tòa án bang hoặc tòa án liên bang đều không được cho phép người Hoa chuyển thành công dân Mỹ.

“Luật bài Hoa” năm 1882, mới chỉ là sự mở đầu, phải qua nhiều lần sửa chữa mới hoàn chỉnh. Chủ yếu có những điều sau (1) Chỉ thị bổ sung luật năm 1884: người Hoa bất kỳ đến từ nơi nào trên thế giới đều coi là người Trung Quốc, sinh trưởng ở đất Trung Quốc cũng thế mà sinh trưởng ở Luân Đôn cũng thế. Mở rộng định nghĩa công nhân người Hoa bao gồm tiểu chủ, người giặt quần áo, bán hoa quả, đánh bắt cá v.v... (2) Luật năm 1882 qui định: người Hoa xuất cảnh phải có vợ con cha mẹ tại Mỹ, hoặc có tài sản 1000 USD thì mới được hải quan cấp giấy cho phép sau 1 năm vẫn được vào Mỹ. (3) Luật Scott Act năm 1888 qui định, công nhân người Hoa sau khi xuất cảnh không kể là có giấy phép cho trở lại Mỹ hay không về căn bản không cho trở lại. Vì vậy những qui định mới này đã ảnh hưởng tới hơn hai vạn người Hoa đã đăng ký về nước và hơn sáu trăm người Hoa đang trên đường trở lại Mỹ, và làm cho những người Hoa ở Mỹ không dám tính đến chuyện về nước thăm gia đình.

Năm 1898 là năm Mỹ có vai trò khá nổi bật trên thế giới: đánh bại Tây Ban Nha, chiếm Hawai, chiếm Philippine v.v.... Cùng năm này quốc hội Mỹ thông qua luật: người Hoa không được tự do vào Hawai. Hai năm sau luật này còn qui định thêm: người Hoa đã ở Hawai, phải đăng ký với chính quyền để được cấp giấy chứng nhận cư trú trong thời hạn một năm. Từ đó người Hoa cũng không còn có quyền di cư tới Philippine.

Một đạo luật công bố năm 1902 đã kéo dài Luật bài Hoa nói trên thêm 10 năm nữa, hai năm sau lại có một đạo luật qui định dứt khoát kéo dài Luật bài Hoa không thời hạn, hơn nữa còn cấm công nhân người Hoa từ các đảo như Hawai, Philippine v.v... được vào đại lục Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc không phải là không có kháng nghị đối với Luật bài Hoa, nhưng trên thực tế không có hiệu quả gì. Như năm 1882, khi Luật bài Hoa được thông qua và tuyên bố có hiệu lực, Công sứ Trung Quốc tại Washington đã kháng nghị mạnh mẽ với Quốc vụ viện Mỹ nhưng không có tác dụng. Năm 1888 Công sứ Trung Quốc kháng nghị với Quốc Vụ viện Mỹ về “Luật Scott”, nhưng ngay trả lời phía Mỹ cũng không có. Sáu tháng sau Công sứ Trung Quốc lại kháng nghị Mỹ vi phạm điều ước Trung Mỹ, Bộ ngoại giao Mỹ về cơ bản không chịu thảo luận vấn đề này bằng cách trả lời: quốc hội chế định và bãi bỏ luật, tổng thống có thể phủ quyết, bộ ngoại giao chúng tôi không thể làm điều gì. v.v... Ngày 27 tháng 4 năm 1904, Quốc hội Mỹ ra quyết nghị: mọi đạo luật bài Hoa trước đây có hiệu quả vĩnh viễn. Đến đây những nhen nhóm bài Hoa bắt đầu tại bang California từ 50 năm trước đã được thực hiện hoàn toàn.

Như vậy là từ năm 1882 cho đến năm 1943, công nhân người Hoa không được phép vào Mỹ, mà ngược lại những người đã tập kết tại miền Tây chỉ có cách trở về nước hoặc len lỏi vào số người Hoa đã định cư tại một số thành phố phía Đông như Newyork, Boston, Chicago.. chịu cảnh phân biệt đối xử với nhiều áp lực. Những “phố người Đường” (China town) trong các thành phố lớn của Mỹ hiện nay đều được hình thành từ thời kỳ này. Những công nhân người Hoa thời đó đã chọn hai nghề chính là mở cửa hàng ăn và giặt quần áo là những nghề khó có thể phân biệt đối xử là vì vậy.

3. Thời kỳ hạn chế (năm 1943 đến năm 1956)

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Mỹ nhảy vọt lên thành cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy công nghiệp phát triển rất mạnh, nhưng lại không cần những công nhân đến từ nước ngoài không thành thạo nghề dù giá rẻ, nên Mỹ vẫn hạn chế công nhân người Hoa vào Mỹ.

Chế độ phân phối số lượng người được hưởng quốc tịch (National origin quota system) mà cụ thể là “Luật phân phối số lượng người được hưởng quốc tịch thứ nhất” (The Quota Act of 1921) được thông qua năm 1921 qui định, mỗi năm tổng số người các quốc tịch di dân tới Mỹ không được vượt quá 357.803 người. Số lượng người mỗi nuớc được nhập khẩu là 3% số người nước đó tại Mỹ năm 1910. Ba năm sau luật thứ hai ra đời (The Quota Act of 1924) thay thế luật thứ nhất, theo luật này thì số người các nước được nhập cư vào Mỹ bằng 2% tổng số người nước đó tại Mỹ năm 1909, nhưng tổng số của các nước mỗi năm chỉ là 164.677 người. Mục đích của lần sửa đổi này là (1) giảm bớt tổng mức người di dân tới Mỹ. (2) hạn chế số di dân của các nước đông và nam châu Âu (nhất là Italia) từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. (3) cho các nước là nguồn gốc của người Mỹ được hưởng mức di dân cao nhất (như cho Anh mức 60000 người). (4) chỉ cho các nước phương đông một lượng nhỏ nhoi. Trung Quốc chỉ được phân 105 người do bị ảnh hưởng của Luật bài Hoa trước đây.

Vào thời gian giữa của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Trung Quốc sát cánh chiến đấu cùng Mỹ nên bước đầu phá bỏ được cục diện cứng nhắc hơn 60 năm trước. Ngay từ năm 1943, Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị với Mỹ hủy bỏ “Luật bài Hoa” và được đông đảo nhân sĩ Mỹ tán thành và Tổng thống Roosevelt ủng hộ. Ngày 11 tháng 10 cùng năm ông nói tại Quốc hội Mỹ: việc hủy bỏ Luật bài Hoa kéo dài quá lâu, chúng ta phải thông qua quyết định sửa chữa sai lầm với bạn bè của mình. Trải qua thời gian gần 1 năm và qua hơn 20 lần tranh luận tại quốc hội cuối cùng mới thông qua được việc hủy bỏ Luật bài Hoa vào ngày 26 tháng 11 năm 1943 và được Tổng thống ký vào ngày 17 tháng 12 năm 1943. Từ đó căn cứ vào mức 105 người được phép vào Mỹ, bất kể là người Trung Quốc nào sinh trưởng tại bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có thể xin di cư tới Mỹ, và còn qui định cụ thể trong đó có 75% số người là sinh trưởng tại Trung Quốc còn 25% là người Hoa ở nước ngoài. Chỉ cần người có 50% huyết thống Trung Quốc thì bất kể ở đâu cũng được coi là thuộc số lượng 105 kể trên.

Qua đó có thể thấy trong thời kỳ này người Hoa tới Mỹ khó hơn lên trời, và việc hủy bỏ “Luật bài Hoa” chẳng làm thay đổi gì lớn đối với vấn đề bài Hoa, người Hoa di dân tới Mỹ cực ít.

Tuy vậy, sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, số lượng người Hoa vào Mỹ đã tăng dần. Cuối năm 1945, Quốc hội Mỹ thông qua Luật “War Brides” vào ngày 28/12/1945 cho phép những người vợ là người nước ngoài của quân nhân Mỹ có thể vào Mỹ mà không phải tính trong số lượng di dân được phép. Năm 1946 lại thông qua “Luật vợ chồng chưa kết hôn của quân nhân” (G.I Frances Acts of June 29 1946) cho phép vị hôn thê (hoặc vị hôn phu) của quân nhân Mỹ được miễn trừ hạn ngạch di dân để vào Mỹ, khiến rất nhiều quân nhân tại ngũ hoặc đã thoái ngũ người Mỹ gốc Hoa đã lợi dụng ưu đãi của hai đạo luật này lũ lượt về nước tìm đối tượng kết hôn. (Từ năm 1945 đến năm 1948 đã có hơn 6000 người Hoa vào Mỹ theo con đường này). Trong những năm 50 luật di dân Mỹ có nới lỏng, như năm 1952 Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật di dân “McCarren Walters Act” qui định những hậu duệ châu Á (bao gồm cả người Hoa) có thể vào Mỹ miễn hạn ngạch. Sau khi đạo luật này được thực thi, số lượng người Hoa di cư vào Mỹ đã có gia tăng. Từ năm 1949 đến năm 1954 đã có 3465 lưu học sinh, người tới thăm gia đình và nhân viên hàng hải người Hoa được phê chuẩn ở lại Mỹ vĩnh viễn. Năm 1953, Mỹ ban bố luật cứu tế nạn nhân, lại có 2777 công nhân người Hoa được phê chuẩn vào nước Mỹ. Ngoài ra khoảng 2000 người Hoa có hộ chiếu Quốc dân đảng Trung Quốc (Đài Loan) cũng nhận được visa vào Mỹ.

Năm 1957, Mỹ lại công bố một đạo luật cho phép nếu trong vợ hoặc chồng, cha mẹ, hoặc con cái có một người là công dân Mỹ hoặc đã là người được cư trú mãi mãi tại Mỹ thì được miễn phải xuất cảnh.

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, các nước đế quốc như Anh, Đức, Pháp, Nhật Italia v.v... suy yếu, Mỹ trở thành nước đế quốc đứng đầu cả khối, đối đầu với phe xã hội chủ nghĩa. Để thích ứng với cục diện mới Mỹ đã xem xét lại chính sách di dân của mình. Năm 1952, nguyên tắc cơ bản của “Luật quốc tịch di dân” vẫn lấy “chế độ phân phối số lượng người được nhập cảnh theo mức qui định” như trước đây nhưng đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản nữa để thu hút di dân, tức là để cho nước Mỹ lựa chọn di dân mà nó cần chứ không như truớc đây để cho di dân chọn nước Mỹ. Sau đó, các nhân tài chuyên nghiệp, nhà khoa học và nhân viên kỹ thuật đều trở thành đối tượng ưu tiên được Mỹ lựa chọn. Một chính sách nới rộng nữa qui định: mọi loại người đều được qui thuộc thành công dân Mỹ. Ngoài ra vì mục đích an ninh, tư tưởng chính trị của di dân; điều tra hành vi phạm tội; mở rộng phạm vi trục xuất di dân đều được chú ý; tăng thêm chủng loại di dân ngoài định mức, đều là đặc điểm của đạo luật này (Một lượng lớn di dân Hungarie và Cu Ba chống cộng đã vào Mỹ sau khi luật này công bố).

4. Thời kỳ bình đẳng (bắt đầu từ năm 1965)

Thời đại thay đổi buộc chính sách di dân của Mỹ cũng phải thay đổi, một trong những nhược điểm chí mạng của chế độ “phân phối theo định mức” là không chiếu cố đến sự đoàn tụ gia đình của di dân, nên đã bị đả kích và phê phán ngay từ đầu, thế nhưng năm 1952 khi sửa chữa lớn luật di dân điều này vẫn chưa được bổ cứu. Tuy vậy tình trạng, đến Mỹ cả một đời rồi mà không được phép đón cha mẹ vợ con vào đoàn tụ là điều vô nhân đạo; nhân dân châu Phi đang nối nhau thoát khỏi sự ràng buộc của bọn thực dân giành lấy độc lập, người Mỹ da đen cũng có bình đẳng, nhu cầu lớn về nhân tài trong cạnh tranh Xô Mỹ v.v... đã buộc nhà đương cục Mỹ các đời phải suy tính lại chính sách di dân. Các tổng thống Kennedy, Johnson đã có những cố gắng trong việc sửa đổi Luật di dân và Luật di dân mới đã được thông qua năm 1965. Luật có những điểm chính sau:

(1) Loại bỏ lập trường truyền thống kỳ thị chủng tộc và kỳ thị quốc tịch. Mỗi năm có 290.000 người các dân tộc di dân tới Mỹ, trong đó đông bán cầu chiếm 120.000 người, tây bán cầu chiếm 170.000 người. Ai xin phép trước được vào trước, tuy vậy bất cứ nước nào cũng không được vượt quá 20.000 người.

(2) Nhấn mạnh nguyên tắc nhân đạo, đoàn tụ gia đình. Vợ hoặc chồng, cha mẹ, con cái ở tuổi thiếu nhi của công dân Mỹ được ưu tiên nhập cảnh và không tính vào định mức phân phối. Vị hôn thê (hôn phu) và con cái đã trưởng thành của công dân Mỹ chiếm 20% số lượng danh sách, con trai con gái đã kết hôn chiếm 10% số lượng danh mục. Anh chị em công dân Mỹ chiếm 24%.

(3) Hấp thu phần tử trí thức có trình độ giáo dục cao đẳng và nhân tài chuyên nghiệp người nước ngoài; không từ chối công nhân lao động nước ngoài nhưng có cách bảo hộ công nhân lao động người Mỹ. Luật sư, thày thuốc, mục sư, linh mục, nhà khoa học nhân tài nghệ thuật chiếm 10% số lượng danh mục. Công nhân (thạo nghề hoặc chưa thạo) trước tiên phải đăng ký với Bộ Lao công, nếu di dân không ảnh hưởng đến thị trường công nhân lao động Mỹ và có thể kiếm được nghề nghiệp chính đáng thì được phép, số lượng chiếm 10% danh mục.

(4) Tiếp nhận nạn nhân chính trị các nước, số lượng chiếm 6% danh mục, nhưng tổng số mỗi năm không quá 10.000 người.

Đạo luật này bắt đầu chia thời hạn thực thi từ ngày 1/12/1965, lấy 3 năm làm thời kỳ quá độ. Bắt đầu thực hiện toàn bộ từ ngày 1/7/1968.

Người ta cho rằng đạo luật này đã:

(1) Phù hợp với truyền thống “nước của nhiều dân tộc”, hấp thu được nhân tài các nước.

(2)Tôn trọng tinh thần dân chủ mà phù hợp nguyên tắc nhân đạo.

(3) Nêu gương cho một số nước kỳ thị chủng tộc lúc đó như Canada, Australia, Newzealand v.v...

(4) Nhân dân các nước Đông, Nam châu Âu và châu Á so với trước được đãi ngộ tương đối bình đẳng hơn, di dân của các vùng này theo tỷ lệ sẽ tăng thêm một lượng lớn.

(5) Hơn một trăm năm qua người Trung Quốc bị kỳ thị nhất và bị cho rằng không thể đồng hóa, bây giờ đã bước vào nước Mỹ với tư thế mới.

II. Vài nét về người Hoa di dân (hoặc trốn chạy hoặc tìm cách ở lại...) sang Mỹ từ sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập

- Đến năm 1965 chính quyền Mỹ mới chính thức phân phối hạn ngạch cho người Trung Quốc đại lục di cư vào Mỹ (không rõ là bao nhiêu) cùng chung hạng mục với người Trung Quốc Đài Loan, Hồng Công. Đến năm 1977, Trung Quốc đại lục bắt đầu cử lưu học sinh tới Mỹ, loại di dân kiểu này sau năm 1980 ngày càng tăng. Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, nhiều công dân đại lục được chấp nhận cư trú vĩnh cửu tại Mỹ.

Tiền đề để có quốc tịch Mỹ là phải có quyền được cư trú vĩnh cửu tại Mỹ mà người ta thường gọi là được cấp “thẻ xanh". Theo thống kê từ năm 1980 đến năm 1989, có 170.897 người Trung Quốc được cấp thẻ xanh; từ năm 1990 đến năm 1999 có 342.058 người và từ năm 2000 đến năm 2009 có 591.714 người.Tổng cộng trong 30 năm là 1.104.669 người" (Từ năm 2000 đến năm 2009 có 340.000 người Trung Quốc gia nhập quốc tịch Mỹ (riêng năm 2008 có 40.017 người so với năm 2007 tăng thêm hơn 6000 người).

- Số lượng người Hoa ở Mỹ: Theo thống kê số người Mỹ gốc Hoa năm 2007 là 3.538.407 người (gần đây dự đoán là khoảng 4 triệu) chiếm 23,3% dân số gốc Á của Mỹ và 1% tổng dân số Mỹ, trong đó đến từ Trung Quốc đại lục chiếm 60% , Đài Loan chiếm 16%, Hồng Công khoảng 9,4% còn lại là từ nơi khác (Ngoài ra còn một lượng khá lớn người Hoa cư trú bất hợp pháp tại Mỹ nhưng chưa thống kê nổi).

 Người Hoa cư trú tương đối tập trung tại mấy thành phố lớn của Mỹ như California (tới 1,1 triệu người, chiếm 36,9% tổng số), Newyork (hơn 500.000 người, chiếm 16,9% tổng số). New Jersey (hơn 130.000 người chiếm 4,4% tổng số) v.v...

Người Mỹ gốc Hoa cũng có địa vị xã hội và thu nhập rất khác nhau như mọi công dân Mỹ khác.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã có tới 7 người Mỹ gốc Hoa được nhận giải thưởng Nobel đó là Lý Chính Đạo, Dương Chấn Ninh, Đinh Triều Trung, Lý Viễn Thiết, Chu Đệ Văn, Thôi Kỳ, Tiền Vĩnh Kiệt. Người ta biết đã có hàng ngàn người Hoa tham gia vào công trình đưa người Mỹ lần đầu lên mặt trăng v.v...

Một số người Mỹ gốc Hoa đã được cử làm bộ trưởng, thứ trưởng trong Chính phủ Mỹ hoặc là người đứng đầu các bang v.v... Năm 2011, Chính phủ Mỹ vừa cử một người Mỹ gốc Hoa làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước này tại Trung Quốc.

Báo “Hoa kiều" ngày 1/5/ 2010 cho biết, tính tới năm 2007, người Hoa sở hữu tới 423.609 doanh nghiệp với doanh thu năm 2007 là 142,7 tỷ USD.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân người Hoa ở Mỹ không được coi trọng và ưa chuộng lắm. Kết quả thăm dò dư luận năm 2010 cho thấy 28% dân Mỹ được hỏi nói họ chưa bao giờ và cũng không muốn tiếp xúc với người Mỹ gốc Hoa.

Mặc dù vậy không ai có thể phủ nhận vai trò và những cống hiến của các lớp người Hoa nhiều thế hệ đối với nước Mỹ./.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560128

Hôm nay

2148

Hôm qua

2334

Tuần này

21446

Tháng này

227671

Tháng qua

122920

Tất cả

114560128