50 năm trước đây – ngày 28.11.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên phát động Tết trồng cây. Đọc lại lời hiệu triệu sau hơn nửa thế kỷ, chúng ta hiểu rõ hơn về cái sâu sắc, sự mẫn tiệp và điều giản dị đã làm nên giá trị bất tử của một thiên tài.
Bác đã nhấn mạnh rằng nếu mỗi người trồng một, hai cái cây (trong điều kiện miền Bắc có 14 triệu người), thì chỉ trong 5 năm, miền Bắc sẽ có thêm 90 triệu cây xanh và trong vòng mười năm “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn” (HCM, TT, T.9, tr. 558). Theo Bác, việc trồng cây thường xuyên, không ngưng nghỉ là “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng…, tốn kém ít nhưng ích lợi rất nhiều” và, nhất là, “từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”…
1. Nếu tính từ mùa Xuân Tết Canh Tý (1960) – hưởng ứng Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân ta thực hiện Tết trồng cây đầu tiên, thì đến Tết Canh Dần này, cũng vừa tròn 50 năm. Khi ấy, Bác Hồ 70 tuổi. Dân gian có câu “trẻ trồng na, già trồng chuối”, ngụ ý nói rằng người già như chuối chín cây, chỉ nên trồng chuối để nhanh đến ngày thụ hưởng. Đó âu cũng là cái lẽ hiểu đương nhiên của cuộc đời. Hồ Chủ tịch không nghĩ và không tin như thế. Dù đã thất thập cổ lai hy nhưng Bác vẫn chăm lo cho con cháu đời sau theo nguyên tắc “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Như đã nói ở trên, Bác Hồ đã hình dung ra phong cảnh đất nước 10 năm sau nhưng Người không thể nhìn thấy cảnh đời tươi đẹp và hạnh phúc ấy – tức năm 1970(!) Thế nhưng, Người không hề nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình mà chỉ chăm lo đến lợi ích của toàn dân. Bài học ấy về sự hy sinh, về sự sắc sâu của chủ nghĩa nhân văn cao cả giản dị và nhiều xúc động biết bao nhiêu! Chợt giật mình khi ta nhận ra cái minh triết Viết từ một chiếc lá xanh: Nó nói lên rằng hãy từ cây mà luôn nghĩ đến rừng; hãy từ mỗi dòng nhựa sống mảnh manh mà nghĩ đến cái kế sâu rễ bền gốc của dân tộc trường tồn; hãy nghĩ và tin rằng khi ta đến với màu xanh, ươm trồng và chăm lo cho màu xanh ấy, tâm hồn con người sẽ nhẹ nhõm và thanh thoát biết bao nhiêu…
2. Mỗi cái cây của mình trồng còn đem đến màu xanh cho cả xã hội. Trong cái đăm chiêu về muôn nghĩa của bổn phận sống, ta thấy lấp lánh sự hài hòa giữa vai trò của cá nhân và tập thể. Rất nhiều người trong tất cả chúng ta khi trồng cây chẳng hề nghĩ đến điều đó. Phải chăng chưa bao giờ ta hiểu rõ (gần như không bao giờ hiểu nổi) sự tinh tế trong cách Bác nghĩ và Bác đã làm suốt cuộc đời thanh khiết của một tâm hồn trọn vẹn hiến dâng cho dân, cho nước? Lại chợt nghĩ đến câu Bác Hồ nói phải biết, “phải có kế hoạch trồng cây gì, ở đâu” (Sđd). Trong trường hợp này, nó hoàn toàn khác xa với cách hiểu “trồng cây gì đó, nuôi con gì đó”. Cụ thể hóa về trách nhiệm, chi tiết hóa về hiểu biết, tầm nhìn hóa về tương lai, tổ chức hóa về định hướng, nhận thức là yêu cầu bắt buộc của các “Ủy ban Hành chính địa phương” như Người đã khẳng định. Không thể có những cách làm chung chung, những suy nghĩ nửa vời nhằm phó mặc cho tính thiếu kế hoạch tự tung, tự tác là một trong những “lề lối làm việc” hiệu quả của tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.
Chúng ta có học hỏi được gì nhiều từ những điều Bác Hồ mong ước hay không? Hãy nhìn thẳng để tự tin với chính mình rồi trả lời rằng không nhiều lắm. Đó là một thực tế bởi nếu khác đi thì đến bây giờ chẳng cần phải kêu gọi thường xuyên cho nhiệm vụ lẽ ra đã phải học, hiểu tự rất lâu rồi. Nếu có việc trồng cây chỉ là một phong trào thì quả thực chúng ta không hiểu Hồ Chủ tịch. Với Người, không có gì là ngẫu nhiên, không có một công việc nào không toát lên sự đúng đắn hiển nhiên. Giá trị phi thường của sự nhận thức tính sống động của cuộc đời nằm ở đó, mãi mãi lấp lánh giống như muôn vàn ngọn lá xanh vẫy gọi cả cuộc đời.
3. Cả thế giới đang nói về môi trường, về thảm họa biến đổi khí hậu. Tại sao hơn 50 năm trước Bác Hồ đã nhắc đến chuyện trồng cây để “khí hậu điều hòa hơn”? Nên nhớ rằng bối cảnh mà Bác Hồ nói là một nước Việt Nam nông nghiệp hầu như chưa hề bị tác động của chất thải, hóa chất, nạn phá rừng, lũ lụt và bão tố tàn khốc, liên tục như bây giờ.
Nhìn lại thực trạng của năm 2009, chúng ta càng phải giật mình và âu lo hơn nữa về những gì Bác Hồ đã cảnh báo. Cơn bão số 9 và số 11 làm lộ mặt nạn phá rừng khủng khiếp của lâm tặc, của những công trình thủy điện. Thậm chí, hàng chục vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm, đe dọa trắng trợn cuộc sống của họ và gia đình họ vẫn dường như được dư luận hiểu một cách thờ ơ. Đó là sự đồng lõa không thể biện minh trước cái xấu. Diện tích rừng đang mất đi với tốc độ của lũ quét (Flash flood) nhưng sự phản ứng của xã hội thì chẳng khác gì bước đi đủng đỉnh của năm Kỷ Sửu vất vả, nhọc nhằn. Một lần nữa chúng ta lại thấy rằng không hiểu hết tầm vóc của thiên tài đồng nghĩa với những sai lầm và sự nặng nề khó tha thứ của hậu quả…
So với các vị lãnh tụ của thế giới cùng thời, Hồ Chủ tịch là người đi nhiều nhất, hiểu nhiều nhất các nền văn minh nổi tiếng trên thế giới. Đầu tiên là Hoa Kỳ, tiếp đó là Anh, Pháp, Nga và nền văn minh Trung Hoa. Đó là những nền văn minh cios ý nghĩa quyết định nhất, cộng hưởng nhiều giá trị nhất để tạo nên sự vĩ đại của nền văn minh hiện đại. Kiến thức và sự phân tích chính giác bản chất và hậu quả từ các nền văn minh lớn nhất trên thé giới từ cổ đại đến hiện đại đã tạo nên sự lỗi lạc của phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu nhìn nhận các bài học của lịch sử từ cái nền chắc chắn và rõ ràng ấy của khoa học, chúng ta mới hiểu được phần nào tinh hoa trí tuệ Hồ Chí Minh.
Chỉ là trồng cây trong dịp Tết thôi nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa mỗi chúng ta đến với muôn vạn màu xanh hy vọng của cuộc đời…