Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 9)

Tiết 3: Chính trị thời các Thiên hoàng Tenmu và Jitô. Văn hóa Hakuhô.

3-1 Chính trị của Thiên hoàng Tenmu

 

Người nắm phần thắng lợi trong cuộc tranh đoạt ngôi báu năm Nhâm Thân, một sự kiện lịch sử có tầm quan trọng nhất thời cổ đại, chính là Hoàng tử Ôama, em trai Thiên Hoàng Tenji.Từ kết quả đó, ông đã làm một cuộc thay đổi lớn là bỏ Ômi để về kinh đô cũ ở Asuka, xây dựng cung Asuka Kiyomihara và lên ngôi, lấy hiệu là Tenmu (Thiên Vũ).

Để chiến thắng trong cuộc tranh ngôi, Thiên Hoàng Tenmu đã phải kết hợp được binh lực của các địa phương. Qua việc ấy, ông chứng tỏ mình là người có khả năng thống nhất các quyền lực địa phương. Đặc điểm của chính trị thời Tenmu là ông dựa vào sức mạnh tuyệt đại của hoàng tộc để thực thi chính sách trung ương tập quyền theo thiên hoàng chế. Các nhà viết sử Nhật bản gọi nó là kôshin seiji (hoàng thân chính trị) nghĩa là thay vì đặt quan lại vào các chức đại thần, ông cho 3 hoàng tử đáng tín nhiệm vì là con ruột của mình như Kusakabe, Ôtsu và Takechi đảm nhiệm những công việc quan trọng đó.

Để thi hành chính sách trung ương tập quyền với mục đích kiến thiết quốc gia, Thiên Hoàng Tenmu đã làm những gì cụ thể để củng cố quyền lực? Trước tiên, ông ra lệnh bãi bỏ các kakibe (khúc bộ, dân bộ) [1] tức là lớp thường dân bị xem như vật sở hữu của tầng lớp hào tộc. Khuynh hướng lập lại các kakibe đã xuất hiện trở lại phần nào dưới thời Tenji. Ông cũng bãi bỏ luôn cả những khoản lương gợi là thực phong (jikifu) một thời đã cấp cho giới hào tộc nữa. Như thế, ông đã gìn giữ được tính trung thực của tờ Chiếu tuyên bố đổi mới (Kaishin no mikotonori), thực hiện triệt để chế độ “công địa công dân” (đất cát và con người phải là của công), thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước đối với nông địa và nông dân.

Từ đó, kể từ năm 681, Thiên Hoàng cho sửa soạn sắc lệnh (ryô) có tên là Lệnh Asuka Kiyomihara. Đáng lẽ có cả luật lẫn lệnh[2] nhưng phần nói về luật chưa hoàn tất, chỉ có 22 quyển nói về lệnh. Cho nên thay vì nói Luật lệnh, ta đành gọi nó là Lệnh Asuka Kiyomihara mà thôi. Phải đợi đến thời Nữ Thiên hoàng Jitô (Trì Thống), vợ và người nối ngôi ông) thì mới hoàn thành và đem ra ứng dụng.

Ngoài lệnh ấy, Tenmu còn đặt ra một hệ thống quan tước để áp dụng vào việc thăng tiến các quan lại. Ông bắt các những người xưa nay là hào tộc phải vào làm quan trong triều hòng đóng khung họ trong một tổ chức. Do đó, năm 684, ông mới đặt ra yakusa no kabane (bát sắc tính) tức là một qui định sắp xếp các giai tầng nằm bên trong thể chế trung ương tập quyền mà thiên hoàng là trung tâm. Như ta có thể hình dung được, yakusa là 8 thành phần với cách xưng hô riêng: mahito, asomi, sukune, imiki, michinoshi, omi, muraji và inagi vậy.

3.2 Chính trị Nữ thiên hoàng Jitô:

Sau khi Thiên Hoàng Tenmu băng hà, Hoàng hậu Uno (tên con gái là Uno no Sarara) và Hoàng thái tử Kusakabe đúng ra tiếp tục sự nghiệp ông để lại. Chẳng ngờ năm 689 Hoàng thái tử lại mang bệnh và mất ở giữa tuổi trai tráng.Tháng giêng năm sau, Hoàng hậu chính thức tức vị. Đó là Nữ Thiên Hoàng Jitô (Trì Thống, một thụy hiệu có nghĩa là người gìn giữ giềng mối).

Đối với nữ hoàng đế mới lên ngôi, việc quan trọng phải làm trước tiên là tổ chức đô thành theo kiểu Trung Quốc qua hình ảnh kinh đô mới Fujiwara-kyô nằm ở phiá bắc vùng Asuka. Kinh đô này sẽ là trung tâm hành chánh của Nhật Bản suốt 16 năm (690-715) qua ba đời Thiên Hoàng Jitô (Trì Thống), Monmu (Văn Vũ) và Genmei (Nguyên Minh). Monmu là cháu nội còn Genmei là con dâu của Jitô và là mẹ Monmu.

Như ý nghĩa của tên bà, Jitô kế tục các chính sách của chồng, ra sức hoàn chỉnh chế độ luật pháp (ritsuryô) đã có. Năm 690 (Canh Dần) bà hoàn thành Bộ hộ tịch Canh Dần (Kôinnenseki).Từ khi có nó cứ mỗi 6 năm nhà nước lại cho cập nhật hoá. Đó là nền tảng để thiết lập chế độ cấp phát ruộng đất handensei (ban điền chế). Như vậy, Bộ hộ tịch năm Canh Ngọ (670) tưởng là giữ được lâu dài đã phải nhường chỗ cho bộ hộ tịch mới này. Hiện nay người ta chỉ giữ lại được Bộ hộ tịch xưa nhất xuất phát từ bộ năm Canh Dần được cập nhật vào năm Taihô thứ 2 (702).

3.3 Văn hóa Hakuhô:

Trãi qua hai triều Tenmu và Jitô, chế độ trung ương tập quyền để kiến thiết quốc gia manh nha từ cuộc đổi mới năm Taika (Taika no kaishin, 645) hầu như đi đến chỗ hoàn thành. Chế độ này phản ánh xu thế của thời đại nghĩa là ý hướng tiếp nhận văn hóa Sơ Đường bắt đầu vào đời hai vị này, từ từ kéo dài đến mãi đến buổi đầu thế kỷ thứ 8. Nó sẽ triển khai thành văn hóa Hakuhô (Bạch Phượng) mà đặc điểm là sự tươi mới. Hakuhô không có gì khác hơn là “chim phượng trắng” (trước đó đã có Hakuchi hay “chim trĩ trắng” đều tượng trưng cho điềm lành) niên hiệu của hai triều Tenmu và Jitô, bao trùm giai đoạn hậu bán thế kỷ thứ 7 (672-702).

Giữa lòng văn hóa Hakuhô, sự kiện nổi bật hơn cả là việc thiên hoàng Tenmu coi trọng việc cúng tế tổ thần của dòng họ mình ở các đền thần nhất là ngôi đền gốc: Thần cung Ise (Ise Jinguu). Thế nhưng Phật giáo cũng được sùng kính và bảo vệ. Chính quyền đã cho kiến thiết các “quan tự” (chùa nhà nước) như các ngôi chùa lớn Daikandaiji (Đại quan đại tự) và Yakushiji (Dược sư tự).

Yakushiji khởi thủy được xây (để cầu phúc cho hoàng hậu đang lâm bệnh) trên đất kinh đô Fujiwara, sau được chuyển về kinh đô Heian. Ngày nay, nó nằm ở phía tây thành phố Nara. Tháp phía đông (Tôtô) của nó là một tòa tháp 3 tầng, có kiến trúc rất đẹp và cân đối. Có thể suy đoán rằng nó đã xây lại,  phỏng theo kiến trúc buổi đầu ở kinh đô cũ Fujiwara.

Quốc bảo Yakushiji sanzonzô

Về mặt điêu khắc, Yakushiji sanzonzô tức tượng 3 vị Phật tôn quí[3] đặt trong tòa kim đường (kondô =gian chính thờ Phật) của chùa Yakushi là một tác phẩm nổi tiếng. Nó là những pho tượng bằng đồng dát vàng (kondôzô = kim đồng tượng) thuộc loại cao cấp nhất được thấy trên thế giới. Tuy nhiên, việc người ta đã mang nó từ kinh đô cũ Fujiwara đến hay mới làm ra ở kinh đô Heian vẫn còn trong vòng bàn cãi. Ngoài ra, các pho tượng như tượng Quan Âm ở Đông Viện Đường ở chùa Yakushi này và tượng đầu Phật (Buttô) ở chùa Hưng Phúc (Kôfukuji) [4]cũng ở Nara đều là những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu. Một bằng chứng khác của sự trong vọng đạo Phật là việc nhà nước đã đánh giá kim Kim Quang Minh ( Konkômyô-kyô) như một “kinh điển hộ quốc”.

Vì triều đình kính trọng Phật giáo như thế nên các địa phương cũng bắt chước theo. Nhờ các chức quan gunji đốc thúc, các địa phương cũng có khuynh hướng xây dựng chùa chiền. Như thế tư tưởng “Phật giáo hộ quốc” (Phật giáo trấn hộ quốc gia) đã thành hình. Thế nhưng mặt khác, xin lưu ý rằng, đồng thời với sự kiện này, người ta bắt đầu kiểm soát chặt chẽ giới tăng lữ.

Danh xưng thiên hoàng cũng được bắt đầu biết đến vào thời gian này. Nói chính xác hơn là dưới triều Tenmu.Trước đó chỉ có danh xưng Ôkimi (đại vương) mà thôi.Trong thi tập Man.yôshuu, người ta thấy có bài thơ của Kakinomoto no Hitomaro nói về bậc “đại quân” mà vị trí thiêng liêng của người đó còn “ở trên cả mây mưa sấm chớp”. Như thế, ta thấy rằng đối với người dân trong xã hội thời đó, hai thiên hoàng Tenmu và Jitô đã có một quyền uy hầu như là tuyệt đối, đối tượng của mọi sự sùng bái rồi. Nói cách khác, nhân vật gọi là thiên hoàng đã được quốc dân thần thánh hóa.

Ngoài những kiến trúc và điêu khắc, bức bích họa (tranh vẽ trên vách) ở tòa kim đường chùa Hôryuuji (Pháp Long Tự) bị tổn hại vì hỏa hoạn năm 1949 cũng như bức bích họa khám phá được trong ngôi mộ cổ trên gò Takamatsu (Takamatsuzuka no kofun) năm 1972 đều là sản phẩm của thời này. Đặc biệt bức họa trên tường ở chùa Hôryuuji, có qui mô rộng lớn do ảnh hưởng đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Như thế, qua những trang nói trên, ta đã hiểu qua về chính trị và văn hoá dưới hai triều Tenmu và Jitô.



[1] Người thuộc hạ của họ Soga hay Ôtomo mang họ Sogabe hay Ôtomobe.

[2] Thông thường, luật là từ để chỉ hình luật và lệnh chỉ luật hành chánh. Chế độ luật lệnh bắt đầu từ thời Tùy Đường bên Trung Quốc và đến Nhật khá sớm.

[3] Dược Sư Tam tôn tức ba 3 vị Phật Dược Sư: trung ương có Dược Sư Như Lai, hai bên tả hữu là Nhật Quang và Nguyệt Quang Bồ Tát. Dược Sư Như Lai, theo kinh Dược Sư, là giáo chủ thế giới phương đông.

[4] Tượng đầu đức Phật ở Kôfukuji nguyên là vật sở hữu của chùa Yamada, một ngôi chùa do đại thần Soga no Kurayama no Ishikawamaro phát nguyện lập ra cho dòng họ mình. Tượng đó là Yakushisanzon của chùa ấy. Sau bị đoạt lấy đem về an vị tại Kôfukuji. Năm 1411, tòa kim đường nơi đặt nó bị sét đánh phát hỏa. Tượng bị thất lạc, đến năm 1937 mới tìm thấy lại một phần như hiện có bên dưới nền tòa kim đường. 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114565441

Hôm nay

2134

Hôm qua

2336

Tuần này

2134

Tháng này

223965

Tháng qua

129483

Tất cả

114565441