Trong cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, không ít các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế bỏ qua quy luật cạnh tranh lành mạnh, thiết lập các mối quan hệ thân mật (trên mức bình thường) với những quan chức, người có chức, có quyền nhằm tranh thủ sự quan tâm, “tạo điều kiện” về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, ưu đãi, thậm chí phá luật, lách luật, “làm luật”, “thông thầu”… để đạt được lợi ích cao nhất cho mình, bất chấp pháp luật và lợi ích của cộng đồng. Đối tượng để các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tranh thủ, lợi dụng thường là những người đứng đầu, người nắm cơ chế chính sách nhưng yếu kém về đạo đức, lối sống, bản lĩnh. Cho nên, không lạ là hiện nay đang xuất hiện một lớp người không có, và không sử dụng năng lực kinh doanh, quản lý, chỉ “giỏi” và chỉ chuyên tìm hiểu, nghiên cứu “gót chân A Sin” trong đặc điểm tính cách, sở thích của một bộ phận quan chức, người thân của quan chức, với đủ chiêu bài, để thiết lập quan hệ, để được trở thành sân sau, để có các công trình, dự án béo bở. Và không ít kẻ nhờ đó mà nghiễm nhiên trở thành những “doanh nhân thành đạt”. Thật bi hài, thước đo “thành đạt” của bộ phận này chủ yếu được đo bằng độ thân cận với các quan chức. Những hành vi lót tay, hoa hồng, chia chác giữa doanh nghiệp và quan chức lâu dần trở thành mối quan hệ cộng sinh bền chặt về lợi ích. Một bộ phận quan chức suy thoái về tư tưởng, đạo đức, trở thành bàn tay phía trước để các “sân sau” khuơ khắng, tìm kiếm các công trình, dự án, nguồn vốn, cơ chế, chính sách. Mối quan hệ mặt trái cơ chế thị trường này được các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế ra sức tranh thủ, nhân rộng ra, quây lại, thành các nhóm lợi ích.
Tai hoạ do “sân sau” gây ra trước hết là làm vẫn đục môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong khi những tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế làm ăn đường đường chính chính thì gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí không có cơ hội để phát triển, thì những “sân sau” luôn kéo về được những miếng mồi béo bở để các “nhóm lợi ích” tha hồ tìm cách rút ruột, moi móc, đục khoét, vơ vét. Vì thế, hành trình tổng nguồn vốn cho các công trình, chương trình, dự án… đi từ khâu đầu tiên cho đến khi về đến công trình, chương trình, dự án là một chặng đường dài chia ra các phần trăm (%) để trang trải, chia chác, rụng rơi. Do đó, không khó lý giải khi rất nhiều các công trình, dự án từ lớn đến nhỏ có chất lượng thấp, xuống cấp nhanh chóng. Cụm từ “đắp chiếu” đã được dùng cho vô số các công trình, dự án mới hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng đã gặp hư hỏng, không thể đưa vào sử dụng, vì không chỉ bị rút ruột mà có khi bị rút cả vỏ.
Gần đây, báo chí và cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một số vụ việc các quan chức, người đứng đầu sai phạm do có dính líu đến “sân sau” với các biểu hiện khác nhau. Nếu Huỳnh Ngọc Sỹ - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây thành phố Hồ Chí Minh nhận hối lộ của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) của Nhật Bản, thì Cao Minh Quang – Thứ trưởng Bộ Y tế lại vụ lợi khi vay tiền của cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách. Trong khi dư luận cả nước đang bức xúc vì Tập đoàn Vinashin mua tàu nghìn tỷ để thử nghiệm, để rồi “đắp chiếu”, thì lại xuất hiện vụ việc Lữ Ngọc Cư – Chủ tịch UBND tỉnh Đăklăk phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo vì thiếu gương mẫu trong việc đứng tên vay ngân hàng với số tiền lớn, để vợ mua đi bán lại nhiều nhà đất. Không những thế, Lữ Ngọc Cư còn giao cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý Đô thị và Môi trường thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Quý Cáp, thành phố Buôn Ma Thuột, sử dụng trái phiếu Chính phủ từ nguồn vốn dự phòng của dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên…
Điều đáng buồn là “sân sau” dẫu sao vẫn là cái vô hình, khó nhìn, khó nhận biết. Còn rất nhiều công trình, dự án như cầu, đường, trường, trạm, công trình nhà ở, công trình công cộng yếu kém về chất lượng, đang xuống cấp nghiêm trọng, lại là những cái hữu hình, có thể nhìn được, là những cái mà hàng ngày, hàng giờ người dân phải tiếp xúc, đối mặt, chứng kiến, thậm chí chịu đựng. Báo chí, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý, nhưng số lượng các vụ việc đã phát hiện và xử lý vẫn chưa nhiều. Vì vậy, sự tồn tại, lũng đoạn của “sân sau” vẫn đang là vấn đề nhức nhối, làm suy giảm niềm tin của đảng viên, nhân dân đối với công tác quản lý, thực hiện các công trình, chương trình, dự án công cộng.
Do đó, để lấy lại niềm tin của đảng viên và nhân dân thì việc ngăn chặn, dẹp bỏ cái gọi là “sân sau” là một trong những việc cần làm trước. Đó cũng là một trong những việc cần quan tâm khi triển khai thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) về chỉnh đốn, xây dựng Đảng.