Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 10)

Tiết 4: Nhà nước luật lệnh thành lập.

4.1 Luật lệnh là gì ?

Đến đây, nhà nước luật lệnh (ritsuryô kokka) – xin hiểu là nhà nước pháp trị, vận hành theo pháp qui chứ không theo cảm tính và liên hệ huyết thống – đã thành hình. Trong xã hội cổ đại, sự ra đời của nó là một bước tiến vô cùng quan trọng.

Đó cũng là lúc Nhật Bản bước vào thời trị vì của Thiên hoàng Monmu (Văn Vũ), cháu nội hai ông bà Tenmu và Jitô.

Năm Taihô nguyên niên (701), thế kỷ thứ 8 bắt đầu, là năm đáng ghi nhớ của lịch sử Nhật Bản vì nó đang mở ra cho người dân một kỷ nguyên mới. Một sự kiện quan trọng xảy ra trong năm ấy là việc ban hành bộ luật Taihô (Taihô Ritsuryô, Đại Bảo luật lệnh), công trình hợp soạn giữa thân vương Osakabe (một người con trai của Tenmu) và Fujiwara Fuhito, con thứ 2 của công thần thời Taika là Nakatomi (Fujiwara) no Kamatari. Chính trị luật lệnh của chính quyền Yamato bắt đầu có một văn bản pháp lý khá đầy đủ để thi hành.

Cơ sở luật lệnh của Nhật Bản là luật pháp nhà Đường dựa trên thông tin các sứ giả trong những chuyến Kentôshi (Khiển Đường sứ) mang về. Đặc biệt, phần luật (ritsu = hình pháp) hầu như hoàn toàn mô phỏng luật nhà Đường (Đường luật). Riêng phần lệnh (ryô  = tổ chức hành chính, tô thuế, lao dịch, qui định phục vụ của giới quan lại, các điều khoản tất yếu về qui định chính trị của nhà nước...) thì mới thấy dấu hiệu có sự châm chước để chúng được hợp với tình cảnh thực tế trong nước.

Ngày nay người ta dễ đánh gộp luật với lệnh nhưng chính ra cần phân biệt hai thứ. Nói một cách đơn giản thì luật là hình pháp, còn lệnh là các pháp lệnh bao gồm cả các thủ tục hành chính. Chúng ta vừa nói về Bộ luật Taihô (701) như một cái gì có thực và chắc chắn như khốn nỗi, ngày nay chẳng thấy nó nằm ở đâu cả. Muốn tìm dấu vết, phải giở lại những tác phẩm cổ xưa như Ryô no shuukai (Lệnh Tập Giải, hậu bán thế kỷ thứ 9), Shoku Nihongi (Tục Nhật Bản Kỷ, 797) tức tác phẩm thứ hai trong Lục quốc sử sau Nihon shoki (Nhật Bản Thư Kỷ). Dù vậy, cũng chỉ thu lượm được từng phần thôi chứ đâu phải là tất cả. Thế nhưng ít lâu sau khi Bộ luật Taihô ra đời, đã có thêm một bộ luật mới là Bộ luật Yôrô (Dưỡng Lão luật lệnh, năm Yôrô 3 tức 718 ) và lần này, công việc biên soạn được Fujiwara Fuhito đứng ra chủ trì. Nếu đem so sánh Bộ luật Yôrô với những phần tìm thấy lại được của Bộ luật Taihô trước đây thì nội dung không mấy khác. Luật Yôrô được đem ra thay thế Luật Taihô trên thực tế là vào năm 757 (Tenpyô Hôji nguyên niên). Bộ luật Yôrô này đến thế kỷ thứ 9 đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà giải thích luật. Kiyohara no Natsuno trong Ryô no Gige (Lệnh Nghĩa Giải) chú thích nó từ cách nhìn của người ở cửa công, còn Koremune no Naomoto trong Ryô no Shuuge (Lệnh Tập Giải) đã giải thích từ cái nhìn cá nhân. Nhờ họ mà chúng ta có thể hiểu biết thêm luật lệnh thời xưa nhất là khi tổng hợp được hai lối nhìn khác biệt ấy.

4.2 Cấu tạo của xã hội luật lệnh:

Tổ chức chính trị của chế độ luật lệnh có thể tạm hiểu như sau:

Về cơ cấu trung ương, có thể tóm gọn trong mấy chữ: nhị quan, bát tỉnh, nhất đài, ngũ vệ phủ.

Nhị quan (Nikan): Nằm ở vị trí trung tâm có hai người (nhị quan), một chủ trì việc tế tự là Jingikan (Thần kỳ quan), một trông coi chính trị nói chung là Daijôkan (Thái chính quan, còn đọc là Dajôkan).

Jinjikan lo việc cúng tế chư thần và trông coi các thần xã trong nước. Vai trò ông ta rất quan trọng vì lúc đó người ta xem thiên hoàng như một vị thần sống nên việc tế tự là đầu mối của quốc gia. Nhiệm vụ của ông (lo việc thần trời thần đất) chẳng kém phần quan trọng so với Daijokan (lo việc con người).

Dưới tay Daijokan là các ông Daijôdaijin (Thái chính đại thần, còn đọc là Dajôdaijin), Sadaijin (Tả đại thần), Udaijin (Hữu đại thần) và Dainagon (Đại nạp ngôn). Những chức vụ này thường do các hào tộc lớn đảm nhiệm và trên nguyên tắc, họ phải bàn luận với nhau trước khi quyết định điều gì quan trọng. Người ta thường gọi họ là kugyô (công khanh) hay kandachime (thượng đạt bộ). Thực ra Daijôdaijin, Sadaijin và Udaijin mới đáng gọi là ku (kô = công), còn Dainagon, Chuunagon (Trung Nạp Ngôn), Sangi (Tham Nghị) ba chức thì chỉ được gọi là gyô (khanh). Hợp cả hai mới thành kugyô hay công khanh. Nên nhớ là ban đầu không có chức Chuunagon. Nó là một chức đứng ngoài pháp lệnh (lệnh ngoại quan = ryôge no kan) và chỉ mới được thêm vào sau này. Lúc trước, nó là chức Shônagon (Thiếu nạp ngôn).

Bát tỉnh (Hasshô): Đứng dưới nhị quan là bát tỉnh tương đương với 8 bộ (ministry ngày nay), chúng được sắp đặt theo nhóm tùy ở việc chúng thuộc vào các quyền quản hạt của  biện quan tả hay hữu) (Sabenkan và Ubenkan). Các biện quan là cấp thấp chịu sự chỉ đạo của nhị quan nhưng cao hơn bát tỉnh.

Tùy thuộc vào Sabenkan có 4 “tỉnh”: Nakatsukasa (Trung vụ tỉnh lo việc soạn thảo sắc chiếu), Shikibushô (Thức vụ tỉnh lo việc giáo dục), Jibushô (Trị vụ tỉnh lo Phật sự, ngoại giao), Minbushô (Dân vụ tỉnh lo hành chính, tô thuế).

Tùy thuộc vào Ubenkan có 4 “tỉnh”: Hyôbushô (Binh bộ tỉnh lo quân sự), Gyôbushô (Hình bộ tỉnh lo việc hình án, trừng phạt), Ôkurashô (Đại tàng tỉnh lo việc tài chánh), Kunaishô (Cung nội tỉnh đảm nhiệm các việc lớn nhỏ trong cung).

Có thể cách sắp xếp này đến từ cách phân công theo lục bộ (rikubu) của Trung Quốc: lại, lễ, hộ, công, hình, binh...hình thành dưới hai triều Tùy Đường nhưng đã có nguồn gốc xa xôi từ hệ thống lục quan (rikukan) đời nhà Chu. Nakatsukasa (trung vụ tỉnh) lại tựa như Trung thư tỉnh của nhà Đường.

Nhất đài (Ichidai): chức vụ lo việc kiểm soát xem việc thực hành chính sự của các quan có đúng đắn không. Nhiệm vụ có họ là đàn hặc nên có tên Danjôdai (Đàn chính đài). Đến đầu thế kỷ thứ 9, nhân vì nhà nước đặt ra chức Kebiishi (Kiểm phi vi sứ, phi vi là hành vi phi pháp) như tổng quản cảnh sát công an thì trên thực tế, chức Danjôdai không còn ý nghĩa gì để tồn tại nữa. 

Ngũ vệ phủ (Goefu): Bộ phận canh giữ kinh thành gọi là Emonfu (Vệ môn phủ) kèm theo hai phủ tả hữu vệ sĩ phủ (Sauejifu) nơi các vệ sĩ (eji) tùng sự. Ngoài ra còn hai tả hữu binh vệ phủ tập trung các binh vệ (hyôe) vốn là tử đệ của các gunji (quận ty) các nơi.

Đó là tổ chức nhị quan, bát tỉnh, nhất đài, ngũ vệ phủ ở trung ương. Quan chế địa phương lại khác. Vào thời đó, khu vực hành chính toàn quốc được chia làm ngũ kỳ[1], thất đạo (goki, shichidô). Bên dưới chúng thì có các kuni (quốc) và trong mỗi kuni lại có các quận (gun), trong các quận lại có nhiều làng tức lý (ri, sau đổi thành hương hay gô). Tất cả có 66 kuni. Ở mỗi kuni (quốc), nhà nước đặt chức kokushi (quốc ti). Chỗ kokushi làm việc hành chánh thì gọi là quốc nha (kokuga). Quận có quận ty (gunji). Đơn vị hành chánh nhỏ nhất là làng hay lý (ri) thường gồm khoảng 50 nóc gia (hộ hay ko). Đứng đầu ri (lý) là một lý trưởng, âm Nhật đọc là satoosa.   

Kokushi là quan do trung ương điều động đến nhưng gunji là những viên chức được các tay hào tộc địa phương như kunitsuko (kuni no miyakko) bổ nhiệm để trợ lực các kokushi thi hành chính trị địa phương.

Lại có những chức vụ dành cho các địa khu đặc biệt. Ở kinh đô thì có hai Kyoshiki (Kinh chức) tả và hữu, ở vùng Naniwa trong xứ Settsu thì có Settsushiki (chức quản hạt xứ Settsu). Nhân vì có cung điện và bến cảng ở Naniwa nên nơi này được đánh giá là địa thế trọng yếu trong việc ngoại giao, cần bổ nhiệm một nhân vật đặc biệt coi sóc. Riêng Kyuushuu từ xưa vẫn được xem là cứ điểm quan trong về mặt quốc phòng và ngoại giao nên ở đây có đặt Dazaifu (Đại tể phủ, vẫn hay bị viết nhầm là Thái) giống một phủ thủ hiến, chính quyền Yamato xem nó là “triều đình ở phương xa” (tô no mikado).

Hành chính địa phương thời luật lệnh:

Nơi hiểm yếu: Dazaifu ở Kyuushuu (dưới có ty Sakamori = phòng nhân ty, trông coi lính thú), Settsushiki, Sakyôshiki và Ukyôshiki ở kinh đô (dưới có hai Ichi no tsukasa coi hai khu chợ Đông và Tây, ngoài ra ở các phường (bô) trong thành phố thì có chức bôryô hay phường lệnh, giống như phường trưởng).

4.3 Đặc quyền của giới quí tộc và quan lại:

Những người làm việc ở các công sở cấp trung ương và địa phương, ngày nay gọi là công chức hay công nhân viên, như thế, theo ước tính của nhà nghiên cứu Naoki Kojirô, có vào khoảng 8.117 người trong các nha sảnh trung ương. Bậc cao hơn ngũ phẩm (goi) chỉ khoảng 125 người, còn cỡ họp bàn nội các thì chỉ ngoài 10 người. Trong hàng quan lại cấp cao thì có 4 đẳng cấp: kami (trưởng quan), suke (thứ quan), jô (phán quan) và sakan (chủ điển)    

Trong chế độ luật lệnh, người cai quản công việc các Bộ (tỉnh = shô) thì được gọi là kami (trưởng quan). Phụ tá cho người ấy là suke (thứ quan). Người chấp hành công vụ gọi là jô (phán quan),bên dưới có sakan (chủ điển) như thư ký giúp việc. Nhìn cách việc chữ Hán các thứ bậc ấy, không khỏi liên tưởng đến các ông tham, ông phán, chủ sự  bên ta vào thời trước.

Bốn đẳng cấp trong quan trường:

 

Quan chức

Bộ (tức tỉnh, trung ương)

Phủ Dazai (địa phương Kyuushuu)

Kuni (quốc, các địa phương khác)

Gun (quận, địa phương)

Kami (Trưởng quan)

Kyô (Khanh)

Sui (Súy)

Kami (Thủ)

Tairyô (Đại lĩnh)

Suke (Thứ quan)

Daisuke, Shôsuke (Đại, Thiếu phụ)

Daini, Shôni

(Đại, Thiếu nhị)

Suke (Giới)

Shôryô (Thiếu lĩnh)

Jô (Phán quan)

Daijô, Shôjô (Đại, Thiếu thừa)

Daikan, Shôkan (Đại, Thiếu giám)

Daijô, Shôjô

(Đại, Thiếu duyện)

Shusei (Chủ chính)

Sakan (Chủ điển)

Dairoku, Shôroku (Đại, Thiếu lộc)

Daiten, Shôten

(Đại , Thiếu điển)

Daimoku, Shômoku (Đại, Thiếu mục)

Shuchô

(Chủ trướng)

 

Tuy nhiên, khác với cách trình bày ở trên, Aida Yasunori cho rằng trong các nha sở[2], tuy các chức vụ có thể viết theo những tự dạng chữ Hán khác nhau nhưng cách đọc tên và vai trò quản lý công việc hầu như giống nhau cả.

 

Trong bọn họ từ địa vị cao nhất (chính nhất phẩm) xuống đến địa vị thấp nhất (thiếu sơ hạ vị) có tất cả 30 nấc. Nhà nước lại đặt ra một chế độ so sánh các chức tương đương để sắp xếp các quan vào chức vụ tùy theo ngạch trật gọi là Kan.i sôtô no sei (Quan vị tương đương chế). Tương ứng với chức vụ và ngạch trật của mình, bọn họ được ấn định sẽ có bổng lộc (phong hộ =fuko và lộc = roku), ruộng đất như thế nào.Họ cũng được miễn đóng các thứ thuế dung, thuế điệu và khỏi đi phải làm tạp dịch (tạp dao). Nếu nắm chức vụ cao thì họ còn nhiều đặc quyền về kinh tế và giai cấp (danh vọng) hơn nữa. Con nhà quí tộc từ ngũ phẩm trở lên (hay cháu các nhà từ tam phẩm trở kên) có thể được bổ nhiệm vào một chức tước tương đương nào đó của cha hay cụ nội mình. Đó là chế độ bổ nhậm quan chức tương đương, nói cách khác đi là có địa vị nhờ tập ấm (tiếng Nhật gọi là “chế độ ấm vị” hay on.isei ). Nó cho phép con cháu thừa hưởng âm đức hay vinh quang của ông cha.

Chính là những gia đình đại hào tộc có trước thời đổi mới năm Taika là thành phần độc chiếm những vị trí quan trọng. Như thế, dưới chế độ luật lệnh, nhờ chế độ tập ấm mà cuộc sống của giới này an định hơn , địa vị và tài lực của họ vững vàng hơn.

Về chế độ tư pháp thời luật lệnh thì hình phạt được chia làm năm loại chính: si (chi), trượng (jô), đồ (zu), lưu (ru), tử (shi). Nói chung là ngũ hình (gokei). Xin trình bày cụ thể hơn như sau:

Si (chi): Đánh vào mông bằng roi làm từ thân cây trúc (si) từ 10, 20, 30, 40 đến 50 lần.

Trượng (jô): Đánh bằng trượng, một loại gậy chắc chắn và to hơn roi. Hình phạt có thể từ 60 đến 100 trượng.

Đồ (zu): trừng dịch (khổ sai) từ 1 đến 3 năm.

Lưu (ru): cưỡng bách phối lưu, còn gọi là đày đi xa. Đi gần khoảng Echizen hay Aki thì gọi là konru (cận lưu). Đi vừa vừa (đối với kinh đô) cỡ Shinano, Iyo thì gọi là chyuuru (trung lưu).Bị đày đi xa như đến các vùng Izu, Awa, Hitachi, Sado, Oki, Tosa... thì gọi là enru (viễn lưu).

Tử (shi) có hai loại: thắt cổ (kôshu) hoặc xử trãm (zanshu).

Ngoài ra, để duy trì trật tự của xã hội và quốc gia, những hình phạt liên quan đến các tội phạm với nhà nước, với thiên hoàng và tôn thất đặc biệt bị nghiêm trị. Những hành vi như thế xếp vào hạng hachigyaku (bát nghịch) hay tám tội nặng: mưu phản (bôhen, muhen, nổi loạn phá rối trị an), mưu đại nghịch, mưu bạn (muhon, nhằm lật đổ chính quyền), ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất nghĩa. Ngay cả quí tộc và quan lại, hễ phạm vào “bát nghịch” cũng khó lòng được dung thứ, giảm miễn. Tuy vậy, khi không mang trọng tội thì quí tộc và quan lại có cái đặc quyền là chỉ bị bãi chức hay phạt tiền mà thôi.

Vài nét về tính chất của pháp luật Nhật Bản c đại

Thời thượng cổ, luật pháp và tôn giáo chưa được phân biệt. Đó là quan điểm “tế chính nhất trí”. Tội lỗi (tsumi, guilt) cũng chỉ sự xúc phạm tới thần thánh nữa vì nó còn bao hàm ý niệm kiêng kỵ (imi, taboo). Tội lỗi gồm cả tội đối với trời (amatsuzumi) và tội với đất nước (kunitsuzumi) nhưng cả hai đều mang tính tôn giáo và có ghi chép lại trong quyển thứ 8 của bộ luật đầu tiên, Engishiki (Diên Hỷ thức, 50 quyển, 905). Trong số những tội đối với trời có ghi tội phá hoại hoa màu, tội ngăn hay tháo nước ruộng, tội lóc da súc vật, tội bôi trét phân hay đồ ô uế. Tội với nước có tội thông dâm giữa cha mẹ và con cái làm loạn tôn ti trực hệ, gian dâm với súc vật (thú gian)... Tuy nhiên, kẻ mắc bệnh bạch điến (shirahito, người có nước da trắng dị thường) hay mang u bướu (kokumi) hoặc bị sét đánh... đều coi như bị trời phạt, cần trị tội để nguôi cơn giận của chư thần, nếu không tập đoàn sẽ bị vạ lây.

Trong lúc xử kiện, nếu có sự hồ nghi thì quan án hỏi ý kiến của thần mà quyết định (thần phán). Họ đốt cháy xương vai của hươu hay giải mộng (mộng chiêm) để biết thực hư. Hoặc cho người bị tình nghi nhúng tay vào nước sôi (nhiệt thang thẩm), lòn tay vào lồng có rắn (xà thẩm). Hai cách thức sau dĩ nhiên là không khoa học và mang tính khảo tra, dằn mặt kẻ gian để phòng ngừa mà thôi.Phải nói thêm là thời cổ, ở phương Tây cũng áp dụng nhưng phương pháp tương tự.

Về hình phạt thì theo Kojiki và Nihon shoki, ngoài những hình thức si, trượng, đồ, lưu, tử kể đến bên trên, còn có các cách thức khác từ nhẹ đến nặng. Nhẹ như kình (khắc mực vào mặt), biếm (tước đoạt tên tuổi, địa vị), phối tiện (bắt làm nô tỳ), Nặng thì có giết cả vợ con, môn hộ, tông tộc (tru sát).[3]  .



[1] Kỳ : khu vực gần nơi vua ở (hoàng cư), chỉ những kuni nằm cạnh kinh đô.

[2] Aida Yasunori, Hướng dẫn đọc lịch sử Nhật Bản, sđd, quyển I.

[3] Ôkubo Haruo, Shigeno, Takaharu, 1989, Nihon Hôseishi (Nhật Bản pháp chế sử), tr.34-42.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569320

Hôm nay

2104

Hôm qua

2432

Tuần này

21703

Tháng này

227844

Tháng qua

129483

Tất cả

114569320