Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 14)

Tiết 8: Chế độ trang viên trong buổi đầu.

8.1 Sinh hoạt nông dân dưới chế độ luật lệnh:

Dưới chế độ luật lệnh, người Nhật bắt đầu sử dụng đất đai theo một kiểu cách mới và từ đó nẩy sinh ra một chế độ gọi là chế độ shôen (trang viên).

Shôen là đất đai thuộc về sở hữu cá nhân và do chính họ quản lý, khác hẳn với cách thức quản lý do nhà nước đối với công điền công thổ (kôchi) được ban phát cho dân như ruộng khẩu phần (kubunden). Sau đây chúng ta thử xem xét quá trình thành hình của các shôen.Khi nhắc đến chế độ ruộng đất trong xã hội luật lệnh, chúng ta đã đồng ý với nhau rằng nó là chế độ “công địa công lãnh” dựa trên đạo luật Handen shuujuuhô (Ban điền thu thụ pháp) tức luật cấp phát và thu hồi đất cát canh tác đối với dân chúng. Thế nhưng đạo luật này không áp dụng một cách rộng rãi. Vỏn vẹn 20 năm sau khi được ban hành, nó đã đi vào thế kẹt.

Để giải thích hiện tượng này, phải nhìn lại bối cảnh xã hội nông nghiệp thời ấy.Vào thế kỷ thứ 8, sau khi chính trị luật lệnh vừa mới triển khai thì nông nghiệp cũng đã phát triển theo chân nó, các nông cụ chế bằng thép và thiết bị tưới tiêu cũng đã được phổ cập trong giới nông dân đối tượng của chế độ handen. Phương pháp trồng lúa từ việc khoanh ruộng nuôi mạ (nawashiro), gieo mạ cấy lúa (taue) cho đến việc gặt hái (negari)..lúc ấy đều đã thành bài bản.

Khi cuộc sống của nhà nông đã đi đến chỗ yên ổn thì lại thấy nẩy sinh ra những sự  biến dạng có nguồn gốc trực tiếp và gián tiếp từ cuộc sống hàng ngày. Về nơi chốn cư trú chẳng hạn. Kể từ thời buổi đó trở đi, ta thấy kiểu nhà gọi là nhà hố (tateana juukyo, pit dwelling) đã biến mất. Thay vào đó kiểu nhà ở trên đất bằng (heichishiki, ground level dwelling) với trụ cột dựng đứng và trang bị thêm bếp lò (kamado) bắt đầu lan rộng từ miền Tây Nhật Bản. So sánh với cuộc sống mà người nông dân đã biết cho đến thời đó thì phương tiện đa dạng hơn nhiều.

Dù nói thế, ngoài việc canh tác phần ruộng khẩu phần được nhà nước ban phát, người nông dân thời ấy còn đi làm thêm trên phần ruộng ngoài ruộng khẩu phần gọi là ruộng mà nhà nước đem cho họ vay ( jôden =thừa điền = ruộng ghép thêm).Họ phải nộp cho nhà nước một món tiền thuê ruộng (địa tử = chíhi hay jishi) nhưng về phần họ, nhờ đó cũng tăng thêm thu nhập. Mặt khác, cũng phải thấy rằng tuy làm lụng bận rộn đến thế rồi mà còn phải gánh vác bao nhiêu thứ tạp dao và làm phận sự chuyển sản vật đóng góp cho thuế dung và thuế điệu về kinh đô, cuộc sống của người nông dân khó lòng gọi là thoải mái. Không kể đến việc nhà nông thường bị lệ thuộc vào điều kiện khí hậu và côn trùng khi sản xuất. Con số những người nông dân có thể đắp đổi qua ngày vì thế cũng không nhiều.

Đứng trước sự thể như vậy, những người nông dân một khi không chịu nổi cực khổ nữa, chỉ còn cách là từ bỏ cuộc sống hiện tại để ra đi. Không thiết gì đến ruộng khẩu phần, họ rời khỏi nơi mình đã đăng ký hộ tịch và sống cuộc đời lưu lạc (furô = trôi nổi) ở những vùng khác. Có người đang bị bắt làm lao dịch như xây cung điện ở kinh đô đã đào vong về địa phương. Họ tìm cách trốn tránh vòng vây bủa của nhà nước luật lệnh bằng cách nương thân ở cửa các thổ hào địa phương.

Trong đám nông dân, một số người có khả năng thì hoặc trở thành nhà sư, hoặc đi theo hộ vệ những nhà quí tộc để mong thoát khỏi thuế má. Vào cuối thế kỷ thứ 8, có hai hiện tượng là các món phẩm vật đem nộp vào chỗ thuế yô (dung) va thuế chô (điệu) càng ngày càng kém về mặt chất lượng và đám quan binh cũng yếu ớt đi nhiều. Những sự kiện này đã đem đến những ảnh hưởng xấu về mặt tài chính và quân sự cho nhà nước.  

Để trốn tránh tô thuế, lao dịch, nông dân không chỉ biết chọn con đường đào tẩu mà thôi. Họ còn khai man, giả mạo giấy tờ hộ tịch (giseki = ngụy tịch). Điều này cũng từng đã thấy ở Trung Quốc, nghĩa là con số đàn ông ở lứa tuổi phải đóng thuế nặng nhất (những người gọi là chính đinh (seitei), ở giữa khoảng 21 đến 60 tuổi thì sụt xuống rất nhiều trong khi con số phụ nữ (trên nguyên tắc không phải đóng thuế yô và chô) thì lại (khai gian và) tăng lên nhiều.

Điều này chứng tỏ rằng nông dân đã moi óc tìm đủ mọi phương kế để chống đối nhà nước. Nhưng đứng trên lập trường của nhà nước thì quả thật là một đại họa. Lý do là sinh hoạt của nông dân không còn được ổn định được nữa và sẳn sàng làm những hành động chống lại chính quyền. Nhà nước không còn giữ được tài nguyên của đất nước trong tay. Do đó, chính phủ phải chấn chỉnh, thực thi những điều sao cho có thể hòa giải với những người ấy.

8.2 Cách đối phó với việc thiếu đất đai để cấp ruộng khẩu phần:

Vào thời này, mức độ gia tăng dân số đã đi kèm với sự thiếu hụt diện tích ruộng khẩu phần (kubunden) dùng cho việc canh tác. Trước vấn đề này, để đi tìm một phương án giải quyết, chính phủ đã quyết định phải tăng diện tích đó lên. Năm 722 tức Yôrô 6, họ đã đưa ra nên Hyakuman chôbu no kaikon keikaku (Kế hoạch khai khẩn một triệu chôbu[1]). Đây chỉ là một kế hoạch và chưa chắc từng được đem ra thực hành.Có thuyết cho là nó được đề xuất ra để giải quyết vấn đề của vùng Đông Bắc Nhật Bản nhưng con số đưa ra lại thiếu tính hiện thực thành ra khó lòng xác nhận.

Đến năm 723 (Yôrô 7), chính phủ lại đưa ra luật mới là Sansei isshin no hô (Tam thế nhất thân pháp), mục đích nhằm khuyến khích nông dân khẩn hoang. Nội dung như sau:

“Gần đây, số miệng ăn ngày càng thêm lên, đồng ruộng ao chuôm trở thành ít ỏi. Thấy rằng đến lúc phải khuyến khích người trong nước tăng gia khai khẩn đất đai. Những kẻ nào sắm sanh thiết bị tưới tiêu mới để khai khẩn thì dù miếng đất ấy nhỏ hay to mặc lòng, nay cho phép người ấy sử dụng nó trong vòng 3 đời để canh tác.Còn nếu kẻ nào dùng những thiết bị đã có sẳn để khai khẩn thì chỉ cho phép đương sự được sử dụng đất ấy trong kỳ hạn một đời mình mà thôi”

Như vậy luật Sansei isshin cho phép người đầu tư lần đầu vào thiết bị tưới tiêu có quyền sở hữu đất ấy trong vòng 3 thế hệ, còn như dùng dụng cụ đã có sẳn tức đầu tư ít vốn hơn thì chỉ có quyền ấy trong vòng một thế hệ thôi.Luật này nhằm bằng một hình thức nào đó muốn nâng hứng thú lao động của nông dân lên. Liên quan đến việc này, đạo luật Sansei Isshin đã được nhắc đến bởi bộ sử Nihon shoki trong thiên ký sự nói về pháp lệnh khai khẩn đất hoang mang tên Konden Einen Shizai no Hô (Khẩn điền vĩnh niên tư tài pháp = Luật cho người khẩn ruộng hoang được giữ đất làm của riêng mãi mãi). Nó đã được mang tên Yôrô 7 nen no kyaku (Cách thức lập ra vào năm Yôrô thứ 7). Năm Yôrô 7 không có gì khác hơn là năm 723, còn kyaku (cách) hay kyakushiki (cách thức) là từ ngữ chuyên môn về luật pháp trong xã hội luật lệnh, ý nói một sự sửa đổi hay tu chính có tính cách bộ phận và nhất thời.

Tiếc cho đạo luật Sansei isshin đã không đem lại kết quả như người ta nghĩ.Lý do là nó chỉ cho phép giữ đất hoang mà mình khai khẩn được trong vòng 3 đời, sau đó lại phải sung công.Vì thấy nhà nước khi đến kỳ hạn sẽ thu hồi miếng đất mà mình đã bỏ công ra khai khẩn nên nhiều người đi khai hoang không còn cảm thấy thú vị gì nếu không nói là xem việc mình làm như vô nghĩa.

Đến đây, chính phủ thấy là lúc họ phải tung ra một vũ khí bí mật, Đó là việc ban hành đạo luật Konden einen shizai no hô (Khẩn điền vĩnh niên tư tài, 743, Tenpyô 15) mà ta đã nhắc đến bên trên, Nó cho phép người khai hoang giữ đượcc mãi mãi miếng đất họ đã ra công khai phá. Từ đó, việc giữ lấy vĩnh viễn một miếng đất nào đó làm của riêng (nhưng diện tích phải được giới hạn) đã được nhìn nhận. Sau đây là lời giải thích (của chính phủ cho những công bộc phụ trách vấn đề điền thổ) thấy trong sử liệu:

“Theo điều khoản sửa đổi vào năm Yorô thứ 7 về việc khai khẩn điền địa thì đến kỳ hạn, đất đai sẽ được công hữu hóa và trở thành của cải của nhà nước. Điều đó hình như đã làm cho nông dân đâm ra chểnh mảng trong việc canh tác, bỏ bê ruộng vườn hoang vu. Vì thế, từ nay đất đai nào đã được khai khẩn thì sẽ để cho người khai khẩn được giữ nguyên làm tư vật. Chớ câu nệ gì nguyên tắc “tam thế nhất thân”, các ngươi (=quan lại) hãy bãi bỏ vĩnh viễn việc thu đoạt và sung công đi”

Người ra chỉ thị này cho bầy tôi là Thiên Hoàng Shômu. Từ đó, tuy diện tích đất canh tác có được nới rộng ra nhưng chính sách điền địa mà chính phủ tự đề xướng cho đến bấy giờ đã hoàn toàn bị băng hoại.

8.3 Hình ảnh trang viên thời mới được thành lập:

Sự đổi chiều quan trọng trong chính sách ruộng đất của nhà nước thực sự có thúc đẩy người ta khẩn hoang. Thế nhưng có cách nhìn khác cho rằng điều đó chỉ làm lợi cho chính phủ vì họ nhờ đó đã tăng cường quyền kiểm soát trên phần đất đai được đăng ký và như thế thu được thêm các thứ thuế (đó là loại ruộng đóng thuế hay yusoden = du tô điền). Ngược lại, trên thực tế, những người có năng lực khai hoang không phải là thường dân mà là hào tộc địa phương và chùa chiền. Luật mới ra của chính phủ giúp cho họ nới rộng vùng ảnh hưởng và tư hữu hóa ruộng đất vừa mới khai khẩn thêm. Đặc biệt thế lực mạnh nhất thời đó là các chùa lớn như Tôdaiji đã độc chiếm những cánh đồng rộng. Sau khi nhận được sự thỏa thuận của quan lại địa phương là các kokuji và gunji, họ đã tụ tập được nông dân và bọn lưu dân tứ tán để mở những cuộc khai hoang đại qui mô. Những cuộc đất như thế đã là nền móng đầu tiên của hệ thống các shôen (trang viên) về sau.

Thế nhưng tại sao phân biệt những trang viên buổi đầu với các trang viên về sau? Lý do là vào lúc đầu, các trang viên vẫn nằm trong cái khung của xã hội luật lệnh, và phần lớn chúng đã được thành lập bằng cách lợi dụng thế lực của chế độ này. Vì vậy, từ thế kỷ thứ 9 trở về sau, khi nhà nước luật lệnh yếu thế đi thì phần lớn các trang viên cũng suy thoái theo. Cái tên “trang viên buổi đầu” (shoki shôen) là để phân biệt nó với loại với “trang viên trên đất tiến cúng” (kishinchikei shôen). Hơn nữa, vì loại “trang viên buổi đầu” là đất khai khẩn từ đồng hoang (nguyên dã) nên bên trong trang viên (cổ đại) đó chưa thấy hình thành những thôn làng như trường hợp các trang viên thời trung đại.

..........................................................

[1] Đơn vị đo đất rừng núi. Một chôbu tương đương với 2, 45 sào tây (acre).

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569366

Hôm nay

2150

Hôm qua

2432

Tuần này

21749

Tháng này

227890

Tháng qua

129483

Tất cả

114569366