Họ đuổi được tăng Dôkyô tức người đã mượn lời thần thác từ đền Usa Hachimanguu để toan đưa mình lên ngôi thiên hoàng, cũng là người vào năm 765 được phong chức Thái Chính Đại Thần Thiền Sư và vào năm 766 leo lên tới địa vị Hôô (Pháp hoàng), một chức vụ xưa nay chưa từng có. Bị bãi miễn, Dôkyô phải về tu ở ngôi chùa Yakushiji vùng Shimotsuke no kuni (tỉnh Tochigi bây giờ), một nơi ở miền đông thật xa kinh đô, sống cho hết quãng đời thừa.
Việc Nữ thiên hoàng Shôtoku băng hà và việc đưa Thiên hoàng Kônin lên ngôi tự nó chỉ là một chi tiết lịch sử nhưng chính ra là một sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Lý do là trước khi Kônin lên ngôi, ông vốn có tên là hoàng tử Shirakabe. Để tránh có mặt trong cuộc chạy đua tranh giành ngôi báu sau cái chết của Thiên hoàng Shômu, ông đã sống cuộc đời be bét rượu chè. Do đó, việc đưa một người như ông lên ngôi không khỏi gây chấn động trong dư luận giới quan lại kinh đô.
Trên thực tế, kể từ đời Thiên hoàng Tenmu, ngôi vị thiên hoàng vẫn nằm trong tay một người được chọn từ đám con cháu trực hệ huyết thống của ông. Trái ngược với họ, Hoàng tử Shirakabe là một nhân vật thuộc dòng anh tức Thiên hoàng Tenji. Điều đó vượt ra ngoài thường thức, không kể việc ông là kẻ đam mê rượu chè. Như thế chỉ có thể giải thích bằng việc những kẻ chủ mưu thay bậc đổi ngôi đang dấu sau lưng dụng ý đổi mới chính trị nào đó mà thôi.
Điều ấy cũng có nghĩa là cánh nhà Fujiwara, cho đến lúc đó bị Dôkyô chèn ép, nay muốn khôi phục thế lực của gia đình mình bằng cách hạ lá bài Shirakabe như một thủ đoạn chính trị có khả năng khởi tử hồi sinh. Hơn thế nữa, không bao lâu sau khi Kônin tức vị, ông đã bắt giam Hoàng thái tử Osabe với tội danh là đã dùng bùa chú để trù ẻo mình. Ông hoàng này là con giữa ông (Kônin) và Hoàng hậu, người vốn là công chúa Inoue và là con gái của Shômu (huyết thống Tenmu). Qua chuyện đó, người ta có thể thấy sự mưu tính và can thiệp của gia đình Fujiwara. Người được lập lại tân Hoàng thái tử là Hoàng tử Yamabe, người do bà Taka no Niigasa sinh ra.Cha mẹ bà này là người nhập cư và không có giọt máu nào của Tenmu. Hoàng tử Yamabe này sau sẽ lên nối ngôi Thiên hoàng Kônin và được lịch sử biết đến với cái tên là Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ). Như thế huyết thống của hoàng triều đã hoàn toàn đổi lề từ cánh Tenmu sang cánh Tenji.
Nhà nước luật lệnh cũng vì thế mà thay đổi đường lối. Chúng ta hãy thử nhìn qua nội dung chính trị của Thiên hoàng Kônin, một vị thiên hoàng hệ Tenji đầu tiên có mặt từ sau thời Nara.
Nói gọn hơn thì từ sau biến cố Dôkyô, đã có một sự đặt lại vấn đề về tình hình xã hội và người ta cảm thấy có nhu cầu chỉnh đốn lại chế độ luật lệnh cho thích hợp. Cụ thể là không được để cho tăng lữ có thể nhúng tay vào chính trị thêm một lần nữa và cố gắng sao cho thủ tục hành chánh được đơn giản hơn, cũng như loại bỏ những chức quan không cần thiết nhằm tiết giảm công quỹ và khinh giảm binh dịch vv...
Phổ hệ các thiên hoàng từ sau cuộc cải cách năm Taika:
Tenji (1) ....... Kôbun (2) ............... Kônin (12) ..... Kanmu (13).....Heizei (14) .... Saga (15) .... Junna (16) ..... Ninmyô (17)......
Tenmu (3) ..... Jitô (4) ..... Monmu (5) ...... Genmei (6) ..... Genshô (7) ..... Shômu (8).... Kôken (9) ....Junnin (10) ..... Shôtoku (11) ............
Liên hệ máu mủ với ngoại thích Fujiwara:
Miyako (con gái Fuhito) ............Hoàng hậu của Monmu (5) và mẹ của Shômu (8).
Kômyôshi (con gái Fuhito) ....Hoàng hậu của Shômu (8) và mẹ của Kôken (9) cũng là Shôtoku (11).
Sau khi Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ) lên nối ngôi cha là Kônin (Quang Nhân) thì có một biến chuyển quan trọng xảy ra.Thiên hoàng Kanmu cho rằng đất Nara là nơi có nhiều chùa chiền chịu ảnh hưởng những thế lực cũ đã bắt rễ ở đấy nên muốn dời đô về vùng Yamashiro vốn tiện cho việc giao thông thủy lục và gần gủi với căn cứ địa phía nhà mẹ ông là những người thuộc một gia đình dân nhập cư.Như vậy, ông muốn cắt đứt liên hệ với thế lực Phật giáo cũng như với hào tộc địa phương Nara.Nó cũng có thể giúp ông xúc tiến dễ dàng hơn việc cải cách chế độ luật lệnh.Nếu Nara là kinh đô của cánh Tenmu thì kinh đô mới sắp xây phải là biểu tượng cho quyền lực của cánh Tenji.
Do đó, về tính chất của Phật giáo cũng vậy, giữa Phật giáo Nara và Phật giáo Heian đã thấy có sự không đồng nhất về cơ bản. Thiên hoàng Kanmu tỏ ra nghiêm khắc đối với qui chế các tăng lữ cho nên giữa giới Phật giáo với nhau đã có những cuộc vận động cách tân. Từ khi thiên đô từ Nara về Heian cho đến cuối thế kỷ thứ 9 (giai đoạn gọi là thời kỳ văn hóa Kônin –Jôgan hay Hoằng Nhân- Trinh Quán)[1], Phật giáo đã chịu ảnh hưởng cách tân của hai vị tăng lữ từng có kinh nghiệm theo đoàn đi sứ qua nhà Đường.
Hai người nói trên đã ở lại du học bên Trung Quốc. Một người là tăng Saichô (Tối Trừng), ông đã mở chùa Enyakuji (Diên Lịch Tự) thuộc tông Tendai (Thiên Thai) trên núi Hieizan (Tỉ Duệ Sơn). Nhân vật thứ hai tên Kuukai (Không Hải), tăng phái Shingon (Chân Ngôn), khai sơn Kongôbuji (Kim Cương Phong Tự) trên ngọn Koyasan (Cao Dã Sơn). Phật giáo của hai người chịu ảnh hưởng của Mật Tông, chủ trương sống trong núi sâu và tu hành khắc khổ. Mục đích của họ là cầu xin cho đất nước được an thái (tinh thần Phật giáo hộ quốc), đồng thời xin cầu đảo, bắt quyết niệm chú sao cho những lợi ích mong muốn được thực hiện trong cõi đời này. Quý tộc đương thời nhiều người trở thành tín đồ của họ. Ngoài việc đó, tăng Kuukai còn lập những cơ sở giáo dục mang tên Shuugei shuuchiin (Tổng nghệ tổng trí viện) với mục đích giáo dục người nghèo.
Cùng với sự ra đời của khuynh hướng mới trong Phật giáo nầy, giới nghệ thuật cũng thay hình đổi dạng. Các bức tranh mạn đà la (mandara, thai tạng giới[2]) mô tả thế giới trong giáo lý mật ngôn rất phát triển, vị trí các già lam nơi chùa chiền đều được qui hoạch tự do theo địa hình thiên nhiên. Đó là hình thức murouji (thất sinh tự). Kiểu tạc những bức tượng Phật từ một khúc cây duy nhất (gọi là ichibokuzukuri) cũng được yêu chuộng tự ngày đó.
Việc đặt niên hiệu
Từ khi lật đổ chính quyền Soga, nhà nước Nhật Bản đặt ra niên hiệu lần đầu tiên. Đó là niên hiệu Taika (Đại Hoá, bắt đầu năm 645). Taika được gọi là gengô (nguyên hiệu). Sau đến các niên hiệu Hakuchi (Bạch Trĩ, 650), Shuzaku (Chu Tước), Taihô (Đại Bảo), Keiun (Khánh Vân, 704), Wadô (Hòa Đồng, 708), Reiki (Linh Qui, 715), Yôrô (Dưỡng Lão, 717), Jinki (Thần Qui, 724). Niên hiệu thường có tên các linh vật nhưng long, ly, qui, phượng, kỳ lân... vì chúng mang đến điềm lành. Thời Asuka, nhân lúc trong cung có thấy đám mây lành nên mới đổi niên hiệu thành Keiun (Khánh Vân), đời Nara, nhân nhà vua tuần du vùng Mino, gặp một thác nước đẹp nên đổi niên hiệu thành Yôrô (Dưỡng Lão). Điều này được gọi là zuishô kaigen (thụy tường cải nguyên) .Có đại thụy, trung thụy và hạ thụy theo thứ bậc. Tuy nhiên, những năm có tai ách, lại cũng là cớ đổi niên hiệu nữa
-
Kinh đô Nagaoka và kinh đô Heian:
Kinh đô đầu tiên mà Thiên hoàng Kanmu muốn dời đến là Nagaoka.Từ năm 784, ông hạ lệnh bắt đầu xây cung thất ở đấy, đến tháng 11 cùng năm thì dọn về. Việc tại sao chọn vùng Nagaoka làm kinh đô mới thì có lối giải thích là cả Thiên hoàng Kanmu lẫn người chỉ huy việc xây cất cung điện (Fujiwara no Tanetsugu) đều có mẹ gốc nhập cư xuất thân tự vùng này. Họ có liên hệ mật thiết với cánh nhà Hata tức một thế lực đến từ lục địa.
Tuy nhiên, một sự cố không ngờ tới đã xảy ra ngay năm sau khi Tametsugu, người quản đốc công trình, bị phía chống đối lại dự án ám sát chết.Những người thuộc hai dòng họ kỳ cựu có khả năng phá đám là họ Ôtomo và họ Saeki bị nghi là chủ mưu và bị xử hình. Ngay cả tước vương Sawara, em trai của thiên hoàng Kanmu, vì bị buộc tội có dính líu đến án mạng, cũng bị đi đày. Hoàng đệ khăng khăng chủ trương người ta vu oan cho mình, đến lúc chết cũng không nhận tội. Từ đó, chung quanh thiên hoàng đã có nhiều điềm gỡ xảy ra. Ví dụ việc Hoàng hậu Fujiwara Tabiko của ông lâm bệnh chết năm 788. Năm sau đến phiên mẹ ruột ông, năm sau nữa là Hoàng hậu Fujiwara Otomuro và phu nhân Sakanoue no Haruko. toàn những người thân thiết với ông. Thế rồi dịch đậu mùa và điều kiện khí hậu không thuận tiện cho việc canh tác kéo dài nạn mất mùa thêm nhiều năm. Cuối cùng, Hoàng thái tử Ate, người đứng ở vị thế có thể nối ngôi, không hiểu mắc chứng bệnh gì mà mất.
Mọi người nghĩ rằng Hoàng đệ Sawara vì chết oan ức nên đã gieo tai họa. Kết quả là đến năm 793, quan trông việc xây cất là Wake no Kiyomaro (733-799) có kiến nghị xin thiên đô thêm một lần nữa.
Đại thần tên Wake này khá nổi tiếng vì xưa ông có lần tố giác việc thần của đền Usa Hachimanguu thác lời cho phép tăng Dôkyô lên ngôi là chuyện láo khoét nên đã bị viên quyền thần này đày ra vùng Ôsumi (nay ở phía nam Kagoshima). Đương thời, ông được biết đến như một học giả rành về phong tục lễ nghi. Họ Wake kể từ thời Heian trung kỳ về sau đời đời đảm nhận chức thầy thuốc trong triều đình. Kiyomaro có một người con trai tên là Hirose. Nhân vật này là người đã lấy nhà riêng của mình mà mở Daigaku Bessô, một thứ đại học, còn được gọi là Kôbun.in (Hoằng văn viện).
Thiên hoàng Kanmu nghe theo lời tâu của Wake no Kiyomaro, cho dời đô về kinh đô Heian vào năm 794. Kinh đô Heian vẫn ở trong vùng Yamashiro nhưng vị trí nằm ở phía bắc kinh đô cũ Nagaoka. Thời đại gọi là Heian này sẽ kéo dài mãi đến lúc Minamoto no Yoritomo mở mạc phủ tại Kamakura. Cái tên Yamashiro (Sơn Bối) sở dĩ mà có vì đó, kinh đô Nara là một vùng đất đâu lưng (bối = shiro) vào núi (sơn = yama). Thế nhưng đến thời Heian thì người không dùng chữ Sơn Bối nữa mà thay bằng chữ Sơn Thành, cùng âm Yamashiro.
-
Việc quân bị và xây cất:
Về mặt chính trị, Thiên hoàng Kanmu từ ngày dời đô xong thì xem việc chinh phạt sắc dân thiểu số Emishi (Hà Di)[3] như một chính sách quan trọng. Ta có thể xem chính trị của Kanmu tập trung vào hai mục tiêu cơ sở: quân sự và xây cất. Có một câu chuyện về hai chính sách trên và liên quan đến lời phát biểu của đại thần Fujiwara no Ôtsugu (Đằng Nguyên Chư Tự) trong một buổi họp bàn vào năm 805 khi Thiên hoàng bàn bạc với ông và Sugano no Mamichi (Quản Dã Chân Đạo), một đại thần khác.
Những cuộc họp bàn và chính trị với hai ông gọi là tokuseisôron (đức chính tương luận) nghĩa là bàn với nhau để đi tìm những giải pháp chính trị tốt. Lúc đó Ôtsugu đã tâu như sau: “Nay thiên hạ đang khổ cực vì những biện pháp quân sự và xây cất. Ví bằng ta không cho ngừng, dân chúng sẽ chẳng để yên đâu!”. Thiên hoàng lấy đó làm phải và nghe theo.
Về quân sự, việc làm cụ thể là chinh phạt người Emishi. Về xây cất, việc làm cụ thể là kiến tạo kinh đô Heian. Hai việc này làm khổ dân cho nên năm 805, công việc xây cất kinh đô Heian bị đình lại. Đương thời, Heian chỉ là một cái kinh đô còn đang xây dở dang.
Tuy nhiên không dễ gì ngừng ngang việc chinh phạt Emishi.Dưới đời Thiên hoàng Kônin, ở vùng Michinoku đã có cuộc nổi dậy của người lãnh đạo tập đoàn Emishi là Korehara no Azamaro (còn đọc là Iji no Azamaro). Korehara (Iji) đã có lần hạ được thành Taga cho nên để bảo vệ uy tín của triều đình, Thiên hoàng Kanmu đã nhiều lần phải gửi đại binh lên miền Đông bắc.
Rốt cuộc, đại tướng (Chinh di đại tướng quân) Sakanoue no Tamura-maro đã thành công trong việc bình định người Emishi.Năm 802, ông xây được tòa thành Isawa (802) ở vùng giữa lưu vực sông Kitakami (phía bắc tỉnh Iwate) và dời phủ trấn thủ từ Taga (nay thuộc tỉnh Miyagi, xây năm 724) lên đó (802). Năm sau, ông lại cho xây thêm thành Shiwa (803, cũng ở phía bắc tỉnh Iwate bây giờ) ở mạn bắc. Như thế, phần đất phía biển Nhật Bản cho đến lưu vực sông Yoneshiro (tỉnh Aomori bây giờ) hầu như đều đã được đặt dưới sự cai trị của nhà nước luật lệnh.Còn về phía Thái Bình Dương, cuộc chinh phạt người Emishi phải đợi đến lần xuất binh năm 811 của Bunya no Watamaro thì mới chấm dứt.
Dưới thời Kanmu, thiên hoàng biết tập trung thế lực vào tay mình và khống chế được giới quí tộc cho nên đã tích cực thực hiện nhiều cuộc cải cách nhằm cải thiện chế độ luật lệnh.Đặc biệt ông đã tăng cường sự kiểm soát giới quan chức địa phương như các kokuji và gunji. Ngay cả việc giữ lại hay thuyên chuyển họ, ông cũng trông chừng kỹ lưỡng.Để thi hành, ông đặt ra chức quan kiểm tra lưu động Kageyushi (Khám giải do sứ) . Đó là một chức mới, không có trong các pháp lệnh trước kia cho nên thường được gọi là “chức quan ngoài chế độ pháp lệnh đã có” (lãnh ngoại quan = ryôge no kan).
Các chức quan này có nhiệm vụ xem xét loại phúc trình gọi là Geyujô (Giải do trạng) mà vị quan sở tại tiền nhiệm trước khi nhường nhiệm sở cho kẻ đến sau phải giải thích và chứng minh mình đã thu thuế, nạp thuế và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước như thế nào.Họ kiểm tra xem có gì bất chính đã xảy ra hay không. Tuy nhiên cái việc phải đặt ra chức quan kiểm soát như thế chứng tỏ chính trị thời ấy đã hủ bại như thế nào rồi.
Lãnh vực thứ hai trong chế độ luật lệnh mà thiên hoàng thấy cần xem xét và cải tổ là chế độ điền địa. Để cho luật handen (cấp phát và hồi thu đất công) được thực thi một cách đứng đắn, thiên hoàng hạ lệnh nội trong vùng Kinki (gần kinh đô), chu kỳ xét để cấp và thu hồi ruộng sẽ là 12 năm 1 lần chứ không phải mỗi 6 năm như trước.
Sở dĩ có sắc lệnh giảm khinh như vậy là bởi vì từ hậu bán thế kỷ thứ 8 trở đi, con số những dân trôi dạt lưu vong vì không đủ sức đóng các thứ thuế dung, thuế điệu đã nhanh chóng tăng lên. Đến thế kỷ thứ 9 thì bắt đầu có những vụ dân chúng khai man làm giảm đi con số đàn ông trong hộ nhà mình để bớt đi phụ đảm thuế khóa. Mặt khác, để nhẹ bớt phụ đảm của nông dân, có lệnh bớt đi 3 phần 10 số tiền lời trên suikotô (xuất cử đạo) tức gạo cho vay ăn cũng như giảm phân nữa số ngày tạp dịch.
Lại nữa, về mặt chế độ quân sự, cũng có cải cách.Thời kinh đô còn nằm ở Nagaoka, khoảng từ năm 792 về sau thì ngoại trừ dân vùng Đông bắc hoặc Kyuushuu, các nơi phải gửi người thay phiên nhau tùng quân thay cho chế độ quân đoàn sẳn có. Đó là chế độ kondei no sei (chế độ kiện nhi). Thay cho việc trưng binh từ nông dân trên toàn quốc (vốn chỉ đi làm nghĩa vụ quân sự nên có phần lỏng lẻo) bị phế bỏ, nhà nước đòi hỏi thành lập các đoàn kondei vốn xuất thân từ con em các kokuji và hào tộc giàu có, có chức phận ở địa phương. Những người này dũng mãnh và giỏi nghề cung mã có thể sử dụng vào việc thủ bị địa phương hoặc quốc phòng. Có thể xem họ như quân đội chuyên nghiệp nếu so sánh với quân đội nghiệp dư là lớp trai tráng nông thôn bị trưng binh. Chính vào lúc đó, nhà Đường bên Trung Quốc đến hồi suy yếu, tình hình đối ngoại bớt căng thẳng, nhưng phẩm chất quân đội lại vì thiếu áp lực bên ngoài nên có phần sút kém. Do đó, việc đào tạo một lực lượng tuy quân số không nhiều nhưng tinh nhuệ cũng là cách nâng cao tinh thần chiến sĩ. Dĩ nhiên khi làm như thế, nhà nước cũng nhắm giải ngũ đám nông dân bị trưng binh, trả họ về với đồng ruộng là nơi thích hợp với họ hơn cả.
Những cải cách của Thiên hoàng Kanmu đã được các vị thiên hoàng kế tiếp như Heizei (Bình Thành), Saga (Tha Nga) thừa kế và phát triển. Chẳng hạn Thiên hoàng Heizei đã ra sắc lệnh chỉnh đốn và thống nhất quan chế các kokuji và quan lại khác nhằm giảm bớt gánh nặng về lương tiền. Còn Thiên hoàng Saga thì vào năm 810 (ngay trước biến cố chính trị gọi là Kusuko[4] no hen) đã đặt ra chức quan mới là kurôdo no to (tàng nhân đầu) để trông coi những việc cơ mật trong cung, lại đặt các ông Fujiwara no Fuyutsugu và Kose no Notari vào địa vị trọng yếu ấy.Thiên hoàng lại đặt ra chức Kebiishi (kiểm phi vi sứ = kẻ kiểm soát việc phạm pháp) như trách nhiệm cảnh sát công an để giữ an ninh và bảo vệ luật pháp trong vùng kinh đô.Những quan chức bổ nhiệm theo các qui định mới sau thời ritsuryô này được gọi là ryôge no kan hay “quan ngoài lệnh”.
Các chức “quan ngoài lệnh” này dần dần được đặt thêm ra trong khoảng thời gian một thế kỷ từ khi chế độ luật lệnh được thành lập (tiền bán thế kỷ thứ 8).Nó xuất hiện chỉ vì tình hình chính trị và xã hội đương thời đã có một khoảng cách so với thời luật lệnh. Điều đó có nghĩa là trên nguyên tắc, việc thiết lập các chức “quan ngoài lệnh” là để đáp ứng đòi hỏi thực tế của xã hội đương thời. Do đó chế độ này sẽ còn tiếp tục đóng một vai trò hết sức trọng yếu trong xã hội của những thời đại đến sau.
Dưới thời Thiên hoàng Saga, việc chỉnh đốn pháp chế cũng tuần tự tiến triển. Nó cũng nhằm một mục đích như việc đặt ra các chức quan ngoài lệnh nghĩa là dần dà sửa đổi các định chế pháp luật thuận theo đòi hỏi của sự tiến hóa trong xã hội. Những qui định pháp luật được gọi là kyaku (cách) và các áp dụng thực tiễn và cụ thể, chi tiết của nó là shiki (thức), nói gọn là cách thức, đuợc biên tập.
Những kyakushiki (cách thức) biên soạn trong niên hiệu Kônin (Hoằng Nhân, 810-824) dưới đời Thiên hoàng Saga (Tha Nga) trị vì mang tên là Kônin kyakushiki (Cách thức thời Hoằng Nhân, hoàn thành khoàng năm 820). Về sau, trải qua đời các Thiên hoàng Seiwa (Thanh Hòa) và Daigo (Đề Hồ) thì lại có Jôgan kyakushiki (Trinh Quán cách thức), Engi kyakushiki (Diên Hỷ cách thức). Ba cách thức này được xưng tụng là sandai kyashiki (tam đại cách thức) nhưng phải nói trong đó, bộ phận gọi là Engishiki (Diên Hỷ thức) là hoàn chỉnh hơn cả và may mắn còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Cũng vào thời đại này, nhà nước đã cho tụ tập những điều lệnh rời rạc rồi thống nhất chúng và biên soạn một quyển sách có tên là Ryô no gige (Lệnh nghĩa giải) để thuyết minh. Cho đến ngày nay, khi đọc những pháp lệnh ấy, ta hãy còn thấy có những chỗ không sao hiểu được thấu đáo cho nên vào thời đó, quyển sách ấy thật đã có giá trị tham khảo rất lớn vậy.
Quyển Ryô no gige nói trên – sách chú thích luật lệ của nhà nước (quan soạn) – đã do một người tên là Kiyohara no Hatsuno (Thanh Nguyên Hạ Dã) viết ra. Ngoài ra còn có loại sách chú thích có tính cách tư nhân (tư soạn) như Ryô no shuuge (Lệnh tập giải). Sách này ra đời chậm hơn (hậu bán thế kỷ thứ 9), tác giả là Koremune no Naomoto (Duy Tông Trực Bản).
Riêng về Thiên hoàng Saga thì chúng ta đều biết ông là một nhà thơ, nhà thư pháp trứ danh theo phong cách đời Đường. Ông cùng với sư Kuukai, đại thần Tachibana no Hayanari đều viết chữ đẹp, được người đời xưng tụng là sanpitsu (tam bút).

Thiên hoàng Saga, một ông vua hay chữ
Bàn về những nhà tư tưởng kết hợp Thần và Phật
Nói đến Thiên hoàng Saga và mối giao tình nồng hậu với tăng Kuukai, thiết tưởng cũng nên mở ngoặc ở đây để đề cập thêm về ông và những nhà tư tưởng Phật giáo lớn sinh ra trước và sau thời đại của ông. Bằng những lập trường và cách tiếp cận khác nhau, họ đều có chung quan điểm là kết hợp Thần và Phật để tìm cho nước nhà một hệ thống tư tưởng độc đáo Nhật Bản trong tinh thần Phật giáo hộ quốc.
Trước hết là tăng Kuukai (Không Hải, 774-835), thụy hiệu Hoằng Pháp đại sư. Ông quê ở Sanuki trên đảo Shikoku, xuất thân từ gia đình Saeki, một dòng họ danh giá lâu đời. Năm mới 24 tuổi, đã viết Sankyô shiki (Tam giáo chỉ qui) dưới hình thức đối thoại theo thể văn tứ lục biền ngẫu, so sánh 3 tôn giáo Nho Thích Lão để kết luận bằng tính ưu việt của Phật giáo. Phương pháp tư duy của ông được biểu hiện trong hai tác phẩm khác là Juujin shinron (Thập trú tâm luận) và Hizô hôyaku (Bí tàng bảo thược). Theo ông, hệ thống tư duy của con người có thể chia thành 10 trình độ từ dưới đi lên cao: Thế tục, Nho giáo, Lão giáo, Thanh văn, Duyên giác, Pháp tướng, Tam luận, Thiên thai, Hoa nghiêm, Mật giáo. Ông cho rằng trạng thái tu học đến “bí mật trang nghiêm tâm” là đỉnh cao nhất. Ông là một con người có dị tài, từng du học bên nhà Đường, được vua Huyền Tông yêu mến. Thời ở Trung Quốc, ông đã theo học Huệ Quả, cao đồ của Bất Không, về bí pháp Chân ngôn Mật giáo. Sau gặp cảnh phá Phật thời Đức Tông, ông bèn bỏ về nước, được Thiên hoàng Saga trọng dụng. Ông tu ở Kôyasan và chùa Tôji, hay vào cung đàm đạo, xướng họa thi phú với Thiên hoàng và giúp nhà vua việc bùa chú và trấn yểm oán linh, mở được Chân Ngôn Viện trong cung, phổ biến được tư tưởng Mật giáo ở Nhật. Mật giáo khẳng định sự hiện hữu của cảm giác và dục vọng, lấy Đại Nhật kinh và Lý thú kinh làm cơ sở, trong Lý thú kinh có những câu ca tụng cả sự giao cấu. Giáo phái này coi trọng tuyệt đối sức sống trong vũ trụ, lấy trạng thái “đại tiếu kha kha” (cười ha hả) như sự giác ngộ cùng cực. Thế nhưng, theo Umehara Takeshi[5], ảnh hưởng quan trọng nhất của nó đến lịch sử tư tưởng Nhật Bản nói riêng và lịch sử Nhật Bản nói chung là kết hợp được Thần Phật. Nếu từ thế kỷ thứ 6, giữa tín ngưỡng chư thần bản địa và Phật giáo vừa mới du nhập không ngừng xung đột thì nay người Nhật đã tìm được sự yên ổn khi Kuukai biết cách kết thúc một quá trình tiếp cận giữa hai tôn giáo để chúng bước vào một thời kỳ trăng mật. Đến thời Meiji khi nhà nước vì muốn tập trung vào vương quyền, chủ trương “Thần Phật phân ly”, “phế Phật hủy Thích” thì sự kết hợp này mới tan rã. Ta thấy sự phân rẽ nói trên đã không đem đến một kết quả tốt đẹp nào cho dân Nhật, nếu không nói là để lại một khoảng trống vắng trong tâm hồn họ, tự ngàn xưa vẫn tin tưởng sự có mặt của Thần Phật trong từng cành cây ngọn cỏ.
Nhân vật quan trọng thứ hai và còn thuộc vào hạng tiền bối của Kuukai là Saichô (Tối Trừng, 767-822), thụy hiệu Truyền Giáo đại sư. Ông người vùng Ômi, gốc dân nhập cư, ngày còn trẻ đã vào núi Hieizan ẩn tu. Sở dĩ ông xa lánh chốn đô hội vì bất mãn với Phật giáo Nara (tu học theo kinh Hoa Nghiêm, Phật giáo đời Đường) đương thời đã làm nhiều chuyện xấu xa. Ông chủ trương lấy Nhất thừa tư tưởng của kinh Pháp Hoa (Phật giáo đời Tùy) như nền tảng ( và như vậy đã theo con đường của Thái tử Shôtoku). Năm 804, nhập Đường, theo học giáo học tông Thiên Thai rồi về.Vãn niên, ông lập giới đàn riêng của tông Thiên Thai và đối lập với 6 tông phái ở kinh đô[6]. Ông đặc biệt được Thiên hoàng Kanmu kính trọng. Đã viết Hiển giới luận, Thủ hộ quốc giới chương, Sơn gia học sinh thức. Ông xem Thiên Thai và Chân Ngôn chẳng khác gì nhau nên đã phải tranh luận với Kuukai vì ông này cho là Chân Ngôn ưu việt hơn. Theo đường lối kinh Pháp Hoa, ông cho rằng “nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”, thường tranh luận với Đức Nhất của tông Pháp Tướng (chủ trương mọi sự từ cái tâm con người mà ra). Tinh thần xem con người ai nấy nếu dốc lòng tu sẽ được thành Phật đó sẽ được Phật giáo Kamakura thừa kế và trở thành một đặc trưng của Phật giáo Nhật Bản. Nhất hướng đại thừa giới của ông lại là một giới luật giản dị, không chuộng hình thức mà chỉ nhấn mạnh vào khả năng biết sám hối của con người.Người đời sau như Shinran (Thân Loan) triệt để đi theo đường lối đó mà phủ nhận giới tà dâm và chủ trương người tu hành có ăn thịt và lấy vợ (nhục thực đới thê) cũng chẳng sao. Điều đó làm cho Phật giáo Nhật Bản có tinh thần coi thường giới luật và khiến nó trở thành một trào lưu đặc dị nếu đem so sánh với Phật giáo tiểu thừa ở các nước vùng Đông Nam Á.
Hai danh tăng Ennin và Enchin là những vị tổ đã kết hợp Thiên thai và Mật giáo. Ennin (Viên Nhân, 794-864), thụy hiệu Từ Giác đại sư. Tướng mạo khoan hòa, theo học Saichô, từng viết cuốn Nhập Đường cầu pháp tuần lễ hành ký khi ông qua Trung Quốc tu học vào khoảng năm 838-847. Quyển nhật ký này là đối tượng nghiên cứu nổi tiếng của học giả người Mỹ Edwin O. Reischauer (1910-90). Enchin (Viên Trân, 814-691), thụy hiệu Trí Chứng đại sư, học trò của Nghĩa Chân, một học trò của Saichô, đã sang nhà Đường (853-858), cũng là một cao tăng, từng giữ chức Thiên thai tọa chủ như Ennin, được biết là một người có cá tính và dị tướng. Tuy trường phái có khác nhưng điểm chung của Ennin và Enchin là đều muốn kết hợp hai tông Thai và Mật. Điều này đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của Phật giáo Nhật Bản.
Thứ đến, phải nói về Kuuya và Genshin, hai cao tăng đã truyền bá Tịnh Độ Tông. (Jôdôshuu), một tông phái Phật giáo đã phát triển tự thời Heian và có lắm người theo. Đến đời Kamakura, nó được phát triển hơn nữa với Hônen (Pháp Nhiên) và Shinran (Thân Loan). Kuuya (Không Dã, 903-972) là mẫu người hành động trong khi Genshin (Nguyên Tín, 942-1017) hành xử như một trí thức.Hai ông cách nhau chừng 40 tuổi. Kuuya đã đưa tín đồ trong thực tế đến gần với đạo trong khi Genshin phát triển được lý luận của giáo phái ấy. Kuuya vân du giống Gyôki (Hành Cơ, 668-749), làm việc xã hội như đắp đường đào giếng nhưng hơn cả Gyôki, tỏ ra xót thương loài vật và những kẻ yếu kém, lo cả việc đắp điếm cho những thây ma, xác chết gặp bên đường. Còn Genshin đã để lại một tác phẩm lớn là Ôjô Yôshuu (Vãng sinh yếu tập, 984), gồm 3 quyển, được nhiều người yêu chuộng, từ Fujiwara no Michinaga, Murasaki Shikibu đến Kamô no Chômei và Saigyô. Ảnh hưởng nó lan đến cả bên nhà Tống. Trong mười nguyên tắc (thập môn) của Ôjô yôshuu thì Yếm ly uế thổ, hân cầu tĩnh thổ (tịnh độ) (Xa lánh cõi đời ô trọc để tìm về chốn cực lạc an lành) là hai nguyên tắc đáng chú ý nhất. Trong sách ông đặc biệt miêu tả khung cảnh rất khủng khiếp của địa ngục và chủ trương nên niệm Phật (nhất là tâm niệm) để được vãng sinh cực lạc. Ông đề ra cả năm cách niệm Phật nhưng trong khi ông chú trọng vào quán tưởng niệm Phật (chuyên chú suy nghĩ) thì người đời sau như Hônen (Pháp Nhiên), chắc vì với tấm lòng quảng đại muốn cứu vớt đại chúng đông đảo, đã chấp nhận việc khẩu tụng niệm Phật vốn không quá khó khăn cho người đi theo.Thế nhưng khi chủ trương như vậy, Hônen đã đánh mất lối quán tưởng niệm Phật vốn được biết như động lực cho sự sáng tạo nghệ thuật Phật giáo thời Heian.
Một dòng cuối cùng xin dành do Kakuban (Giác Văn[7], 1095-1143), thụy hiệu Hưng Giáo đại sư, giáo tổ của Chân Ngôn tông chân nghĩa phái. Ông là người được coi như đã phục hưng được Chân ngôn Mật giáo và đã qui y cho Thái Thượng Hoàng Toba. Kakuban xem Đại Nhật Như Lai và A Di Đà là một cũng như chủ trương không có gì khác nhau giữa Mật Nghiêm và Tịnh Độ. Rõ ràng là trong khi muốn kết hợp hai tông phái có nhiều tín đồ nhất ở Nhật này, Kakuban đã nắm được cốt lõi vấn đề, đó là tinh thần dung hợp của Phật giáo Nhật Bản, và không những thế, của tư tưởng Nhật Bản nói chung.
Cuối cùng phải nhắc đến việc chính trị luật lệnh đã được lần hồi tái lập vào đầu đời Heian với mục đích nâng cao uy tín quốc gia và ý đồ đó đã được thấy qua việc nhà nước cho soạn các pháp điển và sử thư. Sau khi Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ) ra đời vào thế kỷ thứ 8, ta lại thấy có 6 bộ sử gọi chung tên là Rikukokushi (Lục quốc sử) rồi đến các thi tập bằng chữ Hán như Ryôunshuu (Lăng vân tập), Bunkashuureishuu (Văn hoa tú lệ tập), Keikokushuu (Kinh quốc tập). Tất cả đều được biên soạn theo mệnh lệnh (chokumei = sắc mệnh) của thiên hoàng và đã chúng tỏ rõ rất rõ ràng phong trào của thời đại.
Lục Quốc Sử là gì?[8]
Trung Quốc có 24 bộ sử từ Sử Ký cho đến Minh Sử gọi là nhị thập tứ sử, tất cả đều viết theo lối “bản kỷ” và “liệt truyện”, nói chung là “kỷ truyện thể”, được hoàng đế công nhận. Triều Thanh có Thanh Sử Cảo nhưng viết vào năm Dân Quốc., không có hoàng đế để công nhận, do đó, bị đặt ngoài chính sử. Ngược lại, Nhật Bản chỉ có Lục Quốc Sử, viết theo lối “biên niên” ghi việc từ năm 660TCN đời Thiên hoàng Jinmu (Thần Vũ) cho đến năm 887, đời Thiên hoàng Kôkô (Quang Hiếu). Từ thế kỷ thứ 10 trở đi, Nhật không thấy viết chính sử nữa. Lục quốc sử là những quyển như sau:
Thứ tự
|
Tên sách (năm) Nội dung
|
Số quyển
|
Những người soạn
|
1
|
Nihon shoki (720) Thời lập quốc đến Nữ đế Jitô.
|
30
|
Nhóm Thân vương Toneri
|
2
|
Shoku Nihongi (797) Thời Monmu đến Kanmu.
|
40
|
Nhóm đại thần Fujiwara no Tsugutada, Sugano no Mamichi
|
3
|
Nihon kôki (840) Thời Kanmu đến Junna.
|
40
|
Nhóm đại thần Fujiwara no Fuyutsugu, Fujiwara no Otsugu
|
4
|
Shoku Nihon kôki (869) Thời Ninmyô
|
20
|
Nhóm đại thần Fujiwara no Yoshifusa
|
5
|
Nihon Montoku Tennô jitsuroku ( 879) Thời Montoku
|
10
|
Nhóm đại thần Fujiwara no Mototsune
|
6
|
Nihon sandai jitsuroku (901) Thời Seiwa đế Kôkô
|
50
|
Nhóm đại thần Fujiwara no Tokihira
|
-
Quản lý nông nghiệp và xã hội quí tộc thời Heian:
Như đã nói đến trong phần trước, Thiên hoàng Kanmu (Hoàn Vũ) để tái kiến chế độ luật lệnh, đã cho tiến hành nhiều cuộc cải cách mà trong đó, tích cực nhất là chế độ handen (ban điền). Thay vì cứ 6 năm ban (cấp phát) lại một lần, ông cho chuyển chế độ thành 12 năm như thời hạn được giữ đất đến lần ban phát tới.
Vào thời đó, những nhà nông sống khổ sở trong chế độ handen đến hồi suy tàn đã phải khai gian hộ tịch (ngụy tịch) hay bỏ làng nước sống trôi nổi, bôn đào. Nếu có ai hỏi lý do, ta có thể trả lời là người nông dân Nhật Bản lúc ấy chỉ muốn làm đủ mọi cách cách để tránh cho được sưu cao thuế nặng.
Có thể nói rằng vào năm Engi thứ 2 (902) thì trong mỗi hộ gồm một gia tộc thì có trung bình 1 người đàn ông và 10 người đàn bà. Đó là một tỷ lệ hết sức bất tương xứng. Ngay cả có những gia đình chỉ toàn đàn bà chứ không có lấy một suất đinh nào.
Dĩ nhiên thực thi chính sách handen một cách chặt chẽ để tránh thất thu thuế má là kế sách của Thiên hoàng Kanmu (tại vị 781-806) nhưng suốt thế kỷ thứ 9, có những vùng trong một thời gian dài 30, 50 năm, chế độ handen không được thi hành. Việc này làm cho thiên hoàng khổ sở bởi vì nó mà số thâu nhập các thứ thuế dung và điệu bị giảm sút, đem đến khủng hoảng to lớn cho tài chánh quốc gia.
Bên trên ta đã thấy trong những cuộc nghị luận chính trị, hai đại thần Fujiwara no Totsugu và Sugano no Mamichi đã khuyên thiên hoàng nên ngưng ngay các hoạt động “quân sự và xây cất”. Lý do là chúng rất hao tốn công quĩ. Nếu còn tiếp tục, dân chúng sẽ mất hết hứng thú cũng như sức lao động và không tránh khỏi việc trốn tránh, đào vong. Giải pháp thông thường là nhanh chóng dừng hai việc lao dịch đó lại, gạt bỏ những phiền toái hành chánh. Như thế may ra mới có thể tái kiến chế độ luật lệnh.
Tuy tình trạng nói chung là trầm trệ như vậy, người ta đã vẫn thấy có những tiến bộ về mặt kỹ thuật nông nghiệp dưới triều Heian.Lại nữa, nhiều nông dân có của đã nhận cho những những gia đình nghèo quanh vùng vay thóc, trả tô thuế thay họ và sử dụng sức lực của họ để xúc tiến việc khẩn điền.Kể từ đó, cả chính phủ lẫn đám quí tộc ở trung ưong cũng phải nhìn nhận thế lực mới nổi lên của đám nông dân có của này.
Việc nông dân nạp chậm, nạp thiếu các thứ thuế dung, thuế điệu trong nhiều năm đã khiến chính phủ phải nghĩ đến việc cải cách phương pháp thu thuế hầu cúu vãn tình hình tài chính nhà nước. Năm 823, ở vùng Dazaifu (Kyushuu) cai quản, nhà nước đã lập ra chế độ kueiden (công doanh điền) khoán cho các phú hào (nông dân có của) khai thác những khu ruộng lớn diện tích 1 vạn chô (đơn vị 1 chô tương đương 9.917m2). Dazaifu đã lấy từ ruộng khẩu phần trong 9 khu vực (kuni) do mình cai quản, chia nó ra làm 12.295 chô ruộng tốt (lương điền, ryôden), lại chia chia 60.257 chính đinh (seitei)[9] trong vùng thành từng nhóm 5 người, ủy thác mỗi nhóm canh tác và thu huê lợi từ họ. Thông thường trong trường hợp ruộng khẩu phần, mỗi suất chính đinh phài đóng 4 soku (bó) luá và 5 ha (còn đọc là wa, nắm, 1/10 soku) lúa. Như vậy, ta thấy ở trường hợp ruộng khẩu phần (kubunden), sự trưng thu tính theo đầu người, khác với chế độ ruộng công doanh (kueiden) vừa trình bày bên trên, sự trưng thu chỉ tính theo diện tích đất đai.
Cho đến thế kỷ thứ 9, thiên hoàng còn sở hữu ruộng đất gọi là chokushiden (sắc chỉ điền) và ruộng thiên hoàng dùng để ban phát cho hoàng tộc gọi là shiden (tứ điền). Đó là loại ruộng “trực doanh” từ trung ương, không thuộc diện bị trưng thu thuế má. Mọi kẻ hưởng thụ phải trực tiếp kinh doanh để đảm bảo nguồn tài chính riêng. Thời đại này cũng là lúc nhà nước thử lập một hệ thống thuế má mới và áp dụng một số cải cách để bù đắp vào yếu kém về thu nhập bắt nguồn từ sự suy thoái của chế độ đất đai và thuế má.
Như thế, càng ngày nhà nước càng cho gia tăng loại ruộng trực doanh bởi giới quan lại trung ương. Đến cuối thế kỷ thứ 9 thì đã có nhiều quan chức sở hữu riêng cho mình một số ruộng mang tên là shoshiden (chư tư điền). Một số quan lại không còn trông mong gì đến bổng lộc nhà nước cấp cũng đã bỏ tiền ra mua lại đất đai các phú hào (nông dân có của) đã khai khẩn được làm đất tư, dùng nó như cơ sở sinh hoạt cho mình.Những sự việc vừa kể cho ta thấy chế độ luật lệnh dựa trên trung ương tập quyền đến thế kỷ thứ 9 đã bắt đầu sụp đổ về phương diện tài chánh.
Mặt khác, từ đời Thiên hoàng Kanmu về sau, quyền lực của thiên hoàng trong triều đình được củng cố. Thiên hoàng và nhóm thiểu số gồm hoàng tộc và quí tộc thân cận ông sở hữu đất tư riêng và khuynh hướng này ngày càng mở rộng. Những nhân vật trong hoàng tộc và quí tộc có đặc quyền như vậy được gọi là inguuôshinke (viện-cung-vương-thần gia), nôm na là nhóm “con vua cháu chúa”. Giới quan lại cấp thấp phải nương tựa vào thế lực của nhóm người này để được bảo vệ. Các phú hào địa phương cũng câu kết với họ. Như vậy, cả xã hội quí tộc lẫn xã hội nông thôn đã có một sự thay đổi lớn lao từ khi chế độ luật lệnh bắt đầu long móng.
[1] Niên hiệu Kônin (Hoằng Nhân, 810-824), dưới đời các Thiên hoàng Saga và Junna. Niên hiệu Jôgan (Trinh Quán, 859-877) dưới đời các Thiên hoàng Seiwa, Y ôzei và không liên quan gì đến niên hiệu Trinh Quán đời Đường Thái Tông (627-649).Hai niên hiệu này đánh dấu thời Heian sơ kỳ.
[2] Thai tạng giới: quá trình con người ta đi đến cảnh giới giác ngộ cũng không khác gì chặng đường một trẻ em phát triển dần dần trong bào thai nơi người mẹ.
[3] Emishi là tên cổ, về sau được gọi là Ezo. Cả hai đều viết với hai chữ Hán Hà Di.
[4] Năm 810, bà Fujiwara no Kusuko (Đằng Nguyên Dược Tử), một nữ quan được Thái thượng hoàng Heizei sủng ái, đã mưu với người anh là Fujiwara no Nakanari (Đằng Nguyên Trọng Thành) làm cuộc đảo chánh, cướp chính quyền từ người nối ngôi ông là Thiên hoàng Saga để phục vị cho Heizei.Sau thất bại, Kusuko uống thuốc độc tự sát còn Nakanari bị quân đội trung thành với vương thất sát hại.
[5] Umehara Takeshi,Nihon Bukkyô wo yuku, sđd, tr. 19.
[6] Nam đô lục tông: Tam luận, Thành thực, Pháp tướng, Câu xá, Hoa nghiêm và Luật tông.
[7] Thật ra là một chữ Hán hiếm và khó đọc. Từ điển chua cách đọc là đông hay đồng (tinh đông bình) nhưng lại do phiên âm sai từ âm wan trong tiếng Phạn. Xin tồn nghi.
[8] Okada Hidehiro, 2008, Nihonshi no tanjô (Khi lịch sử Nhật Bản khai sinh), Chikuma Bunko, Tokyo, tr. 18.
[9] Trong xã hội luật lệnh, chính đinh (seitei) là những tráng đinh khỏe mạnh, từ 21 đến 60 tuổi (sau đổi lại thành từ 22 đến 59) có thể phụ đảm các thứ thuế tô, dung điệu và nghĩa vụ quân sự (binh dịch). Còn có từ sejo (chính nữ ) để chỉ những phụ nữ từ 21 đến 60 tuổi.