Cuộc sống quanh ta

Câu chuyện về Philipp Rösler

Trong những tháng trước đây, các tổng thống, thủ tướng các nước châu Âu thường xuyên gặp nhau để giải quyết vấn đề tài chính nóng bỏng đang chi phối tương lại khu vực đồng euro.

Trong phim ảnh cũng như trong hình chụp, ngồi cạnh và bàn bạc với bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, thường thấy một người Á Đông. Ông là phó thủ tướng Philipp Rösler, quốc tịch Đức nhưng là một người gốc Việt

Sinh ngày 24 tháng hai 1973 (theo giấy tờ, thật ra chẳng ai biết có đúng hay không) tại Khánh Hưng, Ba Xuyên (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) không lâu trước ngày ngưng chiến. Ngay sau lúc sinh ra, cậu bé được đưa vào nuôi ở viện mồ côi công giáo Sài Gòn  Sau nầy ông có dạo về Việt Nam thăm dò tung tích cha mẹ sinh lý nhưng không tìm ra ai cả, có lẽ họ đã chết. Vào tháng mười năm 1973, vừa lên chín tháng, cậu bé mồ côi được ông bà Rösler nhận làm con nuôi và đem về Liên bang Cộng hòa Đức, mang tên Philipp Rösler, không có tên Việt. Từ nay cậu sống trong một gia đình đã có hai người con gái. Khi cậu lên bốn, hai ông bà Rösler li dị, cậu theo cha, một phi công quân đoàn Đức, lần lượt sống trong môi trường quân đội ở Hamburg, Bückburg, Hannover. Thời gian thấm nhuần nam tính nầy cũng đóng góp vào cuộc rèn luyện tính tình chàng trai. Sau nầy anh mới bắt lại liên lạc với bà mẹ nuôi hiện sống với một con gái bên nước Chili. Lớn lên anh đi học trường trung học công giáo Luther ở Hamburg và tốt nghiệp năm 1992. Cùng năm ấy, anh nhập ngũ, làm trợ lý quân y trong thời gian quân dịch. Anh sớm được giải ngũ để tiếp tục học y học trước ở trường Đại học Y khoa Hannover, sau ở bệnh viện quân đội tại Hamburg bắt đầu từ 1999. Năm 2001 anh được bổ nhiệm sĩ quan quân y. Một năm sau anh bảo vệ luận án y khoa trên đề tài Rối loạn nhịp sau cuộcgiải phẩu tim và cách chữa trị để lấy bằng bác sĩ giải phẩu lồng ngực và tim mạch. Năm 2003, anh rời quân y hướng đời mình vào con đường chính trị.

Từ năm 1992, lúc 19 tuổi, Philipp Rösler đã ghi tên vào đảng Tự do Dân chủ FDP, lo việc tổ chức đoàn Thanh niên Tự do JuLis. Thật ra, từ thuở trung học, nung đúc trong một cuộc sống vừa khó khăn của kẻ mồ côi, vừa sung túc trong một gia đình khá giả, ông đã tỏ ra cóóc thực tế, biết điều khiển. Vào lúc có một ông giáo sưbộc lộ tinh thần bảo thủ, học sinh muốn biểu tình phản đối thì ông được bầu làm trưởng lớp dàn xếp ổn thỏa. Tổng thư ký đảng Tiểu bang Hạ-Saxe từ 2000 đến 2004, ông được bầu năm 2006 làm Chủ tịch đảng Tiểu ban và tái cử năm 2008. Từ năm 2005 ông được bầu vào ban chấp hành đảng Liên bang và tái cử năm 2007. Từ năm 2001, ông là nhân viên Hội đồng Hanovre trước khi vào Hội đồng Tiểu bang Hạ-Saxe năm 2003. Ở đây ông là Chủ tịch nhóm dân biểu đảng. Năm 2008, ông cầm đầu danh sách đảng trong cuộc bầu cử và giữ luôn chức Chủ tịch nhóm dân biểu đảng. Năm 2009, ông được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ kinh tế, Lao động và Giao thông đồng thời Phó chủ tịch Tiểu bang trong nội các thứ hai của Christian Wulff. Đại diện cho đảng FDP trong cuộc đàm phán về vấn đề y tế, qua cuộc liên minh đen-vàng Liên hiệp Công giáo Dân chủ CDU/ Liên hiệp Công giáo Xã hội CSU, ngày 28 tháng mười 2009,  ông được mời vào chính phủ thứ nhì của  bà Angela Markel, giữ chức Bộ trưởng Bộ y tế Liên bang Cộng hòa là vị bộ trưởng trẻ nhất.

Năm 2011, thời cơ giúp ông được bầu làm Chủ tịch thứ 13 đảng FDP, từ đấy đương nhiên được mời làm Phó thủ tướng nước Đức, trở thành vị Phó thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay. Ông là người đầu tiên của đảng FDP và là người đầu tiên không cógốc Đức  nhậm chức nầy trong lúc bà Angela Merkel là người phụ nữ đầu tiên giữ chức thủ tướng.Lên Berlin, không ở khách sạn, người ta bảo ông ngủ trên một chiếc giường xếp kê ngay trong phòng làm việc trước khi tìm chỗtrọ. Chuyện nầy không có gì lạ vì bên Đức, trái lại ở Pháp,  thủ tướng cũng như bộ trưởng thường có một cuộc sống bình dị . Từ Hanovre, bà vợ liên tiếp gởi cho ông ảnh và phim hai con để luôn gần gũi với gia đình. Ông làm việc nhiều, mong chỉnh đốn lại đảng. Đã nhiều lần ông điều khiển nội các Đức trong thời gian vắng mặt của thủ tướng. Ông có mặt trong mọi quyết định về vận mạng nước Đức, về phía đối nội cũng như bên phần đối ngoại. Dựa lên một chính sách thực dụng, ông muốn đưa đảng của mình hòa mình với xã hội, hiến cho đảng một bản sắc đặc trưng, rõ ràng. Trái với cựu chủ tịch Guido Westerwelle ngạo nghễ, thiếu hoàn toàn quan điểm chính trị, làm mất tín nhiệm cho đảng, Philipp Rösler là một nhà chính trị không nề hà tự nhạo bán mình, tự cho là người cấp tiến, không chút độc đoán, giáo đìều. Theo ông, đoàn kết là nền tảng của chủ nghĩa tự do. Ở bộ  Kinh tế, không quên mình nguyên là bác sĩ giải phẩu, ông giải quyết ngược với thường lệ nhiều vấn đề liên quan đến nhóm thế lực dược lý. Ông muốn cải tổ  tổ chức bảo hiểm bệnh hoạn. Bản tính bảo vệ tự do cá nhân của ông không lọt ra khỏi những đôi mắt giám thị của các nhà quan sát Âu châu. Dưới thời Guido Westerwelle, theo truyền thống đảng FDP luôn ủng hộ Liên hiệp Âu châu, không ngần ngừ lại cứu giúp những nước trong vùng euro bị khó khăn, đấy là một tinh thần không mấy hợp lòng dân Đức. Ông muốn đưa đảng về một hướng khác theo đường lối của bà Angela Merkel.

Bên phần cá nhân, ông là nhân viên Ủy ban Công giáo Đức quốc ZdK. Năm 2002, trong lúc rất thành công trong giới phụ nữ ví ông như một tài tử điện ảnh, xem ông như một ông chồng lý tưởng, ông cưới cô Wiebke, cũng là bác sĩ, bốn năm sau đẻ hai con gái sinh đôi Grietje và Gesche. Thích âm nhạc, thích đọc truyện phiêu lưu, giả tưởng (thường đểgiải tỏa căng thẳng trong công việc), ông thích sử dụng những món ăn mau vì có ít thì giờ và cũng không ưa tiệc tùng. Ông có tài nói bụng (không mở miệng), diễn trò, rất cần thiết khi khám bệnh, nhất làcho con trẻ để làm quên sợ hải. Được người cha nuôi theo những nguyên tắc tự do, cởi mở, khoang dung, ông cũng muốn nuôi con mình như vậy. Đối với bạn bè, người đồng nghiệp, cộng sự, ông rất chí tình, thủy chung. Có một trí nhớ rất tốt, ông thường đứng ra diễn thuyết không giấy tờ tuy đã có viết bài và tập luyện trước. Ông biết thu hút thính giả ở giọng nói trầm bổng, cách nói dí dỏm, đầy khiếu hài hước, luôn biết tự chủ, không nổi giận khi bàn cải, không khô cứng như nhiều nhà chính trị khác.Bài diễn thuyết có khi rất đanh thép được ông phát biểu nhẹ nhàng, điềm tĩnh, dễ nghe, dễ cảm thụ. Ăn mặc đứng đắng, trước cử tọa bao giờ cũng thấy ông com lê, cà vạt chỉnh tề. Trước đám đông, ông không nề hà hôn vợ rất lâu, thể hiện một lối sống gia phong đầm ấm. Ông dự định rời chính trường khi đạt 45 tuổi, nghĩa là còn hai nhiệm kỳ lập pháp nữa, bảo không có tham vọng gì nhiều hơn. Ông chỉ hy vọng tiếp tục hoạt động được theo ý tưởng cấp tiến của mình. Dù sao, ông bảo là nếu khi nào ông có cảm tưởng chính trị có thể phá hại gia đình thì lập tức ông rời bỏ chính truờng.

 

Từ trước đến giờ chưa mang tai tiếng gì dù nhỏ, chưa có thất bại đáng kể, Philipp Rösler đón nhận cảm tình không những trong đảng của mình mà còn từ các đảng khác, ngay cả dân chúng toàn nước. Họ tin tưởng ở chính sách của ông về các vấn đề năng lượng, giáo dục, đào tạo,.. nhất là về tương lai đồng euro. Không phải tình cờ mà sau không đầy hai chục năm nhảy vào chính trường, ông đã leo thang mau chóng lên thành Đảng trưởng đảng FPD, Phó thủ tướng một cường quốc như Cộng hòa Liên bang Đức. Năng động, hăng hái, thành thạo kinh tế, ông là người cộng sự đắc lực và cần thiết hiện nay của bà Angela Markel vào lúc châu Âu đang cần gấp giải quyết cơn khó khăn.Trong chuyến tham quan ngoại giao vừa qua ở Paris, ông đề nghị đặt nền móng cho một vùng Âu châu ổn định, không căn cứ vào chế độ tập trung mà dựa lên những giá trịcùng chung, cùng hưởng như tinh thần sáng kiến hay tính hợp lý kinh tế. Ông tuyên bố nhắm mục đích xây dựng một Âu châu có hiệu lực, với một nền chính trị ngân sách và tài chính vững chắc. Báo chí Đức thường phản ảnh ý chí cương quyết của ông là các nước bị nợ nần khó trả phải chấp nhận một tố tụng khuyết điểmvà chịu đựng vài hạn chếdù tạm thời trong chủ quyền quản lý mối nợ của mình. Đồng thời, các nước ấy phải áp dụng một chương trình phục quyền nghiêm túccó khả năng bảo đảm củng cố ngân quỷ, trước mắt một hội đồng nhiều nước có nhiệm vụđàm phán với mọi thành phần.Thi hành cho bằng được kế hoạch nầy rất quan trọng cho Philipp Rösler đang muốn gây lại tin nhiệm cho đảng mình hiện đang xuống dốc trầm trọng trong các cuộc bầu cử. Nếu không, sang năm, đảng FDP có thể hết còn tồn tại sau cuộc bấu cử, một dịp giúp ông rời khỏi chính trường ngay trước tuổi ông dự định, trừ phi ông cương quyết theo đuổi lý tưởng của mình và ra công cứu vớt đảng.

 

Trong khi bà Thủ tướng Angela Merkel lèo lái con thuyền Âu châu qua cơn sóng gíó các cuộc khủng khoảng kinh tế, ghế Phó thủ tướng Philipp Rösler ắt phải có một tác động bổ sung và giữ thăng bằng đáng kể. Những ngày vừa qua, với cuộc bầu cử Tổng thống mới nước Pháp, vai trò của bà Thủ tướng Đức có thể gặp thêm khó khăn, liệu liên kết hai đảng lớn hiện nay của Đức quốc còn tồn tại được không, từ đấy quyết định luôn cả tương lai của Philipp Rösler.

                                                                                   

                                                                              Xô thành mùa xuân 2012

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569599

Hôm nay

23

Hôm qua

2379

Tuần này

21982

Tháng này

228123

Tháng qua

129483

Tất cả

114569599