Trong việc thay đổi lãnh đạo vụ xi-căn-đan Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ chính trị là bí thư Thành ủy Trùng Khánh là một điều mới lạ. Nay một nhóm đảng viên lão thành của Đảng cộng sản Trung Quốc đã viết đơn kiến nghị đến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào yêu cầu cách chức ông Chu Vĩnh Khang/ một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu nắm guồng máy công an. Lời kêu gọi bãi chức Chu Vĩnh Khang, một trong chín nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất ở Trung Quốc, liên hệ tới vụ xi-căn-đan Bạc Hy Lai nguyên bí thư thành ủy Trùng Khánh và cũng là người được Chu Vĩnh Khang đỡ đầu, tạo ra các chấn động chính trị lớn nhất ở Trung Quốc từ nhiều thập niên qua.

Các khó khăn đối ngoại của Trung Quốc đi từ tranh chấp với Bắc Hàn cho đến Biển Đông; bị phía Philippines cáo buộc Trung Quốc không dám đưa vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough ra phân xử tại tòa án quốc tế; vì tranh chấp với Việt Nam về Hoàng Sa hay với Nhật về đảo Điếu Ngư.
Vụ ông Trần Quang Thành tạm trú sáu ngày tại Sứ quán Hoa Kỳ hồi tháng rồi sau khi thoát khỏi quản thúc tại gia và nhiều vụ khác nữa như việc Đức Đat lai Lat ma tố Trung Quốc muốn ám sát ông.
Các khó khăn của Trung Quốc có thật không? Đứng sau các khó khăn là các vấn đề gì? Có phải là cơ hội tốt cho Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng Bắc Kinh không?
Các Khó Khăn Đối Nội - Mô hình phát triển
Vụ Bạc Hy Lai cho thấy rạn nứt nội bộ trong lãnh đạo Trung Quốc về cách nhìn tương lai trong khi họ đang chuẩn bị Đại hội Đảng (ĐHĐ) khóa 18. Nhiều người coi đây là một cuộc tranh giành trước ĐHĐ nhưng theo tác giả thì nó còn sâu xa hơn nữa vì đây là một tranh giành giữa hai khuynh hướng kinh tế: hoặc theo quan niệm “bao cấp”, nặng về doanh nghiệp nhà nước, và bên kia thì nghiêng về tư doanh.
Trong quá khứ, Trung Quốc gặp các vụ rối loạn như vụ Ô Khảm về đất đai mà nhiều người còn nói có trên 200,000 vụ trong những năm 2010 và nay có vụ Trùng Khánh. Hai phe cố tìm ra các giải pháp – đường đi cho tương lai kinh tế. Hiện giờ người ta nói nhiều về mô hình Trùng Khánh hay mô hình Chiết Giang. Đấy là hai hướng quản lý một phía còn gọi là hệ thống quốc doanh trị và hệ thống thiên về tư doanh.
Trùng Khánh là khu vực đặc biệt có tới 30 triệu người, được tách ra khỏi tỉnh Tứ Xuyên trở thành thành phố do trung ương quản lý [như Đà Nẵng, Cần Thơ hay Hải Phòng của VN]. Trùng Khánh được chọn làm thí điểm và dựa trên kinh nghiệm và trong quá khứ đã có nhiều tệ nạn lãnh chúa địa phương do đó Bộ Chính trị giao cho Bạc Hy Lai. Ông này đi ngược – phát triển các doanh nghiệp nhà nước, chấn chỉnh và nâng đỡ để chủ động thi hành chính sách nhà nước. Nay qua các vụ xi-căn-đan, ông và gia đình ông ta bị điều tra về tội hình sự. Mô hình Trùng Khánh cũng bị Bộ Chính trị phê phán.
Ngược lại tỉnh Chiết Giang là một địa phương tiên phong về phát triển tư doanh đến độ được gọi là cái nôi của tư bản chủ nghĩa Trung Quốc. Vậy mà sau nạn tổng suy trầm 2008, khi thị trường xuất khẩu co cụm, các hợp đồng gia công giảm sút và Bắc Kinh trút tiền vào doanh nghiệp nhà nước để kích thích kinh tế thì tư doanh Ôn Châu chết kẹt, phá sản hàng loạt nên đã gây vấn đề. Từ bài học Ôn Châu/Chiết Giang, Trung Quốc biết là khi bóp nghẹt tư doanh vì sẽ gặp nạn thất nghiệp động loạn.
Các đấu đá tranh dành nội bộ là kết quả các tranh cãi về mô hình phát triển kinh tế cho Trung Quốc và ai sẽ nắm quyền hành trong những năm tới.
Nói tóm mô hình - Trùng Khánh của Bạc Hy Lai là lấy công quỹ lo phúc lợi cho dân theo kiểu bao cấp trong khi mô hình Chiết Giang là sản xuất ra cái bánh lớn hơn và qua việc phát triển tư doanh với các xí nghiệp nhỏ và trung. Hai mô hình này đang đối chọi nhau và gây sáo trộn cho hàng ngũ lãnh đạo.
Các cuộc tranh luận trước và sau ĐHĐ kỳ 18 sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam giúp VN rút tỉa kinh nghiệm.
Các Khó Khăn Đối Ngoại – Bắc Hàn - Biển Đông
Ngày 16/05/2012, Trung Quốc bắt đầu áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá tại một vùng rộng lớn ở Biển Đông, trong đó có những khu vực đang tranh chấp với các láng giềng như Philippines và VN. Hai nước này phản đối lệnh cấm. Trung Quốc thường lấy cớ này bắt giam, đánh đập như dân VN và bắt chuộc tiền.
Nay đến lượt ngư dân Trung Quốc bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Mới đây theo tin AFP/ thì 29 ngư dân Trung Quốc cùng tàu thuyền của họ bị một toán người Bắc Triều Tiên võ trang chặn bắt trên biển và bắt họ phải nộp 1,2 triệu yuan (US$ 190.000) để chuộc mạng số người này mặc dù các chuyên gia quốc tế xem Trung Quốc là nước viện trợ cho Bắc Hàn – mặc dù có lệnh “phong toả” của LHQ.
Mới đây ta thấy có một số rạn nứt giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên khi xảy ra cuộc gặp gỡ giữa TT Nam Hàn Lee, TT Noda của Nhật và Ôn Gia Bảo của Trung Quốc thì ba nước kêu gọi Bắc Hàn đừng thử hạt nhân. Ngoài ra Trung Quốc còn bị các chuyên gia tố là bán vũ khí cho Bắc Hàn (các xe vận tải 8 bánh chuyên chở các hỏa tiễn Bắc Hàn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 100 năm sinh nhật của lãnh tụ Bắc Hàn).
Tại biển Đông Mỹ đã tuyên bố có ích lợi trong việc tự do hàng hải năm 2010. Trong hai năm qua Trung Quốc có nhiều hành động hăm dọa các nước tại Biển Hoa Nam (Biển Ðông), Biển Hoa Ðông. Tại Úc năm 2011, TT Obama đưa ra lời lẽ khá mạnh, cảnh báo Bắc Kinh về quyết tâm của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có chính sách ủng hộ các nước tại Biển Đông chưa kể các hiệp ước với Nhật, Nam Hàn, Úc, Singapore, Ấn Độ vv. Về kinh tế Hoa Kỳ cũng nối lại các cuộc thương thuyết kinh tế trong khuôn khổ Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership hay TPP).
Về việc Trung Quốc và Philippines đối đầu một tháng nay tại Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, hãng Reuters vừa có bài của nhà báo David Lague/ phân tích cách tiếp cận mới mà ông gọi là "cây gậy nhỏ" của Bắc Kinh. Theo ông thì Trung Quốc vẫn đang kiềm chế không điều tàu chiến ra khơi để tham gia tranh chấp chủ quyền mà điều động các tàu hải giám gần như không trang bị súng ống tới khu vực, cho thấy Trung Quốc không mong muốn thực thi cái mà người ta gọi là "ngoại giao pháo hạm". Nhưng theo các chuyên gia quốc tế của International Crisis Group (ICG), / chính cách tổ chức của TQ chia ra làm nhiều cơ quan trách nhiệm là gây khuấy động tại Biển Đông.
Philippines kêu cầu cứu và ngang nhiên “quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông.” Cùng lúc có căng thẳng Philippines - Trung Quốc về bãi đá ngầm Scarbrough, một tàu ngầm tấn công Mỹ thuộc loại tối tân nhất, chiếc USS North Carolina, đã ghé Subic Bay từ ngày 13/05/2012./ Theo giới phân tích thì dụng tâm của Hoa Kỳ là trấn an Philippines đang phải chịu sức ép của Trung Quốc (nhất là về kinh tế) vừa cho thấy là Hoa Kỳ vẫn đang theo dõi kỹ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về chủ quyền trên bãi đá ngầm Scarborough.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang ép các nước Á châu, hiện nay có nhiều vận động ngầm, nhiều cuộc thương thuyết đang lặng lẽ diễn ra, để có thể dẫn tới việc ký kết nhiều hiệp ước giữa Mỹ với các nước Á châu, hoặc giữa các nước trong vùng như hiệp ước Nhật-Úc. Sau khi gặp ngoại trưởng Miến Điện tại DC,/ bà NT Clinton phát biểu tại một cuộc họp báo chung: "Hôm nay chúng ta nói với các doanh nghiệp Mỹ hãy đầu tư vào Miến Điện, và làm điều đó một cách có trách nhiệm." Qua việc này Hoa Kỳ đã nới lỏng một số biện pháp trừng phạt về đầu tư và quan hệ với Miến Điện nhằm đáp lại cuộc cải cách chính trị ở nước này và sẽ gởi một đại sứ tới đây nối lại liên lạc ngoại giao. Việc này cho thấy tình hình tại Á châu không đứng một chỗ mà đang mau chóng thay đổi.
Các Khó Khăn Ngoại Giao – Vụ Trần Quang Thành –các vụ khác
Kể từ khi ông Trần Quang Thành thoát ra được vòng bao vây của lực lượng an ninh, lên Bắc Kinh, vào sứ quán Mỹ và sau đó được đưa vào một bệnh viện ở Bắc Kinh để chữa trị vết thương thì việc này đã gây một xi căn đan làm mất mặt Trung Quốc. Ngày 17/05/2012, luật sư mù Trần Quang Thành,/ cho AFP biết rằng các quan chức Trung Quốc đã tới để làm các thủ tục cấp hộ chiếu cho ông, vợ và hai người con, và họ sẽ có hộ chiếu trong vòng 15 ngày tới. Tổ chức Các nhà bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc – CHR – khẳng định là chính quyền tỉnh Sơn Đông dường như tìm cách trả thù, nhắm vào những người thân của ông và công an Trung Quốc đã tra tấn người anh trai của ông. Nhưng cuối cùng, với sự thỏa thuận nhanh chóng bất ngờ của nhà cầm quyền Trung Quốc, luật sư Trần đã được lên máy bay và tới thành phố New York của Mỹ vào ngày 19/5 vừa qua.
Ngày 14/05/2012, Đức Đạt Lai Lạt Ma tố giác âm mưu ám sát của Trung Quốc./ lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong tiết lộ, đã bị một số nữ điệp viên của Bắc Kinh tìm cách đầu độc vào dịp Tết cổ truyền Losar của người Tây Tạng tại Dharamsala (Ấn Độ), ngày 22/02/2012. Ngoài ra đã có trên 30 người Tây Tạng tự thiêu phản đối Trung Quốc.
Tạm kết
Thời kỳ trước ĐHĐ kỳ 18 đã có khá nhiều căng thẳng và thử thách cho giới lãnh đạo Trung Quốc. Liệu họ có thể giải quyết các tình huống trái ngược nhau đang xẩy ra tại đất nước rộng lớn này?
Giải quyết mô hình kinh tế là việc rất quan trọng. (Đối với VN nó càng quan trọng vì định hướng kinh tế lấy quốc doanh làm chủ đạo đã tạo ra độc quyền và lạm quyền, làm méo mó sự vận hành cần có của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp ít vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại nhận nhiều đặc quyền đặc lợi, gây bất công và kìm hãm sự phát triển của khối tư nhân).
Giải quyết các khó khăn về đối ngoại của Trung Quốc còn triền miên. Các nước bé xích lại gần Mỹ và họ có nhiểu hiệp ước hỗ trợ trao đổi thông tin nhằm “kiềm chế” sự hung hăng của Trung Quốc. Việc này cho thấy Trung Quốc cũng là anh khổng lồ - có nhiều tham vọng bành trướng - nhưng còn nhiều chỗ yếu. Có vẻ anh khổng lồ này vẫn còn đứng trên đôi chân… đất sét./.
Nguồn:diendantheky.net