Cuộc sống quanh ta

Tôi muốn viết “dặm tang” cho bất cứ ai khi lìa cõi trần

PV: Nghệ An đang chuẩn bị Liên hoan dân ca ví giặm xứ Nghệ với quy mô khá lớn, có mời cả Hà Tĩnh tham gia. Là người nghiên cứu và giảng dạy văn hóa dân gian, lại có quê ở Nghệ - Tĩnh ông nghĩ gì về cuộc liên hoan sắp tới?

Nguyễn Hùng Vĩ (NHV): Là người cùng hội cùng thuyền, lại là người Nghệ - Tĩnh, không tin nào vui hơn tin này. Chúng ta đã cố gắng nhiều trong việc sưu tầm, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, xuất bản ấn phẩm suốt gần 60 năm qua.

Tuy nhiên, vẫn có cái gì đó chưa được như mong đợi, kỳ vọng. Hình như mọi người vẫn cảm thấy nợ ông bà tổ tiên một điều gì đó. Đây là một đợt tập hợp lực lượng, tổng soát vốn, khởi phát phong trào để dân ca xứ Nghệ đậm đà, đậm đà hơn nữa, sắc sảo, sắc sảo hơn nữa.

PV: Quy chế của Ban tổ chức liên hoan đề ra là các chương trình tham gia liên hoan phải có 70% tiết mục là dân ca cổ. Văn hóa dân gian nói chung, âm nhạc dân gian, dân ca luôn được sản sinh và tồn tại trong đời sống cộng đồng. Vậy theo anh nên lấy tiêu chí nào để xác định là dân ca cổ, đâu là dân ca mới? Tỷ lệ như vậy đã ổn chưa?

NHV: Theo tôi ta tạm quy ước với nhau  rằng, bài bản cổ là những bài đã hát trước 1945, bài bản cải biên thì phong phú lắm: đặt lời mới, bẻ làn mới, diễn xướng pha, sáng tạo điệu... trên chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh và cả các dân ca khác được hát kiểu Nghệ v.v... từ 1955 đến nay. Còn việc chia ra bao nhiêu phần trăm thì vào thực tế tổ chức mới rút ra được. Phải có kế hoạch nhưng là kế hoạch “mềm”, lấy cái “hay” làm chính, tất nhiên không bỏ qua cái đúng, cái độc, cái lạ, cái hoàn mĩ. Tạo dựng một phong trào phải nghĩ đến chiều sâu, độ rộng, sức bền của nó, nghĩa là phải dài hơi.

PV: Ông có kinh nghiệm gì về những cuộc liên hoan như thế này?

NHV: Tôi chả có kinh nghiệm gì cả. Kinh nghiệm là của những người lăn lộn với phong trào, với dân với nước qua lao động hòa bình, qua chiến tranh chống Mĩ, qua thời hậu chiến cam go, mình học cho kĩ họ sẽ tạo ra kinh nghiệm. Có điều là, tôi tưởng tượng nó phải phong phú và đa dạng lắm. Ví dụ như: Liên hoan theo đề tài, liên hoan theo lứa tuổi hoặc đối tượng, liên hoan theo thể loại, liên hoan tự biên tự diễn, liên hoan độc tấu nhạc cụ, liên hoan tiểu phẩm sân khấu, liên hoan ca kịch dân nhạc, liên hoan ca khúc thanh nhạc âm hưởng dân ca... Tôi sướng nhất là tấu dặm hài, làm cái này được nhân dân hưởng ứng ngay, đề tài mênh mông: rượu chè, cờ bạc, đề đóm, lừa gạt, hụi họ, trưởng giả, ngốc nghếch, sĩ diện, cưới xin, ma chay, xa hoa, lãng phí, bồ bịch, sợ vợ, trốn vợ, tham ăn, mê tín, dị đoan, nhẹ dạ, cả tin, gạt trên, lừa dưới, phản bạn, dối thầy, khoác lác, chạy chọt, tứ đốm, tam khoanh, nịnh nọt, mẹo vặt, nham hiểm, học đòi... Cái rất mạnh, rất sắc của vè, của ví, của giặm sao mà không khuyến khích. Nhân dân thừa sức kể ra. Chỉ chuyện các cái mẹo trốn vợ đi bù khú bạn bè đã hát cả ngày không hết. Có lẽ phải bắt đầu từ đó. Nếu phát động, có lẽ 9 tập “Kho tàng vè dân gian xứ Nghệ” in không kịp mà bán. Người ta mua vì ôn cố để mà cách tân. Chọn làm một cái thật tốt, thật vang sẽ tạo đà cho các cái khác. Làm bài bản quá, hoành tráng quá người ta ngợp. Với dân, đơn giản là lấy đâu ra tiền mà theo, như ngày xưa còn được công điểm HTX.

PV: Để dân ca Nghệ Tĩnh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thì theo ông, nên như thế nào?

NHV: Nghĩ đến điều đó là đúng đắn và cần thiết. Nhưng theo tôi, nghĩ đến con người trước đã. Dành tiền đề án (nếu có) đi thắp hương viếng o Nhẫn, cụ Nguyễn Hữu Thung, cụ Nguyễn Trung Phong, cụ Võ Tiến Đang, nhạc sĩ Vi Phong, cụ Ba Duy... Dành tiền thăm hỏi những người có công với dân ca khi họ trắc trở trong cuộc sống cái đã. Sau đó, làm cho phong trào lan rộng trong đương đại. “Quyền được hát” của các ông các bà, các mẹ, các chị, các anh, các em mới là tối cao. Còn UNESCO họ ăn lương nhân loại, thuế của tôi và bạn, họ có trách nhiệm phải công nhận, giữ gìn bản sắc văn hóa cho bất cứ một cư dân nào trên trái đất. Đến một con vật sắp tuyệt chủng họ còn cho vào sách đỏ nữa là một giá trị tinh thần của hàng triệu người. Ta giúp họ tận tình nhưng không ngửa tay xin hoặc mẹo mực để xin. Hình như làm đề án di sản ở nước ta đã sắp sửa thành “nghề”.

PV: Là người có sáng tác, là người đã viết những bài “quan họ cổ”, ông sẽ viết gì cho dân ca Nghệ Tĩnh?

NHV: Sức mọn tài hèn, chỉ muốn thôi. Nhưng oái oăm. Tôi muốn viết “dặm tang” cho bất cứ ai khi lìa cõi trần. Mỗi một sinh linh khi đã nằm kia, phải được nghe những lời tôn vinh xứng đáng vì riêng việc người ta sống trong cuộc đời đã là kì diệu. Tôi về Thanh Chương, nghe những lời ai điếu tụng lên bằng thơ năm chữ theo kiểu giặm, người nổi hết gai ốc. Thảo nào siêu việt như cụ Nguyễn Du mà viết “Văn tế thập loại chúng sinh”. Càng ngẫm càng sợ.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc gặp vội vàng này.

                      THẢO NGUYÊN (thực hiện)


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569991

Hôm nay

227

Hôm qua

2367

Tuần này

22374

Tháng này

228515

Tháng qua

129483

Tất cả

114569991