Diễn đàn

Báo động về đời sống văn hóa nông thôn

Không thể phủ nhận sự vận động phát triển của nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An  nói riêng trong nhiều thập kỷ qua đặc biệt từ khi thực hiện công cuộc đổi mới lại nay. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, Nghệ An cơ bản đảm bảo lương thực cho hơn ba triệu dân. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi khác theo hướng tiến bộ, văn minh. Nông dân có nhiều điều kiện tiếp cận với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tri thức để làm chủ cuộc sống. Trong hơn hai mươi năm qua, người nông dân Việt Nam vẫn là điểm tựa cho sự phát triển của đất nước. Nếu từ năm 1990, người nông dân không làm dư ra hàng triệu tấn gạo mỗi năm để xuất khẩu thì tài lực và vị thế đất nước chưa hẳn đã được như ngày nay.

Thế nhưng nông dân vẫn cơ bản là những người vất vả, thiệt thòi nhất trong xã hội. Và nông thôn Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề bức xúc, nóng bỏng nhất. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tính đến thời điểm năm 2011, cả nước chỉ còn hơn 9 triệu ha, trong đó có khoảng 4 triệu ha là đất trồng lúa. Trung bình mỗi năm từ 1996 - 2010 có khoảng 70.000 ha đất nông nghiệp bị lấy để xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp. Vì vậy, đất nông nghiệp tính bình quân đầu người đã bị giảm xuống còn 900m2, trong đó đất trồng lúa chỉ còn 465m2. Khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng xã hội, xung đột xã hội ngày càng gia tăng (Theo một số chuyên gia thì độ chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn hiện nay là khoảng 10 lần); Tình trạng thiếu việc làm ngày càng trầm trọng: Di dân tự phát; Dân trí và quan trí vẫn còn ở tình trạng thấp; Năng lực quản lý xã hội, kết cấu hạ tầng thấp kém; Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe yếu kém; Môi trường bị ô nhiễm và suy thoái ở mức báo động. Đó là những biểu hiện đồng thời là nguyên nhân của tình trạng sa sút, tiêu cực, xuống cấp của đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn, của nông dân.

Điều đáng báo động nhất là do tình trạng đô thị hóa quá nóng và mức độ giao lưu văn hóa, trực tiếp và gián tiếp, ngày càng quyết liệt nên văn hóa nông thôn, văn hóa của người nông dân đã bị các yếu tố văn hoá khác lạ, mới, ngoại lai và không ngoại lai, xâm thực. Dân trí và quan trí còn thấp nên chưa đủ nhạy bén để phân biệt, chọn lọc và tiếp nhận trong quá trình giao lưu ồ ạt hiện nay. Trọng tiền và trọng chức thay cho trọng tước, trọng xỉ. Một bộ phận không ít cán bộ lãnh đạo quản lý ở nông thôn biến chất trở thành cường hào mới làm cho tính tích cực của dân chủ làng xã bị thủ tiêu, tinh thần dân chủ mới không được thực thi, một lối quản lý theo cường quyền được dựng lên. Tâm lý, tinh thần nông dân và đời sống văn hóa nông thôn ở nhiều nơi bị ức chế làm cho sự vận động bị đình trệ, luẩn quẩn.

Hệ lụy của tình trạng này là làm cho đời sống văn hóa ở nhiều miền quê có nhiều biểu hiện biến dạng, thậm chí méo mó, lệch chuẩn. Quan niệm giá trị của kinh tế thị trường đã xô lệch quan niệm giá trị truyền thống, làm rạn nứt kết cấu văn hóa làng và tâm thức văn hóa của người nông dân. Luỹ tre làng được và bị mở tung để cho đồng tiền lên ngôi trong các quan hệ họ hàng, làng xã.  Đời sống văn hóa vật chất đổi thay là hiển nhiên nhưng sự biến dạng văn hóa tinh thần, tâm linh là điều đáng lo ngại của nông thôn, nông dân hiện nay. Sinh hoạt văn nghệ cộng đồng cơ bản là chiếu lệ, hình thức. Chùa chiền, miếu mạo được trùng tu nhưng dị đoan, mù quáng ngày càng nhiều. Lễ hội được phục hồi nhưng không ít tẻ nhạt và lộn xộn bởi cách quản lý, điều hành giáo điều, rập khuôn, kém cỏi. Các thói quen nửa quê nửa tỉnh hình thành trong sinh hoạt làng xã thay cho các mỹ tục, tập quán. Quan niệm và thực hành đạo đức của một bộ phận cư dân nông thôn, nhất là lớp trẻ chuyển biến theo hướng tiêu cực. Tình nghĩa họ hàng, làng xã ngày càng phai nhạt. Bạo hành gia đình, bạo lực xã hội ngày càng nhiều.

Cổng làng phải mở bung ra trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa hiện nay là không thể cưỡng lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là văn hóa nông thôn, đời sống văn hóa của người nông dân cũng phải cáo chung cùng với một phần đất đai của họ. Truyền thống và bản sắc văn hóa các cộng đồng không phải luôn luôn tỷ lệ thuận với sự vận động về tính chất và trình độ nền kinh tế của họ. Tại sao các nước kinh tế phát triển nhất thế giới, mức độ đô thị hóa nhất thế giới  đồng thời là những nước bảo tồn tốt nhất bản sắc văn hóa của họ? Nhất định đó là do trí khôn và bản lĩnh chính trị - văn hóa của chính họ.

Đất nước ta vẫn còn hơn 70% nông dân. Dù có giao lưu sâu rộng hơn nữa, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn nữa thì căn cốt văn hóa Việt Nam vẫn phải trụ trên nền móng nông thôn, nông dân. Bởi vậy, một nhận thức đầy đủ, chính xác, khách quan hơn, một tinh thần trách nhiệm cao hơn, một cách lãnh đạo, quản lý thông minh, phù hợp hơn đối với văn hóa nông thôn, nông dân là điều cần thiết với các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý ở tất cả các cấp.

                                                                                      


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511810

Hôm nay

2136

Hôm qua

2337

Tuần này

22184

Tháng này

218683

Tháng qua

121356

Tất cả

114511810