Ai sẽ là người bị chất vấn (NBCV) xứng đáng trước QH kỳ này? Nền tảng học vấn, kiến thức, kinh nghiệm, chức vụ và quyền hạn và trách nhiệm của NBCV ra sao?
Vấn đề được nêu trước QH có phạm vi ảnh hưởng sâu và rộng lớn ra sao về không gian, thời gian, phạm vi điều chỉnh, số lượng người dân chịu ảnh hưởng trong Quốc gia?
Cách thức đặt câu hỏi và trả lời có phù hợp với thời gian biểu cho phép trước QH? Có chiếm quá nhiều thời lượng và ảnh hưởng đến các vấn đề, chủ đề quan trọng khác của Quốc hội?
Sau khi nhận câu trả lời của NBCV, các đại biểu QH đã thỏa mãn với câu trả lời của NBCV chưa? Tiếp theo sẽ là gì? Làm sao để giải quyết các mâu thuẫn và xung đột giữa các nhóm lợi ích?
Làm thế nào để theo đuổi tới cùng một vấn đề, để đáp ứng nhu cầu của Cử tri gia phó? Cơ chế nào để Đại biểu Quốc hội dám phát biểu, dám theo đuổi tới cùng một vấn đề? Khâu hậu kiểm và đánh giá hậu kiểm cũng như các giải pháp sau đó sẽ như thế nào?
Đánh giá chất lượng câu trả lời của NBCV:
-
Câu trả lời đã đáp ứng các trọng tâm của câu hỏi, khớp với yêu cầu câu hỏi chưa?
-
Câu trả lời có sử dụng các phương pháp luận khoa học, dẫn chứng tiêu biểu rõ ràng, các số liệu hỗ trợ đã có thống kê chính xác, tin cậy?
-
Nếu có các lời hứa của NBCV thì nên có câu hỏi tiếp theo là: thời gian thực hiện, nếu không làm tốt thì vấn đề cam kết bằng cách từ chức, từ nhiệm có đặt ra không?
-
Yêu cầu NBCV nên bày tỏ rõ quan điểm của mình trước một vấn đề phát sinh trong đời sống chính trị - kinh tế -văn hóa - xã hội, ý kiến của NBCV ra sao trước và sau khi vấn đề phát sinh xãy ra?
-
Đánh giá khả năng nhận thức, kiến thức và mức độ hiểu biết về các vấn đề của NBCV ở mức độ sơ lược hay chi tiết, cần đặt thêm nhiều câu hỏi nhỏ hoặc yêu cầu NBCV giải thích rõ thêm ý kiến hay nội dung trình bày của mình.
-
Đánh giá mức độ chân thành, trung thực, tinh thần vì nhân dân phục vụ của NBCV qua thái độ, phong cách, ngoại hình của NBCV. Điều này, cần các đại biểu QH khả năng cảm nhận cuộc sống, kiến thức về nhân học, kinh nghiệm sống và khả năng nhận biết, đánh giá về con người và hành vi con người trong mối tương tác con người – hệ thống, cũng như bối cảnh và môi trường sống hiện tại.
-
So sánh NBCV với các trường hợp tiền lệ tương tự trước đây của các QH trong và ngoài nước, các câu trả lời có dẫn chứng các nghiên cứu khả thi, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu định tính và định lượng, thực tiễn kinh nghiệm được đúc kết trong và ngoài nước, chứng tỏ sự nghiêm túc, cầu thị trong khâu chuẩn bị của NBCV sẽ có đánh giá cao hơn các câu trả lời thiên về cảm tính, chủ quan. Đánh giá khả năng thực hiện thành công phương án giải pháp của NBCV có cao hay không.
Luật lệ hóa hay qui chế hóa các thủ tục chất vấn trước Quốc hội chính là vận dụng các logic của khoa học vào đời sống nghị trường. Nhất là trong bối cảnh các đại biểu Quốc hội nước ta hiện nay là các đại biểu kiêm nhiệm. Họ cũng chính là các quan chức đương nhiệm thì thật sự rất khó làm cách nào để họ có thể dám phát biểu chống lại các quan chức đương nhiệm cấp trên của mình !
Xây dựng nhà nước pháp quyền cần có Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp
Trong toán học cũng như các ngành khoa học khác, chúng ta luôn phải xây dựng các “gốc tọa độ”, “hệ qui chiếu”, hay các cột mốc, chuẩn mực được thống nhất công nhận rộng rãi, mang tính khách quan và khoa học, phù hợp với lương tri con người.
Khoa học pháp luật và xây dựng nhà nước pháp quyền với tinh thần “thượng tôn pháp luật” cũng không nằm ngoài các qui luật khách quan đó. Cần có các nhìn nhận khách quan, khoa học về mỗi bộ luật, từ các “bộ luật nguồn” như Hiến pháp, là chính “lương tri” của nhân loại, luôn hướng về chân – thiện – mỹ, tin tưởng vào lương tri tốt đẹp của con người nhưng phải có “luật” để chế tài các trách nhiệm của con người. Không thể thuần túy kêu gọi lòng tốt và tinh thần trách nhiệm không có giới hạn ở con người.
Đặc biệt là phải chế tài các cá nhân và tổ chức được đất nước giao phó cho các trọng trách quan trọng, nắm giữ các vận mệnh lớn của đất nước.
Hiến pháp và pháp luật còn nhằm luật hóa các hành vi con người trong một cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, các hành vi của con người luôn biến động, các giá trị được nhìn nhận chung của con người cũng luôn được vun đắp, tạo dựng mới, biến đổi liên tục.
Hành vi có thể sai và pháp luật cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng xây dựng và bảo vệ cho đời sống người dân trong mỗi quốc gia. Để tránh tình trạng các điều khoản pháp luật được “vận dụng” có chủ ý để trục lợi cho một số nhóm lợi ích, Tòa án Hiến pháp là để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Đây là vấn đề mới mà chúng ta cần có nghiên cứu thấu đáo để có giải pháp phù hợp với tình hình mới của đất nước. Và đây cũng chính là tư duy dám nhìn nhận rằng con người ai cũng có thể sai, pháp luật cũng có thể sai hoặc chưa phù hợp và làm sao để chúng ta luôn có cơ hội để nhận ra sự thật, tôn trọng sự thật, tôn vinh “lòng trung thực” của cá nhân con người, và dám dấu tranh tới cùng cho công lý để bảo vệ hiến pháp, bảo vệ nhân dân.