Diễn đàn

Xin đừng “nhớ lâu thù dai”!

Về chuyện thực hiện tinh thần tự phê bình và phê bình, lâu nay một số nơi lưu truyền một câu chuyện vui vui, tạm gọi là chuyện “Nhớ lâu thù dai”. Chuyện kể rằng trong đợt kiểm điểm đảng viên cuối năm, có một đồng chí thủ trưởng cơ quan thực hiện phần tự kiểm điểm của mình trước chi bộ với nội dung ngắn gọn như sau:

- Kính thưa các đồng chí đảng viên trong chi bộ, những nội dung tự kiểm điểm tôi đã trình bày đầy đủ trong bản kiểm điểm cá nhân cuối năm, với tinh thần cải cách hành chính, để tiết kiệm thời gian cho chi bộ, tôi không nói lại nữa. Tôi chỉ xin trình bày khái quát rằng bản thân tôi có một ưu điểm nổi bật và một khuyết điểm nổi bật như sau: ưu điểm nổi bật của tôi là nhớ lâu, nhược điểm nổi bật của tôi là thù dai. Vì thế, tôi mong muốn các đồng chí đảng viên trong chi bộ phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, góp ý chân tình cho tôi. Tôi chân thành cảm ơn các đồng chí.

Thế rồi, chẳng hiểu sao sau khi đồng chí thủ trương cơ quan tự phê bình xong, tuyệt không thấy đồng chí đảng viên nào có ý kiến góp ý, phê bình, chỉ ra các khuyết điểm hoặc các biện pháp khắc phục khuyết điểm cho đồng chí thủ trưởng cơ quan. Chỉ có vài ý kiến lác đác nhưng lại là những lời khen, biểu dương không tiếc lời cho đồng chí thủ trưởng cơ quan mà thôi.

Hóa ra là không ai bảo ai nhưng với “trải nghiệm” của mình, của đồng chí mình, các đảng viên trong chi bộ không khó để nhận ra ngôn từ “tự phê bình” của đồng chí thủ trưởng chứa đầy hàm ý, và thông điệp đưa ra cho các đảng viên là cấp dưới đã rất rõ: Ưu điểm của tôi là nhớ lâu nên các đồng chí “góp” gì, “phê” gì thì tôi “hân hạnh” nhớ hết, đừng hòng tôi quên. Khuyết điểm của tôi là thù dai nên các đồng chí “gieo nhân nào” thì tôi sẽ tìm mọi cách để làm cho các đồng chí “gặt quả ấy” dài dài, nhất là mỗi khi liên quan đến chuyện đề bạt, cất nhắc về chức vụ, quyền lợi, công việc, đừng hòng tôi bỏ qua cho…

Câu chuyện trên có thể có thật, có thể không có thật, nhưng nội dung phản ánh và ý nghĩa của nó lại rất sâu sắc và có tính thời sự, đặt ra không ít vấn đề đáng quan tâm. Trong đó có hai vấn đề gợi ra nhiều suy ngẫm: Một là, khi cán bộ lãnh đạo, quản lý không có tinh thần thẳng thắn tiếp thu, không biết quý trọng những ý kiến góp ý, phê bình để sửa chữa và tiến bộ thì đảng viên là cấp dưới sẽ không dám góp ý, phê bình, không dại gì mà “trêu ông chọc rắn”; Hai là, nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý không coi trọng và không gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình, thì việc thực hiện nội dung tự phê bình và  phê bình chỉ là hình thức, mang tính đối phó, tất yếu sẽ dẫn tới việc thủ tiêu phê bình, thủ tiêu đấu tranh. Cả hai vấn đề trên đều là những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực, sức chiến đấu của Đảng.

Trong 4 nhóm giải pháp để thực hiện một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định nhóm giải pháp đầu tiên, thứ nhất là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Nghị quyết yêu cầu lãnh đạo các cấp phải nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế. Nghị quyết cũng hướng dẫn rõ: Trước khi kiểm điểm, cần có hình thức phù hợp lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm.

Như vậy là, muốn lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm một cách nghiêm túc để thực hiện tự phê bình và phê bình có hiệu quả, chắc chắn rằng bất cứ cán bộ, đảng viên nào cũng mong muốn người lãnh đạo, quản lý của mình đừng “nhớ lâu, thù dai”.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511826

Hôm nay

2152

Hôm qua

2337

Tuần này

22200

Tháng này

218699

Tháng qua

121356

Tất cả

114511826