Đất Nghệ

Hát ví

HÁT ví  - Có khi chỉ gọi là ví, là một hệ thống làn điệu tiêu biểu nhất của dân ca Nghệ Tĩnh. Tiêu biểu bởi vì đây là một điệu dân ca phổ biến nhất, nhiều nơi hát nhất, ở khắp các vùng trong xứ Nghệ, từ Hoàng Mai đến Kỳ Anh, từ Hương Sơn, Đức Thọ đến Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, từ Anh Sơn, Đô Lương đến Nam Đàn, Hưng Nguyên, từ Yên Thành, Diễn Châu vào Nghi Xuân - Nghi Lộc. Đây là loại hình dân ca được rất nhiều phường hội tham gia. Những phường lao động như quay xa dệt vải có ví phường vải, phường đò dọc có ví đò đưa, phường nông nghiệp có ví phường cấy, ví đồng ruộng, phường thủ công có ví phường nón, phường võng, phường vàng, phường đi rú có ví trèo non, các cháu mục đồng có ví chăn trâu v.v…

Rồi từng địa phương do địa hình, địa thế khác nhau lại có những điệu ví khác nhau như ví sông Phố ở Hương Sơn, ví đò đưa sông La ở Đức Thọ, ví đò đưa sông Lam ở Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghi Xuân, ở Quỳnh Lưu có ví Hoàng Mai v.v… Ví có thể hát trong lao động, lại có thể hát theo hội hè đình đám. Hát trong lao động thì phóng túng tự do, hát theo hội hè thì cũng theo lề lối như hát chào, hát mời, hát hỏi, hát đố, hát đối, hát xe kết, hát tiễn v.v… Số người tham gia hát ví cũng không gò bó. Một mình với sông nước, với xa quay, ví lên cho vơi nỗi nhớ, cho đằm nỗi thương, cho nguôi nỗi giận:

Thuyền ngược anh đẩy sào xuôi

Khúc sông vắng vẻ có người sầu riêng

Cũng có khi là ví hai người, một nam, một nữ, tìm đến nhau để ướm hỏi ngỏ lòng:

Thiếp gặp chàng như lan gặp chậu

Chàng gặp thiếp như hạc đậu lưng quy

Dặn chàng hai chữ như ri

Nơi mô giàu sang chớ mộ, dẫu có lâm nguy thiếp

vẫn chờ

Hay khi đã gắn bó nặng tình:

Chàng về em chẳng cho về

Em nắm vạt áo em đề câu thơ

Câu thơ mấy chữ rành rành

Chữ trung chữ hiếu chữ tình là ba

Chữ trung giành để phần cha

Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình

Hoặc khi đã sai duyên lỡ hẹn, họ trách móc nhau:

Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở

Anh đến bến đò thì đò đã sang sông

Đến em thì em đã lấy chồng

Em yêu anh như rứa hỏi có mặn nồng lấy chi!

Hoặc thề thốt đinh ninh:

Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta tình nặng nghĩa dày

Dù có xa nhau đi chăng nữa ba vạn sáu ngàn

ngày nỏ xa

Khi có hội bạn, phường bạn nghe tin tìm đến thì cuộc hát ví có thể có rất nhiều người tham gia để thử sức thi tài thâu đêm suốt sáng, hoặc có thể kéo dài mấy ngày mà người trong cuộc quên cả thời gian:

“Chưa chi đông đã rạng ra

Đến giờ chỉ giận con gà chết toi…

Tím gan cho cái sao Mai

Thảo nào vác búa chém trời cũng nên…”

Ví đông người như thế, thường có tổ chức thành phe, thường là phe nam phe nữ, cũng có khi là phe khách phe chủ. Mỗi phe thường có những người có giọng hát thật hay, thật trong trẻo mượt mà có sức vang xa , mỗi phe lại có những người giỏi bắt làn bẻ điệu, có tài đối đáp, đố hỏi, gọi là những “thầy gà” trí tuệ mẫn tiệp, thông kim bác cổ, am hiểu Đông Tây. Ví như câu đố:

Nghe chàng đọc sách Kinh Thi

Cha thầy Mạnh Tử tên chi rứa chàng?

Bên được hỏi lúng túng không trả lời được, đã đáp bừa rằng:

Thầy Mạnh do cụ Mạnh sinh ra

Đù mẹ đứa hát, đù cha đứa bày!

Thầy gà thường là những nhà nho, những văn nhân tài tử, và có cả tầng lớp quan lại tham gia. Trường hợp Nguyễn Du đi hát phường vải ở Trường Lưu, Nguyễn Công Trứ đi hát ở Cổ Đạm, Nho Bích, Phan Bội Châu qua Nam Đàn, Đức Thọ, hay Ấm Kỷ và Cả Canh vào Đan Du .v .v… là khá phổ biến, nhưng nói chung những cuộc hát có lề lối chỉ thường diễn ra khi hội hè lễ tết  xuân thu nhị kỳ, mùa màng bội thu .v.v… còn thì thường là gặp đâu hát đấy, tùy nghi phóng túng, môi trường không cần thiết phải quy củ gò bó. Có khi là giữa chợ bên sông:

Em buôn chi, em bán chi

Mười phiên chợ Thượng em đi cả mười

Hay:Sóng to thuyền nhỏ khó sang

   Thiếp nguyền thiên địa giúp chàng một phen

Có khi là giữa đường, giữa ruộng:

  Nhất cao là núi Hoành Sơn

  Lắm hươu Bàn Độ, to lườn chợ Voi

Hay: Rồi mùa toóc rạ rơm khô

 Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm

Có khi là trong nhà ngoài ngõ:

Thân em như cây khế ở trong chùa

Anh đi qua đi lại thấy của chua cũng thèm

Hay: Đến đây hò hát vui xuân

 Khấu đầu vái lạy trước sân làm gì?

Và:  Đất đâu có đất lạ lùng

  Đứng thì chẳng chịu nằm cùng thì cho

Có khi là trên bến dưới thuyền:

Một chiếc ghe lui, năm bảy chiếc néo giằng

Ta nhất tâm đợi bạn, bạn lại dùng dằng đợi ai…

Hoặc có khi trên động dưới dốc:

Hỡi o cắt cỏ đã về

Cỏ non xanh tót đọt, hỏi có nặng nề chi

lắm không?

Hay: Lên động thì dốc, xuống động thì lài

 Nhọc lòng em em chịu, đừng có thở dài

mà anh thương

Cũng có khi là bên giếng nước gốc đa:

Tưởng giếng sâu anh chắp sợi dây dài

Ai hay giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây.

Có khi là trước hiên nhà ngồi đan hàng tre nứa:

Liệu có tát đặng thì đan

Đừng có gầy ra bỏ đó, thế gian chê cười?

Và:  Tui đây chẳng phải trai hư

Tui đan cũng tài, tát cũng đặng

Lại lận dừ cho coi

Lận thì chận cột hẳn hoi…

Như vậy là hát ví có môi trường diễn xướng đa dạng, đối tượng tham gia hát ví là rất rộng rãi gần như nơi nào có phường hội đều có phường hát ví, kể cả những người không làm nghề gì cũng đi hát, người vô công rồi nghề chỉ đi trọi khướu bẫy cu cũng thích hát:

Quê tui ở Vĩnh Lại

Quán tui ở Da Dù

Một đấu khướu một đấu cu

Một đấu nhạ một đấu bù

Nghe đồn o Nhẫn Đan Du…

Đến với o Nhẫn Đan Du là đến với hát ví, hát đố, hát đối để đọ tài:

Đến đây cân sắc cân tài

So cao Bàn Độ, so dài Hoành Sơn.

Hát ví là thế nào mà hấp dẫn nhiều tầng lớp như thế, mà nghề nào cũng hát, vùng nào cũng hát, mà trẻ già trai gái đều say, đều mê, dù trời mưa trời lụt, dù cha đánh mẹ la, dù thâu đêm suốt sáng, dù thợ cày hay nho sĩ!

Bác Hồ kính yêu của chúng ta từ thủa thiếu thời cũng say sưa “theo phường đi nghe hát” “quần xắn gối đứng đầu sân”, để câu ví một đời theo Người đi làm cách mạng và đến trước lúc đi xa vẫn “đòi nghe câu ví” vì nhớ Làng Sen..

Về tên gọi, hát ví vẫn đang còn nhiều ý kiến gọi khác nhau. Ông Nguyễn Chung Anh trong cuốn “Hát ví Nghệ Tĩnh” nghĩ đến chữ “tỉ” trong Kinh Thi với ý so sánh. Ý ông ví là ví von - Nhạc sĩ Đào Việt Hưng lại cho rằng “ví” là “với”, là quan hệ. Ông dẫn tiếng Nghệ “ví” là “với” “tui ví anh”… Thật ra hát ví vừa có ví von so sánh, cũng vừa nói lên quan hệ bạn phường, quan hệ nam nữ. Ý nghĩa của hát ví không thể định nghĩa theo lối giải nghĩa từng chữ, cũng không thể áp đặt “ví” là “với”, dẫu rằng ở một vài nơi ở Nghệ Tĩnh ta có nói “tui ví anh” nghĩa là tôi với anh.

Hơn ba mươi năm sưu tầm, chúng tôi (tôi và nhạc sỹ Lê Hàm) không thấy ai hát “với là ai ơi” mà chỉ nghe một vài cụ Nghệ nhân  “ví là ai ơi” còn thì họ hát “Hỡi là bạn mình ơi”, “ơ là bạn tình ơi”, “Ơ nghĩa người ơi” hoặc ngắn hơn “người ơi”, “ờ ơ” v.v… Nếu cứ đi vào duy danh định nghĩa thì e rằng “lý” là lý lẽ, “xoan” là “xuân”, còn “lăm”, “khắp”, “xuối”, “nhuôn”, “ghẹo”, “then” .v.v… định nghĩa sao cho hết. Đó là mới nói đến tên gọi của điệu hát, còn tên người, tên làng, tên chợ, tên núi, tên sông v.v… đâu phải tên nào cũng giải thích được bằng ý nghĩa của nó, nhất là ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Cầu Phủ thì có thể giải thích là gần Phủ Thạch Hà, còn cầu Cày không thể nói ở đó bán cày, cầu Sông, cầu Đông, cầu Nại, cầu Sú thì ý nghĩa gì? Và chợ Gôi thì có thể nói là gần bãi Côi, chợ Bè là nơi có bè tre nữa, còn chợ Choi thì sao? Chợ Cầu đâu phải có cầu, chợ Bộng đâu phải họp trong hang, và chợ Thượng thì ở dưới chợ Hạ lại ở trên thì sao? .v.v… Có lẽ không nên bắt buộc phải giải thích theo lối duy danh định nghĩa vừa không thuyết phục, vừa rắc rối mà khiên cưỡng. Cái mà chúng ta cần là nó ra sao? Nó thế nào? Nghĩa là tìm hiểu tính chất, tính năng, điệu thức, tình điệu, tác dụng của nó trong đời sống cộng đồng, cũng đủ làm các nhà nghiên cứu phải tốn giấy mực, cũng đủ khó khăn và gây nhiều tranh cãi lắm rồi!

Theo quan niệm của dân gian thì “ví” là động từ, là chỉ một hoạt động, đó là hoạt động “ví” chứ không phải là liên từ “với” nói trệch đi như một vài vùng xứ Nghệ: Trong câu hát này:

Ví lên ta nhởi ta chơi

Mấy khi đèn hạnh so nơi quyển vàng.

Ví lên, cũng như hò lên, hát lên tức là khởi động một sinh hoạt, đó là động từ, không thể là liên từ như “với”. Ví lên ngoài ý nghĩa là hát lên, còn bao hàm một ý nghĩa thi đua tranh tài, đua trí bằng tiếng hát:

Đồn đây có gái hát tài

Để ta đối địch một vài trống canh

Dẫu thua dẫu được cũng đành

Bõ công đèn sách học hành bấy lâu

Và:  Ví cho nát đám cỏ non

Điếu kia long nỏ kêu tròn như vo

Ví cho nước Hán sang Hồ

Nước Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào

Ví cho nổi sóng ba đào

Một trăm cuộn chỉ lọt vào trôn kim

Ví cho như thế thì không thể là “với” được! Cũng có ý kiến cho rằng “ví” là hát vói, nghĩa là giữa người hát và người nghe có khoảng cách như trong nhà ngoài ngõ, trên bến dưới thuyền, phải “vói” sang, “vói” ra mới nghe rõ. Ý kiến này cũng chưa thỏa đáng. Hát nào mà không có khoảng cách. Ví đã thế, hát cũng thế, hò cũng thế, và sắc bùa, hát xẩm cũng có khoảng cách. Có bao giờ ghé lại bên tai mà hát đâu? Ngay hát ru là hát bên cánh võng tao nôi, cũng chỉ hát vừa phải thôi, và đâu phải chỉ hát cho con nghe, cho em nghe, còn hát cho cha mẹ, chồng và cả người tình nữa chứ!

Còn xuất xứ của hát ví? Nếu như ca trù có nhiều nơi như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Tây, Hà Nội v.v… thì hát ví chỉ có ở Nghệ Tĩnh, nhưng từ đâu thì không thể khẳng định. Nhưng làng bên sông Phố, những vùng dọc sông La, sông Lam, và cả sông Giăng, sông Ngàn Sâu, sông Hoàng Mai đều có hát ví đò đưa, những làng Sen Nam Đàn, chợ Rạng Thanh Chương, chợ Lường, chợ Lạng Đô Lương, Anh Sơn; Thịnh Xá Hương Sơn; Châu Phong, Yên Hồ Đức Thọ; Trường Lưu Can Lộc; Voi, Kỳ Anh; vùng nào cũng có hát ví phường vải. Phường buôn bộ thì tranh thủ đến từ chập tối, hát ví đến sớm mai mới họp chợ, phường buôn thuyền thì cho thuyền sóng đôi, cách nhau một quãng, gần quá thì hơi trơ, xa quá thì khó nghe, khó giãi bày, phải có khoảng cách nhất định thì hát mới đằm, mới sướng. Còn phường vải, khi có bạn xa đến thì hát trong nhà ngoài ngõ, khi không có khách thì mấy người  trong xóm đem xa vào một cái sân rộng, chia đôi ra mà hát cho đỡ nhớ, đỡ buồn. Phường gặt phường cấy lại hát ngoài ruộng, vì lao động vất vả nên chẳng mấy khi hát lề lối mà chỉ hát đối hát đố hát để bày tỏ nỗi lòng. Có thể nói gần như vùng nào ở Nghệ Tĩnh cũng có hát ví, làng nào cũng có người hát hay, ứng tác giỏi. Nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh cho rằng có lẽ ví đò đưa có sớm nhất, và vùng sông Lam, Đô Lương là nơi có nhiều người hát nhất. Ý kiến đó cũng dễ thuyết phục vì sông Lam là con sông có nhiều thuyền bè lên xuống các chợ Cồn, chợ Rạng, chợ Lạng, chợ Lường. Sông vừa sâu vừa rộng, chợ lắm họ lắm hàng, những câu ví như:

Muốn ăn khoai sọ chấm đường

Thì trốn cha trốn mẹ ngược Lường với anh…

Làm chúng ta liên tưởng đến câu ca dao:

Thương anh em cũng muốn theo

Em sợ anh nghèo, anh bán em đi…

Đây có thể là một câu ví khá cổ, và gái chợ Lường xưa vốn nổi tiếng hát hay, buôn bán chẳng phải tay vừa:

Gái này là gái Đô Lương

Gái đo vải tấm, gái lường vải con

Gái này là gái chẳng non

Sáng luồn chợ Lạng, chiều buôn chợ Dừa

Không phải vô cớ mà có câu hát rằng:

“Vì thương anh nên em bàn với mẹ

Phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường…”

Sông dài, bến rộng, dòng sâu, lắm chợ, lắm thuyền xuôi ngược, đông người qua lại bán buôn, lắm người hát hay, hay hát. Một dải đôi bờ sông Lam có thể là cái nôi của hát ví. Mãi đến gần đây vẫn còn có cụ Trần Phương ở Hiến Sơn, cụ Nguyễn Văn Yêm ở Đức Sơn đàn ngọt hát hay nổi tiếng, tuổi 80 vẫn đoạt Huy chương Vàng ở hội diễn dân ca toàn quốc tại Bắc Ninh năm 1985 cùng với bà Hà Thị Cầu ở Ninh Bình, ông Trần Đức Duy ở Hà Tĩnh. Những năm trước đây, khi còn chung Nghệ Tĩnh, mỗi lần hội diễn dân ca thì đội VNQC Đô Lương vẫn là một đội mạnh, có nhiều diễn viên hát hay, nhiều người viết lời cho những tiết mục đặc sắc.

Những địa phương có nhiều người hát hay, nhiều người bẻ chuyện giỏi cũng chưa thể chứng minh được rằng đó là quê hương của hát ví.

Phát biểu tại Liên hoan dân ca tại Hà Bắc 1985, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo cho rằng quê hương điệu hát văn vốn ở Bắc Ninh nhưng lại phổ biến ở Nam Hà, người Nam Hà hát nhiều nên người ta lầm tưởng. Như vậy để xác định xuất xứ của hát ví, có lẽ còn cần nhiều cứ liệu mới có thể khẳng định được, nhất là cứ liệu bằng văn bản thư tịch cổ hẳn hoi hoặc những bằng chứng về di chỉ khảo cổ chẳng hạn, mới có sức thuyết phục. Còn việc Đô Lương nhận là ví của Đô Lương thì cũng như Nam Đàn, Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh nhận ví của họ. Thiết nghĩ tranh luận, tranh chấp cũng chẳng ích gì; Cứ để cho những nơi đó tự hào vì có vốn văn hóa dân gian đặc sắc này lại càng thêm vui, càng thêm có ích cho việc gìn giữ và phát triển nó.

Còn thời điểm câu ví ra đời lại càng khó khẳng định. Nhạc sĩ Đào Việt Hưng trong tập “Hát ví Nghệ Tĩnh” cho rằng “hát ví không thể hình thành trước sự hoàn chỉnh của thể thơ lục bát”.

Chúng ta đã biết rằng văn chương truyền miệng có trước văn chương bác học, văn chương văn tự, còn nghệ thuật dân gian còn có thể xuất hiện trước nữa. Như người thượng cổ, chưa có ngôn ngữ để trao đổi giao tiếp mà đã có nhảy múa, được ghi lại trên các vách đá trong các hang động, mô phỏng các hình tượng nhảy múa bên đống lửa, mô phỏng các cuộc săn bắt. Và khi có tiếng nói thì trong các điệu nhảy múa ấy có thêm tiếng hú, có tiếng gõ vào các vật phát ra âm thanh đơn giản, dần dà có mõ, trống, cồng chiêng, dần dà hình thành nhạc cụ và tất yếu bên cạnh nhạc cụ, tiếng hát sẽ cất lên khi ngôn ngữ ra đời. Như vậy là văn chương truyền miệng mang tính dân gian không đợi văn chương văn tự, văn chương “bác học” hoàn chỉnh rồi mới “hình thành”. Nếu nói rằng vì hát ví có ca từ như thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, song thất lục bát mà suy ra rằng hát ví ra đời sau thể thơ lục bát, vậy thì ca dao cũng có thể thơ lục bát và lục bát biến thể. Có thể nói rằng ca dao “không thể hình thành trước thơ lục bát” không? Có phải đợi đến thời Quang Trung, thời kỳ “hoàn chỉnh thơ lục bát” thì ca dao mới hình thành không? Giáo sư Vũ Ngọc Phan trong công trình “Tục ngữ ca dao và dân ca Việt Nam” đã dẫn câu ca dao:

Thương anh em cũng muốn theo

Em sợ anh nghèo anh bán em đi

Lấy anh em biết ăn gì?

Lộc sắn thì chát, lộc si thì già

Lấy anh không cửa không nhà

Không cha không mẹ biết là cậy ai

Để minh chứng rằng câu ca dao này ở vào thời kỳ cổ sơ, người ta còn phải ăn lộc sắn, lộc si, khi nghèo còn có thể bán vợ đi. Câu ca dao này chắc chắn có trước thời kỳ Quang Trung, thời kỳ “hoàn chỉnh thơ lục bát”.

Gần với câu ca dao trên là câu ví:

Muốn ăn khoai sọ chấm đường

Thì trốn cha trốn mẹ ngược Lường với anh

Hay: Nghèo thì rau má rau mưng

   Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng

Và:  Thôi thôi từ giã bạn vàng

  Cá lui về sông Vịnh, chim ngược ngàn tìm đôi

Không thể nói là có sau thơ lục bát, lại càng không thể nói sau thời Quang Trung!

Thơ lục bát là thể thơ phát triển rộng rãi ở Việt Nam. Có ca dao dân ca tức là có thơ lục bát và các loại thơ khác như ngũ ngôn chẳng hạn. Thời kỳ mà việc làm ăn rất khốn khó, dân xứ Nghệ phải vật lộn với trời đất, với đời để tồn tại và rất lạc quan:

Tháng một tháng hai, tháng ba tháng bốn

Tháng khốn tháng nạn, đi vay đi mạn,

Được một quan tiền, ra chợ Kẻ Triêng

Mua một con gà mái,

Về hắn đẻ được mười trứng

Một trứng ung, hai trứng ung

Ba bốn năm sáu bảy trứng ung

Còn ba trứng nữa, hắn nở được ba con

Con diều tha, con quạ bắt, con mặt cắt lôi

Đừng than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.

Tất nhiên chúng ta không thể căn cứ vào thể thơ để mà định niên đại, nếu nội dung câu thơ không nói rõ thời gian mà nó ra đời. […]

Lại có ý kiến cho rằng hát ví đã “có sau hát dặm, hát ru và hò”(1) với cách chứng minh là bớt vế trên một chữ, thêm vế dưới hai chữ thì khung câu ví này đã thành khung giai điệu hát giặm. Nếu chúng ta theo cách này cũng nói rằng từ tám câu hát ví, ta thêm câu sáu 1 chữ, bớt câu tám 1 chữ thì thành khung của một bài thơ Đường và từ đó nói rằng hát ví hình thành từ thơ Đường và kết luận rằng hát ví có từ thời Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị v.v… e rằng như thế là võ đoán. Chỉ nên nói rằng hát ví, dân ca ca dao và thơ lục bát có quan hệ gắn bó với nhau; dân ca làm phong phú thêm nhiều câu thơ lục bát và những câu thơ lục bát hay cũng được nhân dân dùng làm các câu hát dân ca, còn quan hệ trước sau thì chúng tôi không dám vội kết luận.

*

*    *

Hát ví, thật ra là một hệ thống làn điệu mà các nhà nghiên cứu dùng thuật ngữ “họ”. Họ ví, họ giặm v.v…  khi đã gọi là  họ, có nghĩa là không phải một mà đã là số nhiều, họ ví bao gồm các điệu ví, họ giặm bao gồm các điệu giặm, thuật ngữ “họ” vừa nói lên cái giống nhau: chung một họ, và cũng nói lên cái khác nhau, những thành tố riêng trong cái đại đồng, chung một họ nhưng khác nhà, khác tên, chung một họ là chung tổ, chung chi v.v… Cũng có người không gọi là “họ” mà gọi là “thể”.

Thể hát ví, thể hát giặm v.v… nhưng chúng tôi không muốn gọi “thể”, bởi vì trong hội nghị khoa học về dân ca Nghệ Tĩnh đã có nhiều ý kiến thống nhất rằng “Vè là thể loại, dặm là làn điệu”. Tất nhiên tên gọi là do con người đặt ra, gọi mãi thành tên!

Họ ví có nhiều làn điệu, có thể kể ra các điệu ví sau đây: Ví phường vải, ví đò đưa, ví chăn trâu, ví trèo non, ví phường cấy v.v… ví phường vải còn có những khác nhau như ví phường vải Can Lộc, Thạch Hà khác ví phường vải Nam Đàn, mà khác hẳn chứ không phải là hơi khác (2). Rồi ví  đò đưa còn có “ví đò đưa sông La”, ví đò đưa sông Lam, ví đò đưa xuôi dòng, ví đò đưa nước ngược .v.v… Ví trèo non Diễn Châu khác xa ví trèo non Hà Tĩnh, ví phường cấy Đức Thọ khác ví đồng ruộng Nam Đàn.

Tham luận tại Hội thảo khoa học về dân ca Nghệ Tĩnh tổ chức tại thành phố Vinh năm 1980, giáo sư Ninh Viết Giao, người có công sưu tầm giới thiệu văn học hát ví nhận xét rằng: Ví chỉ có một làn điệu với nhiều lời ca khác nhau. Hát khi đi đò thì gọi là ví đò đưa, hát khi quay xa dệt cửi thì gọi là ví phường vải, hát khi đi củi đi cỏ thì gọi là ví trèo non. Quả thật, nếu không có bản lĩnh âm nhạc cần thiết thì người nghe có cảm giác ví nào cũng na ná giống nhau. Cái na ná giống nhau đó chính vì cùng chung một họ. Các nhà nghiên cứu về hát quan họ như Hồng Thao, Đặng Văn Lung và Trần Minh nói rằng quan họ có hơn 300 làn điệu: Năm 1985 chúng tôi về Hà Bắc nghe hát quan họ, mấy ngày, đem máy ghi âm ghi hàng chục cuốn băng cassette, về mở lại cùng nghe với ý thức của nhạc sĩ nghiên cứu mà cũng khó phân biệt các điệu, ngoại trừ mấy bài quen thuộc “Cây trúc xinh, ngồi tựa mạn thuyền, lý cây đa, xe chỉ luồn kim v.v…”. Còn thì cũng na ná giống nhau, nhưng người quan họ thì họ thông thạo lắm. Đúng là con một nhà, nhất là con sinh đôi thì đôi khi người ngoài không phân biệt được. Người ta nói giống nhau như hai giọt nước mà! Nhưng giống nhau mấy thì giống, người trong nhà vẫn nhận ra đâu là chị đâu là em. Có lầm chăng chỉ là người ngoài thôi! Hãy xem thang âm và điệu thức của ví sông Phố:

Cả câu ví chỉ có 3 âm la - mi - do các quãng la mị - mị la (quãng 4 đúng) và quãng la do - do la (quãng 3 thứ). Hai quãng này thay nhau cả câu ví. Đây là điệu ví đơn giản nhất, giống như điệu ví chăn trâu sưu tầm được ở Hương Sơn và Diễn Châu. Lạ thay 2 điệu ví cùng có 3 âm, cùng có cấu tạo quãng 3 thứ, 4 đúng y hệt như nhau mà tính chất lại hoàn toàn khác nhau: ví sông Phố da diết trữ tình, ví chăn trâu lại nhí nhảnh tươi vui. Sự khác nhau đó là do tiết tấu, nhịp điệu và yếu tố quan trọng nhất là “tình điệu”  mà chúng ta sẽ xét đến vào một dịp khác.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441587

Hôm nay

2304

Hôm qua

2283

Tuần này

21491

Tháng này

216761

Tháng qua

112676

Tất cả

114441587