Đất Nghệ

Ví phường cấy

Ví phường cấy còn gọi là ví đồng ruộng là điệu ví hát ở đồng ruộng. Trong công việc của nhà nông như cày, cấy, gặt thì cấy là công việc thuận lợi với hát ví hơn cả. Cày bừa thì chỉ có một mình với trâu với ruộng, chỉ có đi cấy và đi gặt là tập trung đông người vào một thửa ruộng, mỗi người một lối gần nhau, công việc tuy vất vả nhưng lại tương đối nhẹ nhàng nên có điều kiện giao lưu, có điều kiện để hát, để nghe nên người ta có thể hát ví cùng nhau. Vả lại cấy cũng như gặt là công việc có nhiều niềm vui, có nhiều hy vọng.

 Môi trường ấy thuận lợi cho hát ví. Khác với ví phường vải thường có các nhà nho tham gia ví phường cấy “thuần nông” hơn, thường chỉ là người thợ cấy, thợ gặt vào vụ vào kỳ cấy rộ hoặc Phường cấy thì phụ nữ đông hơn, còn phường gặt thì có cả nam lẫn nữ nhưng những công việc như bó lượm phần lớn là của đàn ông vì nặng nhọc vất vả. Gọi là phường nhưng do tính chất công việc nên chỉ nhất thời. Có người thuê thì tập hợp nhau từ nhiều nơi lại, những người cấy gặt thuê mang hái, liềm đòn xóc đi các làng, các cánh đồng, ai cần thuê thì làm, nhiều việc thì ở lâu, xong việc thì đi làng khác, đồng khác, cho nên dù có thương nhau thì cũng khó gặp lại:

Rồi mùa toóc rã rơm khô

Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm.

Cái sự giao duyên, hỏi đáp nhau cũng ngắn ngủi và rất thực tế, rất gọn, lượng thông tin cô đọng.

Trăng lên có chiếc sao chầu

Hỏi thăm đào liễu đã ăn trầu ai chưa?

- Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Các câu đố cũng gần gũi với công việc nhà nông:

Đến đây hỏi thật thợ cày

Một trăm mẫu ruộng mấy công cày bừa?

- Nhà nông đêm nghỉ ngày làm

Một trăm mẫu ruộng, một ngàn ngày công

Cũng có khi họ hát những câu nghịch ngợm:

Nghe tin anh hay hát hay hò

Đố anh đếm được cổ cò mấy lông?

- Em về đếm cá dưới sông

Thì anh sẽ đếm được lông cổ cò.

Hay: Nghe tin anh đối đáp tài tình

Con cá rô mấy vảy, con cá Kình mấy xương?

- Em về đếm mạ trửa nương

Thì anh sẽ đếm được xương con cá Kình

Đối đáp trong ví phường cấy hay ví đồng ruộng nói chung không nhiều và không dài như ở ví phường vải, nên tính chất cũng thuần phác hơn, ít bắt bẻ, ít dùng điển tích và đặc biệt không có sự tham gia của các nhà nho nên cũng ít  có thầy gà và cũng do đó không có “lề lối”.

Ở hai bản phổ chúng tôi ghi âm ở Hà Tĩnh và Nghệ An, về mặt giai điệu âm nhạc ta thấy ví phường cấy có giai điệu giống như ví đò đưa sông La gồm những quãng ré mí treo lơ lửng làm điểm tựa cho giai điệu, nghe lâng lâng, day dứt, chưa thỏa mãn, chưa kết thúc.

Người ơi! Mời bạn vô nhà hút thuốc nghỉ chân

Cau dần trù trại cửa nhà mình nỏ có chi

Một ngày là nghĩa lương tri

Nước chè trâm thấp thoảng chợ không đi vì mùa

Ta để ý đến câu hát Người ơi! Ví đò đưa sông La cũng mở đầu bằng người ơi! Nhưng ngân dài ở nốt mí – ré – mí. Còn ở ví phường cấy chữ ơi sau khi ở độ cao nốt mí lại luyến xuống nốt ré: ré – mí – ré: nốt luyến xuống ré này toát lên sự mệt nhọc vất vả, như một tiếng thở dài, khác với nốt mí ngân thẳng của ví đò đưa sông La tạo ra cái mênh mông, thanh thoát, thể hiện một tình cảm nồng nàn da diết hơn. Môi trường, hoàn cảnh, hình thức lao động thể hiện rõ trong giai điệu của hai điệu ví, mà mới nghe qua sẽ tưởng rằng giống nhau nhưng lại khác nhau rất rõ.

Còn điệu ví đồng ruộng lại có phần giống ví đò đưa sông Lam. Giống ở quãng cơ bản là quãng ba thứ la – do, nhưng ở ví đồng ruộng, trước khi về do giai điệu được thêu lên ré – mí – ré. Ở điệu này cũng có đủ 5 âm: Sol – la – do – ré – mí nhưng nếu như ở ví đò đưa sông Lam nốt sol chỉ như thêm vào làm chỗ dựa thì nốt sol ở ví đồng ruộng lại đóng vai trò chính và trở về âm chủ là một cách hoàn chỉnh.

Ơ là bạn tình ơi! Trong câu hát mở đầu này đã có đủ 5 âm do – la – sol – ré – mí. Do là sol la ré mí ré do, trong giai điệu của câu mở đầu này đã thể hiện tình cảm của người thợ cấy với một phong cách mộc mạc, bình dị chân chất như hạt lúa củ khoai, vừa sâu nặng nghĩa tình vừa keo sơn gắn bó, vừa thật thà như đếm và nội dung câu ví cũng thủy chung như nhất, đinh ninh như ba lời thề thốt.

Một lời thề không duyên thì nợ

Hai lời thề không vợ thì chồng

Ba lời thề khơi núi ngăn sông

Em quyết theo anh cho trọn đạo

Kẻo luống công anh đợi chờ.

Nếu như ví đò đưa là mênh mang tha thiết, ví phường vải là ấm áp nghĩa tình thì ví phường cấy là chân thành chung thủy. Những đặc tính ấy không chỉ thể hiện ở lời ca mà càng rõ ràng ở giai điệu. Nghe là hiểu, nghe là nhận ra bởi sự đồng điệu từ ca đến âm nhạc, nhưng rõ nhất vẫn là âm nhạc mà người xưa gọi là “giọng”. Thuật ngữ “giọng” vừa nói lên cái “điệu” vừa nói lên cái “tâm” lại vừa nói lên cái “tình”. Cụ Nguyễn Chung Anh trong cuốn hát ví Nghệ Tĩnh có nhận xét: Giọng ngoài Bắc ấm áp khêu gợi, giọng trong Nam thì êm ả xa xôi còn giọng Nghệ Tĩnh thì man mác thiết tha. Nhận xét như vậy là có tình có lý, nhưng đó là nhận xét chung. Cái tài tình của hát ví còn ở chỗ thâm sâu hơn, biến hóa hơn. Tùy cảnh, tùy tình, tùy người, tùy mưa nắng, ngày đêm, tùy núi đồi, sống nước, ruộng đồng, chợ mạc mà tính chất của câu ví thay đổi uyển chuyển, mà nhanh chậm cao thấp khác nhau; từ đó “tình điệu” của từng câu ví  cũng khác nhau. Người am hiểu chưa sâu đứng ngoài nghe, đứng ngoài nhìn từ một phía sẽ có những nhận xét thiên lệch giống như ta nhìn lên trời cao, vào những thời gian khác nhau ở vị trí khác nhau sẽ thất trời trong hay đục, trăng sao sáng hay mờ, mặt trời vàng hay đỏ. Hát ví Nghệ Tĩnh là một trần đồ âm nhạc mà đi vào nó tùy vốn sống, vốn hiểu biết và cảm thụ âm nhạc mà nhân ra những khoảng trời giai điệu, âm thanh khác nhau, rất dễ sa vào những nhận định cảm tính. Cho nên không phải là vô cớ khi có người đã nhận xét ở Nghệ Tĩnh chỉ có một điệu ví. Âm nhạc của ví phường cấy, ví đồng ruộng chân chất mộc mạc mà đằm thắm, càng nghe càng cảm nhận rõ cái chất của thợ cày cấy mà các điệu ví khác do tính chất của công việc chưa có đến độ đằm sâu như thế. Ví phường cây nếu có sự chanh chua thì cũng là sự  chanh chua rất đồng ruộng, không như ví đò đưa hay ví phường vải. Công việc của phường đò, phường vải là phường lao động thủ công đã có yếu tố của thị dân, vì đi đò là đi đến chợ bán mua, quay xa dệt vải cũng phải đến chợ mua bông bán vải, có mua rẻ bán đắt thì mới có lãi có lời, cho nên phường vải, phường đò gắn với phường buôn, còn phường cấy phường gặt lại gắn với nhà nông. Hãy nghe họ chửi nhau bằng câu ví:

Mồ cha mả mẹ chi đây

Mà đêm anh viếng mà ngày anh thăm.

Đó là câu hát của người con gái khi không muốn anh chàng cứ đến ám mình nhiều quá, mà thật ra cô không yêu. Nghe vậy, biết là mình bị đuổi, ê mặt lắm đành chửi lại một câu:

Đường cái anh đi thẳng băng

Anh có đi lên cao tổ thượng tằng nhà em mô.

Dù là chửi nhau thật nhưng không mang tính cay cú độc địa như:

Thật vàng hay tiếng kêu rè

Hay là anh thợ bạc đổ hàn the vô rồi.

Khi chàng trai nghe cô gái bị nghi ngờ:

Thật vàng chẳng phải thau đâu

Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443447

Hôm nay

25

Hôm qua

2333

Tuần này

21260

Tháng này

218621

Tháng qua

112676

Tất cả

114443447