Bên cạnh những thành quả do kinh tế thị trường mang lại, nhiều khó khăn bất trắc đang tồn tại, gây ra sự bất ổn cho gia đình và xã hội. Sự khác biệt về kinh tế khiến cho các gia đình nghèo rơi vào tình trạng không đáp ứng được các điều kiện sống tối thiểu để tồn tại, chưa nói đến phát triển bền vững. Mức độ tăng thêm số lượng hộ gia đình chậm lại, quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi. Vấn đề bình đẳng giới, chăm sóc người già, trẻ em mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn đang còn nhiều bất cập. Những biến động về kinh tế - xã hội cùng với lối sống công nghiệp khiến các thành viên trong gia đình ngày càng có ít thời gian bên nhau dẫn đến các mối quan hệ trong gia đình đang có xu hướng lỏng lẻo hơn. Vai trò làm cha mẹ trong cuộc sống hiện đại đang có biểu hiện bị suy giảm ở nhiều gia đình vì những lo toan thái quá trong làm kinh tế mà ít chú ý đến việc giáo dục nhân cách đối với con cái. Bạo hành, cô đơn và bị bỏ rơi vẫn còn tồn tại với khá đông phụ nữ, người già và trẻ em. Đời sống gia đình đang xảy ra nhiều mâu thuẫn với mức độ ngày càng phức tạp và diễn biến dưới nhiều hình thức. Tình trạng kết hôn bất hợp pháp, bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn... đang có chiều hướng gia tăng. Các kiểu sống gia đình không bình thường so với lối sống truyền thống đang nảy sinh và trở thành vấn đề xã hội nan giải, như sống chung không kết hôn, không muốn sinh con, lối sống thử, sống độc thân hoặc kết hôn đồng tính để lại nhiều hậu quả tiêu cực đối với việc ổn định thiết chế gia đình. Lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ, cổ súy cho tư tưởng tự do phát triển cá nhân... đang là nguy cơ làm mai một, xói mòn nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Gia đình, dòng họ có vị trí đặc biệt trong tổ chức xã hội trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa… của người Việt Nam. Nếu gia đình, dòng họ có sự rạn nứt nhất định sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cả cộng đồng. Sự chuyển biến về cấu trúc, chức năng của gia đình truyền thống Việt Nam là đương nhiên trong sự vận động phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Song sự biến đổi các giá trị gia đình tốt đẹp trong xã hội đương đại Việt Nam là một nguy cơ có thật cần được nhận rõ để khắc phục.
Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam hiện nay là cùng với việc tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.
Để hóa giải, vượt qua được những thách thức đó, nhất thiết phải bắt đầu từ nội lực lao động, nội lực văn hóa của mỗi người, mỗi gia đình. Mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế, một không gian văn hóa. Nếu có đời sống kinh tế ổn định và ngày càng sung túc, nhất định các giá trị văn hóa, đạo đức của mỗi gia đình sẽ được tôn vinh, gìn giữ và phát huy trong lòng sự vận động phát triển của xã hội hiện đại. Muốn vậy, Nhà nước cần có vai trò định hướng giá trị và tạo điều kiện để mọi người vun đắp các giá trị gia đình và qua đó vun đắp các giá trị mới tốt đẹp của cộng đồng xã hội.
Chuyện gia đình không chỉ là chuyện của một người, một nhà, đó là chuyện của cả nước, chuyện mang tầm quốc gia, có ý nghĩa bền lâu của đất nước.