Xứ Nghệ ngày nay

Nghệ An thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

XUẤT phát từ truyền thống nhân văn của dân tộc và phù hợp với xu hướng tiến bộ của nhân loại, ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Bình đẳng giới nhằm bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh.

Trong những năm qua, công tác phụ nữ nói chung và thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ở Nghệ An đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cấp hội phụ nữ được đẩy mạnh, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, kêu gọi cộng đồng chung tay hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ.  Đáng chú ý là hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật về bình đẳng giới nhằm giải quyết các tranh chấp do mẫu thuẫn vợ chồng, bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai… được đẩy mạnh góp phần ổn định xã hội, đem lại bình yên, hạnh phúc cho hàng nghìn gia đình. Các địa phương trong tỉnh tổ chức được nhiều diễn đàn về tổ chức cuộc sống gia đình, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.761 mô hình truyền thông có hiệu quả như: “CLB “Giáo dục và cuộc sống”, “Phòng chống tội phạm”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Cộng đồng tham gia phòng chống bạo lực gia đình”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Năm 2011 tỷ lệ khu dân cư văn hóa, trong toàn tỉnh đạt 53%, gia đình văn hóa đạt 74%, 37% khu dân cư không có người sinh con thứ ba. Những thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ. Mô hình CLB “Phòng chống bạo lực gia đình” ở phường Thu Thủy (TX Cửa Lò), Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giai đoạn 2010 - 2015 ở Đồng Văn (Thanh Chương) là những điển hình cần được nhân rộng.        

Chính quyền các cấp từng bước quan tâm tới việc lồng ghép chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vào các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội như: hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực; hỗ trợ phụ nữ vay vốn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; thực hiện chính sách đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; các chính sách về an sinh xã hội; hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phụ cấp hàng tháng cho cán bộ nữ; hỗ trợ cán bộ nữ đi học mang theo con nhỏ… Một số cơ quan, đơn vị đã vận dụng hỗ trợ cán bộ nữ đi học, đi đào tạo.

Hiện nay, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đang quản lý nguồn vốn trên 1.800 tỷ đồng, giúp cho hơn 200 nghìn hộ vay phát triển kinh tế, gần 30 nghìn hộ hội viên vươn lên thoát nghèo. Toàn tỉnh hiện có gần 6.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hơn 2.000 mô hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/hộ/năm.

 Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được các cấp, các ngành quan tâm. Trong 5 năm (2007 - 2012), Hội phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức 533 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội và các chuyên đề cho gần 90 nghìn lượt cán bộ. Nữ cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học các lớp cao cấp chính trị chiếm tỷ lệ 15 - 18%. Nữ trong các cấp ủy đảng, HĐND, UBND các cấp từng bước được nâng cao. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 1/17 cán bộ nữ (5,9%); BCH đảng bộ tỉnh khóa XVI có 5/65 cán bộ là nữ (7,69%); số cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ các huyện, thành thị là 30/271 (11,1%); BCH đảng bộ cấp huyện 134/906 (14,8%). Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIII có 3/13 đồng chí (23,07%), tăng 3,07% so với nhiệm kỳ trước. Trong công tác phát triển Đảng, đối tượng nữ được quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Số phụ nữ có triển vọng đưa vào nguồn quy hoạch đều được bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao, điều kiện, cơ hội để phụ nữ cống hiến cho xã hội ngày càng mở rộng. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ở tỉnh ta còn không ít tồn tại, yếu kém. Quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn, dẫn đến hiện tượng sinh con thứ ba, sinh nhiều con trong các gia đình. Không ít phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình đang tồn tại ở nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Các tệ nạn, tội phạm như mại dâm, hiếp dâm, buôn bán phụ nữ ra nước ngoài còn nhức nhối. Tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo còn cao. Hàng nghìn nữ công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp đang phải lao động vất vả nhưng thu nhập dưới mức trung bình, điều kiện sống khó khăn, không được hưởng đầy đủ quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng miền núi, nông thôn còn gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, đi học, vay vốn… để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống. Đa số phụ nữ ngoài việc tham gia lao động nuôi sống gia đình vẫn phải cáng đáng gánh nặng công việc gia đình, chăm sóc con cái. Điều kiện để phụ nữ thành đạt so với nam giới còn rất bất cập.           

Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch ở ba cấp còn thấp, số lượng cán bộ nữ giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền các cấp còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu (theo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên); một số ngành nghề đông nữ nhưng vẫn không có cán bộ chủ chốt là nữ; đa số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo đều là cấp phó. Đến nay cả tỉnh duy nhất có một người giữ chức Chủ tịch UBND huyện (Anh Sơn).  

Để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật. Trên cơ sở các số liệu tổng kết, thống kê và nghiên cứu thực tiễn, cần có cơ chế, chính sách phù hợp với từng đối tượng, vùng miền để tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên tự hoàn thiện mình, xây dựng hạnh phúc gia đình, tham gia công tác xã hội, đoàn thể và quản lý nhà nước. Vai trò tham mưu của các cấp hội phụ nữ cần đặc biệt chú trọng, để Hội thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp lực lượng, là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đông đảo phụ nữ. Và bản thân mỗi phụ nữ cũng cần phát huy truyền thống “Yêu nước, sáng tạo, đảm đang, thủy chung, nhân hậu” của  phụ nữ Nghệ An, khắc phục tâm lý mặc cảm, tự ty, vươn lên hòa nhập cùng thời đại, xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình và góp phần làm cho cuộc sống, xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511487

Hôm nay

2150

Hôm qua

2336

Tuần này

21861

Tháng này

218360

Tháng qua

121356

Tất cả

114511487