Cuộc sống quanh ta

Vũ Ngọc Khánh - Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian tài ba

Nhà nghiên cứu Văn hoá văn nghệ dân gian Vũ Ngọc Khánh vừa qua đời hồi 19g, ngày 26/6/2012, tại nhà riêng phường Kim Mã Thượng ở Hà Nội.

Ông sinh năm 1926 tại làng Hội Thống, nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tham gia hoạt động cách mạng bí mật từ năm 1943, khi còn là một học sinh lớp Đệ tứ trường Quốc học Vinh. Tháng 8 năm 1945, khi vừa tròn 18 tuổi, ông là Huyện uỷ viên, phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nghi Xuân. Sau đó ông chuyển sang phụ trách các công tác tuyên huấn văn hoá cứu quốc. Thanh niên cứu quốc ở huyện nhà. Từ năm 1948 cho đến năm 1973, ông chuyển sang dạy học ở các trường cấp II Hà Tĩnh, cấp III ở Nghệ An, Thanh Hoá.

Trong những năm 1973 - 1980, ông công tác ở Ty Văn hoá Thanh Hoá, phụ trách Tiểu ban Văn nghệ dân gian. Từ năm 1981 cho đến khi nghỉ hưu, Vũ Ngọc Khánh là chuyên viên của Viện Nghiên cứu văn hoá thuộc Viện Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. Nhiều năm ông là Uỷ viên thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, uỷ viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu văn hoá. Năm 1984, ông được nhà nước phong chức danh Phó giáo sư.

Sinh ra và lớn lên tại đất Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Trọng Kim,… con đường hoạt động văn hoá khoa học của Vũ Ngọc Khánh bao gồm nhiều lĩnh vực: sáng tác thơ văn, viết hồi ký, nghiên cứu giáo dục, biên soạn từ điển,vv… song lĩnh vực mà ông để lại phong phú, sâu sắc, ấn tượng đậm đà trong lòng công chúng hơn cả là sưu tập, nghiên cứu văn hoá văn nghệ dân gian. Sách "Các tác gia nghiên cứu văn hóa dân gian" đã xếp ông là một trong 14 gương mặt nổi bật của Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1990 (1).

Kể từ ngày ra Thanh Hoá, phụ trách Tiểu ban Văn nghệ dân gian, sinh hoạt trong nhóm Lam Sơn, vừa đi điền dã vừa học tập thêm, vừa nghiên cứu biên soạn,... ông đã chủ trì cho ra đời hàng chục đầu sách về văn hoá văn nghệ dân gian Thanh Hoá, như Ca dao Thanh Hoá, Truyện Khăm Phanh (1974), Dân ca Thanh Hoá (1963), Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn (1973), Kỷ yếu hội nghị chuyên đề Đẻ đất đẻ nước (1973),...

Song tài năng của ông nở rộ rực rỡ từ ngày ông ra Hà Nội làm chuyên viên của Viện Nghiên cứu dân gian. Tắm gội văn hoá đất Thăng Long, địa bàn hoạt động được rộng mở và có nhiều điều kiện thuận lợi lại là con người hoạt động xông xáo, cởi mở, chân tình, ông đã cho ra đời hàng chục đầu sách có tầm cỡ quốc gia trong phạm vi văn hoá, văn nghệ dân gian như: Giai thoại văn nghệ dân gian Việt Nam (1986), Hồ Chí Minh và tâm thực folklone Việt (1991), Lược truyện thần tổ các ngành nghề (1991), Tứ bất tử (1991), Từ điển văn hoá (Chủ biên - 2002), Dẫn luận nghiên cứu folklone Việt Nam (1991),…

Đáng chú ý là ông đã chủ trì nhiều kho tàng:

- Kho tàng giai thoại Việt Nam

- Kho tàng truyện trạng Việt Nam

- Kho tàng truyện cười Việt Nam

- Kho tàng truyện thần kỳ Việt Nam

- Kho tàng thần thoại Việt Nam

- vv…

Có lẽ ông đã hiểu rõ vai trò của văn hoá văn nghệ dân gian nên mới chủ trì biên soạn nhiều kho tàng như thế.

Ngoài ra ông còn chủ biên hoặc tham gia biên soạn nhiều tỉnh chí, như:

- Địa chí Vĩnh Phúc (1886)

- Địa chí Lạng Sơn (1999)

- Địa chí Cao Bằng (1999)

- Địa chí Thanh Hoá (2002)

- vv…

Đối với quê hương xứ Nghệ, ông là người có "tâm tình sâu sắc" rất nặng nợ đối với đất núi Hồng sông Lam. Từ 1942, hầu như các hội thảo khoa học nào về văn hóa văn nghệ dân gian nào ông cũng báo cáo tham gia như: Hội thảo văn hoá truyền thống 6 tỉnh phía bắc miền Trung, Hội thảo văn hoá các dòng họ, Hội thảo gia phong, Hội thảo về ca trù, về làng xã ở xứ Nghệ,… rồi Hội thảo về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Kinh, Phan Bội Châu, nhất là Nguyễn Du Truyện Kiều của Nguyễn Du. Công trình ông để lại đậm nét là: "Địa chí văn hoá dân gian xứ Nghệ" do Giáo sư Nguyễn Đổng Chi làm chủ biên (1999), "Sao khuê ngàn Hồng"(2005).

Con người "mê mỏi trên đường chẳng nghỉ chân" (thơ Vũ Ngọc Khánh) với tác phẩm hồi ký "Cửa riêng không khép". Nay cuộc đời của tác giả đã khép; song tác phẩm Cửa riêng không khép với bao nỗi niềm, suy tư, kỷ niệm, trải nghiệm,… vẫn còn mãi với thế gian, nhất là trong lòng bạn bè và học trò của ông. Bài viết trong sách "Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian" đã khẳng định:

"Với nhà nghiên cứu họ Vũ, Văn hoá dân gian chính là cái "nghiệp" gắn liền với cuộc đời ông, nó chi phối hầu hết sức lực, thời gian và cả thái độ của ông đối với cuộc sống. Cho nên có thể nói gọn lại , Vũ Ngọc Khánh đã xem nghiên cứu văn hóa dân gian như là một lẽ sống, biết quý trọng thời gian của mình, giành giật với nó từng ngày, từng giờ để làm việc, biết vượt qua mọi điều thấp cao của cuộc sống mà tìm đến con đường đóng góp của khoa học"(1). Nhận xét đó còn tươi rói trong thời gian gần đây. Chỉ hơn nửa năm thôi, khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, dạ dày bị cắt hết, thế mà trên giường bệnh tại gia đình ông vẫn sắp xếp lại những bài viết chưa sử dụng để sửa chữa, bổ sung đặng soạn thành một tác phẩm cho ra mắt bạn đọc.

Riêng tôi, người thường được bạn hữu nhắc đến mỗi khi có cuộc trao đổi nào đó về việc "cày xới các vùng văn hoá" "Vũ Ngọc Khánh ở xứ Nghệ ra xứ Thanh, còn Ninh Viết Giao ở xứ Thanh lại vào xứ Nghệ". Cũng là cái duyên, tốt nghiệp Đại học sư phạm Văn khoa Hà Nội, hè 1956. Được Bộ Giáo dục cử vào công tác ở Liên khu IV, đeo ba lô tới Nghệ An, ngày 12/9/1956, tôi được bổ về dạy cấp III Huỳnh Thúc Kháng. Cũng chính ngày ấy,Vũ Ngọc Khánh chào bạn bè và tạm từ giã cấp III Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh ra dạy cấp III Lam Sơn, Thanh Hoá. Kỷ niệm thật khó quên. Nay ông qua đời, thương ông quá! nhớ ông quá!

Ngày 27/6/2012

                                                                                                    



(1) Các tác gia nghiên cứu văn hoá dân gian, Nguyễn Xuân Kính chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.

(1) Nguyễn Xuân Kính chủ biên, Sdd. Bài viết của Nguyễn Thuý Loan, trang 199.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570140

Hôm nay

2176

Hôm qua

2367

Tuần này

22523

Tháng này

228664

Tháng qua

129483

Tất cả

114570140