ĐỂ dân ca xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy, từ năm 1999, ngành VHTT đã phối hợp với ngành GD&ĐT, Đài PTTH Nghệ An triển khai chương trình đưa dân ca vào trường học.
ĐỂ dân ca xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy, từ năm 1999, ngành VHTT đã phối hợp với ngành GD&ĐT, Đài PTTH Nghệ An triển khai chương trình đưa dân ca vào trường học.
Ngày 27/2/1999, 3 ngành đã phối hợp ban hành văn bản liên tịch số 137/CV-LT về tổ chức chương trình đưa dân ca vào trường học. Tháng 8/1999, cuộc thi tìm hiểu và hát dân ca được tiến hành thí điểm trong 4 trường THCS (phường Lê Mao, phường Cửa Nam, thị trấn Quán Hành, thị trấn Thái Lão). Hai ngành Văn hóa và Giáo dục đã tổ chức tập huấn cho cán bộ văn hóa của các huyện, thành, thị, giáo viên âm nhạc các trường và phụ trách đoàn đội; xuất bản cuốn “Dân ca ba miền chọn lọc dùng trong nhà trường” gồm 21 làn điệu dân ca, trong đó có dân ca Nghệ Tĩnh. Từ năm 2001 đến năm 2010, cuộc thi “Tìm hiểu và hát dân ca trong trường học tỉnh Nghệ An” được tổ chức 2 lần (2001 và 2010). Đến nay, 100% các trường phổ thông từ tiểu học đến THPT đã triển khai thực hiện chương trình. Ngành GD&ĐT coi việc dạy và hát dân ca là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua. Phong trào đã khuyến khích các thầy cô giáo và HS sáng tác, cải biên và đặt lời mới dựa theo dân ca Nghệ Tĩnh để HS thực hành và biểu diễn trong những dịp lễ hội, ngày truyền thống của trường. Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nói: “Việc đưa dân ca vào trường học đã khơi dậy được phong trào hát dân ca, tìm hiểu về dân ca trong hệ thống trường học tỉnh nhà, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của GV và HS. Phong trào có điều kiện phát triển hơn khi được gắn với phong trào xây dựng “trường học thân thiện HS tích cực”.
Nhìn lại quá trình thực thi chương trình đưa dân ca vào trường học từ năm 1999 đến nay, sau gần 13 năm triển khai thực hiện, tuy đã được triển khai rộng rãi, nhưng qua khảo sát và tìm hiểu thực tế một số trường học, chúng tôi nhận thấy hiệu quả của phong trào mới chỉ dừng lại ở hoạt động bề nổi, chiều sâu còn hạn chế, chưa tạo ra được chuyển biến thực sự trong nhận thức, tình cảm và kỹ năng của học sinh về dân ca.
Qua khảo sát một số trường ở huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, chúng tôi thấy các trường đều triển khai theo đúng chủ trương của ngành nhưng hiệu quả còn khiêm tốn. Có trường triển khai một cách chiếu lệ, hình thức, để HS và GV giải trí là chính. Các trường chỉ xây dựng đội văn nghệ trong đó có hát dân ca Nghệ Tĩnh để đi thi, biểu diễn trong những ngày lễ hội mà chưa quan tâm tới hiệu quả dạy và học đến đâu, HS hiểu biết dân ca, yêu dân ca và biết hát dân ca đến mức độ nào... Các GV dạy nhạc phản ánh thời gian học âm nhạc dành cho các trường quá ít, đặc biệt dân ca Nghệ Tĩnh không có trong chương trình chính khóa nên GV âm nhạc bị động trong việc bố trí thời gian. Giáo trình dạy dân ca Nghệ Tĩnh, phương tiện dạy dân ca không có nên các GV đều phải tự tìm tòi, mò mẫm. Tình trạng dạy chay, hát chay là phổ biến.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Hiện nay số GV âm nhạc có niềm đam mê, tâm huyết với dân ca không nhiều, lực lượng GV có trình độ chuyên môn về dân ca Nghệ Tĩnh thật sự hiếm”. Đây là hạn chế cơ bản ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học dân ca. Đến nay GV âm nhạc bậc THCS vẫn chưa đủ. Các GV âm nhạc chưa được tập huấn một cách có hệ thống lí luận chuyên môn về dân ca. Một trong những “lực cản” chủ yếu của chương trình là HS ngày nay tiếp xúc quá nhiều với âm nhạc hiện đại trong khi ít được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ hát dân ca, nghệ nhân dân ca, ít được hòa mình trong môi trường sinh hoạt dân ca, khoảng cách giữa các em với dân ca ngày càng xa.
Qua tham khảo ý kiến các thầy cô giáo, một số giải pháp được nêu ra như: tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu và hát dân ca hằng năm ở các trường; Tổ chức cho các nghệ sĩ, nghệ nhân dân ca gặp gỡ giao lưu với HS. Trong chương trình, cần bắt đầu triển khai ở cấp mẫu giáo và tiểu học, GV mầm non phải được học âm nhạc truyền thống, trong đó có dân ca. Trong giờ ngoại khóa nên hướng cho HS vào các trò chơi dân gian… Theo chúng tôi, các giải pháp nói trên nếu được triển khai vẫn chưa thể tạo sự chuyển biến thực sự cho phong trào một khi cả ba nhân tố Nhà trường - Gia đình - Xã hội đều chưa thực sự coi trọng dân ca.
Việc đưa dân ca vào trường học là một chủ trương đúng, bởi vì cách bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ Tĩnh hay nhất, đúng đắn nhất là trao truyền vốn âm nhạc dân gian cũng như tình yêu và trách nhiệm đối với di sản quý của quê hương cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc để đạt được mục tiêu nói trên là hết sức khó khăn. Vì vậy, thiết nghĩ ngành Văn hóa - Giáo dục cần có sự đánh giá, tổng kết nhìn nhận về kết quả triển khai phong trào đưa dân ca vào trường học trong thời gian qua với tinh thần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, cùng trao đổi, bàn bạc để tìm ra những giải pháp có hiệu quả.
2139
2336
21850
218349
121356
114511476