Đất Nghệ

Kéo gỗ và hò kéo gỗ ở làng Hậu Luật (i)

TRONG Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (NXB Khoa học Xã hội 1988), từ Cười được định nghĩa: “cử động môi, hoặc miệng, có thể đồng thời phát ra thành tiếng, biểu lộ sự thích thú hoặc thái độ, tình cảm nào đó”, có 28 mục từ về cười: cười chê, cười cợt, cười duyên, cười gằn, cười góp, cười khà, cười khảy, cười khì, cười mát, cười mũi, cười nắc nẻ, cười ngất, cười nhạt, cười nịnh, cười nụ, cười ruồi, cười tủm, cười vỡ bụng…

Trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ hai, nhà văn Nguyễn Tuân có đọc bài tham luận Cần cười. Ông tổng kết người Việt Nam có “hơn một trăm mẫu cười khác nhau”: Cười động cỡn, cười nôn ruột, cười xúy xóa, cười vãi đái, cười ba lơn, cười bông phèng, cười trịch thượng, cười phổng mũi, cười xã giao, cười hô hố, cười the thé, cười thơn thớt, cười đú đởn, cười ngả ngớn, cười vỡ bụng…

Nhu cầu về nụ cười, tiếng cười, trước hết là một nhu cầu về tâm lý. Người ta dùng tiếng cười trong rất nhiều trạng thái tâm lý. Lúc tỏ tình giao duyên, lúc khinh bỉ? Lúc yêu lúc ghét. Lúc đồng tình lúc phản đối… Nhưng tiếng cười cũng có tác động đến sinh lý. Ngạn ngữ ta có câu: “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”. Các nhà khoa học đã khám phá ở bán cầu não bên phải là trung khu của tiếng cười. Ngay lúc cười đã tạo ra một động tác có ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể như phổi, tim, cổ, cơ mặt, mũi, dạ dày… Như vậy, tiếng cười không chỉ đem đến cho người ta tâm trạng sảng khoái, xua đuổi những cơn buồn đau; mà còn là một nhịp điệu thể dục nhẹ nhàng mà có hiệu quả làm tăng sức khỏe […] Đã có lần, chủ tịch Quốc hội Ấn Độ phát biểu: “Hãy cười thoải mái, cười khoái trá để xua đuổi mọi nỗi cực nhọc trong cuộc sống hàng ngày”.

Nhân loại từ cổ xưa đến nay, quý trọng tiếng cười biết bao nhiêu. Thế hệ này qua  thế hệ khác, tiếng cười được phát triển thành nhiều kiểu, nhiều hình thức gây cười. Và người ta giữ gìn tiếng cười như giữ gìn một kho báu văn hóa. Bảo tàng cười ở Montreal (Canada) thu hút đông đảo khách vào tham quan và vào để tham dự những cuộc cười. Ở Bungari có một làng cười nổi tiếng. Người ta xây dựng Bảo tàng cười với bức tường lớn ghi dòng chữ: “Loài người sống được là nhờ có tiếng cười”.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu có tiếng cười. Dân gian sáng tạo ra những nhân vật cười hóm hỉnh và thông minh như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất…, gần đây nhất có Ba Thi. Truyện tiếu lâm là một rừng cười một rừng vàng.

Nghệ Tĩnh là mảnh đất đã sản sinh những kiểu cười độc đáo. Trong trường kỳ lịch sử, người nông dân đã trằn lưng vật lộn với gió lửa, bão lũ và những trận cuồng phong ngoại xâm. Từ trong đó, tiếng cười lạc quan vang lên, tạo ra sức mạnh hợp quần và góp phần thúc đẩy tiến trình lịch sử. Một số nhà folklore cho rằng: tiếng cười là vũ khí của kẻ yếu. Theo tôi, không hẳn như thế. Đúng là dân gian đã dùng ca vè, truyện tiếu lâm để đả kích sự thối nát của bọn quan trường chế độ phong kiến và bọn ăn trên ngồi trốc. Họ đã dùng tiếng cười của các thể loại văn học đó để chủ động tấn công vào đối phương, các thể loại văn học đó là một loại vũ khí khác các loại quân chủng khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Vậy thì không thể kết luận rằng tiếng cười là vũ khí của kẻ yếu.

Trên mảnh đất gió Lào khắc nghiệt, cùng đồng hành với các thể loại văn học dân gian trữ tình như hát ví, hát giặm, có các thể loại văn học dân gian trào phúng như vè, ca dao châm biếm, đặc biệt có chuyện trạng và hò kéo gỗ.

Khắp mọi làng xa xóm vắng trong xứ Nghệ, chuyện trạng nở như ngô rang. Ở ngoài Bắc, có làng cười Văn Lang nổi tiếng, thì ở Nghệ Tĩnh có nhiều làng cười. Làng nào cũng có đến dăm bảy “ông trạng”. Những buổi lao động tập thể như đắp bờ, đào ao, đào giếng, đào mương…, sự có mặt của các “ông trạng” là rất quan trọng. Chuyện trạng rôm rả gây nên tiếng cười dòn dã khiến người ta quên đi nỗi lao động cực nhọc. Chuyện trạng đã được các nhà folklore sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn thành sách. Duy có kho tàng Hò kéo gỗ dường như chưa có nhà folklore nào đã động đến.

Hò kéo gỗ đã bị lãng quên và đang bị lãng quên. Theo tôi, vì hai lý do:

1. Kéo gỗ không phải là một thứ lao động thường xuyên theo thời vụ hàng năm. Khi cần xây dựng nhà hoặc cần xây dựng những công trình công cộng, người ta mới mua gỗ và kéo gỗ. Năm được mùa, người ta mới làm nhà. Năm mất mùa, chẳng ai làm nhà. Vì thế, có những năm không hề có ai mua gỗ và không hề có buổi kéo gỗ nào.

Có lẽ vì thế chăng, các nhà folklore không biết đến, và nếu có biết thì cũng không xếp kéo gỗ và hò kéo gỗ vào trong những tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian.

2. Hò kéo gỗ rất tục và cái tục đó thường hướng về chuyện tình dục xác thịt. Dưới con mắt của các học giả còn mang nặng tư tưởng Nho giáo: tục tĩu quá, không phải là chuyện văn chương!!! Xin thưa… Tại sao trong các tháp chàm, người ta thờ trang trọng cái Linga và cái Yoni? Không những thờ, mà người ta còn lấy nước rửa linga đem về cất như một thứ nước quý… Tại sao trong lễ hội mùa xuân, nhiều làng ngoài Bắc rước cái "nõn nà" và nhiều làng ở Nghệ Tĩnh rước cái “đáng mo neo”? Tại sao trong phút giao thừa, có nơi tại đình làng người ta tắt đèn để trai gái được tự do tỏ tình với nhau trong bóng tối?

Quả thật là nội dung hò kéo gỗ rất tục. Tục không khác gì chuyện tiếu lâm. Thậm chí còn tục hơn truyện tiếu lâm. Tại sao các nhà folklore lại chủ tâm sưu tầm, biên soạn và nghiên cứu truyện tiếu lâm, mà lại bỏ rơi hò kéo gỗ? Có lẽ lý do xác đáng là chưa mấy ai biết đến loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo này.

Tôi là một người con của Nghệ Tĩnh, đã nghe hò kéo gỗ ở Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Đức Thọ, Thạch Hà… Ngay tại làng tôi, làng Hậu Luật, một làng thuộc vùng đồng chiêm trũng ở Diễn Châu, đã được tham dự nhiều buổi kéo gỗ và được nghe nhiều câu hò kéo gỗ. Từ điển Tiếng Việt và nhà văn Nguyễn Tuân đã đề cập đến loại “cười vỡ bụng”. Hò kéo gỗ là thể loại “vua” trong tất cả các thể loại văn học dân gian “cười vỡ bụng” một thể loại dân ca rất độc đáo. Không có lý gì mà tôi lại bỏ quên một kho tàng sáng tạo của ông cha. Không có lý gì mà tôi không ghi chép lại để trình với các nhà folklore và với bàn dân thiên hạ.

Nhiều nơi trên thế giới người ta xây dựng Bảo tàng cười để lưu giữ một bộ phận văn hóa của dân tộc mình. Tôi tự đặt trách nhiệm: không xây dựng được Bảo tàng thì hãy ghi chép và lưu giữ trong sách vở. Mèo bé bắt chuột con, tôi không sưu tầm được hò kéo gỗ trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh, bước đầu xin trình làng những câu hò của làng tôi. Đây là những câu hò tôi nghe được ở làng tôi, thực ra trong đó có nhiều câu cũng lưu truyền ở các làng khác. Sẽ có tội với các bậc tiền nhân nếu ta vô tình quên lãng vốn văn hóa dân tộc là một bộ phận rất nhỏ. Tôi hy vọng những người quan tâm đến văn hóa dân gian sẽ tiếp tục sưu tầm và biên soạn, nghiên cứu hò kéo gỗ. Đây là một “đặc sản” của văn hóa xứ Nghệ đã từng tồn tại và phát triển cùng với hát phường vải và các thể loại hát ví khác.

Làng Hậu Luật được thành lập từ sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi. Lịch sử hành trình qua sáu trăm năm bà con nông dân đã đổ mồ hôi sôi nước mắt tạo dựng làng xóm ngày một thịnh vượng, đồng thời đã sản sinh ra một kho tàng văn hóa phong phú. Cũng như nhiều làng khác ở Nghệ Tĩnh, Hậu Luật có hát ví phường vải, ví phường cỏ, ví phường củi, ví phường cấy phường gặt; có hội tuồng nổi tiếng ở huyện Diễn Châu. Đặc biệt là có rất nhiều vè. Thời nào cũng có người đặt vè, tên tuổi và tác phẩm của họ lưu truyền từ đời này qua đời khác. Và thời nào cũng có người kể chuyện trạng. Tên riêng của họ được ghép vào từ “Trạng” trở thành danh từ ghép: Trạng Tiến, Trạng Hậu, Trạng Đào… Trong số đó, nổi bật nhất là Trạng Giật.

Tên thật của ông là Võ Văn Hành. Con đầu lòng của ông tên là Giật, dân làng gọi ông là ông Hành Giật. Vì ông có tài kể chuyện trạng, cho nên mọi người quen gọi là ông Trạng Giật.

Ông là nông dân nghèo, thường mang lưới đi đánh cá hết vùng đồng sâu này đến vùng đồng sâu khác. Những cánh đồng trũng này người ta gọi là “rộc”. Ruộng rộc chỉ cấy chiêm. Thu hoạch chiêm xong là bỏ hoang cho đến gần tết. Cho nên, muốn đánh được cá, ông phải đi vào mùa đông. Ngoài mấy hạt thóc, nguồn thu nhập quan trọng là đánh cá. Rét căm căm, nửa đêm đã thức dậy mang lưới đến những cánh đồng xa, chừng nửa chiều thì về, vợ con mang cá ra bán ở chợ chiều. Nhiều người trong làng thích theo ông đi đánh cá, vì ông biết rất rõ cánh đồng nào nhiều cá, mặt khác ông lại hay kể chuyện trạng. Vừa đánh cá vừa nghe chuyện của Trạng Giật, cười vỡ bụng, quên hết mệt nhọc.

Những buổi lao động tập thể của dân làng như đào ao, đắp bờ, sự có mặt của Trạng Giật làm cho năng suất lao động tăng hẳn lên. Rồi đêm đến, bà con tập trung ở bờ giếng Đình, cồn Đình, cồn Hói… nghe Trạng Giật kể chuyện, tiếng cười vang lên làm tiêu tan mọi mệt nhọc sau một ngày tắm nắng dầm mưa. Cái tên “Trạng Giật” được mọi người sử dụng như một tính từ. Ai kể chuyện gì có tính chất bịa đặt, người nghe không tin, liền nói: “lại Trạng Giật rồi!”. Người nghe co khuỷu tay vừa làm động tác giật lên giật xuống vừa nói “giật! giật! giật!...”.

               (Còn nữa, kì sau đăng tiếp)


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511258

Hôm nay

2257

Hôm qua

2359

Tuần này

21632

Tháng này

218131

Tháng qua

121356

Tất cả

114511258