Xứ Nghệ ngày nay

Nhận diện “chỗ đứng” của dân ca trong đời sống hôm nay

MUỐN biết vị trí của dân ca trong đời sống hôm nay ra sao cần trả lời câu hỏi là liệu dân ca có còn tồn tại trong cộng đồng hay không? Trả lời câu hỏi này không đơn giản. Nếu nói tồn tại là phải có sinh hoạt dân ca như trước kia với môi trường diễn xướng trong lao động thì có thể xem là không còn, nhưng nếu quan niệm còn tồn tại ở một số người biết hát; được sưu tầm, nghiên cứu và văn bản hóa một số bài dân ca gốc... thì rõ ràng dân ca vẫn tồn tại ở mức độ nhất định.

 Nếu được dùng hình ảnh về thực trạng dân ca hiện nay thì có thể nói, dân ca vẫn tồn tại như những hòn than còn ủ lửa trong mỗi căn bếp nhỏ của nhiều gia đình xứ Nghệ. Với nhiều địa phương đã thành lập được CLB đàn hát dân ca cũng có thể quan niệm dân ca vẫn còn tồn tại dù chỉ trong phạm vi cộng đồng nhỏ hẹp. Điều quan trọng là lớp trẻ hiện nay có yêu thích dân ca xứ Nghệ nữa hay không? Qua một cuộc khảo sát “mi ni” của chúng tôi tại một lớp học (khoảng hơn 20 em học sinh lớp 12 trường THPT) thì hầu hết đều bày tỏ niềm yêu thích dân ca, xem dân ca là món ăn tinh thần mang đậm bản sắc quê hương. Có dịp trò chuyện với thầy Nguyễn Đức An, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phạm Hồng Thái, Hưng Nguyên, được biết: Trường THPT Phạm Hồng Thái nhiều năm qua đã có thành tích khá trong việc đưa dân ca vào trường học, qua hai kỳ tham gia hội thi hát dân ca trong trường học đã đạt hai giải A cấp tỉnh. Thầy An cũng cho biết thêm, nhiều giáo viên và học sinh của trường có năng khiếu về hát dân ca nhưng khó khăn hiện nay là khâu truyền dạy cho lớp sau, thời gian tập luyện hạn chế, việc tổ chức dạy và tham gia hội diễn rất khó. Kế hoạch khuyến khích các tác phẩm dân ca đặt lời mới cho hội diễn dịp chào mừng ngày 20/11 được các em rất hưởng ứng nhiệt tình.

Cũng qua khảo sát một số người thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều miền quê, hầu hết đều trả lời vẫn yêu thích dân ca và còn cho biết nhiều người thân trong gia đình mình cũng yêu thích dân ca. Nhìn chung, có thể nói là chưa phải mọi người hoàn toàn “quay lưng” với dân ca, dân ca vẫn còn chỗ đứng trong đời sống văn hóa, thẩm mỹ của cộng đồng. Nhưng vì sao việc phục hồi dân ca vẫn hết sức khó khăn? Nhưng, nếu chỉ có yêu thích dân ca mà không có người biết hát dân ca, không có sinh hoạt dân ca thì cũng có thể xem như không tồn tại. Dù quan niệm dân ca còn tồn tại ở cộng đồng theo nhiều dạng và mức độ nhất định nhưng không tạo được phong trào, không phục hồi được môi trường diễn xướng thì dân ca vẫn đứng trước nguy cơ mai một.

Vậy khi môi trường diễn xướng không còn, dân ca mai một thì chúng ta phải hành động ra sao? Điều cốt yếu là khâu tổ chức, cần có chủ trương và hành động cụ thể, thiết thực cho dân ca mới là quan trọng nhất. Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Quang Liễn ở làng Nho Lâm (Diễn Thọ, Diễn Châu) thẳng thắn cho rằng, để phục hồi dân ca xứ Nghệ nói chung, một vài người không thể làm nổi mà phải có vai trò của chính quyền, các ban ngành đồng lòng chung sức mới tạo thành phong trào, có tổ chức tập luyện, có quá trình nhiều năm thật kiên trì (như hát Xoan Phú Thọ) mới được. Khi tạo nên được phong trào tập luyện sẽ từng bước tạo nên niềm hứng thú say mê cho người tham gia, và khi đó mới phục hồi được. Việc đưa dân ca vào trường học, sân khấu hóa dân ca hay đưa dân ca vào phục vụ du lịch… vì sao vẫn gặp nhiều khó khăn? Nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cho rằng, đó là những ý tưởng tốt nhưng do nhận thức vẫn còn xem nhẹ văn hóa, người tâm huyết lại không có điều kiện, không có quyền hành, ngược lại người có điều kiện, có quyền hành lại thiếu tâm huyết, không dấn thân cho dân ca.

Thực tế hiện nay, dân ca xứ Nghệ đang đứng trước nhiều thách thức, trước hết là bối cảnh xã hội đã khác, trong khi dân ca vốn tồn tại, phát triển trong môi trường lao động, thì nay môi trường diễn xướng ấy đã không còn; chỉ còn trông đợi vào khả năng tạo thành phong trào học hát, biết hát dưới dạng sân khấu hóa. Điều quan trọng mang tính quyết định là phải nghiên cứu để tìm cho ra, tạo cho được môi trường sống mới của dân ca. Trong cuộc sống của các cộng đồng dân cư? Trên sân khấu? Đó là những câu hỏi mà chúng ta đã và đang đi tìm lời giải suốt mấy chục năm qua nhưng chưa có nghiệm số đủ sức thuyết phục và có cơ sở đảm bảo cho sự tồn tại của dân ca.

Điều đáng quan ngại nhất là số người thực sự đam mê dân ca, xem dân ca như một nhu cầu tự thân, thiết yếu để cho dân ca tự sống trong đời sống tinh thần của mình ngày càng ít đi trông thấy.

Cần làm gì để cho dân ca tiếp tục tồn tại, ít nhất là theo kiểu như bấy lâu nay, tồn tại trên sân khấu và ở các đội văn nghệ, trong các trường học? Nhiều cán bộ văn hóa ở nhiều địa phương cho rằng, trước hết là từ cơ chế chính sách đối với văn hóa nói chung và trong việc phục hồi dân ca nói riêng. Trong thời buổi này mọi việc sẽ rất khó nếu chỉ trông chờ vào nhiệt tình.

Nhưng cũng xin nói thêm rằng, dù có nhiều tiền đến cỡ nào nhưng không có nghĩ đến, không tìm ra được môi trường diễn xướng phù hợp với tính chất, đặc điểm của nó thì dân ca Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục mai một.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511585

Hôm nay

2248

Hôm qua

2336

Tuần này

21959

Tháng này

218458

Tháng qua

121356

Tất cả

114511585