Văn hoá học đường

Bất cập từ việc bốc thăm chọn trẻ vào trường mầm non

 CHỊ Thu Hiền, khối 11 phường Hưng Bình, TP Vinh có con gái thứ 2 sinh vào tháng 3/2010, năm nay vừa độ tuổi được tiếp nhận vào nhà trẻ. Theo thông báo của trường Mầm non Hưng Bình, chị đã lo đầy đủ hồ sơ gồm đơn có xác nhận của UBND phường, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Điều chị lo nhất là nhà trường chỉ tiếp nhận được 25 cháu, trong khi có đến 75 hồ sơ đăng kí, phải bốc thăm để cho con vào học. Đúng ngày đi bốc thăm, chị chen chúc cùng với hàng trăm phụ huynh, ai cũng lo lắng hồi hộp. Bắt được tờ phiếu báo con được chọn vào học, chị Hiền reo to lên hết sức mừng rỡ.

Trong khi đó, mấy chục phụ huynh khác bốc phải thăm không trúng tuyển, vẻ mặt ỉu xìu, thất vọng. Chị Thu, khối 17 buồn bã nói: “Thật là vô lý khi gia đình tôi là cư dân ở đây, từ trước đến giờ đóng góp đầy đủ cho địa phương nhưng con tôi lại không được nhận vào học tại trường mầm non của phường”. Tâm lý phụ huynh ai cũng muốn cho con vào học tại trường công, vì mức học phí vừa phải, và các cô giáo có nhiều kinh nghiệm, phụ huynh cảm thấy yên tâm. Chị Thu cho biết mức chi phí cho con vào học ở trường công khoảng 1 triệu đồng/tháng; trong khi nếu vào trường tư như trường ở phường Hưng Phúc thì phải 1,6 triệu đồng/tháng, quá cao so với người làm công ăn lương như chị. Năm nay nhà trường chỉ tuyển những cháu sinh từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2010, còn những cháu sinh sau thì đành phải chịu ở nhà, ngay cả quyền bốc thăm cũng không có. Đi học là quyền lợi chính đáng của trẻ em, đối với những gia đình có hộ khẩu thường trú tại phường, mọi nghĩa vụ công ích đều đóng góp đầy đủ nhưng nay con cái không được đi học tại trường công của địa phương là điều bất công. Ai phải chịu trách nhiệm về thiệt thòi của con em, công dân trên địa bàn phường?                                                                                

Sự việc nói trên cho thấy sự quá tải ở bậc học mầm non trên địa bàn TP Vinh đã trầm trọng. Tình trạng này diễn ra nhiều năm qua, nhưng chưa được khắc phục. Năm 2012, Tp Vinh có 15.063 cháu ở độ tuổi mầm non, nhưng 44 trường (công lập và bán công, dân lập, tư thục) chỉ tiếp nhận được 12.242 cháu. Vậy còn 2.821 cháu nữa sẽ học ở đâu? Trẻ không được đến trường như chúng bạn phải chịu rất nhiều thiệt thòi, và các gia đình phải thêm vất vả để giữ con. Thiếu chỗ học cho con, phụ huynh tìm mọi cách để lo lót, kể cả chi tiền cho cò để “chạy”. Không ít người đã “gửi” con từ mấy năm trước vào một gia đình quen biết ở một phường trên địa bàn TP để sau này có cơ sở xin cho con vào học mầm non. Không loại trừ một số trường hợp phụ huynh dựa vào các mối quan hệ để can thiệp xin cho con em vào học. Việc bắt thăm để chọn trẻ vào học là một giải pháp tình thế bất đắc dĩ, nhưng vấn đề đặt ra là liệu với cách làm như trên, tính công bằng trong hưởng thụ giáo dục của trẻ em và quyền trẻ em có được đảm bảo? Một vấn đề nữa là chi phí cho trẻ em học ở trường mầm non khá cao so với mặt bằng thu nhập, nhất là đội ngũ những người làm công ăn lương, mới ra trường. Không ít công chức, viên chức trẻ lương vừa đủ nuôi con, việc lo liệu chi tiêu trong gia đình rất chật vật.

Tại kỳ họp HĐND TP Vinh kỳ họp thứ 4 (khóa XX) ngày 16,17/7/2012, UBND TP đề xuất phương án tham mưu tăng sỹ số các lớp cao hơn quy định 10 cháu/lớp, mượn thêm phòng học, kể cả NVH khối xóm. Đó chỉ là những giải pháp tình thế, gây khó khăn cho các nhà trường và khó bảo đảm chất lượng giáo dục.                

Thực trạng trên cho thấy cần phải nâng cao tính tích cực, chủ động và hiệu quả trong công tác thống kê, dự báo, quy hoạch hệ thống giáo dục, tránh bị động dẫn tới tình trạng thiếu trường lớp kéo dài nhưng không có giải pháp hữu hiệu.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443013

Hôm nay

2209

Hôm qua

2318

Tuần này

2826

Tháng này

218187

Tháng qua

112676

Tất cả

114443013