Văn hoá học đường

Cần một nền giáo dục có tư duy phản biện

NHẬN xét về bài làm của học sinh trong kì thi   tốt nghiệp THPT năm 2012, thầy Nguyễn Đức  Chiến, giáo viên môn ngữ văn trường THPT Kim Liên, cho biết: “Qua thực tế chấm thi, tôi thấy bài làm của học sinh nhìn chung mang tính chất học thuộc, tìm đỏ cả mắt cũng khó mà thấy dấu ấn sáng tạo của cá nhân học sinh. Bài thi nghị luận văn học có nhiều bài tương tự nhau, có tính chất công thức, máy móc, còn bài nghị luận xã hội thì nói chung sơ lược, nông cạn, không có sự sắc sảo, độc đáo”. Tình trạng học sinh làm bài theo kiểu học thuộc, học vẹt hay theo mẫu, theo dạng đã trở thành một căn bệnh trầm kha của giáo dục phổ thông. Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên môn lịch sử THPT ở Yên Thành nói: “Cái yếu nhất của học sinh hiện nay có thể nói là năng lực sáng tạo, sự độc lập trong tư duy. Các em quen với lối tiếp thu tri thức một chiều, ghi nhớ và lặp lại theo mẫu. Dự giờ thao giảng của đồng nghiệp, thấy các em phát biểu khá nhiều, song chủ yếu là nói lại thông tin trong SGK, nội dung đơn giản, ít có sự phát hiện, dấu ấn riêng”. Ở Nghệ An, trong hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm được các thầy cô đúc rút mỗi năm, không thấy bóng dáng của đề tài phát huy tư duy phản biện của học sinh.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên xuất phát từ mô hình “thầy truyền thụ - trò ghi nhớ” đã tồn tại từ rất lâu trong giáo dục. Gắn liền với mô hình đó là quan niệm về thầy giỏi đồng nghĩa với “dạy hay, thuyết giảng hấp dẫn” và trò giỏi tức là “chăm ngoan, thuộc bài”. Mô hình này được duy trì từ tiểu học lên THPT, thậm chí cả lên đại học. Nhiều nhà giáo vẫn quan niệm trò cãi lại thầy, có ý kiến khác với thầy là thiếu tôn trọng thầy. Trong môi trường đó, tư duy phản biện của học sinh không có điều kiện phát huy.

Khoảng chục năm trở lại đây, ngành giáo dục triển khai nhiều phong trào đổi mới phương pháp giáo dục với phương châm phát huy sự độc lập, sáng tạo của học sinh như “lấy học sinh làm trung tâm”, “nói không với đọc - chép”, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học…Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thật khách quan, những hoạt động nói trên đều mang tính chất phong trào, sớm sa vào hình thức và không thực sự có hiệu quả, không tạo ra bước đột phá trong phương pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Cách đây mấy năm, ngành giáo dục triển khai rầm rộ ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, xem đây là một giải pháp trọng tâm để hiện đại hóa giáo dục. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của biện pháp này còn rất nhỏ so với tiềm năng, chỉ dừng lại ở việc thay giáo án viết tay bằng giáo án vi tính, việc ứng dụng giáo án điện tử dẫn đến tình trạng “nhìn chép” thay vì “đọc - chép”… Cái mô hình cốt lõi “thầy truyền thụ - trò ghi nhớ” vẫn không lay chuyển.

Có nhiều lí do dẫn tới việc đổi mới phương pháp dạy học rơi vào tình trạng “giẫm chân tại chỗ”, dù ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực. Trước hết là yếu tố con người: các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo hiện nay đều là sản phẩm của phương pháp giáo dục cũ, coi đó là chuẩn mực, ít có nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tư duy phản biện của người học. Một bộ phận giáo viên năng lực không đáp ứng được yêu cầu dạy học theo hướng rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh. Mặt khác, chương trình quá tải, phương tiện dạy học thiếu thốn… nên giáo viên dù muốn cũng đành phải dạy theo kiểu “đọc - chép” cho kịp chương trình. Về phía học sinh, ngoài lí do chương trình quá tải, tâm lý thực dụng, đối phó theo kiểu “học để thi”, học để lên lớp, lấy bằng cấp triệt tiêu tâm lí tích cực, chủ động trong học tập. Một lí do nữa là do từ nhỏ các em đã quen với kiểu học tập thuộc lòng thụ động nên khó thích ứng với môi trường giáo dục đòi hỏi sự chủ động, độc lập, sáng tạo trong tiếp thu, xử lý thông tin, kiến thức.

Có câu danh ngôn đại ý: Khi một con người không có cái gì là của riêng mình, thì phải thấy ở người đó không có cái gì hết. Nếu không được giáo dục về tư duy phản biện, học sinh có nguy cơ trở thành những con người trì trệ, thụ động, thiếu hụt về tính nhân văn. Một nền giáo dục không có tư duy phản biện sẽ rơi vào khủng hoảng và làm xã hội trì trệ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, xã hội đòi hỏi một cuộc cách mạng trong tư duy giáo dục, để đào tạo ra một thế hệ công dân năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kì hội nhập. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi về tư duy và phương pháp giáo dục.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434757

Hôm nay

228

Hôm qua

2349

Tuần này

21407

Tháng này

211805

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434757