Văn hoá học đường

Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới (Phần 2 - Xóa vùng trũng Tiếng Anh và bình dân học vụ 2.0)

Tiếng Anh đang là ngôn ngữ được sử dụng ở nhiều quốc gia nhất, và là ngôn ngữ được sử dụng trên Internet nhiều nhất, có nhiều thông tin bằng thứ tiếng này nhất. Việt nam hiện đang là vùng trũng tiếng Anh trong khu vực khi các nước xung quanh như Philippine, Singapore, Malaysia, Thailand, Campuchia, Hongkong… với các bước đi phù hợp đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thông dụng của dân chúng.

  

Bản đồ khu vực nói tiếng Anh. Top 5 các nước nói tiếng Anh: Mỹ, Ấn độ, Nigeria, Anh, Philippine (Wikipedia)

Hiệu ứng “Vùng trũng tiếng Anh” là rào cản lớn trong hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ, xuất/nhập khẩu giáo dục của Việt nam, là một thước đo thể hiện mức độ yếu kém của nguồn nhân lực Việt.

Cần phải xem việc xóa “Vùng trũng tiếng Anh” là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Cần xem tiếng Anh là công cụ quan trọng mà không có nó thì không thể hội nhập quốc tế.

Hơn 50 năm trước, với phong trào Bình dân học vụ, học vấn bình dân cho dân chúng được hiểu là “biết đọc-viết”.  Bình dân học vụ 2.0 sẽ phải bao gồm “3 biết”: biết đọc-viết, biết Tin học và biết tiếng Anh. Việt nam đã cơ bản giải quyết xong việc phổ cập “biết đọc- viết”, việc phổ cập “biết Tin học” không phải là công việc quá khó, chỉ cần học một vài tháng, thậm chí không cần trường lớp. Cái biết thứ 3 -  biết tiếng Anh khó hơn nhiều – và biết tiếng Anh phải là biết như một công cụ dùng được - chứ không phải là biết dưới dạng một môn học đã từng được học qua như hiện nay.

Việc xóa mù tiếng Anh phải được giải quyết ở trường phổ thông như một kỹ năng giáo dục phổ cập – để nâng cao dân trí, để người dân có điều kiện tận hưởng các tiện ích xã hội thông qua tiếng Anh, để người dân có điều kiện thể hiện vai trò xã hội đầy đủ hơn, và để đất nước có cơ sở nền tảng hội nhập quốc tế sâu rộng đúng nghĩa.

Việc xóa mù tiếng Anh được giải quyết ở trường phổ thông cũng là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục sau phổ thông (cao đẳng, đại học), tận dụng được học liệu và giảng viên quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục, để xây dựng một nền giáo dục sau đại học mang tính quốc tế hóa, cho phép mơ đến viễn cảnh xuất khẩu giáo dục (thu hút sinh viên nước ngoài đến học ở Việt nam, mở cơ sở đào tạo của Việt nam ở nước ngoài) chứ không chỉ đơn thuần hội nhập theo dạng đi nước ngoài du học như hiện nay. 

Phổ cấp tiếng Anh là con đường Singapore đi cách đây 50 năm, là con đường Malaysia đi cách đây 15 năm, và là con đường Indonesia đang đi hiện nay.

Với dân số đứng thứ 13 trên thế giới, Việt nam cần thực hiện Bình dân học vụ 2.0, đặt mục tiêu chiến lược là xóa “vùng trũng tiếng Anh”, xem đây là nhiệm vụ của giáo dục phổ thông để mau chóng trở thành 1 trong 10 quốc gia có nhiều người dùng tiếng Anh nhất vào năm 2020.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114435004

Hôm nay

2275

Hôm qua

2349

Tuần này

21654

Tháng này

212052

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114435004