Diễn đàn

Vấn đề giáo dục: Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới (*)

Cần một phản tĩnh nghiêm túc và sâu sắc

Ở nước ta, lâu nay, nhiều người thường có thói quen ca ngợi, tán tụng, tuyên dương (thậm chí đòi nhân rộng “mô hình”) một vị lãnh đạo, vị Giáo sư, Tiến sĩ hay một ca sĩ, diễn viên “ngôi sao” nào đó... theo kiểu trước đây từng đi lượm “ve chai”, bán “cà – rem”, bán nước mía, chăn trâu... nhưng nhờ có ý chí và nghị lực vươn lên cộng thêm chút may mắn “từ trên trời rơi xuống” cuối cùng trở thành “nhân tài” hay “nhân vật tiêu biểu”, “cá nhân ưu tú” của đất nước. Có thể hình dung vấn đề này qua “công thức” sau:

  

NHÂN TÀI = MÔI TRƯỜNG NGHÈO KHÓ + MAY MẮN + Ý CHÍ VÀ NỖ LỰC VƯƠN LÊN CỦA BẢN THÂN.
Thật ra, làm gì có nhân tài với cái “công thức” mang màu sắc cải lương nếu không muốn nói là hoang tưởng như thế này. Làm gì có chuyện một cậu bé chăn trâu hay bán vé số không được học hành đến nơi đến chốn đùng một cái biến thành “doanh nhân thành đạt”, thành Giáo sư, Tiến sĩ, thành “lãnh đạo ưu tú” gì đó. Mà cứ cho là có đi chăng nữa thì những “nhân tài” kiểu này sớm hay muộn cũng gây ra đại họa cho xã hội, cho đất nước. Cho nên, những cách nghĩ này, theo tôi chẳng qua là thói quen của lối tư duy mà đằng sau nó là cái tâm lý mặc cảm về sự thua sút - “mặc cảm về thân phận” nhỏ nhoi, hèn kém nên buộc phải “tự đánh bóng” tên tuổi, “tự phong nhân tài” để một cách đầy dối trá và xảo biện mà thôi.
Nói cho cùng, nhân tài vốn không phải là chuyện huyền bí nhưng nhân tài cũng không phải và không thể tồn tại một cách... lơ lửng ở đâu đó. Nhân tài bao giờ và luôn luôn cũng tồn tại trong một “môi trường” cụ thể. Trước hết, đó là “môi trường giáo dục” – cơ sở đầu tiên và quan trọng  giúp phát hiện ra nhân tài; để nhân tài có cơ hội được nảy nở. Tiếp theo, muốn nhân tài ngày một tỏa sáng thì “môi trường xã hội” – nơi con người sống và làm việc có được đảm bảo một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất hay không?
Vì thế, một đất nước, một xã hội muốn có nhân tài thật sự thì nhất định phải được xây dựng trên cơ sở: MÔI TRƯỜNG TỐI ƯU + NIỀM ĐAM MÊ + Ý CHÍ, NỖ LỰC CỦA BẢN THÂN VÀ TOÀN XÃ HỘI.
Một vấn đề nữa, dân tộc ta tuy có bề dày lịch sử 4000 nghìn năm văn hóa và tuy không ai phủ nhận lịch sử dân tộc từng sản sinh ra những cá nhân kiệt xuất được vinh dự trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng ở một phương diện khác, dân tộc Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu vẫn là dân tộc đi “nhập văn hóa” từ những dân tộc khác chứ chưa bao giờ làm được điều ngược lại. Một cách cụ thể, lịch sử chúng ta chưa từng có cá nhân nào có thể đứng ra “lập thuyết” để mang đi xuất khẩu cho các dân tộc khác trên thế giới mà chủ yếu chỉ đi “mượn thuyết” và “dụng thuyết” thôi (ở đây tôi chưa bàn đến việc “dụng thuyết” như thế nào, có hiệu quả hay không hiệu quả?). Nho giáo là của người Trung Hoa, Phật giáo của ngưới Ấn Độ; chủ nghĩa Mác - Ăngghen - Lênin mà từ lâu chúng ta xem là “kim chỉ nam” thì mọi người đã biết là của ai rồi...
Nói điều này để thấy rằng, chúng ta rất cần phải phản tỉnh một cách nghiêm túc về lịch sử 4000 năm văn hóa của cha ông để hiểu rõ hơn vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta có quyền chính đáng để tự hào về những thành tựu của cha ông để lại trong 4000 ngàn năm qua nhưng không nên tự mãn một cách thái quá để rồi vô tình đánh mất đi lòng tự trọng của giống nòi.
Có cảm giác sau khi giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc ở thế kỷ 20 chúng ta đã “ngủ quên trên chiến thắng”, thậm chí là ngủ một giấc rất dài? Để khi dụi mắt thức dậy ngó xung quanh mới hay mình đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vì trong lúc say sưa chìm đắm trong giấc mộng vàng son của quá khứ thì thiên hạ đã vượt mặt và bỏ xa chúng ta từ rất lâu rồi.
Một dân tộc, một đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa rất lâu đời, vậy mà khi “mở cửa” trao đổi, hợp tác làm ăn với bên ngoài, những lúc cần nhập thì nhập “ông chủ”, nhập “chuyên gia” còn khi xuất thì chủ yếu là xuất... “ôsin” (thậm chí giờ đây việc “xuất ôsin” này đang có nguy cơ bị người Hàn Quốc từ chối nữa). Tại sao như vậy? Đã có ai nhìn thấy “chuyện rất lớn” này của một dân tộc 4000 năm văn hiến chưa? Có thấy đau đớn và chua xót không?
Từ góc nhìn văn hóa – giáo dục, chúng ta giải thích như thế nào về chuyện này đây? Chúng ta không có nhân tài thực sự; Hay lẽ ra chúng ta có thể đã có nhiều nhân tài nhưng do “môi trường” – điều kiện tối ưu (cả về vật chất lẫn tinh thần) không được đảm bảo? Nói cho công bằng, có lẽ cách giải thứ hai có vẻ hợp lý và dễ chấp nhận hơn.
Vì thế, nhất định chỗ này chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại mình chứ không thể ngày này qua tháng nọ ôm khư khư những ánh hào quang của cái thời xa lắc xa lơ và nhất là xem đó như một cứu cánh của dân tộc. Và thay vì cứ ôm khư khư những những ánh hào quang xưa cũ ấy mà tự hài lòng, thoả mãn một mình sao không làm mới nó; tức là lẽ ra phải “hiện đại hóa truyền thống” bằng một cái đầu “khai phóng” để bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về mình?
Cho nên, trong khi người ta đã lên tới mặt trăng, lên tới sao hỏa tìm sự sống còn mình vẫn đang loay hoay tìm miếng ăn dưới mặt đất, loay hoay thoát nghèo. Thiết nghĩ, dù muốn dù không chúng ta cũng phải biết xấu hổ về sự thua kém này. Xấu hỗ ở đây hoàn toàn không phải là sự tự ti hay mặc cảm mà là sự tự trọng; tự nhận thức, tự ý thức về giá trị, về vị thế của mình. Phải chăng đó mới thật sự văn hóa mà cha ông đã gầy dựng và để lại cho con cháu trong suốt 4000 năm; là văn hóa của một dân tộc “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”?; là “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” – như cách nói  sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 5 điều căn dặn các học sinh?
 
Thay đổi hay là sống... dật dờ?
Tóm lại, từ những vấn đề trên, tôi cho rằng những ai đang tự ru ngủ mình bằng cái “công thức” đào tạo nhân tài đầy hoang tưởng cũng như suốt ngày mê đắm và thoả mãn trong những ánh hào quang xưa cũ hãy mau chóng tỉnh dậy; phải tự phản tĩnh để mở ra bước ngoặc thay đổi cho giáo dục, từ đó thay đổi vận mệnh dân tộc.  
Cá nhân người viết cho rằng, tương lai dân tộc Việt Nam có thể “nở mày nở mặt” với các dân tộc tiến bộ khác trên thế giới hay không điều này hoàn toàn phụ thuộc vào công cuộc “đổi mới và cải cách toàn diện nền giáo dục” mà sắp tới đây mà Đảng và Nhà nước xem như một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Đây cũng chính là điều mà nhân dân cả nước đang rất trông chờ và kỳ vọng?
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn đưa ra quyết định để lựa chọn; hoặc là chúng ta có một nền giáo dục hiện đại, tiến bộ - một nền giáo dục “khai phóng” nhằm “trả cái đầu lại cho cái đầu” (lời của GS Cao Huy Thuần), phát huy nội lực 4000 năm văn hóa của cha ông tích tụ trong bản thân mỗi người dân Việt Nam; hoặc là, cứ để cho tương lai và vận mệnh dân tộc chìm nổi dật dờ theo kiểu “nước trôi đến đâu lục bình trôi đến đó”?
----------------------
Chú thích:
(*): Thơ Nguyễn Duy - “Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới/ Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?”( Nhìn từ xa Tổ quốc).
-------------------------

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511902

Hôm nay

2228

Hôm qua

2337

Tuần này

22276

Tháng này

218775

Tháng qua

121356

Tất cả

114511902